Yêu thầm_̃10
Chương 10
Lực lái xe đến trường Đại học sư phạm, cố tình đứng ở một góc khuất chờ đợi Thục Hiền đi ra. Anh đợi mãi đợi mãi vẫn không thấy bóng dáng cô đâu. Lực bắt đầu lo lắng. Anh cầm điện thoại nên rồi lại hạ xuống không dám gọi. Anh chạy vào cổng trường định đi vào hỏi thăm thì thấy Thục Hiền đang dắt xe đi ra, dáng điệu có vẻ mệt mỏi.
Lực vội nép vào sau một cái cây to để tránh mặt cô. Thục Hiền lên xe chạy, Lực đi đằng sau cô dõi theo từ xa cho đến khi cô về đến xóm trọ mới an tâm ra về.
Những ngày sau, Lực vẫn đến lén dõi theo Thục Hiền từ xa khi cô tan học. Nhưng chỉ là lén nhìn thôi rồi đi theo cô cho đến khi cô về tận nhà trọ. Thục Hiền vẫn buồn, cô ít cười hơn trước dù thỉnh thoảng cũng có nói chuyện với bạn bè. Gương mặt cô có vẻ xanh xao, hình như là mất ngủ, không còn nét tươi tắn của cô gái tuổi đôi mươi.
Lực lo lắng nhưng không biết làm thế nào. Anh không thể đến gần Thục Hiền. Bạn bè của cô anh lại chẳng quen ai. Nhưng cứ để Thục Hiền mãi trong tình trạng này thật không ổnchút nào. Lòng dạ Lực như kiến cắn, cứ bứt rứt khó chịu trong người như thể có một việc gì đó dang dở chưa thể giải quyết xong được thì dạ chưa thể yên.
Ngày nào Lực cũng lẽo đẽo theo Thục Hiền quãng đường quen thuộc từ trường về nhà. Đến nỗi cô hàng nước còn tưởng tên lưu manh nào đang thầm theo dõi Thục Hiền giở trò xấu.
Sáng hôm sau khi Thục Hiền vừa đến lớp, cô hàng nước liền kéo tay Thục Hiền rồi nhìn trước ngó sau mới thì thầm vào tai cô rằng có một gã đàn ông theo cô cả tuần nay rồi. Nhắc cô cẩn thận hơn. Ban đầu Thục Hiền còn tưởng Kiên không cam lòng nên đã thuê người theo dõi mình nhưng khi nghe cô hàng nước tả dáng người và chiếc xe mô tô phân khối lớn thì Thục Hiền nhận ra đó chính là chú Lực của cô.
Chiều hôm ấy, Thục Hiền cố tình ở lại rất muộn không ra về. Cô đứng nép vào cổng trường một lúc lâu. Đúng như dự đoán, Lực xuất hiện không thấy Thục Hiền dựng xe ở một góc rồi vào trường tìm cô.
Thục Hiền cố tình trốn vào một hàng lang. Lực đi xung quanh sân trường tìm vẫn không thấy cô. Người đã vãn, vẫn còn một số sinh viên ở lại nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng Thục Hiền. Lực lấy điện thoại ra định gọi nhưng đành thất vọng cất vào túi. Anh cố đứng chờ một lúc nữa đến tận tối mới chầm chậm ra về. Có lẽ hôm nay Thục Hiền không đi học rồi hoặc cũng có thể là cô đã ra về trước đó. Gương mặt Lực vừa buồn bã vừa lo lắng. Anh bước ra khỏi sân trường mà đầu thỉnh thoảng vẫn ngoái lại tìm kiếm bóng dáng cô.
Thục Hiền nhìn thấy hết những hành động của Lực, sự thất vọng từ trong đáy mắt anh. Tự dưng cô thấy lòng mình xót xa. Cô thấy thương chú, lo cho chú nhưng lại không thể chạy lại để thông báo cho chú là mình ở đây, mình vẫn an toàn không có chuyện gì cả. Hình như có một bước tường vô hình nào đó đang ngăn cách giữa hai người, nó càng ngày càng lớn. Không phải là cô không muốn bước qua mà là không dám. Cô mông lung suy nghĩ về mối quan hệ giữa hai người. Đến bản thân cô còn không phân định rõ đó là thứ tình cảm gì thì làm sao cô dám đối diện với chú.
Lực quay về xóm trọ Thục Hiền hỏi thăm nhưng mấy người cùng xóm nói Thục Hiền chưa về. Anh lại càng sốt ruột. Cô ấy có đi học, vậy tại sao đến giờ này vẫn chưa về? Chắc chắn là đã có chuyện gì đó rồi. Lòng Lực thấp thỏm không yên. Lực bỏ ngoài tai lời hứa cũ, anh nhấc máy gọi điện cho Thục Hiền. Bây giờ tình hình của Thục Hiền là quan trọng nhất.
Thục Hiền đi về đến xóm trọ thì thấy Lực đang hỏi thăm mấy người trong xóm, cô liền chạy vào một phòng trọ gần đấy của một người bạn rồi ra hiệu cho họ đừng nói. Nghe tiếng chuông điện thoại của Lực cô không dám bắt máy mà lặng lẽ nhấn nút kết thúc.
Lực như điên dại gọi lại vài cuộc nữa. Nước mắt Thục Hiền bỗng trào ra. Từ song cửa sổ, cô nhìn thấy Lực đang vô cùng lo lắng, ánh mắt cứ ngó nghiêng tìm cô.
“Cháu không sao, chú yên tâm đi, đừng tìm cháu.”
Thục Hiền nhắn lại vào máy của Lực.
Nghe tiếng điện thoại, Lực vội vàng mở ra xem. Đọc được tin của Thục Hiền, cơ mặt Lực đã giãn ra phân nửa nhưng ánh mắt lại càng buồn hơn:
“Vậy là tốt rồi. Dù có chuyện gì xảy ra thì cháu nhất định phải giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Chú sẽ không tìm cháu nữa đâu. Bảo trọng.”
Lực nhắn một đoạn rất dài rồi bấm nút gửi đi. Anh đứng tần ngần nhìn vào phòng cô lần cuối rồi lẳng lặng ra về.
***
Sáng, Lực nghỉ làm, lái xe về nhà bạn thân mà không báo trước. May là hôm nay chủ nhật nên ông Hoàng được nghỉ.
Vừa thấy ông bạn thân đứng trước ngõ ngay buổi sáng sớm, ông Hoàng đã không khỏi sửng sốt mà thốt lên:
“Mày lại có chuyện gì à?”
Lực cười, gương mặt hơi buồn:
“Ngán cơm thành phố, thèm bữa cơm gia đình nên về xin ăn chực vợ chồng mày một bữa.”
“Ôi dào! Tưởng gì, thôi vào đây nhanh lên!”
Ông Hoàng cười khề khà kéo bạn vào nhà:
“Em ra biển sớm coi lưới vào chưa mua cho bọn ăn mớ cá mai hay cá trích gì ngon ngon nhé. Hôm nay phải làm bữa gỏi cho mát ruột mới được. Lâu lắm rồi không ăn nóng hết cả ruột gan lên rồi đây này.”
“Ít thôi, hôm nay không phải gọi ai hết. Tao chỉ muốn uống với một mình mày.” Lực nói.
Ông Hoàng nhìn bạn tò mò: “Rồi! Tao biết rồi!”
Ông vỗ đùi đen đét đoán già đoán non. Chắc chắn là có chuyện liên quan đến đàn bà con gái rồi đây. Thế nó mới tỏ ra nghiêm trọng vậy chứ.
Ông Hoàng vô từ khoác tay bạn thân cười nói vui vẻ. Bà Hường nghe chồng dặn thì đun xong ấm nước cũng cắp làn chạy ra biển luôn.
Nhà gần biển nên đồ hải sản sẵn lắm. Cứ khoảng tám chín giờ sáng là lưới vào. Nếu ra đón sớm gặp thuyền thì mua được đồ vừa ngon vừa rẻ. Muộn một chút thì người ra đổ cho người buôn, phải lên chợ mua mới được. May là chợ cũng gần nên thiếu cái gì chạy ù tí là đến nơi.
Bà Hường chỉ ở nhà nội trợ nên mọi việc trong nhà một tay bà đảm đương rất tốt. Chỉ 30 mươi phút sau là bà đã mang về một mớ cá mai tươi trắng xanh cùng với mấy thứ rau thơm, bánh đa, ớt, tỏi…
Ông Hoàng và Lực cũng bắt tay vào làm. Gì chứ mấy món nhậu là phải hai người đạo diễn mới hợp khẩu vị. Ông Hoàng thì vui ra mặt còn Lực thì lại có chút không vui như mọi khi.
Hai người nhậu đến nửa buổi trưa thì rượu đã ngấm dần vào trong. Lúc này, Lực mới mở lời hỏi:
“Dạo này, Thục Hiền có hay gọi điện về không?”
“ Có chứ. Mà có chuyện gì xảy ra với nó à?”
“À không… Chỉ là… tao chỉ lo chuyện con bé với thằng Kiên, vừa chia tay xong chắc nó buồn.”
“Trời ạ, tưởng chuyện gì chứ chuyện đó thì mày khỏi lo đi. Nó quên ngay ấy mà. Con gái mày mà còn không biết tính hả?” Ông Hoàng cười khề khà.
“Con gái?” Lực ngớ người.
“Thì mày chả nhận nó là con gái còn gì?” Ông Hoàng vừa nói vừa cười.
Tự dưng Lực thấy nóng mặt. Anh gượng gạo cười trừ.
“Mấy cái chuyện yêu đương vớ vẩn đó không nhằm nhò gì với con bé đâu. Nó lớn vậy chứ tính còn trẻ con lắm. Kệ nó. Mày cũng đừng có lo làm gì.”
“À… ừ… Nhưng mà mày cũng nên nói với vợ mày thỉnh thoảng gọi điện nói chuyện với con bé. Tao thấy dạo này Thục Hiền có vẻ buồn buồn.”
“Thật sao?” Ông Hoàng bắt đầu lo lắng.
“Chắc tại nhiều việc quá đấy. Phải tội cái vợ tao lại không biết đi xe máy. Thành ra không lên thăm con bé được. Hay mày gần đó thì thỉnh thoảng đến thăm nom coi nó thế nào.”
“À… ừ… tao biết rồi.” Lực có vẻ gượng gạo.
“Nhưng mà mình cũng nên nói với vợ mày nên để mắt đến con bé nhiều hơn.”
“Ừ, tao biết rồi. Để đến tối tao nói với bả.”
Có tiếng xe máy từ ngoài ngõ. Cả hai người đang nhậu cũng bất giác dừng lại ngóng ra. Là Thục Hiền về. Cô cũng không báo trước với bố mẹ.
Thục Hiền dắt xe máy vào nhà mới biết Lực đã xuống đây từ lúc nào. Mặt cô bỗng tái lại, môi mấp máy.
“Con mới về ạ!” Thục Hiền cúi mặt không dám nhìn hai người đàn ông, càng không dám reo lên khi thấy chú Lực đến nhà như mọi khi. Điều này khiến cho bố cô nghĩ đến lời nói lúc nãy của Lực. Có lẽ con bé đang có chuyện buồn thật.
Thục Hiền chào bố và chú Lực xong thì đi ngay vào bếp. Cô chưa ăn cơm trưa. Cô cũng chẳng biết tại sao lại trùng hợp như thế này. Chú Lực cũng về mà không báo trước. Giờ đến lượt cô cũng vậy.
“Sao con về mà không báo trước với bố mẹ?” Bà Hường thắc mắc.
“Dạ, tại ngày mai lớp con được nghỉ đột xuất.” Thục Hiền giả vờ. Thực ra là lớp cô chẳng có nghỉ học buổi nào cả.
“Thôi vào bếp coi cơm chín chưa, dọn luôn lên mâm mà ăn.”
“Dạ thôi mẹ, con ăn rồi.” Thục Hiền lấy lý do không dám đối diện với chú Lực. Cái bụng cô từ sáng đến giờ có được hột cơm nào trong bụng đâu.
Lực cũng vô cùng bất ngờ khi gặp Thục Hiền ở nhà cô. Không biết có phải ông trời xui khiến hay không mà cả hai lại cùng nghĩ về một chỗ khi không có chỗ nào để trở về mỗi khi thấy lòng mất phương hướng.
Từ lúc Thục Hiền về, Lực nói ít hẳn, mắt lúc nào cũng hướng về phía gian bến, nơi đang có Thục Hiền ở đó. Ông Hoàng cứ như thể độc thoại một mình vậy. Thỉnh thoảng hỏi đến không thấy Lực trả lời, ông mới đập vai bạn hỏi:
“Mày sao vậy?”
“Cái gì…”
“Thì tao đang hỏi mày đây. Sao cứ như người mất hồn vậy? Hay là có em nào cướp mất hồn mày thật rồi?”
“Làm gì có?” Lực bối rối phân bua.
“Gớm! Tầm tuổi này rồi còn ngại gì nữa ông bạn. Có ai thì mau mau cưới đi mà đẻ con. Coi chừng sau này cha già con mọn thì khổ lắm. Có gì cái Hiền nó còn chưa chồng nó chăm con giúp cho. Coi như nó trả công mày ngày xưa chăm nó.”
Lực nghe đến đây thì đỏ mặt tía tai không hé răng được câu nào. Đúng lúc đó Thục Hiền cũng vừa lên để dọn bát đũa.
Ông Hoàng thấy con gái liền cười ha ha: “Bố nói vậy đúng chứ con gái? Chú Lực bây sắp lấy vợ rồi đó.”
“Lấy vợ? Lấy ai ạ?” Thục Hiền đột nhiên hoảng hốt hỏi.
“Bố cháu… Nói đùa đấy.” Lực nhìn Thục Hiền âu yếm khẽ nói.
Thục Hiền né tránh ánh nhìn của chú Lực, hai má ửng đỏ, cô xếp vội mấy cái bát con rồi vội vàng bê xuống bếp.