Yêu thầm_17

Chương 17:

 

Thục Hiền rủ Lực đi qua nhà ông ngoại mình. Lâu lắm rồi cô chưa qua thăm ông. Lực có phần lo lắng. Không biết phải đối mặt với ông cụ thế nào đây. Thằng bạn mình nó còn trẻ mà tư tưởng còn như thế, phản đối kịch liệt chuyện của mình thì thế hệ ông cụ chắc còn khó khăn hơn.

 

Ông bà ngoại Thục Hiền ở một mình trong căn nhà nhỏ cách nhà cô vài trăm mét. Ngày xưa Thục Hiền hay đi bộ đến nhà ông chơi ngày vài bận. Thế mà bây giờ có xe cộ hẳn hoi mà cô bớt đi hẳn. Có lẽ khi con người ta lớn rồi, có nhiều mối bận tâm hơn nên thời gian dành cho những người mình thương yêu bị chia sớt đi nhiều. Guồng quay của cuộc sống cứ kéo họ đi mãi cho đến khi quay đầu nhìn lại thì đã xa quá rồi. Cũng không thể trách được, đó là quy luật của tự nhiên.

 

Ông bà ngoại Thục Hiền chỉ sinh được hai cô con gái. Mẹ cô là con cả. Dì út lấy chồng trên thành phố. Ông bà ngoại không muốn phiền con gái nên ở riêng. Bà Hường cũng thỉnh thoảng chạy lại qua chỗ bố mẹ. May là bà lấy chồng cũng gần, cách có mấy bước chân nên mỗi khi trái gió trở trời bà Hường chạy qua ngay được.

 

Trước kia, Lực thỉnh thoảng cũng đến nhà ông ngoại Thục Hiền chơi, nhưng với cương vị là bạn của con rể. Giờ cũng đến chơi nhưng lại với một địa vị khác, anh không thể tránh khỏi phần lo lắng.

 

Xe Lực đỗ trước ngõ nhà ông ngoại. Thục Hiền xuống trước chạy lại mở toang cánh cổng để Lực đánh xe vào. Nhà ông ngoại có một khoảng sân rất rộng, là chỗ để dành cho mấy đứa cháu chơi từ ngày xưa, đến giờ vẫn để vậy.

 

Bà ngoại đang ngồi bóc mớ lạc khô. Ông ngoại thì đang uống nước chè. 

 

“Ông ơi! Bà ơi!”

 

Thục Hiền cất tiếng lanh lảnh từ đầu ngõ.

 

“Bé Hiền đấy hả?” Bà ngoại mừng rỡ lom khom đứng dậy gọi chồng: “Bé Hiền nó về đấy ông ơi!”

 

Thục Hiền chạy lại ôm lấy cánh tay bà.

 

“Cha bố cô! Đi rồi ở mãi trên đó thôi, chả thấy về thăm ông bà gì cả.”

 

Bà ngoại cốc đầu cô mắng yêu.

 

Thục Hiền cười hí hí dựa bà ngồi xuống bàn.

 

“Lực cũng về luôn hả con?”

 

“Dạ vâng! Cháu cùng về với bé Hiền.”

 

“Ngồi xuống uống nước đi con!” Ông ngoại vẫn thường gọi Lực một cách gần gũi như vậy.

 

“Vâng ạ!” Lực ngồi xuống bên cạnh Thục Hiền, có chút hồi hộp không được tự nhiên như ngày trước.

 

Ông ngoại nhìn thái độ của Lực rồi rót chén nước chè đưa về phía anh, cười nói:

 

“Sao rồi? Chuyện hai đứa đã có tiến triển gì chưa?”

 

Ông ngoại đột nhiên hỏi một câu khiến cả Thục Hiền và Lực đều ngớ người nhìn nhau.

 

“Dạ?” Thục Hiền hơi run nhìn ông: “Ông… ông cũng biết chuyện rồi ạ?”

 

“Ông bà biết cả rồi. Mẹ con có sang đây thưa chuyện của con và xin ý kiến của ông bà.”

 

Ông ngoại hớp một ngụm trà đặc đủng đỉnh nói:

 

“Cái nhà anh này, cũng khá đấy!”

 

Lực ngượng ngùng không dám nhìn vào mắt ông ngoại.

 

Ông ngoại Thục Hiền ngày xưa là thầy giáo. Ông học xong sư phạm thì tình nguyện đi bộ đội. Sau giải phóng thì quay trở lại trường học công tác. Thục Hiền vì thần tượng ông nên đã theo nghề của ông. Đối với Thục Hiền, ông ngoại là cuốn “bách khoa tri thức sống” mà mỗi lần cô không biết cái gì đều được ông giải đáp tất.

 

Bà ngoại cũng nhìn hai người cười rồi khẽ vuốt tóc Thục Hiền:

 

“Mới đó thôi mà cũng gần ba mươi tuổi đầu rồi. Cháu bà cũng chuẩn bị phải lấy chồng rồi.”

 

“Bà…” Thục Hiền đỏ mặt dựa đầu vào vai bà.

 

“Bố mày vẫn còn chưa nguôi hả cháu?”

 

“Dạ! Bố cháu có vẻ kiên định lắm, nhất định không chấp nhận.  Hôm nay chúng cháu về đây để gặp bố thì bị bố đuổi cổ ra khỏi nhà đây. Chúng cháu cũng không biết phải làm sao nữa.”

 

Thục Hiền bày tỏ nỗi niềm với ông ngoại mình.

 

“Chuyện bố bây để ông dàn xếp, không có gì phải lo cả.”

 

Nói đoạn, ông ngoại nhìn sang Lực nói:

 

“Thú thật là khi nghe chuyện ông cũng khá bất ngờ về chuyện của hai đứa. Nhưng nghĩ kỹ lại thì cũng có lý. Con không phải là đứa xa lạ gì. Từ nhỏ ta đã biết con rồi. Con là đứa đạo đức tốt, có chí tiến thủ. So với đám đàn ông con trai bây giờ thì ối đứa không bằng con đâu. Ông cũng tin con thương bé Hiền thật lòng thật dạ. Nếu hai đứa đến được với nhau thì là chuyện tốt chứ không có gì phải lăn tăn cả. Ông bà hoàn toàn ủng hộ hai đứa.”

 

Lực nghe xong lời ông ngoại vừa mừng vừa xúc động. Anh không bao giờ nghĩ rằng mình lại được ông bà chấp nhận một cách dễ dàng như vậy.

 

“Ông! Cháu rất biết ơn ông! Cảm ơn ông đã chấp nhận chúng cháu.”

 

Lực vừa nói vừa chắp tay trước mặt mình để cảm tạ ông ngoại, giọng nói bùi ngùi xúc động. Từ nhỏ Lực đã mất bố mẹ, lớn lên thì mất ông bà. Vì vậy nên đứng trước những thứ tình cảm gia đình thế này anh không thể kiềm chế được cảm xúc. 

 

Bề ngoài Lực nhìn khá nghiêm và có phần dữ. Nhưng sâu thẳm trong trái tim anh là sự cô đơn. Anh khao khát tình thương, tình yêu, một mái ấm gia đình mà chính Thục Hiền đã mang lại cho anh tất cả những cảm giác đó.

 

Ông ngoại chứng kiến Lực lớn lên và trưởng thành nên ông cũng hiểu được phần nào tính cách của anh. Ông còn coi anh như con bởi sự thân thiết của mức của anh và con rể mình. Ông đủ hiểu biết và trải nghiệm để đánh giá về con người Lực. Ông không thấy lo lắng vì sự chênh lệch tuổi tác giữa Lực và cháu gái mình mà ngược lại, ông thấy mừng cho họ. Lực chắc chắn sẽ là chỗ dựa an toàn và vững chắc cho cháu gái ông.

 

Thục Hiền nhìn Lực rồi lại nhìn ông bà ngoại mừng rơi nước mắt. Cô ghì chặt tay Lực vui sướng. Hai người nhìn nhau, họ biết, con đường đi đến đích của họ đã được san bằng bởi một người rất có tầm ảnh hưởng trong gia đình cô.

 

Thục Hiền và Lực ở lại nhà ông bà ngoại nấu cơm ăn xong chiều mới về. Bà ngoại cũng gọi điện báo cho bà Hường biết họ đang ở đây rồi không cần lo lắng. Chỉ có ông Hoàng là chả biết gì. Bà ngoại còn dặn con gái, tối ông bà sẽ sang để nói chuyện của cháu gái.

 

Bà Hường nói với chồng, hôm nay ông bà ngoại sang thăm. Ông Hoàng thấy lạ vì bình thường toàn vợ chồng ông đi thăm bố mẹ vợ chứ ít khi ông bà đến cả đôi thế này. Đương nhiên là bà Hường không tiết lộ mình đã kể chuyện của con gái cho ông bà ngoại nghe rồi.

 

Đúng 7 giờ tối, cơm nước xong xuôi thì bố mẹ vợ ông Hoàng đến. Bà Hường mời bố mẹ ngồi xuống rồi đi vào phòng gọi chồng. 

 

Thấy con rể mới tối lại đã về phòng nằm, bố vợ chọc:

 

“Tôi nghe nói anh ốm nên qua thăm anh đây!”

 

“Dạ con có ốm đau gì đâu ạ!” Ông Hoàng vội giải thích.

 

“Nhưng tôi trông sắc mặt anh mệt mỏi lắm, xanh xao hẳn.”

 

“Vậy hả bố?”

 

Ông Hoàng nghe bố vợ nói vậy cũng hơi hoảng. Chả nhẽ mới có mấy ngày mà mình trông tiều tuỵ vậy sao?

 

“Chắc là anh lo lắm hả?”

 

“Lo chuyện gì ạ?”

“Thì chuyện con bé Hiền.”

 

“Chuyện đó… Sao bố biết ạ?”

 

“Chiều con bé qua qua nhà tôi.”

 

“Chúng nó đến đấy sao? Hừm! Nó định đến cầu cứu ông đây mà.” Ông Hoàng gầm gừ tức giận: “Không biết bọn nó còn nghĩ ra trò gì nữa. Đã không biết xấu hổ còn vác mặt đi nhờ nhỏ người này người khác. Đúng là điên rồ.”

 

Ông ngoại quan sát thái độ của con rể một lúc rồi từ tốn nói:

 

“Tôi cũng không hiểu anh ra làm sao nữa. Anh là cán bộ nhà nước, còn trẻ mà còn cổ hủ hơn cả ông già này nữa đấy. Chuyện con bé Hiền với thằng Lực thì có gì đâu mà anh phải làm mình làm mẩy lên cho thiệt thân vậy?”

 

“Bố! Bố mà cũng chấp nhận chúng nó sao? Bố không nhìn thấy như vậy là rất chướng mắt sao?”

 

“Chướng ở chỗ nào? Anh chỉ ra tôi xem nào?”

 

Bị bố vợ phản bác, ông Hoàng hùng hổ cự cãi:

 

“Bố xem, thằng Lực từ nhỏ đã chăm sóc con bé Hiền nhà mình, coi nó như con. Làm sao có thể…”

 

“Thế thằng Lực với nhà mình thì có quan hệ huyết thống gì không mà anh lo?”

 

“Thì tất nhiên là không có huyết thống gì. Nhưng thằng Lực nó là bạn thân của con, nó lớn tuổi gấp đôi con Hiền…”

 

“Lớn tuổi thì làm sao? Đàn ông càng lớn tuổi càng chín chắn chứ sao. Anh không thấy đầy cặp vợ chồng trẻ trông thì xứng đôi vừa lứa thế mà cưới về được mấy tháng là ly hôn đấy à?”

 

“Nhưng… Con vẫn không thể chấp nhận thằng Lực nó là con rể con. Nó vốn là bạn thân của con.”

 

“Tôi lại thấy trong chuyện này, anh mới là người được lợi hơn đấy. Từ bạn mà anh lên chức bố vợ. Giờ nó làm gì làm không nghe lời anh. Anh lợi quá còn muốn gì nữa.”

 

Ông Hoàng đuối lý nhưng vẫn hậm hực không chấp nhận được sự thật.

 

Ông ngoại thấy con rể vẫn còn lăn tăn chưa phục liền khuyên nhủ:

 

“Bố nói thật cho các con biết. Thực ra khi biết tin thằng Lực có quan hệ tình cảm với cái Hiền nhà mình, bố thấy mừng cho chúng nó. Thằng Lực là đứa đàng hoàng tử tế, tu chí làm ăn, không tệ nạn, lại còn độc thân. Nó là trẻ mồ côi nên thiếu vắng tình thân. Nó thân với gia đình các con là muốn tìm chút hơi ấm gia đình. Nó chăm sóc con bé Hiền từ nhỏ, nó hiểu hết tính cách, con người con bé. Sau này làm vợ chồng chẳng còn lo ngại gì. Tình cảm của thằng Lực không đơn thuần là tình cảm trai gái đâu, nó còn bao gồm cả tình thương của một người cha nữa. Bé Hiền nhà mình nếu lấy nó thì thật hạnh phúc, không phải lo điều gì. Điều may mắn nữa là con bé nó cũng thích chú nó. Như vậy các con còn muốn gì nữa?”

 

Ông ngoại vừa nói vừa vỗ vai con rể:

 

“Bố nói thật. Trước đây, con Hường nhà bố cũng không thiếu người có địa vị theo đuổi. Nhưng bố vẫn chọn con. Hai đứa vẫn hạnh phúc đến giờ đấy thôi. Con xem, con mắt nhìn người của bố cấm có sai.”

 

Ông Hoàng bị bố vợ thuyết phục hoàn toàn. Ông cũng biết rõ con người Lực là đứa tử tế, ngay cả trong chuyện tình yêu, anh cũng rất nghiêm túc và khá khó tính trong cách chọn lựa phụ nữ. Ngày xưa khi còn học chung, có con gái phó chủ tịch huyện mê anh chết mệt mà anh cũng có nhòm ngó gì đến đâu. Bấy lâu nay cứ tưởng Lực nó làm sao hay có vấn đề tâm sinh lý rồi. Không ngờ nó lại mê con gái mình mới chết chứ.

 

Thấy con rể không nói gì, ông ngoại đem chai rượu sắn mang theo rót vào chén:

 

“Thôi, không nghĩ ngợi gì nữa. Mai gọi cho chúng nó về đây. Gia đình mình gặp mặt rồi nói chuyện cho rõ ràng. Nhìn chúng nó lo lắng đến gầy cả người đi, bố cũng xót lắm.”

 

Ông Hoàng tuy lòng đã chấp nhận rồi nhưng vẫn còn gượng gạo. Ông khẽ nhấc chén rượu mời bố vợ rồi hớp một ngụm nói:

 

“Vâng ạ! Con biết rồi!”