Trị Hăm Ở Trẻ

Bé mới sinh cổ thường ngắn, ít cử động nên nếp trong cổ dễ bị hăm đỏ. Nhất là đối với các bé hay bị nôn trớ, dịch nôn chảy ra, mẹ lau không kĩ cũng tăng thêm nguy cơ bị hăm.

Con trai tôi lúc một tháng cũng bị đỏ hết cả phần cổ. Lần nào vệ sinh cũng thấy các vết cặn đóng ở cổ. Da phần này lúc nào cũng ẩm ướt. Chị tôi đến chơi kêu lấy phấn rôm bôi vào cho đỡ hăm. Nhưng tôi không muốn dùng phấn rôm vì tôi được biết phấn rôm chỉ có tác dụng làm khô vùng cổ nhưng lại gây tắc lỗ chân lông làm mồ hôi không thoát ra được sẽ gây tình trạng nặng hơn. Mặt khác bụi phấn rôm sẽ làm bé hít phải nên tôi không cũng e ngại mặc dù ở bệnh viện cái công ty J. có tặng cho bé một lọ phấn rôm, một lọ sữa tắm, một lọ dầu mát xa tôi vẫn chưa dùng tới. Tôi chịu khó vệ sinh cho sach sẽ, lau khô rồi bôi kem chống hăm vào. Tôi chịu khó vệ sinh thường xuyên hơn thì ba ngày sau con đỡ dần. Hạn chế quàng khăn sữa cho trẻ vì sẽ làm bí bách vùng da cổ. Cứ để vùng da con thoáng và khô thì sẽ không bị nữa.

Vấn đề hăm vùng háng thì may mắn là con không bị. Có lẽ là do tôi ít dùng tã giấy cho con. Con sinh tháng hai nên cũng ít lạnh. Lúc nhỏ thì tôi dùng miếng lót vào ban đêm cho bé. Ban ngày tôi dùng khăn sữa cuộn lại, rồi lấy tã vải cuốn thành một chiếc quần lót cho con. Khi bé đái ướt miếng khăn sữa thì thay. Khi bé đái ít hơn thì tôi cho mặc quần vải cho thoáng. Cũng nhờ vậy mà con không hề bị hăm tã.

Vấn đề sử dụng bỉm tã cho con tôi vô cùng hạn chế. Từ khi con còn nhỏ tôi ít khi dùng bỉm hay tã giấy ban ngày. Chỉ khi trời mưa nhiều quá, quần áo không kịp khô tôi buộc phải dùng một vài miếng để chống cháy. Hoặc khi đi chơi xa thời gian dài tôi mới phải dùng đề phòng cho bé. Nhưng tôi luôn kiểm tra khi nào bé tiếu hay đại tiện là thay ngay. Tã mặc dù mang nhiều tiện lợi cho mẹ và bé nhưng bên cạnh đó cũng gây không ít nguy cơ cho bé. Gần thì dễ bị hăm tã, xa hơn có thể gây viêm nhiễm phụ khoa cho bé gái, ảnh hưởng đến khả ăng sinh sản của bé trai … Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã học cách xi tè cho bé. Đến một tuổi mặc dù chưa biết nói nhưng mỗi lần muốn đi tiểu hay đi đại tiện bé đều nói “xi” rất ngộ nghĩnh. Thế nên tôi ít khi phải khốn khổ vì mấy vụ ị đùn của bé lắm. Mặc dù có vài luồng ý kiến cho rằng xi cho trẻ sẽ gây phản xạ không tự nhiên, ảnh hưởng đến thận cho trẻ. Nhưng đấy chỉ là ý kiến của một vài chuyên gia  nào đó thôi, chưa chính thức nhưng dù có công bố chính thức đi nữa thì nếu đem so sánh với những tác hại của dùng bỉm tã giấy thì còn thua xa. Nếu lo lắng quá thì ước chừng thời gian đi tiểu của con. Ví dụ khoảng  ba tiếng con đi tè một lần thì cứ từng ấy thời gian lại xi cho con. Như vậy cũng đến lúc bé đi tè rồi, chỉ làm nhiệm vụ là “nhắc nhở” thôi chứ không gây ảnh hưởng gì đến con. Nhất là lúc bé mới ngủ dậy. Riêng bản thân tôi thì thấy cái kinh nghiệm xi tè này của ông bà ta truyền lại không ảnh hưởng gì cả.