Sát Chồng_Chương 26
Chương 26:
Bà Hoạt nằm viện được hai ngày thì ngày càng tiều tụy đi, không ăn uống được gì, chủ yếu ăn cháo loãng và uống sữa.
Tết nhất đến nơi, nhà người ta thì bận rộn mua sắm trang hoàng nhà cửa nhộn nhịp. Còn nhà mình thì cứ lu bu trên bệnh viện. Cửa nhà không ai trông nom, bàn thờ cũng không ai dọn rửa, sắm sửa, trống huơ trống hoác, nghĩ đến mà chạnh lòng.
Gia đình bà cũng thuộc dạng có máu mặt trong làng chứ có đến nỗi nào đâu mà bây giờ bệ rạc ra vậy. Anh em họ hàng người ta đến thăm được dăm ba phút rồi cũng nhanh chóng ra về chung tay nhau sắm sửa tết nhất, mỗi người mỗi việc. Ông Hoạt ở nhà trông nhà. Tâm và Nga thay nhau chăm mẹ. Chợ búa cúng kiếng coi như bỏ. Bàn thờ cô quạnh vậy không biết “thằng bé” nó có trách móc bà không? Bà Hoạt càng nghĩ càng thấy tủi thấy hờn, mà cũng chả biết tủi hờn ai bây giờ? Người đáng trách nhất thì bà không dám lên tiếng. Còn mấy đứa con bà đứa nào cũng đang tất bật, khổ lây vì bà.
Con Nga gầy hẳn đi. Tâm thì râu ria mọc xồm xoàm không kịp cạo. Bà nhìn con xong lại ứa nước mắt, mồm miệng đắng ngoét nuốt cơm cháo cũng không trôi. Nhìn xuống cái chân mình không nhúc nhích được, ngay cả việc vệ sinh cũng để con phải làm cho, bà đau trong dạ lắm. Có lúc không có con Nga, Tâm cũng phải vệ sinh cho mẹ. Nhìn thấy cảnh này bà càng thấm thía cái gọi là nhân quả báo ứng. Có lẽ ông trời đang trừng phạt bà. Mới sáu mươi tuổi mà phải nằm liệt giường để con cái hầu hạ thì đúng là sống không bằng chết.
Được ba ngày thì bà Hoạt đòi về nhà. Bác sĩ khuyên nên ở lại theo dõi thêm nhưng bà nhất quyết đòi về. Bà nói nếu ở mãi trên bệnh viện thế này thì bà không chết vì bệnh mà chết vì buồn mất. Thế là bác sĩ bàn với Tâm để bà về đồng thời dặn dò cách chăm sóc người bệnh. Ra tết lên khám lại.
Bà Hoạt về nhà nhưng tâm trạng cũng không khá hơn là mấy. Con Nga nấu đủ mọi món ngon mà mẹ nó thích nhưng bà chỉ nhấm nháp được vài thìa rồi thôi. Bao nhiêu việc nhà cửa, chợ búa đổ lên vai nó. Cũng may Tâm đã được nghỉ tết nên phụ giúp được phần nào. Kim thì khỏi nói, đi biệt tăm cũng chả thèm gọi điện báo tin cho ai. Được có lần nhắn tin cho chồng nói công ty bận nhiều giấy tờ phải giải quyết nên phải làm đến 30 tết. Xong ở luôn trên ngoại cho tiện.
Ông Hoạt nhìn thấy vợ cứ nằm một chỗ như vậy cũng buồn lắm. Thỉnh thoảng thấy bà Hoạt hết khóc rồi lại thở dài. Hôm nay, ở nhà chỉ có hai ông bà. Con Nga đi chợ mua đồ đạc, dù sao thì cũng 28 tết rồi, không được như người ta thì cũng phải sắm sửa mấy thứ mà có cái cúng ông bà ông vải ba ngày tết chứ. Nhà bây giờ vắng hoe chỉ có hai ông bà già. Bà Hoạt lại nằm tủi thân mà khóc.
Ông Hoạt thấy vậy cầm tay vợ an ủi: “Thôi bà đừng khóc nữa!”
“Ông ơi! Có phải tôi ăn ở ác nhân thất đức lắm nên bây giờ trời mới hại ra nông nổi này không? Bệnh tật thì nằm liệt giường. Con cái thì không đâu vào đâu.”
“Bà đừng có nghĩ nhiều nữa. Chuyện gì qua thì cho qua luôn đi. Bây giờ bà phải ăn uống cho khỏe lên rồi mới mong chóng đi lại được.”
Bà Hoạt không nhìn chồng mà ngược nhìn lên bàn thờ nói: “Bây giờ tôi nằm liệt giường thế này có chết cũng không có gì tiếc nuối. Tôi chỉ áy náy một điều là thằng Tâm. Tôi đã khiến cuộc đời nó dở dang thế này. Vợ con mỗi đứa một nơi. Không biết rồi vợ chồng nó như thế nào. Liệu nhà mình có ai nối dõi nữa không? Tôi sợ tôi đi rồi còn không được nhìn mặt cháu đích tôn của mình.”
Ông Hoạt nghe vợ mình nói vậy thì hơi hoảng. Bao lâu nay bà Hoạt có bao giờ ăn nói kiểu này đâu cơ chứ.
“Bà đừng nói gở vậy? Chỉ cần bà chịu ăn uống là sẽ khỏe lại. Thằng Tâm nó còn trẻ, còn cơ hội sinh con đẻ cái mà. Bà đừng lo nữa mà khổ thân ra!”
Bà Hoạt ứa nước mắt nói: “Tôi biết tính thằng Tâm nhà mình. Nó còn thương con Dịu lắm. Dù nó có bỏ con Kim thì nó cũng sẽ không lấy ai nữa đâu. Con Dịu thì đã lấy chồng khác rồi. Thằng Tâm nhà mình rồi sẽ sống cô độc mãi như vậy suốt đời thôi. Nhà mình lại tuyệt tôn tự mất thôi ông ơi!”
Ông Hoạt không biết nói gì khuyên vợ nữa. Những lời bà Hoạt nói đều có lý cả. Ông biết những lo lắng của bà Hoạt đều có cơ sở.
“Mẹ! Mẹ đừng lo chuyện chị Dịu. Con nghe nói chị ấy còn chưa lấy chồng. Cái anh về hôm trước cùng chị ấy là người yêu chị Thảo.”
Con Nga vừa về đến nhà thì nghe mẹ nó đang khóc lóc kể lể với bố mình thì liền nói xen vào.
Bà Hoạt nghe đến chuyện Dịu chưa lấy chồng thì mừng lắm, vội quay đầu ra hướng con Nga nói: “Mày nói thật hả con? Con Dịu nó chưa lấy chồng hả? Trời ơi! Vậy là cháu tôi vẫn là còn cơ hội làm con cháu nhà này! Nga ơi, mày chở mẹ đến nhà ấy cho mẹ nhìn thằng Đức một cái. Mẹ sợ mấy bữa nữa mẹ con nó đi mất thì mẹ không kịp nhìn mặt nó.”
Con Nga nghe nói vậy thì sợ hãi nói: “Mẹ! Mẹ nói gì lạ vậy? Thằng Đức nó ở đây chứ đâu? Năm nào nó chả về mà mẹ lo không gặp được nó. Với lại, mẹ bệnh nằm thế kia làm sao mà đi được.”
Bà Hoạt xua tay nói: “Mẹ chỉ sợ là không đợi được nữa thôi. Mẹ muốn nhìn thấy mặt thằng cháu trai của mẹ. Chỉ cần được một lần sờ vào nó thôi thì có nhắm mắt mẹ mới an lòng.”
Con Nga nghe mẹ nói như vậy thì hoảng thật sự. Nó vội vàng chạy lại ngồi lên giường nắm lấy tay mẹ nó nói: “Mẹ! Mẹ đừng có nói như vậy. Mẹ sẽ khỏi bệnh thôi. Mẹ sẽ được gặp cháu của mẹ. Mẹ cố ăn uống vào cho khỏe mẹ nhé!”
“Bà! Bà nghe tôi, nghe con đi! Bà đừng suy nghĩ nhiều nữa mà bệnh thêm! Bà không thấy mấy ngày nay con Nga với thằng Tâm chạy đôn chạy đáo vì bà à? Bà thương tôi, thương chúng nó thì cố ăn uống vào cho khỏe. Tui sẽ sang bên ấy nói khó để cho bà được nhận cháu. Dù có quỳ xuống xin tôi cũng sẽ làm.”
Ông Hoạt thấy bà Hoạt liên tục nói những điềm gở cũng sợ lắm.
Nước mặt bà Hoạt liên tục chảy xuống thái dương. Con Nga cũng khóc theo.
“Nga! Xuống hâm nóng lại nồi cháo cho mẹ ăn nhanh lên!”
“Vâng!”
Con Nga vội lau nước mắt rồi đứng dậy chạy nhanh xuống bếp hâm lại nồi cháo cho nóng. Sau đó múc lên một bát tô. Ông Hoạt đỡ lấy chén cháo vừa thổi vừa đút cho vợ. Bà Hoạt cũng cố giương miệng lên nhấm nháp hết được dăm bảy thìa cháo.
Tối, con Nga kéo Tâm ra một góc thì thầm: “Anh ơi! Mẹ có vẻ yếu lắm rồi. Mấy ngày nay liên tục nói muốn gặp thằng Đức. Mẹ khóc nhiều lắm anh ạ. Hay anh thử hỏi chị Dịu cho thằng Đức đến đây thăm mẹ được không anh? Biết đâu khi gặp được nó thì mẹ sẽ vui hơn mà bệnh tình của mẹ cũng đỡ hơn.”
Tâm nghe em gái nói thế mặt mày đăm chiêu lắm. Giờ còn mặt mũi nào mà đến bên đó kêu họ đến đây cho mình gặp. Dịu đã phải chịu bao cay đắng vất vả vì anh, mà nói đúng hơn là vì mẹ anh. Cho dù Dịu có đồng ý thì dễ gì nhà bà Hiền đã chấp nhận. Ngay cả bản thân anh cũng chưa thể tha thứ cho bản thân mình nữa là.
Thấy anh nó mải băn khoăn lo nghĩ, con Nga giục:
“Anh! Anh còn suy nghĩ gì nữa? Bố nói bố sẽ sang bên ấy quỳ xuống cầu xin họ để họ cho mẹ nhận cháu đấy. Chẳng nhẽ anh lại để cho bố mình đầu hai thứ tóc rồi lại đến quỳ trước mặt nhà họ thì coi sao được. Em thấy chị Dịu vẫn còn yêu anh. Với lại, chỉ cũng hiền. Anh thử đánh tiếng với chị ấy coi. Em xin anh! Hãy nghĩ đến mẹ mình. Anh vào mà coi mẹ, giờ như các xác nằm bất động. Xót lắm anh ạ!”
Tâm im lặng giây lát rồi nói: “Được rồi! Để anh suy nghĩ rồi nói chuyện với cô ấy xem thế nào.”
Con Nga biết anh nó khó xử lắm. Bản thân nó cũng chứng kiến anh nó đau đớn khổ sở như thế nào vì chuyện này. Nó cũng không muốn làm khó cho anh mình. Nhưng nó không còn cách nào nữa. Nhìn thấy cảnh mẹ nó sáng nay khóc đau đớn muốn gặp cháu mà lòng nó xót xa lắm. Dù thế nào thì sức khỏe của mẹ nó cũng là quan trọng nhất. Nó lay lay cánh tay anh nó động viên rồi vào nhà tiếp tục lau chùi bàn thờ để ngày mai bày mâm ngũ quả.
10 giờ đêm, Tâm quyết định đến nhà Dịu. Anh biết đến giờ này là đường đột quá nhưng anh không chờ được nữa.
Tâm đi bộ đến nơi thì thấy cả nhà Dịu vẫn đang còn thức. Ông Hiền và bà Hiền đang chơi với thằng Đức ngoài sân. Dịu và Thảo thì đang nói chuyện rù rì bên nồi bánh chưng.
Cổng không khóa mà vẫn còn mở toang. Gần tết nên nhà nào cũng thức muộn và không khóa cổng. Tâm không gọi Dịu và lầm lũi đi thằng vào, đến trước mặt ông bà Hiền bất ngờ quỳ xuống.
“Cháu đang làm cái gì vậy?” Bà Hiền ngạc nhiên kêu lên.
Tâm cúi dập đầu vừa nói: “Cháu đến đây mong được tạ tội với hai bác, với em Dịu. Mong hai bác và em hãy tha thứ cho cháu. Cháu đã không thể bảo vệ được cô ấy, để hai mẹ con phải chịu bao khổ nhục. Cháu biết, dù cháu có làm bao nhiêu chuyện cũng không thể bù đắp nổi những lỗi lầm mà cháu đã gây ra cho cuộc đời của em Dịu. Cháu vô cùng xin lỗi hai bác! Xin lỗi em Dịu!”
“Được rồi, có chuyện gì thì cứ ngồi lên nói chuyện cho đàng hoàng.”
Ông Hiền điềm tĩnh nói rồi đứng dậy ra hiệu cho Tâm đi theo ông vào trong nhà.
“Cậu ngồi đi!” Ông Hiền chỉ vào cái ghế gỗ dài.
Tâm ngoan ngoãn ngồi vào vị trí ông Hiền chỉ. Bà Hiền ngồi bên ông Hiền. Dịu cũng chạy vào đứng ở chỗ bà Hiền. Thảo thì bế thằng Đức vào lòng ngồi bên nồi bánh chưng canh lửa nhưng mắt và tai thì vẫn hướng vào đám đông trong nhà.
Tâm liếc nhìn Dịu rồi nhìn ông bà Hiền cúi xuống thưa: “Cháu biết mình chẳng có đủ tư cách nào để xin tha thứ, xin được nhận lại cu Đức. Lần đầu cháu đến xin hai bác được qua lại với em Dịu, cháu đã từng hứa sẽ chăm sóc tốt cho em Dịu nhưng đã không làm được. Cháu vô cùng hổ thẹn! Cháu chưa bao giờ hết thương em Dịu. Cháu tha thiết mong được nhìn nhận lại thằng bé. Cho dù cháu không còn mặt mũi nào để cầu xin hai bác. Nhưng bây giờ tình thế của gia đình cháu rất nguy kịch. Mẹ cháu giờ ốm đau liên miên, nằm liệt giường không đi lại được, sức khỏe yếu lắm rồi! Bà chỉ ao ước một lần được nhìn thấy thằng Đức. Cháu cũng biết mẹ cháu đã gây ra nhiều đau khổ, tai tiếng cho gia đình bác. Cháu không dám mong được hai bác tha thứ nhưng cháu cầu xin mọi người cho mẹ cháu được nhìn mặt thằng Đức một lần, được không ạ?”
Bà Hiền nghe xong câu chuyện của Tâm trình bày liền liếc sang ông Hiền thăm dò. Ông Hiền vẫn rất bình thản nói: “Tình hình bà bên ấy chúng tôi cũng có nghe nói qua. Nhưng không ngờ lại trở nặng nhanh đến vậy. Chuyện tình cảm của hai đứa, thật lòng thật dạ khi chứng kiến con Dịu nó khổ sở sinh con một mình nơi xứ người tôi giận anh lắm. Tôi từng nghĩ sẽ không đời nào cho thằng Đức nhìn nhận lại gia đình bên đó. Nhưng thôi, dù sao chuyện cũng qua rồi. Với lại chuyện này lỗi cũng không hẳn ở anh. Còn chuyện thằng Đức bây giờ là do con Dịu quyết định. Chúng tôi không có ý kiến về chuyện này.”
Dịu đứng bên cạnh bà Hiền nãy giờ nghe Tâm, mắt đã rưng rưng rồi. Chuyện hai người gặp nhau ở nơi Dịu làm việc ông bà Hiền cũng đã biết. Họ cũng thừa biết chuyện Dịu đã chấp nhận cho Tâm nhìn nhận con.
Dịu lại gần trước mặt bố mẹ và Tâm cúi đầu thưa: “Dạ! Thưa bố mẹ. Con đã suy nghĩ từ lâu về vấn đề này. Con người phải có tổ có tông. Con chưa từng có ý định ngăn cấm anh Tâm nhìn nhận con. Chuyện chúng con chia tay là điều mà cả hai đứa không hề muốn. Là con quyết định từ bỏ anh ấy trước. Anh ấy cũng là nạn nhân trong việc này. Anh ấy cũng khổ sở, dằn vặt không kém gì con. Con cúi mong bố mẹ chấp nhận để anh ấy nhận lại cu Đức. Và cũng mong được bố mẹ cho phép bác gái được nhìn mặt cháu.”
Ông Hiền nghe con gái nói xong thì thở nhẹ nhìn vợ, xong nhìn sang Tâm nói: “Anh cũng nghe con Dịu nói rồi đấy. Chúng tôi không có ý kiến gì.”
Nghe ông Hiền nói vậy, Tâm vội vàng ra khỏi ghế quỳ xuống chân ông bà cúi lạy: “Con cảm ơn hai bác! Cảm ơn hai bác rất nhiều!” Xong quay sang Dịu, mắt rưng rưng: “Cảm ơn em đã chấp nhận cho anh nhìn nhận con!”
Dịu nhìn Tâm cười, hai giọt nước mắt cũng lăn vội xuống má khiến cô không kịp ngăn lại.