Sát Chồng_Chương 22
Chương 22:
Dịu đứng từ xa quan sát Tâm chơi với con. Tâm giờ đã gầy và già hơn. Nước da hơi sạm lại, cằm mọc lún phún râu nhưng trông lại rắn rỏi và từng trải hẳn ra. Có chút gì đó phảng phất nét khắc khổ trên gương mặt của người đàn ông mới hơn ba mươi tuổi. Dịu có chút xót xa nhưng lại thấy an tâm hơn. Nhìn Tâm bây giờ mạnh mẽ và đàn ông hơn nhiều. Có lẽ sau cuộc hôn nhân sóng gió đó đã dạy cho anh nhiều điều. Tâm say sưa chơi với con đến nỗi Dịu đứng ngay đằng sau mình cũng không biết. Sau những chuỗi ngày đằng đằng tự giày vò bản thân, anh như được sống lại trong tình yêu thương và ấm áp của tình thân, tình máu mủ mà bấy lâu cứ dấm dứt trong lòng anh.
“Anh Tâm!” Dịu gọi khẽ.
Tâm giật mình ngoảnh lại phía sau mới phát hiện Dịu đang nhìn mình trìu mến. Một chút xao xuyến chao đảo qua trái tim Tâm. Ánh mắt của Dịu đến giờ vẫn dịu dàng như vậy, chưa bao giờ thay đổi.
“Anh biết sự thật về thằng bé từ lúc nào?”
Câu hỏi bất ngờ của Dịu làm trái tim Tâm vừa dâng lên chút xuyến xao đã vội chùng xuống: “Từ lúc mẹ con em về nghỉ hè.”
Tâm cúi mặt hổ thẹn. Nét vui tươi lúc nãy bỗng vụt tan biến mất. Tâm nhìn Dịu với ánh nhìn van lơn: “Dịu! Là lỗi tại anh! Anh hồ đồ không nhận ra con mình. Anh có tội với em, với con. Anh cầu xin em được cho anh qua lại nhìn con, được không em?”
Ánh mắt Dịu nhìn Tâm bao dung: “Em chưa bao giờ có ý ngăn cấm bố con anh nhìn nhìn nhận nhau. Con người có tổ có tông, cội nguồn. Em định khi nào mọi chuyện ổn định em sẽ nói chuyện với anh về con. Nhưng không ngờ mọi chuyện lại vỡ lở sớm quá!”
Tâm vui mừng định túm lấy tay Dịu nhưng bất chợt nhớ ra điều gì đó liền rụt tay lại nói: “Anh cảm ơn em nhiều! Anh chuyển lên đây công tác rồi. Anh sẽ thường xuyên đến thăm mẹ con em! Em cho phép anh chứ Dịu?”
Dịu nhìn Tâm khẽ gật đầu. Hai bàn tay Tâm vặn vẹo vào ngập ngừng không biết để chỗ nào cho đúng: “Anh ta…Chồng em…anh…anh ấy không thường xuyên ở nhà hả?”
Câu hỏi của Tâm khiến Dịu hơi bất ngờ. Cô cúi mặt xuống cười nhẹ rồi nói: “Thôi! Chuyện của em để nói sau đi. Giờ anh kể chuyện của anh đi! Anh sống tốt chứ?”
Tâm liếc mắt sang bên nhằm tránh ánh mắt Dịu nhìn mình cười nhẹ: “À… ừ! Cũng tàm tạm!”
Dịu thừa hiểu Tâm ít khi nói dối. Lần nào nói dối là sẽ không dám nhìn vào mắt Dịu hoặc là nói lẩn tránh. Tâm cố tình nói dối Dịu như vậy có nghĩa là anh còn có lý do gì đó khó nói. Dịu cũng không muốn gặng hỏi nữa.
“Giờ cũng muộn rồi. Anh về nhà đi kẻo tối!”
Dịu cố tình lảng sang một câu chuyện khác để gỡ rối cho Tâm. Tâm nhìn đồng hồ. Đã sáu rưỡi tối. Thế mà ngoài trời vẫn còn sáng lắm.
“Ừm!” Tâm có vẻ tiếc nuối dùng dằng không muốn về.
Dịu đi lại bế thằng Đức lại chỗ Tâm rồi nói: “Chào bố đi con!”
Thằng bé giơ tay lên vẫy vẫy: “By… ba ba!”
Tâm đến gần bế lấy nó từ tay Dịu xốc thẳng lên rồi áp má mình vào má nó: “Bố về nhé con trai! Mai bố lại sang chơi với con!”
Thằng bé được Tâm mua cho đồ chơi với lại cùng chơi một hồi từ chiều nên không còn lạ anh nữa. Nó nhe răng gật đầu cười toe toét: “Vân!”
Tiếng nó ngọng nghịu nhưng lại khiến Tâm thấy ấm áp vô cùng. Anh chỉ ước rằng, giá như mình được ở lại đây một thôi cũng được. Chỉ một đêm được ôm nó mà ngủ, được hít hà cái mùi nồng nồng của trẻ con thơm khai mùi sữa bỉm và hơn hết được nhìn thấy người phụ nữ mà anh yêu thương đang bằng da bằng thịt nằm cạnh mình chứ không phải trong giấc mơ nữa.
***
Những ngày giáp tết, mọi người bận bịu sắm sửa, trang hoàng nhà cửa. Hôm nay là ngày 22 âm lịch. Sáng mai ngày 23 tết ông Công ông Táo mẹ con Dịu mới được về nghỉ. Thảo ở nhà cơ bản đã mua sắm hết mọi thứ. Nhà cửa cũng được lau chùi sạch sẽ từ hai mươi tháng chạp. Bà Hiền chộn rộn cả tuần nay mua đủ thứ đồ ăn thức uống để sẵn trong nhà.
Chiều nay, bà Hiền đi chợ mua quần áo giấy và đồ đạc về cúng ông Công ông Táo thì gặp bà Hoạt cũng đi mua sắm đồ đạc. Bà Hoạt nhìn thấy bà Hiền thì đứng ngây ra một lúc. Con Nga thấy vậy nhanh miệng chào: “Cháu chào bác ạ!”
Bà Hiền gật đầu chào lại. Nhưng bà Hoạt chỉ nhìn liếc qua bà Hiền một cái không nói gì, mặt cúi xuống có vẻ xấu hổ rồi lôi tay con Nga lủi đi mất.
Bà Hiền xách cái làn nhìn theo một lúc rồi cũng đi. Trước cũng nghe nói bà Hoạt ốm một trận nằm liệt mấy tháng trời nhưng không ngờ bà ta lại sút cân nhanh đến vậy. Thân hình gầy cả đi, da nhăn nheo, tóc bạc gần nửa đầu, dáng đi không còn ục ịch như trước nhưng không hẳn là nhẹ nhõm mà có vẻ hơi yêu yếu. Hai bà xem xém tuổi nhau nhưng trông bà Hoạt già hơn hẳn cả chục tuổi. Trước đây bà Hoạt béo ục, da căng nên nom vẫn trẻ hơn bà Hiền. Không ngờ mới có mấy tháng mà con người ta thay đổi nhanh như vậy.
Bà Hoạt trước đi ra đường nghênh ngang bao nhiêu thì bây giờ khép nép bấy nhiêu. Thậm chí có gặp bà Hiền ngoài đường không bĩu môi bĩu mép nói móc nói mỉa hay là kênh cái mặt lên nhìn trời mà nhìn chứ nhất định không thèm nhìn vào mặt bà Hiền nữa. Thế mà… không hiểu có thứ gì có thể thay đổi người ta nhanh như vậy! Ngay cả con Nga cũng thay đổi hẳn thái độ với bà Hiền, lễ phép và thân thiện hơn. Bà Hiền cũng nghe nói chuyện của Kim và Tâm. Có lẽ nào vì chuyện đó mà gia đình bà Hoạt đã thay đổi thái độ với bà? Hay họ đã biết được chuyện gì đó về Dịu? Bà Hiền ngẫm nghĩ một lúc rồi cũng nhanh chóng đi ra nhà xe lấy xe đạp đi về.
Bà Hoạt kéo tay con Nga đi. Thỉnh thoảng ngoái lại phía sau cho đến khi không còn thấy bóng bà Hiền nữa mới dừng lại.
“Mẹ! Mẹ làm cái gì mà sợ sệt vậy? Mẹ ngại gặp bác ấy hả? Có việc gì đâu mà ngại. Bây giờ mình phải làm thân dần đi thì sau này mới mong người ta cho nhận cháu chứ! Mẹ cứ làm như thế thì nhìn mặt nhau càng khó đấy!” Con Nga thấy mẹ nó đột ngột kéo tay lôi nó đi thì khó chịu nên nói lại.
“Thôi! Chuyện sau này thì sau này tính. Giờ tao còn mặt mũi nào mà nhìn người ta!”
“Bác ấy có ăn thịt mẹ đâu mà mẹ sợ?”
“Mày còn nhỏ biết cái gì!”
“Mẹ lại vậy nữa rồi! Con mười tám tuổi rồi, là người trưởng thành rồi mà suốt ngày mẹ cứ nói con là con nít.”
“Cái tuổi chả nói lên được điều gì con ạ. Mẹ mày già cái đầu rồi mà còn ngu đây con.” Nói xong mới biết mình lỡ lời liền hối con gái: “Mau ra chỗ bán trái cây cho mẹ mua nải chuối chiều lên chùa thắp hương còn kịp.”
Con Nga phụng phịu xách cái làn to tướng bao nhiêu là đồ của hai mẹ con vừa mua được sớm nay. Thế mà vẫn còn chưa đủ. Đồ đạc trong làn toàn là bánh trái, hương hoa để cúng.
Dạo này nó hay chở mẹ nó lên ngôi đền gần nhà để cúng kiếng. Một tháng ít nhất là hai ngày mùng một và mười lăm, nó đều phải chở mẹ nó lên chùa hoặc là đi đền. Có hôm bận học thì ông Hoạt sẽ chở bà Hoạt bằng xe đạp nên hơi vất vả một chút. Nhưng may là ngôi đền cũng cách nhà có năm sáu cây số nên cũng đỡ.
Cái lần bị Kim vạch mặt chuyện cháu chắt, bà Hoạt sốc nặng nằm liệt đi, không ăn không uống gì nên phải lên trạm xá truyền nước. Bạn bè và mấy người họ hàng đến thăm. Người ta nghe nói bà Hoạt vì xót đứa cháu không may bị mất sớm nên sinh bệnh. Thế là có người mách bà về đặt tên cho cháu rồi gửi nó vào đền để cầu siêu. Như vậy mới đỡ bị nó hành và sau này đường con cháu sẽ thuận lợi hơn. Không biết có phải sự thật như vậy không nhưng đúng là từ khi bà Hoạt làm theo cách người ta mách thì bệnh tật có đỡ hẳn. Bà không còn nằm liệt giường nữa mà đứng dậy đi lại và rất năng đi đền đi chùa. Ngoài ra bà còn năng đi cầu ở khắp mọi đền miếu trong huyện. Ai mách chỗ nào thiêng là bà cũng đi hết.
Lúc đầu bà cũng lò mò nói chuyện với con dâu về việc đặt tên và kêu cô đi đền cầu siêu cho đứa trẻ thì Kim gạt phắt đi: “Thời đại rồi mà còn tin mấy cái trò mê tín đấy nữa hả? Mẹ đừng có tin thầy bà vớ va vớ vẩn làm liên lụy người khác.”
Bà Hoạt nghe vậy thì không dám nhắc tới chuyện gửi hương linh cháu ở đền nữa mà lẳng lặng tự mình đi làm. Tâm biết chuyện ban đầu cũng phản đối nhưng thấy mẹ nằng nặc đòi đi, cộng với việc thấy mẹ mình có vẻ khỏe ra, không nằm liệt giường buồn phiền như trước nữa thì cũng mặc kệ để cho bà đi cho thoải mái tư tưởng.
Bà Hoạt bận bịu với công việc cúng kiếng nên đi nhiều. Thỉnh thoảng còn dẫn mấy người bạn cùng hội về nhà chơi. Kim biết được liền gay gắt mắng mẹ chồng: “Mẹ làm gì thì làm đừng có động chạm đến tên tuổi của con. Con mà có chuyện gì là không yên đâu. Vẽ chuyện! Cúng với chả bái! Ăn ở mà các nhân thất đức thì trời xuống cũng chả chứng được chứ mà Phật ông với chả Phật bà.”
Mấy người bạn bà Hoạt nhìn Kim ngơ ngác xong rồi nhìn bà Hoạt. Bà Hoạt vô cùng xấu hổ nhưng không dám nói lại con dâu mà chỉ nói nước đôi: “Mẹ chỉ đi theo cúng kiếng cho thanh thản cái tâm chứ không làm gì. Con đừng lo.”
Kim thấy có nhiều người nên cũng không muốn đôi co với mẹ chồng nữa.
Khi Kim đi vào phòng rồi, mấy người bạn mới lôi bà Hoạt lại hỏi: “Nói thật với bà. Tôi cũng nghe nói con dâu bà nó ghê gớm lắm. Hôm nay mới được gặp mà không ngờ nó đanh đá cá cầy hơn cả người ta nói nữa. Vậy mà bà còn để im được à?”
Bà Hoạt cười như mếu, vừa xấu hổ vừa đau đớn nhưng nào dám nói sự thật, chỉ du di cho qua chuyện: “Con bé nó đang còn trẻ, với lại con nhà giàu được chiều chuyện quen rồi nên ăn nói không biết trước biết sau chứ tâm tính nó cũng tốt lắm. Trước đây nó cũng không đến nỗi nào. Nhưng từ khi nó mất đứa con thì sinh ra cọc cằn, thô lỗ như vậy.”
Một bà trong hội nghe xong thì cảm thông lắm liền nói: “Có khi nào thằng bé nó mất oan, nó không chịu siêu thoát quay lại hành mẹ nó không nhờ? Tôi nghe nói có nhiều trường hợp như vậy lắm! Phải năng kêu cầu cho nó đi đầu thai chuyển kiếp thì nhà cửa mới yên được.”
“Ừ! Cũng phải đấy bà ạ.” Một bà khác gật gù: “Tôi biết có bà thầy hay lắm. Hay bữa nào tôi dẫn bà đi đến chỗ bà ấy “kêu” nó lên hỏi nó coi nó cần gì. Mình làm theo yêu cầu của nó rồi dỗ nó đi đầu thai chuyển kiếp đi thì nhà mới yên được.”
Bà Hoạt nghe đến đây thì tỏ ra đồng tình lắm: “Nói thật với các bà. Từ ngày thằng bé mất. Nhà tôi cứ đảo lộn hết cả lên. Hết chuyện này đến chuyện kia. Vợ chồng nó thì suốt ngày lục đục. Chồng đây vợ đó. Tôi thì ốm đau triền miên. May mà từ lúc đưa được nó lên chùa mới đỡ một tí.”
“Đấy tôi đã nói rồi mà. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Để hôm nào rảnh, tôi dẫn bà đi.”
“Vâng !Trăm sự nhờ các bà. May mà có người đưa đường dẫn lối cho. Nếu không chắc tôi cũng không biết làm cách nào nữa!” Bà Hoạt xúc động nói.
“Được rồi! Vậy chúng tôi về đây! Hôm nào rảnh tôi lại!”
Một bà vừa nói vừa nhìn vào cửa phòng Kim. Cửa vẫn đóng im ỉm. Dường như họ cũng không muốn ở đây lâu. Vì sự có mặt của Kim khiến câu chuyện của họ không được thoải mái nữa.
Ba ngày sau thì bà Hoạt đi theo hai bà bạn đi sang huyện bên. Đi từ sáng đến tối mịt mới về. Ngày hôm sau bà lại giục con Nga chở lên thị trấn vào một cửa hàng vãng mã to nhất huyện mua rất nhiều đồ cho con nít. Toàn bằng hàng mã. Đến chiều thì có một người đàn bà trạc năm mươi tuổi đi xe máy đến nhà bà Hoạt. Thái độ bà Hoạt rất cung kính ra từ ngõ rước vào. Đây là bà thầy mà bà Hoạt đã đi xem và mời về nhà làm lễ. Thầy phán phải thỉnh “thằng bé” về nhà thờ cúng cho đàng hoàng, để nó không bị đói khát thì nó mới phù hộ cho gia đình. Bà Hoạt đã chuẩn bị đủ thứ như thầy dặn. Mua bàn thờ gỗ về thuê người đóng ngay trưa hôm nay vì là ngày đẹp. Các đồ vật cũng đã sẵn sàng chỉ còn mời thầy về làm lễ.
Ông Hoạt có vẻ như không đồng tình lắm nhưng không dám cãi lời vợ, đành im ỉm mắt nhắm mắt mở nghe vợ sai vặt mua cái này, lấy cái nọ cho bà. Bà thầy đặt lễ lên bàn thờ rồi làm lễ.
Cái bàn thờ khá nhỏ được đóng bên trên nóc tủ đứng được che bởi một tấm rèm nhỏ màu đỏ. Sáng nào bà Hoạt cũng bắc ghế thắp hương rồi lầm rầm khấn vái. Kim thỉnh thoảng về nhà mà toàn là về vào buổi tối. Với lại cô ít khi ngồi nói chuyện với cả nhà ngoài phòng khách mà chỉ chui vào phòng mình nếu không có việc cần thiết nên cô không để ý lắm đến cái ban thờ mới.
Mọi việc diễn ra suôn sẻ, tinh thần bà Hoạt cũng thoải mái hơn hẳn. Bà Hoạt tin rằng, “đứa trẻ” được cúng kiếng đầy đủ sẽ phù hộ cho con dâu bà mau có thai, nhà bà sẽ lại có thêm đứa cháu cho vui cửa vui nhà. Chứ bây giờ bà thật sự thèm khát có một đứa con nít trong nhà, thèm thấy có người nối dõi dòng giống nhà này. Càng có tuổi bà càng khao khát nhìn thấy con thấy cháu gia đình đề huề con cái sum vầy bên nhau.