Nỗi đau dịu dàng_Chương 29
Chương 29
Thái Sơn kể lại cơ duyên mình gặp ông nội cho cả nhà nghe. Và cả chuyện tình của ông với mối tình đầu cũng là mối tình cuối của cả cuộc đời mình. Những năm tháng lang bạt khắp nơi để tìm người thương của ông. Ông Hải nghe xong thì xúc động đứng dậy đi lại chỗ cụ Liễn đang cúi mặt xuống, mắt cũng rưng rưng không kiềm chế được niềm xúc động.
“Bố!”
Tiếng gọi bố lần đầu tiên thoát ra từ miệng một vị giám đốc bệnh viện ngoại ngũ tuần với một người hành khất nghèo khổ mà ông chưa từng bao giờ tưởng tượng ra.
Cụ Liễn ngẩng mặt lên nhìn con trai nước mắt dàn dụa. Niềm hạnh phúc quá bất ngờ và quá lớn lao khiến trái tim ông như thắt lại. Miệng ông cứng đơ người bắt đầu run lên. Thái Sơn thấy vậy vội vàng chạy lại đỡ ông nội mình rồi lấy lọ thuốc trợ tim anh đã thủ sẵn trong túi áo.
Bà nội biết ý vội vàng lấy cốc nước đưa cho Thái Sơn. Ông Hải và bà Ánh Tuyết không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng cũng vô cùng lo lắng xúm lại chờ trợ giúp.
Thái Sơn cho ông nội uống thuốc xong thì mới giải thích:
“Ông nội bị bệnh tim không thể chịu được xúc động mạnh.”
Ông Hải đứng hình nhìn người đàn ông đang ngồi mặt mình. Nghĩ lại quãng đường trước kia bố mình lang thang tìm vợ khổ sở một thân một mình bệnh tật không ai chăm sóc thì thấy thương vô cùng. Ông quỳ sụp dưới chân cụ Liễn:
“Bố, con xin lỗi bố đã để cho bố phải sống lang thang khổ sở trong suốt thời gian qua!”
Cụ Liễn cúi xuống cầm tay con trai:
“Ta mới phải cảm ơn các con và mẹ, cảm ơn tất cả các con đã cho ta biết mình còn có một gia đình trong những ngày tháng cô ấy đời này.”
Ông Hải lần đứng dậy ôm người đàn ông mà mình vừa mới gọi là bố lọt thỏm trong vòng tay ông. Người đàn ông nhỏ bé gầy hom vì đã lang thang khắp chốn gần hết cuộc đời để tìm lại gia đình.
Bà nội nhìn hai người bọn họ nhận nhau vừa khóc vừa cười. Giọt nước mắt hạnh phúc trộn lẫn với nụ cười mãn nguyện hòa tan trong niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Đúng là ở đâu đó trên cuộc đời này nếu những người luôn nghĩ và hướng về nhau thì chắc chắn sẽ có ngày gặp lại.
Sau giây phút xúc động nghẹn ngào trong ngày trung phùng, cụ Liễn ngỏ ý muốn thắp cho ông nội Tú một nén hương để tạ ơn. Bà nội rút nắm hương trên bàn thờ rồi châm lửa đứng khấn vái sau đó chia cho mọi người. Cụ Liễn trân trọng cầm lấy 3 nén hương đứng cung kính trước di ảnh ông nội Tú run run nói lời tạ ơn ông. Người đã ban cho gia đình ông một cuộc đời. Người đàn ông đã sống trọn vẹn và xứng đáng với cuộc đời của một con người tài đức vẹn toàn.
Như lời di nguyện của ông nội Tú, cụ Liễn dẫn vợ con và cháu về làng để nhận tổ nhận tông. Cả làng đều rất bất ngờ trước sự trở về của cụ Liễn và cả gia đình của cụ. Trước đây lúc mới ra đi ông vẫn thường hay về để hương khói cho ông bà cha mẹ mỗi dịp lễ lạt hay vào ngày giỗ các cụ. Nhưng mấy năm gần đây vì tuổi cao sức yếu không đi lại được nên không thấy ông trở về nữa. Người ta cứ đồn ông đã mất ở một nơi nào đó rồi. Ai cũng tội nghiệp cho ông không con không cháu c, hết trôi sông lạc chợ không ai tin tức. Thành ra mồ mả ông bà đành do mấy người trong dòng chăm lo. Bên nhà bà nội cũng mất gần hết chỉ còn vài anh em họ hàng xa. Nhiều người còn không nhận ra ông bà vì thế hệ đi trước đã mất gần hết. Nhưng những người biết ông bà đều rất mừng cho ông. Người dân trong làng dù có nhiều người không quen biết ông bà cũng đến chúc mừng và thăm hỏi gia đình. Cuộc hội ngộ của gia đình cụ Liễn quay trở về làng là một sự kiện lớn và cũng là một sự kiện chưa từng xảy ra ở cái làng này.
Ông Hải ngay lập tức lên kế hoạch để tài trợ và xây dựng lại mồ mả cho ông bà gia tiên trong dòng họ. Một đứa con đã thất lạc mấy chục năm trời thành danh ở xứ người nay trở về nhận tổ nhận tông khiến cả làng cũng vinh dự lây. Ai cũng khen nhà cụ Liễn có phúc lớn lắm mới có được thế hệ sau thành danh như vậy. Đúng là người có phúc có phần thì kiểu gì cũng sẽ được hưởng.
Ngôi nhà cũ của gia đình cụ Liễn cũng được ông Hải cho xây sửa lại khang trang, sạch sẽ để mỗi lần gia đình về quê hương khói thì có chỗ nghỉ ngơi. Thế là cuối đời của cụ Liễn cũng đã mãn nguyện vì con cháu được nhận tổ nhận công và ông cũng có nơi có chốn để thờ tự cha mẹ cho đàng hoàng.
Gia đình sum họp một nhà không còn gì hạnh phúc hơn nữa. Bệnh tình của cụ Liễn cũng tiến triển theo hướng tích cực. Bà nội cũng không còn nhiều muộn phiền day dứt như trước kia. Hai ông bà vẫn thường mỗi tối ra khu phố đi bộ để biểu diễn đàn bầu cho những người yêu tiếng đàn của ông thưởng thức. Thay vì trước kia cụ Liễn chỉ có một mình thì bây giờ có thêm bà nội ngồi bên cạnh nữa. Dần già người ta cũng quen việc bên cạnh một cụ ông ngồi đánh đàn bầu còn một cụ già ngồi bên cạnh thả hồn vào tiếng đàn réo rắt nhưng không còn những cung bi thương ai oán như trước nữa.
Chuyện của người lớn đã trọn vẹn. Thái Sơn cũng một phần nào yên lòng nhưng trong thâm tâm anh vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai cảm giác nhớ nhung về Hoàng Lan. Ông nội đương nhiên là rất hiểu tâm tư này ở đứa cháu trai của mình. Thấy Thái Sơn thỉnh thoảng ngồi đăm chiêu ngoài ban công ngắm nhìn đường phố ông lại gần ngồi xuống bên cạnh Thái Sơn hỏi:
“Cháu đang nghĩ về Hoàng Lan à?”
“Chắc là cô ấy đã quên cháu thật rồi ông ạ.”
Thái Sơn nói giọng có chút tủi thân. Anh nhớ lại những lời mà Hoàng Lan nói với anh trước đây, tình yêu cũng chỉ là một đoạn tình cảm nhất thời mà thôi.
“Cháu nghĩ Hoàng Lan là người nông cạn như vậy à?”
“Cháu cũng không biết nữa. Cô ấy nói là đã quên cháu rồi.”
“Cháu không nghe người ta nói phụ nữ nói có là không sao?”
“Nhưng đã lâu như vậy rồi mà cô ấy không hề liên lạc với cháu.”
“Vậy thì cháu vẫn chưa hiểu hết Hoàng Lan rồi.”
“Ông nói vậy có ý gì ạ?”
“Chẳng nhẽ cháu không thấy mình đang làm rất tốt mọi việc hay sao? Cháu cứ nghĩ đi nếu như Hoàng Lan không có tình cảm với cháu thì tội gì cô ấy phải tránh mặt cháu mà bỏ bê công việc của mình ở đây chứ? Nếu cô ấy không thích cháu nữa thì chỉ cần nói không và khước từ tình cảm của cháu là được. Cháu nên nhớ mọi việc suy tính của Hoàng Lan luôn đi trước cháu một bước. Và hiện tại những việc cháu đang làm đã dần chạm đến đích rồi đấy.”
Thái Sơn nghe ông nói vậy mới nhớ ra rằng Hoàng Lan rất thân với ông nội. Chắc chắn ông biết Hoàng Lan ở đâu.
“Ông, ông biết cô ấy ở đâu phải không ông?”
Ông nội nhìn Thái Sơn cười hiền từ:
“Đương nhiên là ông biết. Nhưng ông đã hứa với cô ấy rồi nên không thể nói cho cháu biết được. Ông chỉ có thể đưa ra lời khuyên cho cháu. Nếu cháu yêu một người thì hãy quan tâm đến tất cả những sở thích ước mơ của người đó. Những nơi nào người đó hướng đến thì cháu hãy tìm ở nơi đó.”
Nghe ông nội nói như vậy Thái Sơn mới ngộ ra. Giống như thể cách mà ông nội đi tìm bà nội vậy. Chính vì biết bà nội mê tiếng bầu nên ông đã tìm mọi cách học đánh đàn bầu. Chỉ có như vậy hai người mới có dấu hiệu tìm được đến với nhau.
“Vâng cháu hiểu rồi!”
Thái Sơn như vỡ lẽ hết mọi điều. Anh nghĩ đến việc sẽ làm một chuyến đi thiện nguyện lên vùng Tây Bắc mổ tim cho những trẻ em nghèo không có điều kiện đến bệnh viện. Anh biết Hoàng Lan chắc chắn đang ở trên đó. Chuyến đi này cũng là để cho anh trải nghiệm trên những con đường mà Hoàng Lan đã đi qua. Anh muốn biết người yêu anh đã trải qua những gì. Anh cũng muốn cảm nhận được những việc làm ý nghĩa mà người anh yêu đang làm. Anh cũng muốn đi con đường mà người ấy đi, yêu những gì mà người ấy yêu và đau với những gì mà người ấy đau.
Thái Sơn nói rõ kế hoạch và mục đích của mình với bố mẹ. Ông Hải và bà Ánh Tuyết cũng đồng tình và ủng hộ quyết định này của con. Tuy cũng xót con phải lên vùng núi xa xôi đối diện với cái nghèo cái đói và đường xá hiểm trở nhưng bà Ánh Tuyết không dám ngăn cản con lần nữa. Bà đã quá xót xa với thất bại lần trước khiến con trai bà phải đau khổ vật vã một thời gian rồi. Ông bà nội thì đương nhiên đồng tình cả hai tay.
Thái Sơn lập tức lên kế hoạch và sắp xếp công việc của mình để chuẩn bị tư trang thuốc men cùng với một nhóm y bác sĩ tình nguyện lên vùng cao Tây Bắc chữa bệnh cho trẻ em nghèo. Lúc sắp đến ngày đi thì được tin có một nhóm sinh viên tình nguyện của Trường Đại học trong Thành phố cũng liên hệ với đoàn bác sĩ bệnh viện Tâm An xin được đi cùng đoàn. Đương nhiên việc có thêm người sẽ càng thuận tiện cho công việc thiện nguyện nên Thái Sơn đã không ngần ngại đồng ý ngay. Đến lúc hai đoàn kết hợp để bàn bạc kế hoạch thuê xe nên thì mới biết trong đoàn có cả Diệu Linh, con gái của vị chủ tịch tỉnh. Người mà Thái Sơn đã cứu sống trong vụ t, ai nạn vừa rồi cũng tham gia đi cùng. Cô hớn hở khoe với anh rằng vì biết anh trong đoàn y bác sĩ bệnh viện Tâm An đi lên thiện nguyện ở vùng Tây Bắc nên cô đã xin bố mình được đi cùng đợt. Cô gái trẻ tỏ ra ngưỡng mộ Thái Sơn vô cùng. Đương nhiên với một bác sĩ trẻ có tài, có địa vị và đẹp trai như Thái Sơn thì bất cứ cô gái nào biết anh cũng sẽ ái mộ anh. Huống hồ đây lại là một người chịu ơn cứu mạng của anh nữa.
Thái Sơn dường như cũng nhận ra tình cảm đặc biệt của cô gái đối với mình. Anh rất kinh nghiệm từ vụ của Ái Vân lần trước nên nghiêm túc nói thẳng thắn chuyện tình cảm của mình với Diệu Linh.
“Nếu em vì tôi mà lên Tây Bắc lần này thì tôi khuyên em nên suy nghĩ lại. Bởi vì tôi không ngại nói với em rằng, chuyến đi lần này của tôi chính là đi t́ìm người con gái mà tôi yêu. Người con gái đó cũng đang trên miền đất xa xôi kia để giúp đỡ những con người bất hạnh.”
Diệu Linh nghe xong lời nói thẳng thắn của Thái Sơn thì ngạc nhiên lắm.
“Anh đã có bạn gái rồi ư?”
“Đúng vậy. Tôi khuyên em thật lòng, Tây Bắc là một vùng núi xa xôi, địa hình hiểm trở và cuộc sống rất thiếu thốn, khó khăn. Em là một cô gái thành phố sống sẽ rất khó khăn khi lên trên đó. Em nên rút lại quyết định bây giờ vẫn còn kịp.”
“Không. Em không muốn. Dù khó khăn vất vả như thế nào em cũng muốn đi cùng anh. Em cũng muốn xem người con gái mà anh nói kia là người như thế nào mà khiến anh không ngại khó khăn vượt núi trèo đèo để đi tìm như vậy.”
“Được. Nếu em muốn như vậy thì tôi cũng sẽ không có ý kiến gì thêm nữa. Nhưng tôi muốn em hiểu một điều giữa tôi và em hoàn toàn không có gì hết. Tôi cứu em chỉ vì tôi là một bác sĩ. Và người con gái tôi yêu duy nhất chỉ có cô ấy mà thôi.”
Diệu Linh nhìn Thái Sơn bước đi một cách dứt khoát không nhìn lại mình. Trong lòng cũng có chút tổn thương nhưng lại có phần khâm phục sự khẳng khái của vị bác sĩ trẻ đa tài mà si tình kia.