Nỗi đau dịu dàng_Chương 27
Chương 27:
Cả nhà ăn cơm sớm rồi tổ chức sinh nhật cho bà nội xong, Thái Sơn đề nghị được dẫn bà đi ra phố dạo chơi. Anh cố tình nói nhỏ với bà nội sẽ tặng bà một món quà đầy bất ngờ. Bà nội vui lắm. Rất ít khi bà được Thái Sơn dẫn ra phố chơi vào buổi tối như thế này. Ngày còn bé, Thái Sơn được ông bà dẫn đi công viên chơi nhiều. Nhưng sau khi lớn lên bận học rồi lại đi làm gần như Thái Sơn không có nhiều thời gian dành riêng cho bà nữa. Thế nên lần đi chơi này cùng đứa cháu trai của mình, bà vui vô cùng.
Thái Sơn không chở bà trên xe ô tô mà chở trên chiếc Honda của ông nội anh để lại từ thời xưa. Tuy nhiều năm rồi nhưng máy móc vẫn còn ngon lành lắm. Nhất là bố anh luôn chăm chút chiếc xe này. Mỗi năm đều tân trang sửa sang lại máy móc. Bố còn quý nó hơn chiếc xe hơi đắt tiền mà ông thường đi làm. Bố chỉ dành chiếc xe này để chở bà nội vì đó chính là kỷ vật của ông nội.
8 giờ tối. Phố đi bộ bắt đầu đông người. Thái Sơn chở bà nội đi vào khu phố quen thuộc. Có một đám đông đang vây quanh ai đó. Thái Sơn gửi xe rồi dẫn bà nội đi bộ lại chỗ đám đông. Từ đằng xa đã nghe thấy tiếng đàn bầu réo rắt bên tai. Thái Sơn để ý thái độ của bà để xem bà vui mừng ra sao khi được nghe tiếng đàn bầu ngoài đời thực chứ không phải qua radio nữa.
Bà nội bỗng dưng không nói chuyện nữa mà lặng lẽ lắng nghe. Dường như bà đã nhận ra điều gì đó. Thái Sơn dắt tay bà từ từ tiến tới chỗ đám đông. Anh có thể cảm nhận rõ đôi bàn tay bà run lên, mạch bà đập nhanh hơn khi nghe được tiếng đàn bầu ngày càng rõ. Thái Sơn đoán có lẽ lâu lắm rồi bà mới được nghe trực tiếp tiếng đàn bầu thế này nên có mới xúc động nhiều như vậy.
Anh nói khẽ với một người thanh niên bên cạnh nhường chỗ cho bà nội đi vào bên trong để được trực tiếp nhìn và lắng nghe tiếng đàn bầu rõ hơn. Người nghệ nhân đánh đàn bầu chính là cụ Liễn đang ngồi say sưa bên chiếc đàn độc huyền cầm quen thuộc của mình. Anh cũng bị cuốn vào tiếng đàn lúc trầm lúc bổng mà réo rắt đến nao lòng người này.
Bà nội im hoàn toàn. Tất cả mọi người đều yên ắng lắng nghe. Mọi người đều thả hồn theo tâm tư riêng của mình trong tiếng đàn bầu của ông cụ.
Màn biểu diễn kết thúc, hàng loạt tràng pháo tay vang dội cổ vũ và những lời tấm tắc ngợi khen, ông cụ chơi đàn có hồn quá. Thái Sơn lại bắt đầu công việc quen thuộc của mình sau mỗi lần cụ Liễn chơi xong một bản nhạc. Anh cầm chiếc nón lá của cụ rồi xòe ra trước mặt mọi người. Đến lượt bà nội, anh cũng xòe ra trước mặt bà. Bà nội lặng người một lúc rồi bất chợt lấy trong chiếc túi áo bà ba của mình một gói vải màu đỏ đã cũ. Bà mở chiếc túi vải ra rồi lấy tấm ảnh đen trắng bỏ vào chiếc nón lá trên tay Thái Sơn.
Thái Sơn nhìn tấm ảnh thì ngạc nhiên lắm:
“Bà… bà nhầm rồi! Đây là hình chứ không phải tiền lẻ.”
Bà nội nói giọng run run:
“Không nhầm. Cháu cứ đưa cho ông ấy.”
Bà cụ nói với cháu trai nhưng ánh mắt vẫn hướng về phía cụ Liễn. Nhưng cụ Liễn bây giờ đang vui vẻ ôm chiếc đàn bầu quý báu của mình trên tay cúi người cảm tạ khán giả mà không hề để ý đến câu chuyện về tấm ảnh giữa Thái Sơn và bà nội.
Thái Sơn tuy rất khó hiểu nhưng vẫn cố gắng đi hết một vòng xung quanh rồi mới đưa chiếc nón trở về với chủ.
Cụ Liễn nhặt những tờ tiền mà khán giả tặng cho mình xếp vào thành một xếp. Tấm ảnh có trọng lượng nặng hơn những tờ tiền lẻ lên nó bị vùi xuống đáy nón. Mãi gần cuối cùng cụ Liễn mới nhìn thấy tấm ảnh trong chiếc nón lá của mình. Cụ cầm tấm ảnh nên nhìn thật kỹ. Người cụ lảo đảo, tay run run, mặt ngẩng lên dáo dác tìm người nào đó trong đám đông.
“Thái…Thái… Sơn… Ai… ai đã đưa cái tấm ảnh này cho cháu?”
Đôi môi cụ mấp máy vội vàng hỏi Thái Sơn.
“Là bà nội cháu.”
“Bà nội cháu? Bà…bà…ấy… đâu rồi?”
“Kia ạ.”
Thái Sơn chỉ về phía bà nội mình đang đứng lặng người trong đám đông nhìn ông cụ rồi từ từ tiến đến chỗ bà nội dẫn bà đến chỗ ông.
“Đây là bà nội cháu ạ.”
Cả ông cụ và bà đội đều chẳng nghe thấy tiếng Thái Sơn nói gì cả. Hai người đứng trân trân nhìn nhau không nói một lời. Những giọt nước mắt bắt đầu tuôn rơi từ đôi gò má nhăn nheo, hom hem theo năm tháng.
“Bà… bà… có phải…”
Cụ Liễn nói không nên lời. Tay run run cầm tấm ảnh trên tay hướng về phía bà nội.
“Phải, chính là tôi đây!”
Bà nội gật đầu xác nhận.
Cụ Liễn vỡ òa buông thõng cây đàn trên tay rơi xuống đất cầm chặt lấy tay bà nội kêu lên:
“Trời ơi! Cuối cùng thì tôi cũng đã tìm thấy bà rồi!”
“Ông! Bao nhiêu năm qua ngày nào tôi cũng chờ ông. Tôi luôn cầu mong trời phật cho tôi được gặp ông một lần trước khi nhắm mắt. Không ngờ tôi đã chờ được ngày này rồi; được gặp ông ở nơi này rồi.”
Bà nội cúi xuống khóc không thành tiếng.
“Ông ơi!”
Cụ Liễn nắm chặt lấy bàn tay già nua người đàn bà mà mình đã tìm kiếm gần cả cuộc đời mặc dù đôi tay bây giờ đã run run không thể nắm chặt như ngày xưa nữa rồi.
“Tôi đã đi tìm bà gần 40 năm rồi. Tôi đi khắp những nơi bà đã đi qua. Tôi nghe người ta nói bà sống ở thành phố này nhưng không biết bà ở đâu mà tìm. Tôi đã ở đây mười mấy năm. Tôi tin nếu bà ở trong thành phố này thì nhất định có ngày chúng ta sẽ gặp lại nhau.”
Tất cả mọi người đứng chứng kiến cũng dường như đã đoán được sự việc. Họ không khó nhận ra đây chính là cuộc hội ngộ của đôi tình nhân đã thất lạc nhau trong thời bom đạn của đất nước vừa mới tìm thấy nhau giữa cuộc đời này. Ai cũng rưng rưng nước mắt rồi một tràng pháo tay rần rần vang lên cùng những lời chúc mừng tận đáy lòng họ.
Không cần giải thích gì thêm, Thái Sơn đã hiểu người mà cụ Liễn tìm kiếm bấy lâu nay chính là bà nội mình. Bản thân anh cũng không ngờ sự thật lại trùng hợp đến vậy. Đúng là bánh xe số phận đưa đẩy con người ta lắm lúc thật bất ngờ. Anh cũng bật khóc trước cuộc hội ngộ mà chính mình đã đưa đến cho ông bà. Hóa ra bà nội mê tiếng đàn bầu là vì người xưa của bà là một nghệ nhân đánh đàn bầu. Giờ thì anh hiểu cái câu yêu ai thì yêu cả đường đi lối về. Có lẽ chính anh cũng thừa hưởng cái tính cách ấy từ bà nội.
Xong giây phút hội ngộ đầy xúc động, bà nội nói muốn về nhà ông để coi ông sống như thế nào. Thái Sơn đã đồng ý đưa cả hai ông bà về nhà cụ Liễn.
Cụ Liễn dắt tay người phụ nữ của của cuộc đời mình vào ngôi nhà nhỏ xinh xinh mà ông đã gắn bó một mình ở đây hơn ăđ năm để tìm bà. Thái Sơn biết ý để hai người nói chuyện riêng rồi trở ra ngoài sân đọc báo trên điện thoại.
Bà nội thấy cụ Liễn sống ở đây yên tĩnh, gọn gàng, sạch sẽ nên cũng yên lòng. Lúc đầu bà thấy ông đi hát xin tiền còn sợ ông lang thang sống như kẻ hành khất lên lo lắng đòi đến nhà xem ông bằng được. Bây giờ thì ổn rồi. Bà nhìn ngôi nhà một lượt rồi gật đầu hài lòng. Biết Thái Sơn quen thân với ông cụ bà nội mới hỏi:
“Làm sao mà Thái Sơn gặp được ông hay vậy? Hai người đã biết nhau lâu chưa?”
Cụ Liễn nhìn bà nội vẫn còn mơn man niềm hạnh phúc gặp lại người xưa vui vẻ kể:
“Tôi biết Thái Sơn là do Hoàng Lan.”
“Là Hoàng Lan ư?”
Bà nội thốt lên đầy bất ngờ.
“Chính Hoàng Lan đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian qua. Ngôi nhà này cũng là do Hoàng Lan mua cho tôi đấy. Nếu không nhờ cô ấy không biết tôi có còn sống đến ngày gặp bà không nữa.”
“Hoàng Lan!” Bà nội lặp đi lặp lại tên Hoàng Lan một cách đầy yêu mến.
“Con bé này đúng là thiên thần hộ mệnh của gia đình chúng ta mà.”
Bà không tin vào sự sắp đặt của số phận nhưng những sự việc ngày hôm nay đã khiến cho bà phải suy nghĩ lại. Bà cảm giác Hoàng Lan đến với gia đình bà giống như có sự nhúng tay của ông trời vậy. Có lẽ là bánh xe số phận đã được sắp xếp trước rồi.
Bà nội không giấu được niềm hạnh phúc khi nói về Hoàng Lan.
Cụ Liễn tự hào kể tiếp:
“Hoàng Lan là cô gái tuyệt vời. Cô ấy không những là một người phụ nữ giỏi giang mà còn là một người phụ nữ có trái tim nhân hậu nhất mà tôi từng gặp bà ạ.”
“Đúng vậy ông ạ. Thái Sơn nhà chúng ta thật may mắn khi gặp được người phụ nữ như vậy. Và chúng ta cũng thật có phúc khi có được một cô cháu dâu tài đức vẹn toàn. Có lẽ đó là phước phần của ông đấy.”
Câu nói của bà nội khiến cụ Liễn có chút khó hiểu:
“Bà nói cháu dâu có nghĩa là sao? Cái gì mà phước phần của tôi?”
Bà nội khẽ mỉm cười rồi cầm tấm ảnh của ông và bà chụp chung thời trẻ đưa lên giữa tầm mắt ông:
“Ông nhìn kỹ lại đi! Thái Sơn có nét nào giống chàng trai trẻ trong tấm ảnh này không?”
Cụ Liễn nhìn tấm ảnh mình thời trẻ và nghe những lời bà nội nói mới nghĩ lại. Đúng thật! Giờ ông mới nhận ra Thái Sơn có rất nhiều nét giống ông thời còn trẻ. Đôi mắt một mí và cái lúm đồng tiền bên má trái.
“Có lẽ nào…”
Giọng ông run run như chợt hiểu ra điều gì đó.
Bà cụ gật đầu rồi đứng dậy gọi:
“Thái Sơn, cháu vào đây cho bà biểu!”
Thái Sơn đang ngồi ngoài sân đọc báo trên điện thoại nghe bà nội gọi liền đứng dậy đi vào nhà.
Bà nội cố tình kéo anh đứng trước bóng đèn rồi kêu ông cụ nhìn thật kỹ Thái Sơn:
“Đây, ông hãy nhìn cho kỹ nhé!”
Cụ Liễn mắt rưng rưng mình Thái Sơn rồi lại nhìn vào tấm ảnh mình đang cầm trên tay, miệng mấp máy nói không nên lời. Nước mắt nhòe đi. Niềm hạnh phúc tột cùng khiến ông đứng không vững nữa.
“Thái Sơn.. nó…nó…”
Thái Sơn thấy cụ Liễn có vẻ xúc động mạnh quá liền vội chạy lại đỡ lấy cụ.
“Ông… ông… Bình tĩnh nào! Bệnh của ông không được xúc động mạnh đâu ạ!”
Thái Sơn đỡ ông cụ ngồi xuống từ từ rồi lấy thuốc cho cụ uống. Anh quá quen với việc chăm sóc cụ Liễn vì chính anh là bác sĩ điều trị cho ông mà.
Bà nội thấy Thái Sơn chăm sóc ông cụ tận tình như vậy thì mừng rơi nước mắt. Bà không ngờ giữa ông và Thái Sơn lại có mối quan hệ thâm tình như vậy. Có lẽ đó là sợi dây tình cảm ruột thịt đã gắn kết hai người dù trước đó họ chỉ là những người hoàn toàn xa lạ.
Cụ Liễn uống xong liều thuốc của Thái Sơn đưa thì cũng bình tĩnh lại. Cụ cứ nắm chặt lấy tay Thái Sơn rồi lại vuốt mặt anh mà không nói được lời nào.
Thái Sơn thấy lạ quá nên nhìn bà:
“Bà đã nói gì với ông cụ vậy bà?”
Bà nội cầm tay Thái Sơn đặt lên tay cụ Liễn rồi khẽ nói:
“Ông ấy chính là ông nội của cháu đấy!”
Thái Sơn ngạc nhiên thốt lên:
“Sao cơ ạ? Ông… nội?”
Chính Thái Sơn cũng không thể ngờ được ông cụ mà anh đang chăm sóc bấy lâu nay lại chính là ông nội của mình. Rõ ràng ông nội anh là bác sĩ Tú cơ mà. Sao bà lại nói ông cụ này là ông nội của mình? Đầu óc của Thái Sơn bắt đầu rối ren không hiểu điều gì đang xảy ra nữa.