Nàng dâu thảo_C21

Chương 21:

 

Đầu tuần sau Ánh được Bình đưa lên bệnh viện làm. Cũng may là có chị tạp vụ vì việc riêng mới vừa nghỉ việc. Ánh còn yếu với lại không quen công việc tay chân nặng nhọc nên cứ làm được một lúc lại đứng lại nghỉ ngơi.

 

Ánh xin Bình đừng nói với mọi người cô là em anh. Cô cứ lặng lẽ làm phần việc của mình. Mấy chị em cùng làm cũng không biết Ánh là ai, chỉ thấy cô gái đang trẻ quá, nhìn cũng xinh xắn mà không tìm được công việc khác hay sao mà phải làm công việc chân tay này nên cũng thấy lạ. Được cái, Ánh hơi yếu nhưng cũng chăm chỉ siêng năng, ai nhờ cái gì cũng làm nên người ta cũng có chút ít thiện cảm.

 

Lại nói về bà Lai, từ khi xảy ra vụ việc thông gia cũ đến đòi cháu thì cảnh giác hơn, lúc nào cũng khư khư giữ lấy thằng bé, cửa thì lúc nào cũng đóng im ỉm. Khi có ai kêu cửa bà phải đích thân chạy tận ra cổng nhìn mặt mới dám mở. Cứ có tiếng xe máy ở xa xa đến là bà lại chạy lại ôm chặt lấy thằng bé mang vào trong phòng, cứ như thể cả thế giới này có thể bắt lấy thằng bé bất cứ lúc nào vậy.

 

Cũng nhờ sợ thằng bé bị người ta bắt mất nên bà Lai suốt ngày ôm khư khư nó, thành ra mấy hôm liền quên luôn đề đóm. Cô Long thấy tự dưng mất một mối khách ruột liền sai con sang gọi bà Lai.

 

“Bà Lai ơi bà Lai sang mẹ cháu có việc!” Thằng bé 8 tuổi con cô Long đứng ngoài cổng cố gào cái miệng vào.

 

“Đứa nào đấy?”

 

“Cháu Tôm đây!”

 

“Có việc gì?”

 

“Mẹ cháu kêu bà sang có việc cần!”

 

Bà Lai chỉ cần nghe qua là biết ngay có chuyện gì rồi. Bà đắn đo một lúc. Máu cờ bạc nổi lên, mấy ngày nay sợ quá mà quên đi. Hôm nay lại có người nhắc đến, tự dưng bà lên cơn nghiện, không thể cưỡng được. Mà còn thằng Bom thì sao? Lỡ trong lúc bà đi sang cô Long mẹ con nhà nó đến thì chết à? Hay nhờ thằng Tôm nhỉ? Cũng không được. Nó bé thế thì làm gì được. Nghĩ ngợi một lúc bà Lai quyết định ôm cả cháu sang nhà cô Long.

 

Nhà cô Long bán tạp hóa nhỏ. Cái cửa hàng này chủ yếu bán cho mấy đứa con nít và bà già. Thu nhập chính của cái quán này là nguồn lợi từ ghi số đề mà ra. Gọi là bán cho có, chứ người ta đến đây mua cái kẹo là lấy cớ để ghi số đề. Ấy thế mà cô cứ ăn nên làm ra gớm. Nuôi hẳn được hai đứa con ăn học. Thằng lớn học Cao đẳng gì đó, thằng bé thì đang học cấp 1. Chồng thì rượu chè chẳng làm ăn được gì. Vậy mà nhà cô vẫn có nhà có cửa đàng hoàng lắm. Thế mới biết cái nghề này cũng chẳng xoàng chút nào.

 

Thấy bà Lai, cô Long kéo bà lại một chỗ nói nhỏ:

 

“Khéo bà đi đâu mấy ngày nay vậy? Con 33 bà đang theo tự dưng nó về hai lần liên tiếp. Thật chứ, bà mà theo đến giờ là trúng đậm rồi đấy.”

 

“Thật hả?” bà Lai vồn vã bỏ thằng Bom xuống rồi lấy cho nó một cái kẹo mút để cho nó chơi một mình.

 

Bà Lai lấy cái cuốn sổ học sinh chỉ còn mấy tờ giấy trắng được cuộn tròn lại, cất kỹ trong túi áo mở ra xem. Những dòng chữ chi chít. Đây là những con số bà Lai ghi lại những ngày đánh đề để tính toán xác xuất trúng. Chả biết ai dạy cho bà cách tính toán này, ngay cả cô Long nhìn vào cũng chẳng hiểu gì. 

 

Bà Lai nhìn vào một lúc thì đập tay vào mình tiếc hùi hụi:

 

“Mả cha nó chứ! Hèn chi!”

 

“Đấy! Tôi nói bà rồi. Mấy ngày nay mà bà theo có phải là trúng đậm rồi không? Tôi còn tiếc đứt ruột thay cho bà.” 

 

Cô Long xuýt xoa tiếc. Mất một khách hàng như bà Lai đúng là mất một khoản đáng kể. Chưa kể những lần trúng số, người đánh phải cho lại người ghi một khoản kha khá nữa. Tâm lý người chơi đề đóm khi ăn thường rất phóng khoáng. Nếu trúng nhiều có thể cho người ghi cả một phần mười số tiền trúng được. Nhưng mất cả tháng liên tục thì thì cũng chả ai xót mà bớt lại đồng nào. Khi ăn thì cứ nghĩ là lộc trời nên bớt lại chẳng tiếc, rồi ăn rồi chơi rồi mua sắm… Thế là cái khoảng trúng ấy chẳng bao giờ bù lại được cái khoản mất hàng ngày, hàng tháng của họ.

 

Bà Lai giở vở tính tính toán toán một lúc liền bàn với cô Lai ghi những số này, số này… Hai người mải mê với những con số chả để ý gì đến xung quanh. 

 

Thằng Bom chơi một mình một lúc thì chán. Nó ăn xong cái kẹo mút thấy có trái bóng bị hỏng của đám trẻ con đang vứt giữa đường liền lon ton chạy ra đường.

 

Có tiếng xe máy chạy từ xa xa, bà Lai bất giác ngẩng đầu lên thì thấy cháu đang chạy ra đường.

 

“Bom!” Bà Lai bật dậy chạy theo cháu. 

 

Cửa hàng tạp hóa của cô Long nằm trong cái hẻm nhỏ, khuất sau một cái cây xoan đâu to. Bên cạnh còn có một nhà xây lấn ra đường, thành ra người từ quán cô Long đi ra sẽ không thấy được người đang đi ngoài đường. Nếu là người lớn hoặc trẻ đã hiểu biết, người ta nghe tiếng xe máy xe dừng lại cho xe chạy qua. Đằng này, thằng Bom mới có 4 tuổi đầu…

 

“Bom!” Bà Lai lao ra đường ôm lấy cháu. Một chiếc xe máy lao tới không kịp phanh xẹt qua mông bà Lai khiến bà Ngã lăn ngửa ra đường.

 

“Ối làng ôi! Có người gặp nạn rồi!” Cô Long hô hoán rồi lại chỗ bà Lai dựng bà ngồi dậy.

 

Cả mông và lưng bà Lai nằm bất động dưới đường đau điếng không thể di chuyển được.

 

“Á… đừng!”  Bà Lai nhăn mặt giơ tay ra hiệu cho cô Long đừng đụng vào bà.

 

“Có khi bà ấy gãy xương lưng rồi”

 

 “Để yên bà ấy nằm đấy, đừng di chuyển!”

 

“Gọi xe cấp cứu đi!”

 

 

Mấy người xung quanh đấy xúm lại hô hoán.

 

“Gọi cho mấy đứa con nhà bả đi”, “Hình như con bé út đi làm rồi”, “Có con bé giáo viên mầm non ấy”, “Ai có số gọi cho con bả”, “Gọi cấp cứu đi rồi gọi sau”…

 

Mỗi người một tay, cuối cùng xe cấp cứu cũng đến. Bình và Ánh cũng được báo tin. Nguyệt thì được một giáo viên cùng trường báo vì có người nhà chứng kiến sự việc. Cô chạy về nhà ngay nhưng xe đã đưa bà Lai đi rồi. Nguyệt ở lại nhà giữ cháu.

 

Phúc cho nhà bà Lai khi chụp phim không bị gãy xương. Chiếc xe máy do phụ nữ chạy nên tốc độ chậm, chỉ vì không phanh kịp nên quệt qua người bà Lai. Bà Lai vì sức khỏe yếu nên chân tay rệu rạo mới bị ngã mạnh mà bại đi một bên mông. Bác sĩ chẩn đoán tầm bốn năm ngày sau sẽ đi lại được.

 

Bà Lai đòi về nhà ngay ngày hôm sau vì lo cho thằng Bom. Cả vợ chồng Thảo và Ánh đều trên bệnh viện. Ở nhà chỉ có Nguyệt. Nguyệt đem cả cháu về nhà chồng ngủ vì chẳng có ai trông nó cả. 

 

Bác sĩ kêu bà Lai phải ở lại một đêm nữa để theo dõi cho chắc chắn mới cho về. Bình phải giả vờ dọa mãi bà mới chịu ở lại. 

 

Hôm sau nữa thì bà Lai được xuất viện. Nguyệt phải giữ cháu hai đêm bị nhà chồng đá thúng đụng nia không vừa lòng rồi nên vừa nghe tin mẹ về liền mang cả cháu sang trả.

 

Không lên bệnh viện chăm mẹ được nên khi bà Lai về, Nguyệt phải ở lại nói chuyện với mẹ một lúc gọi là.

 

Thảo và Bình cũng về. Ánh cũng xin về sớm chăm mẹ.  

 

Thảo và Bình ngồi trong phòng bà Lai nói chuyện với Nguyệt. Ánh mang con đi tắm rửa. 

 

Bà Lai không vừa lòng lắm khi thấy Nguyệt chẳng thèm lên bệnh viện hỏi han mẹ lần nào. Thậm chí bà về rồi mà cũng chẳng thấy thông gia đến hỏi thăm trong khi hàng xóm người ta cũng đã đến thăm cả rồi. Ít ra thì con rể bà cũng phải đến mà coi cái thân bà còn hay không nữa chứ. Thật bà vẫn còn giận Nguyệt nên thái độ khá thờ ơ. Nguyệt cũng nhận ra thái độ không ưng của mẹ nên cũng nói nhát gừng cho có lệ. 

 

Mọi người đang nói chuyện dở thì Trực đến một cách bất ngờ, cũng chẳng thèm báo trước cho vợ một tiếng.

 

“Mẹ ạ!” Trực lầm lầm cái mặt đi vào nhà chào mẹ vợ. Thái độ có vẻ như cũng không vui vẻ gì lắm. 

 

“Mẹ khỏe chưa mẹ?”

 

“Ừm! cảm ơn anh! May mà tôi chưa chết.”

 

“Kìa mẹ!” Ánh lấy tay khều khều mẹ mình. Đang tự nhiên, thấy mặt chồng Nguyệt như thể chuột thấy mèo vậy.

 

“Mẹ mẹ cái gì! Tao ốm đau chớ bao giờ nó vác cái mặt đến hỏi thăm lần nào. Mày coi đi! Hàng xóm láng giềng người ta đến cả. Đã không lên viện thăm thì thôi, đằng này về nhà cũng không thấy tăm hơi bóng dáng đâu.”

 

Bà Lai hậm hực chả nể nang gì con rể nửa mà bổ cho một trận.

 

“Mẹ! Mẹ vừa mới về nên chú chưa sắp xếp thời gian được.”

 

Thảo thấy hơi ngại với Trực nên nói đỡ cho anh.

 

Bà Lai không có ý tranh cãi với Thảo nên không nói nữa.

 

Trực thấy thái độ của mẹ vợ như vậy cũng tức lắm. Vốn anh chẳng ưa gì bà Lai nên anh ta cũng không đến nhiều. Mặt khác, cả nhà Trực coi Nguyệt chẳng ra gì. Nguyệt trong cái nhà ấy chẳng khác gì con ở không công nhưng lại chẳng dám lên tiếng ho he gì. Chuyện này bà Lai biết và đã nói Nguyệt nhiều nhưng cô lại cứ chằm chặp bênh nhà chồng và coi đó là chuyện bình thường.

 

“Thấy mẹ khỏe chúng con cũng mừng. Thôi chúng con xin phép về. Hai đứa không có mẹ đang khóc đòi mẹ nó ở nhà.”

 

Trực chẳng muốn đôi co với mẹ vợ nên tìm cách thối lui. Mà thực chất anh sang đây lý do chính là gọi vợ về cơm nước. 

 

Bà Lai quay ngoắt mặt đi không nói gì. Nguyệt cũng sợ sệt nghe lời chồng đứng dậy.

 

“Vậy chúng con về nha mẹ! Hôm khác con sang!”

 

Thấy con gái răm rắp nghe theo lời chồng, bà Lai càng điên máu lên mắng:

 

“Tao đẻ mày ra, nuôi mày khôn lớn, cho ăn cho học, xin việc rồi gả chồng cho mày. Giờ tao nằm một chỗ thế này, mày vừa đến thấy cái mặt tao được vài phút đã nghe lời chồng bỏ mẹ ốm đau thế này à?”

 

“Mẹ! Mẹ đừng nghĩ vậy tội con! Con đâu có bỏ mặc mẹ. Ở đây còn có anh chị. Con bận việc thì con phải về.”

 

“Mày đừng có nghĩ mày cho tao mấy đồng bạc thì hết trách nhiệm với mẹ mày. Mấy chục triệu đó không bỏ công tiền tao chạy việc cho mày.”

 

Trực nghe đến “mấy chục triệu” thì nóng mắt lườm vợ. Nguyệt luống cuống hiểu ý chồng, cô hoảng hốt cầm lấy tay chồng rồi quay sang mẹ giải thích:

 

“Mẹ! Không phải vậy. Mấy chục triệu con đưa cho mẹ lần trước mẹ lên viện không phải của con.”