Nàng dâu thảo_C14

 

Chương 14:

 

Thằng Bom dạo này biết đi đứng chạy nhảy thạo lắm rồi. Nó hay tự mở cổng để chạy ra ngõ chơi. Mấy lần bà Lai đang phải chạy ra đóng cổng lại sợ nó lại chạy ra ngoài một mình khi không có người. Đường xá bây giờ không như ngày xưa, xe máy đi ầm ầm. Nhất là mấy đứa thanh niên choai choai, tóc xanh tóc đỏ chạy xe chẳng thèm nhìn trước nhìn sau. Mấy lần bà đi ra từ ngõ chưa kịp bước đã bị xe chúng nó tạt quá hú hồn. Trẻ con nó còn chưa biết ý tứ, chạy ngang một phát nó đâm cho có mà chết. Bà Lai tưởng tượng đến sự việc trên thì sợ lắm, không dám để cháu bén mảng ra đường nữa, cứ vào đến nhà là chốt cửa cho chắc ăn.

 

Hôm nay, bà Lai gửi được thằng cu Bom sang nhà hàng xóm đi chợ sớm. Mua được mớ cá ngon, bà đón cháu từ nhà hàng xóm về rồi để cháu chơi một mình ngoài sân còn mình thì mải làm cá trong bếp.

 

Thằng bé chơi ngoài sân một lúc thì chán liền mò ra cổng. Bà Lai lúc nãy mang cháu về nhà, một tay xách đồ đi chợ về một tay bế cháu nên quên khuấy đi mất không chốt cửa. Thằng bé chỉ đẩy nhẹ cánh cửa cái là ra.

 

Cánh cửa kêu ken két do gỉ sắt. Bà Lai ở trong bếp nghe thấy tiếng kêu ken két thì nhớ ra mình chưa đóng cửa, nhìn ra sân thấy cháu đang mò mẫm đẩy cánh cửa rộng ra để chui ra ngoài. Bà hoảng quá quăng vội con dao đang làm cá dở xuống đất, tay vẫn dính đầy máu cá tanh tưởi chạy ù ra sân để ngăn cháu lại.

 

“Rầm!” Chả biết có phải do mắt mũi kém hay vì vội vàng quá mà bà không để ý đến cái bậc thềm nhà trên. Chân bà không bước qua mà cứ chạy tà tà dưới đất nên vướng phải bậc thềm ngã nhào xuống đất.

 

Đầu gối bà Lai vập xuống cái thềm bằng đá gập lại đau điếng. Bà không thốt lên thành tiếng. Thằng bé thấy bà ngã thì dừng lại đứng nhìn. Mãi một lúc sau bà mới kêu lên được.

 

May sao có đứa cháu họ đến xin rau thơm thấy bác bị ngã mới chạy vào đỡ lên. Chân bà đau đến nổi không nhấc được lên nổi nên đứa cháu họ đành phải kêu hàng xóm mới dìu bà lên được giường.

 

Đầu gối bà Lai sưng vù lên, cẳng chân không thể nào duỗi được. Đứa cháu họ sợ quá nên gọi cho cả ba đứa con của bà. Nguyệt đang dạy trên trường nói không về được. Ánh cũng bận, chủ không cho ra về giữa chừng. Bình không nói cho vợ mà tự mình nhờ đồng nghiệp trực thay rồi tự chạy xe máy về nhà một mình bởi anh thừa biết, nếu nói với vợ, thể nào cô ấy cũng xin nghỉ để về chăm mẹ chồng. Mà Thảo về thì thể nào bà Lai chả tru tréo chửi rủa rồi đuổi đi cho bằng được. Lúc đó lại khổ cho Thảo mà còn không được việc. Thà anh tự về, bà Lai có đánh có chửi cũng chẳng hề gì.

 

Bình về, bà Lai thấy mặt con trai thì dửng dưng dù cái chân đau thấu trời thấu đất.

 

“Mày về đây làm gì? Tao đã nói với mày rồi, tao có chết ra đấy cũng không mượn mày vác mặt về.”

 

“Thôi mà bác. Bác đang bị thương thế này, chị Ánh, chị Nguyệt đều không về được. Bác để anh ấy đưa bác đi khám xem tình hình thế nào.”

 

“Tao không cần!”

 

Bà Lai quát cả đứa cháu gái khiến nó tức quá mà im luôn.

 

“Mẹ! Mẹ đừng cố chấp nữa. Mẹ già rồi, xương khớp có lỡ nào sao thì khó lành lắm. Để con mang mẹ lên viện nhờ người ta khám cho, có gì còn cứu chữa kịp thời.”

 

“Tao nói rồi. Tao có nằm xuống cũng không thèm nhờ đến đứa con bất hiếu như mày. Mày mau cút đi cho tao nhờ!”

 

Bình bị mẹ chửi mắng rủa xả thậm tệ, câu trước câu sau đều đuổi anh cút đi. Nhưng nhìn thấy tình trạng mẹ bị thương đau đớn thế kia, Bình không nỡ lòng nào để mặc mẹ.

 

“Chị! Thằng Bình nó nói phải đấy. Nó là bác sĩ nó quen biết nhiều, chị nên để nó đưa đi thăm khám coi thế nào. Chứ cứ để như này rồi sau thành tật không đi được thì khổ ra. Nhà đã neo người rồi.”

 

Một người em gái của bà Lai khuyên chị. Bà Lai nghe xong thấy cũng có lý nhưng trong lòng vẫn ấm ức vì cái tôi quá lớn.

 

“Tôi có chết cũng không cần cái thằng đó. Nếu dì thấy nó quan hệ rộng vậy thì đi mà nhờ. Dì cùng một ruột với vợ chồng nó chứ gì? Dì cũng cút về đi cho tôi nhờ! Từ nay cũng đừng có đến đây nữa.”

 

Thấy dì không đâu cũng bị mẹ mắng, Bình cố xuống nước khuyên mẹ:

 

“Mẹ! Tự dưng chị em đang thân thiết chả có gì mẹ lại nổi cáu với dì làm gì? Nếu mẹ không thích nhìn thấy con thì để con về. Nhà này, mẹ chỉ cần từ con là đủ rồi. Mẹ đừng gây hấn với anh em họ hàng thêm nữa.”

 

“Ai cần mày lo! Tao có gây hấn với ai cũng không liên quan đến mày! Mày còn ở đây tao còn chửi đấy!”

 

Bình hết lời lẽ để nói với mẹ. Anh vẫn lo cho mẹ lắm nhưng không còn cách nào đành phải rời đi. 

 

Đêm hôm đó, bà Lai trở đau nhức dữ dội. Bà không nghe lời Bình và anh em họ hàng khuyên mà chỉ nhờ người lấy lá cho đắp. Chả thấy công hiệu gì không mà đêm hôm đấy bà Lai đau quá ngất đi. Ánh sợ quá la hét ầm lên kêu hàng xóm nhờ đưa lên viện.

 

Bà Lai tỉnh dậy mới biết mình đang ở bệnh viện. Bình nhờ mối quan hệ của mình nên cũng mau chóng chạy chữa cho mẹ. Biết tính mẹ sẽ không chịu nhận sự giúp đỡ của vợ chồng anh nên đã đưa tiền cho mẹ qua vợ chồng Nguyệt và dặn kĩ là không được nói được nói cho bà Lai biết.

 

Không có người trông con giùm. Ánh đành phải thuê hàng xóm ngày trăm ngàn trông con còn mình đi làm. Về nhà lại phải cơm nước cho con, Ánh mệt mỏi quá lại đâm cáu gắt suốt ngày đánh con. Hàng xóm thấy thằng bé khóc suốt lại sốt ruột sang can. Từ ngày bà nó lên viện, nó sút mất một cân thịt, mặt mũi suốt ngày lem luốc, quần áo thì lôi thôi lếch thếch.

 

Thảo không dám lên thăm mẹ chồng sợ bà tức giận chửi rủa rồi lại đuổi cô như những lần trước. Cô tạt qua nhà coi có chuyện gì không rồi dọn dẹp. Cô biết Ánh đi làm cả ngày chắc chẳng làm được việc nhà đâu. Thấy thằng cháu trông cứ còm cõi thế nào ấy, cô xót lắm liền nói với Ánh là để thằng bé lên cô trông giùm cho.

 

Ánh thấy chị dâu về không nói gì. Cô biết Thảo về là làm việc nhà. Chả dại gì cô đuổi chị dâu đi cho khổ cái thân mình. Mãi đến lúc Thảo đề nghị đưa thằng Bom lên để cô trông cho mấy ngày thì Ánh có vẻ như lưỡng lự.

 

“Chị cũng đi làm mà, lấy đâu thời gian mà trông?”

 

“Chị đi làm nhưng về sớm được. Với lại hàng xóm chị có bác vợ chồng Tám bác ở nhà không làm việc gì. Bác còn khỏe nên chị nhờ bác trông luôn cái Nhím. Có thằng Bom ở nhà chơi cùng nữa, chị em nó càng vui. Với lại cô đi từ sáng đến tối thời gian đâu mà cơm nước cho con.”

 

Ánh nghe chị dâu nói vậy thì mừng thầm trong bụng. Không biết bà này bả ăn cái gì mà ngu vậy! Tự dưng ôm rơm cho nặng bụng. Cô biết thừa Thảo cũng thương con mình chắc chẳng dám làm gì nó đâu. Cái chuyện thằng Bom ngã đợt trước, bà Lai có kể lại nhưng Ánh chả thèm để tâm. 

 

Thảo mang thằng Bom về thật. Ban đầu Bình về nhà thấy cháu đang chơi cùng con gái thì ngạc nhiên lắm. Hỏi ra mới hiểu sự tình, Bình thấy thương vợ thật nhiều. Thảo chu đáo quá! Cho dù bị đuổi khỏi gia đình chồng, Thảo vẫn nghĩ cho từng người trong gia đình họ. Người ta đánh giá Thảo nhu nhược, Thảo lành quá hóa ngu nhưng suy cho cùng ngu hay khôn là do cách nghĩ của từng người. Nếu Thảo không phải là người như vậy thì Bình cũng đã không hết lòng vì cô. Tình yêu có thêm cả sự tôn trọng, ngưỡng mộ. Đó là một tình yêu hiếm thấy, một tình yêu bền vững khó có thể lay chuyển được cho dù có bao nhiêu tác động từ bên ngoài đi chăng nữa.

 

Nguyệt không thể chăm mẹ được quá hai ngày. Cô còn công việc ở trường và cả ở nhà chồng. Ánh thì khỏi phải nói, đưa mẹ lên được một lúc thì về xong không thấy mò mặt đến nữa. Thì cũng phải thôi, cô còn đi làm với lại còn thằng Bom nữa. Nhà có ai đâu.

 

Nguyệt không trông được mẹ, mà bà Lai lại không chấp nhận con dâu chăm sóc, Bình hết cách bèn nói với Nguyệt thuê người chăm sóc bà. Tiền thuê là Bình trả nhưng nói dối là của vợ chồng Nguyệt cho. Nguyệt đương nhiên đồng ý, vừa không mất tiền, không mất công lại còn được tiếng thơm.

 

Bà Lai nằm viện hai tuần thì cũng tạm ổn. Người già nằm viện mãi cũng chán không chịu được nên bà xin xuất viện về nhà. 

 

Bà Lai không thấy cháu ở nhà liền hỏi Ánh. Ánh biết thừa bà Lai sẽ đòi cháu về nếu như biết Thảo đang trông nó nên nói dối là gửi cháu ở trường mầm non gần chỗ làm cho tiện. Bà Lai cũng không nghi ngờ gì.

 

Được vài ngày thì hàng xóm sang thăm, họ nói chuyện với bà Lai mới biết thằng bé được Thảo đem về trông. Bà Lai điên lắm. Cái con này, thế mà thâm hiểm thật. Chờ mình đi vắng mang cháu về để được tiếng thơm của người ta. Giờ hàng xóm láng giềng ai cũng khen Thảo biết trước biết sau, sống trọn đạo dâu con. Nghe người ta khen con dâu mà bà Lai cứ cảm thấy như họ đang hắt nước bẩn vào người mình. Họ khen Thảo có khác gì là đang chửi vào mặt bà đâu. Máu bà cứ sôi ùng ục trong người ấy. Giận quá mà không thể làm gì được. 

 

Chiều tối Ánh đi làm về, bà Lai điên tiết ngồi trên giường ném cái gối vào mặt con:

 

“Mày ăn cái thứ gì vào mồm mà ngu vậy con? Mày để cho con hồ ly tinh ấy chăm con mày. Mày không sợ người ta chửi vào mặt cả nhà mày hả?”

 

“Ai chửi?” Ánh bực bội khi tự dưng vừa về nhà đã bị mẹ vừa đánh vừa chửi xối xả.

 

“Anh em họ hàng nhà mày, hàng xóm láng giềng họ đến đây họ tát nước vào mặt tao đây này. Mày ngu thì cũng ngu vừa thôi.”

 

“Ai ngu chưa biết!” Ánh lầm bầm: “ Sướng không muốn sướng cứ muốn rước khổ vào mình.”

 

Ánh không dám nói lớn vì biết mẹ mình đang bệnh. Giờ mà cãi nhau với bà là chắc bà sẽ lên cơn rồi tội vạ đâu cô chịu cả. Cô chả dại gì mà làm như vậy.

 

“Mai mày lên đón nó về đây cho tao!”

 

“Về thì ai trông nó?”

 

“Tao trông!”

 

“Mẹ nằm một chỗ thế này thì trông làm sao được?”

 

“Không trông được thì thuê người. Không việc gì phải dính dáng đến vợ chồng nó. Hết bao nhiêu tao cho.”

 

Chả biết bà Lai lấy đâu ra tiền mà mạnh miệng thế. Nhưng thôi, Ánh cũng đã có dự tính trong đầu mình rồi. Chắc tầm sang tháng sau cô sẽ có công việc mới. Việc này lương cao hơn gấp mấy lần công việc bán hàng cũ. Giờ cứ tạm rước thằng cu về cho yên nhà yên cửa cái đã.