Mẹ ơi đừng sinh con

“Dũng! Chuyện này là thế nào?” Lam hùng hổ ném bài kiểm tra tiếng Anh vào mặt con hét lớn.

“Mẹ! Con xin lỗi mẹ! Lần sau con sẽ không dám lơ là nữa, con sẽ cố gắng hơn.” Thằng bé sợ sệt quỳ sụp xuống chân mẹ nó như thói quen.

“Mẹ mất bao nhiêu tiền cho mày học thêm hết chỗ này đến chỗ kia mà mày trả ơn mẹ vậy hả?”

“Mẹ! Mẹ! Con xin lỗi! Mẹ đừng nổi giận! Con không dám nữa!” Thằng bé hoảng sợ khi thấy mẹ đùng đùng nổi giận.

“Học dốt này! Học dốt này!” Lam quất liên tục bốn năm roi vào mông, vào tay, vào đùi con. Thằng bé đứng im chịu trận như thói quen, không dám lấy tay đỡ hay nhúc nhích bỏ chạy đi chỗ khác.

Bà Hân nhìn thấy con gái đánh cháu trai xót lắm nhưng cũng đành bất lực không dám can bởi Lam không cho bà can thiệp vào. Nó là con trai cô, cô phải dạy nó thành người, không ai có quyền can thiệp vào, kể cả đó là bố nó hay bà nó. Lam từng cảnh cáo mọi người như vậy mỗi khi đánh con mà ai đó vào bênh. Vì vậy mà dù chứng kiến thằng cháu duy nhất đánh đau cỡ nào, bà cũng chỉ có thể đứng nhìn không dám nói câu nào.

Thằng bé bị đánh xong khóc vài câu là tự động nín ngay. Nó phụ bà ngoại dọn cơm rồi ăn như cái máy, không dám ho he hay nấc nghẹn hờn dỗi như những đứa trẻ khác. Nó được mẹ nó dạy phải dứt khoát, mạnh mẽ như thế. Đàn ông thì không được phép khóc, lại càng không được khóc dai, khóc dài, kể lể.

Bữa cơm diễn ra khá nặng nề nhưng thằng bé vẫn cố ăn hết veo hai bát cơm như thường lệ, không dám bỏ mứa dù nó ăn chẳng ngon miệng một chút nào. Cả Lam và bà Hân đều nuốt không trôi, phải bỏ dở nửa bát cơm.

Ăn xong xuôi, nó biết ý đứng dậy dọn bát đũa cùng mẹ rồi bê cả mâm bát ra bồn rửa bát. Đó là công việc mà nó phải làm, là nhiệm vụ mà mẹ nó đã giao cho nó trong cái gia đình nhỏ này.

Lam dọn dẹp, lau nhà cửa xong thì tắm. Hôm nay cô về sớm hơn mọi ngày. Cô với bánh xà bông xoa vào lòng bàn tay thấy đau đau, cô nhớ đến trận đòn lúc này vừa đánh con, hình như là khá mạnh tay. Cô nhìn lại lòng bàn tay mình rồi bật khóc. Là chính bàn tay này vừa mới cầm roi quất liên tiếp vào da thịt đứa con mình đây sao? Không! là do nó, do nó đã không nghe lời cô, là do nó đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Lam thường biện hộ cho mình sau mỗi lần đánh con như vậy.

Lam nhớ lại cảnh trước đây của mình. Lúc cô và chồng vẫn còn sống chung. Mỗi lần đi làm về, cô đều phải cơm nước giặt giũ mãi đến tối muộn mới xong. Hai vợ chồng đều làm công nhân, đi làm như nhau nhưng về đến nhà thì Lợi được nghỉ ngơi, việc nhà giao hết cho Lam. Anh ta tự nhủ mình là đàn ông mình có quyền.

Ban đầu thì Lam vẫn cố nhịn. Nhưng mọi việc trở nên nghiêm trọng từ sau khi Lam sinh con. Mọi việc trong nhà từ trên xuống dưới đều do một tay Lam đảm nhận. Kể cả chăm con, Lợi cũng không mó tay vào. Thỉnh thoảng thì trông con cho vợ được một lúc. Nhưng đến khi con i.a đ.a.i thì hét toáng lên gọi vợ vào dọn rửa. Lam tức nói bao nhiêu lần nhưng Lợi vẫn cho rằng đó là việc của đàn bà.

Sự việc đỉnh điểm xảy ra khi ăn cơm xong, Lợi nghiễm nhiên leo lên giường bấm điện thoại để mặc con chơi dưới sàn nhà cho vợ rửa bát. Thằng bé bò ra khỏi phòng rồi leo xuống cầu thang bị lăn xuống cả mười mấy bậc. Lam điên máu ôm con đánh nhau với chồng một trận. Cũng từ hôm đó, cô quyết định ly hôn. Cô không muốn con trai mình sau này cũng như bố nó, vừa lười biếng vừa gia trưởng, vũ phu không được cái nết gì. Cô muốn cách ly con trai mình khỏi cái con người độc hại này.

Lam có chút hối hận, như mọi lần đánh con xong cô vẫn có cảm giác như vậy. Nhưng nghĩ đến sự tệ bạc, tính cách thối nát của chồng cô lại tự an ủi mình là cô đang làm đúng đường, cô đang rèn rũa con mình trở thành một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, một người đàn ông tốt của xã hội. Nhưng cô lại không nghĩ rằng, con trai cô mới hơn 12 tuổi đầu, nó mới chỉ là một cậu bé.

Lam bước vào phòng con, thằng bé nằm quay lưng vào tường đang ôm gối rấm rứt khóc. Nó không dám khóc trước mặt mẹ nó. Nó vẫn là một đứa trẻ, nó cũng biết đau, cũng muốn khóc. Nhưng mẹ nó nói con trai không được yếu đuối, không được khóc. Nó không dám làm trái lời mẹ.

Chiếc quần đùi vén cao quá nửa để lộ ra những vết lằn nổi rõ như những con lươn dài ngoằn ngoèo trên da thịt non nớt của thằng bé. Lam sờ lên những vết thương của con, lòng tê tái, mắt rớm nước. Cô kéo thằng bé lại gần mình khóc nghẹn:

“Mẹ đánh con đau như vậy, con có ghét mẹ không?”

Thằng bé nhìn vào mắt mẹ nó, nước mắt chảy dài lắc đầu.

“Tại sao?”

“Vì mẹ thương con!”

Tiếng nói của thằng bé như nhát dao cứa vào trái tim cô đang rỉ máu. Lam khóc òa ôm lấy con vào lòng mình. Thằng bé cũng khóc lên thành tiếng.

***

Chủ nhật, Lợi đến thăm con. Anh ta mua rất nhiều đồ chơi và bánh trái cho nó. Lam không tiếp chồng vì cô không muốn nhìn mặt người đàn ông chẳng ra gì đó, cô bỏ lên phòng nằm một mình.

Thằng bé nó chẳng có cảm tình gì với cha. Nó hời hợt chơi một lúc thì đòi lên phòng học mặc dù tối nay nó được nghỉ. Thành ra Lợi cũng ngượng.

Bà Hân thấy ngại với con rể nên đã lên phòng nói chuyện với Lam xuống tiếp chồng. Cô nổi giận cãi lại mẹ. Hai mẹ con to tiếng với nhau. Dưới nhà, Lợi nghe cả nên lẳng lặng ra về sớm.

“Nếu mẹ thấy thương hại anh ta thì xuống mà tiếp, đừng có liên quan đến con.” Lam nổi sùng.

“Nhưng con phải nghĩ cho thằng Dũng chứ. Con cứ đối xử với bố nó như vậy, nó cũng thấy hết. Con xem, bố nó đến chơi mà nó có nhìn nhỏ gì đâu.”

“Cái đó là tại anh ta. Tại sao con anh ta lại không nhìn anh ta?”

“Lam, con đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên thằng bé được không. Thằng Lợi nó không tốt với con nhưng nó vẫn là cha của thằng Dũng, nó vẫn qua lại có trách nhiệm với thằng bé. Dù sao thì con có bố vẫn hơn.”

“Có bố vẫn hơn sao? Vậy hơn ba mươi năm qua con không có bố thì sao hả mẹ?” Lam bật khóc, mắt căm hờn nhìn mẹ.

Bà Lam cũng bật khóc, nước mắt đầm đìa.

“Xin lỗi con! Là mẹ đã sai khi đã sinh ra con mà để con không có bố, để con phải sống trong tủi hận bao nhiêu năm qua!”

Bà Hân cúi gằm mặt không dám nhìn con gái. Hơn ba mươi năm rồi, trong lòng bà vẫn âm ỉ một nỗi đau vì đã sinh ra Lam.

Ngày đó, bà đi thanh niên xung phong. Đất nước giải phóng, bà trở về quê thì thanh xuân đã đi qua. Bà trở thành gái già lỡ thì, lại mất một con mắt nên đàn ông con trai trong làng chẳng ai hỏi cưới bà. Tuổi thì ngày càng lớn, mấy bà mấy thím khuyên bà xin một đứa con để làm chỗ dựa về già. Thế là bà cũng nhắm mắt “xin” một người đàn ông trong làng một đứa con rồi cắt đứt mọi liên lạc với họ, hai người thề với nhau không được tiết lộ thông tin để khỏi ảnh hưởng đến gia đình người đàn ông kia.

Lam ra đời trong hoàn cảnh như vậy, cô không biết mặt cha mình. Bà Hân xin được vào làm công nhân trong một xí nghiệp theo diện ưu tiên, cách nhà bốn mươi cây số. Đường thì xa, chỉ có mỗi cái xe đạp làm phương tiện đi lại nên sau khi sinh con, bà gửi lại cho mẹ mình chăm còn mình thì ở lại khu tập thể của xí nghiệp, cuối tuần mới về thăm con.

Lam ở với bà ngoại và cậu mợ. Nhà chỉ có hai chị em nên cậu của Lam sợ chị gái không chồng tranh chấp tài sản với mình. Ông ta ghét Lam ra mặt, muốn tống cổ cháu gái đi nhưng vì mẹ mình vẫn còn sống nên không làm thế nào được.

Mợ của Lam nhiều lần đổ tội cho cô ăn cắp tiền của bà ta. Cậu cô lấy cớ đánh đập mặc dù cô đã thanh minh mình không hề lấy nhưng ông ta vẫn không tha cho cô. Cứ vài ngày lại lấy cớ đánh cho cô một trận. Có hôm cô bị ăn đòn tận hai lần. Bị đánh nhiều, Lam ngày càng trở nên lì lợm. Trên lớp có mấy đứa chọc cô là con hoang, cô đánh nhau với nó thế là bị thầy giáo báo với phụ huynh. Lam lại có lý do bị ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết. Sau trận đánh đó, cô bỏ nhà ra đi. Bà ngoại tìm không được nên báo với mẹ cô.

Bà Hân vội vàng đi tìm con. Hai ngày sau mới thấy con vất vưởng ở chợ huyện. Bà bắt con quay về nhà bà ngoại nhưng cô cương quyết không về. Lam nói “nếu mẹ bắt con quay về thì con sẽ chết ngay cho mẹ thấy”. Lam vừa nói vừa dọa mẹ sẽ nhảy xuống sông tự tử. Bà Hân biết tính con mình lì lợm, nó bỏ nhà ra đi được thì sẽ tự tử được nên đành phải đưa con đi theo cùng. Hai mẹ con đùm bọc nhau sống với nhau từ đó.

Lam lớn lên ở khu công nhân và cũng trở thành một cô công nhân như mẹ. Cô kết hôn với một người cùng công ty là Lợi. Lợi là một người đàn ông có thói gia trưởng. Ngoài việc làm ở công ty, anh không mó tay bất cứ vào việc gì giúp vợ. Mọi việc bếp núc, giặt giũ, con cái anh phó mặc cho vợ. Trong mắt Lam, Lợi là một gã đàn ông vô trách nhiệm, siêng ăn nhác làm, ăn bẩn ở thỉu… Tất cả những thói xấu trên đời này đều tập trung ở chồng cô.

Những người đàn ông xung quanh Lam đều xấu xa như vậy. Từ cậu, chồng và cả người cha vô trách nhiệm đã sinh ra cô mà không nhìn nhận cô một lần. Cô hận tất cả đàn ông trên đời này. Đàn ông là một giống loài xấu xa… Cô ghét đàn ông và thật không may là con cô cũng là một người đàn ông trong tương lai. Những kí ức đen tối về đàn ông vô tình lan sang con trai cô, thằng bé vô tội đã phải gánh chịu một phần kí ức xấu từ mẹ nó. Nhìn thằng bé cô lại tưởng tượng ra một gã đàn ông tệ bạc sau này. Không! Đương nhiên cô không thể để nó trở thành một gã đàn ông tồi tệ như vậy. Cô phải huấn luyện nó trở thành một người đàn ông tốt hơn ông ngoại nó, cha nó, ông cậu nó…

Lam đổ ập xuống giường khóc. Bà Hân lặng người không nói gì nữa. Bà đã không còn nước mắt để khóc nữa. Bà hối hận, vô cùng hối hận vì đã sinh ra Lam. Bà hận bản thân mình. Bà đã cố sinh ra một đứa con gái để mong có chỗ nương tựa về già nhưng cuối cùng lại sinh ra một kiếp khổ nữa. Bà khiến Lam khổ sở cả một đời ngay từ khi cô sinh ra. Cuối đời bà cũng đâu có sung sướng gì mà chỉ chìm đắm trong dằn vặt vì thương con xót cháu.

***

Thằng bé thương mẹ nhưng không dám đến gần mẹ. Nó luôn cố gắng làm hết những gì mẹ nó yêu cầu. Rửa bát xong thì vào phòng học. Học mãi cho đến 11 giờ mới được đi ngủ.

Những việc cá nhân của nó, nó đều phải tự làm. Việc trong nhà nó cũng phải phụ giúp bà và mẹ làm mỗi khi không học bài. Quần áo của mình, nó phải tự giặt. Ăn cơm xong thì phải rửa bát cho cả nhà. Bà Hân xót cháu muốn làm thay cho nó nghỉ ngơi chút còn đi học nhưng Lam nhất quyết không cho. Lam bắt nó lau nhà và dạy nó làm một số món ăn đơn giản để tự nấu mỗi khi mẹ và bà có việc hay ốm đau không nấu được. Cô muốn con trai mình phải làm được mọi việc, không bao giờ được lấy cái quyền làm đàn ông để bắt nạt phụ nữ.

Lam cũng ép con phải học giỏi. Là đàn ông nhất định phải giỏi thì sau này mới nên thân. Ít nhất cũng phải top 3 trong lớp dù ngày xưa cô đi học cũng chẳng giỏi giang gì.

Tháng nào cô cũng làm tăng ca nên lương của cô cao nhất nhì công ty, tháng hơn 20 triệu là bình thường. Vì làm việc cường độ cao như vậy nên mấy lần lao lực quá mà ho cả ra máu, bị suy nhược cơ thể. Nhưng cô vẫn cố. Cô chưa bao giờ ngừng nghỉ. Lam quyết tâm kiếm thật nhiều tiền để cho con điều kiện học tập tốt nhất. Cô còn thuê gia sư kèm con học, cho con học cả nhưng trung tâm tiếng Anh nổi tiếng nhất thành phố. Thằng bé không dám trái lời mẹ, nó luôn đứng top trong lớp và nằm top 5 toàn trường. Nó mới mười hai tuổi nhưng gương mặt nó luôn trầm tư, suy nghĩ như đứa trẻ mười sáu mười bảy tuổi đời.

Lam thường xuyên tăng ca. Sớm thì 10 giờ, muộn thì hai ba giờ đêm mới về rồi 6 giờ sáng đã phải dậy sớm đi làm.

Về đến nhà thì cơm canh đã nguội. Vừa mệt lại vừa buồn vì chỉ ăn có một mình nên cô chỉ ăn qua loa rồi lên giường đi ngủ. Thằng bé để ý cố đợi mẹ nó về rồi ăn cơm cùng mẹ. Lam hỏi nó sao không ăn cơm trước đi. Nó nói “con muốn đợi mẹ về ăn cùng, mẹ sẽ ăn được nhiều hơn, không bỏ bữa nữa”. Lam rớt nước mắt vừa ăn vừa khóc.

Hôm nay, công ty cô lại tăng ca nên Lam về rất trễ. 2 giờ sáng cô mới về đến nhà. Thằng bé cố chờ mẹ về không nổi nên đã ngủ gật trên bàn học.

Lam ngó vào phòng thấy điện vẫn sáng, thằng bé đang nằm gục trên bàn. Cô rón rén lại gần để gọi con dậy lên giường ngủ thì thấy một tờ giấy đang viết dở:

“Mẹ ơi con thương mẹ lắm! Đến giờ này mẹ vẫn chưa đi làm về, chắc là mẹ mệt lắm phải không mẹ? Con biết mẹ vất vả làm việc vì con. Mẹ đánh, mẹ mắng, mẹ tức giận con cũng vì mẹ muốn con được tốt hơn. Mẹ muốn con sau này trở thành một người thành công, được sống sung sướng. Nhưng mẹ ơi, nếu mẹ không sung sướng, không sống vui vẻ thì làm sao mà con sung sướng, vui vẻ được hả mẹ? Mẹ ơi con rất hạnh phúc khi được làm con của mẹ nhưng con cũng ước gì con không được sinh ra trên đời này. Nếu con không được sinh ra thì chắc mẹ cũng sẽ không buồn, không khổ như thế này phải không mẹ?

Mẹ ơi! Nếu mẹ không hạnh phúc thì xin mẹ đừng sinh con ra. Hôm nay mẹ lại về muộn nữa rồi. Giờ này, đáng lẽ ra người ta đã được đi ngủ rồi thì mẹ vẫn phải làm việc. Mẹ vẫn còn chưa được ăn cơm. Con cũng đói bụng lắm rồi nhưng con vẫn cố chờ mẹ về. Con muốn được ăn cơm cùng mẹ. Bởi vì nếu như vậy mẹ mới ăn được nhiều hơn mà không bỏ bữa. Con không muốn mẹ bỏ bữa. Con không muốn mẹ bị đói… mẹ ơi…mẹ…”

Những dòng chữ ngoằn nghèo xiêu vẹo đọc không rõ nữa. Có lẽ vì thằng bé đang buồn ngủ quá nên những câu chữ của nó cũng không gượng nổi nữa.

Mắt Lam nhòe đi. Một cơn đau nhói xuyên qua tim. Nó còn đau hơn những lần cô nhìn thấy mấy vết roi hằn trên da thịt con mình. Thằng bé mới mười hai tuổi đầu. Thế mà nó đã viết ra những dòng chữ đau đớn thế này sao? Thằng bé chỉ là một đứa trẻ vừa học hết tiểu học. Nó còn chưa kịp trở thành một người lớn vậy mà đã phải gắng gượng chịu những nỗi đau do người lớn gây ra. Nó chỉ là một đứa trẻ thôi mà. Lam cắn chặt môi mình đến bật cả máu. Cô hối hận, cô thương con mình xiết bao. Tuổi thơ của nó không được hồn nhiên vô tư như những đứa trẻ khác mà buộc phải lớn trước tuổi vì những áp đặt của bản thân cô.

Những giọt nước mắt hối hận ngày càng nặng hạt đua nhau rơi xuống trang vở học trò làm loang lổ màu mực. Những dòng chữ bị nhòe đi. Hóa ra bấy lâu nay cô sai rồi! Cô đã sai ngay từ khi được sinh ra. Đó là điều cô không được lựa chọn. Nhưng khi cô sinh ra thằng bé Dũng lại là do chính cô lựa chọn. Vậy mà cô lại chọn đi theo lối mòn của mẹ mình, điều mà cô vô cùng căm ghét.

Những dòng chữ của thằng bé nhưng đang nhảy múa trong tâm trí cô, nó đánh thức từng bộ phận trên não bộ cô, lan dần xuống trái tim đã bao nhiêu năm u mê chìm đắm trong hận thù, khổ đau của cô. Cô đã tước mất đi sự hồn nhiên và niềm hạnh phúc được làm một con người của thằng bé. Cô đã trở nên cay độc và nghiệt ngã như bây giờ chính là do cô đã chứng kiến sự nghiệt ngã của người lớn đối xử với cô ngày bé. Vậy mà cô lại áp nó lên đứa con duy nhất của mình. Đau khổ, thù hận, cực đoan cứ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Cô không hạnh phúc, đúng là như vậy. Cô chưa bao giờ có một ngày hạnh phúc kể từ khi sinh ra. Vậy tại sao cô lại có thể đem lại hạnh phúc cho con mình?

Lam đọc rất nhiều sách vở. Nhưng đọc là một chuyện còn tin hay không lại là chuyện khác. Tính Lam bảo thủ. Những thứ cô đọc được trong sách cô đều cho là sáo rỗng, là không thực tế,  là mỹ từ viết cho đẹp lòng độc giả thôi. Lam chưa bao giờ tin vào những điều trong sách vở dạy. Nhưng cô lại rất thích đọc sách. Có lẽ chỉ có sách mới làm cô xoa dịu đi thực tế khốn khổ, cay nghiệt này. Nó cứ mâu thuẫn như chính cuộc đời cô vậy.

Lam chợt nhớ đến một câu nói mà cô đã đọc được từ một cuốn sách nào đó cô cũng không nhớ nữa. Đại loại là thế này: Nếu một cái cây không tự mình xanh tốt, không có những cành cây um tùm thì nó cũng không thể nào tỏa bóng mát mà che cho người khác được. Con trai cô nói đúng, nếu cô không hạnh phúc thì làm sao có thể khiến con mình hạnh phúc được chứ! Tương lai còn chưa biết như thế nào. Nhưng chắc chắn bây giờ là nó đang không hạnh phúc, thậm chí là bất hạnh. Tréo ngoe thay, người tước đi hạnh phúc của nó lại chính là người đã đem nó đến thế gian này, người mà nó yêu thương nhất.

Nước mắt Lam tuôn chảy như mưa. Cô không kìm lòng được nữa mà khóc nấc lên thành tiếng. Thằng bé đang ngủ gật nghe thấy tiếng khóc liền bị đánh thức cũng bật dậy theo. Nó hốt hoảng khi nhìn thấy mẹ nó đang khóc:

“Mẹ! Con đã làm gì sai sao? Con xin lỗi mẹ! Từ nay con sẽ tốt hơn!” Nó rối rít van xin.

“Không con ơi! Không phải là con sai mà là mẹ sai. Mẹ xin lỗi con! Mẹ không biết bấy lâu nay con trai mẹ lại phải chịu đựng khổ sở như thế này. Mẹ hứa, từ nay mẹ sẽ không bắt con phải chịu đựng những khổ sở như thế này nữa. Từ nay, mẹ sẽ làm một người mẹ hạnh phúc.”

Thằng bé ngơ ngác ngạc nhiên nhìn mẹ nó giây lát rồi bất chợt thấy trang giấy nó đang viết dở đã nhòe đi vì nước mắt. Nó đã hiểu ra vấn đề. Nó ôm chặt lấy mẹ nó òa khóc:

“Mẹ!”

“Con ơi!” Lam kéo con vào lòng mình ôm thật chặt khóc tu tu. Thằng bé cũng chẳng ngại ngần kìm nén cơn khóc, cũng không tỏ ra cứng cỏi bản lĩnh đàn ông như những lần trước nữa. Nó vòng tay ôm chặt mẹ nó khóc òa:

“Mẹ ơi!”

Ngoài cửa, người đàn bà tóc đã bạc phơ, gương mặt khắc khổ cả một đời mắt cũng đã nhòe đi vì một màn sương từ lúc nào. Miệng bà lẩm bẩm mỉm cười trong nước mắt.

Ngày mai sẽ là một ngày nắng đẹp.