Đứa con nuôi
Mẹ kể, mẹ nhặt được tôi ở ruộng khoai lang nhà bà Tín. Chị ôm bụng cười. Còn chị tôi thì mẹ nhặt được ngoài đê khi đi nhặt củi lụt. Lần này thì chị cười như nắc nẻ, lêu lêu tôi. Không hiểu sao mỗi lần mẹ trêu hai chị em tôi như thế thì chị lại có thể vô tư mà cười đùa được. Còn tôi cảm thấy khó chịu lắm. Tôi không thích như vậy.
Hai chị em tôi cùng tuổi. Chị hơn tôi bốn tháng nên đi đâu ai cũng thắc mắc là sao hai chị em mà lại hơn nhau có bốn tháng? Mẹ tôi nửa đùa nửa thật “Tôi nhặt được chúng nó mỗi nơi mỗi đứa đấy mà.” Thế là người ta hết hỏi han nhưng trong lòng thì vẫn còn thắc mắc lắm. Tôi biết rất rõ vì chính bản thân tôi còn đang nghi ngờ về nguồn gốc xuất thân của mình nữa là họ.
Chị xinh đẹp, dịu dàng và ăn nói có duyên. Còn tôi thì ngược lại, nước da đen nhẻm, tóc vàng cháy khét, ăn nói cộc lốc như đám con trai tranh nhau viên bi ve đầu ngõ, thua xa chị về mọi mặt. Duy chỉ có một điểm là tôi học giỏi hơn chị. Không biết đó có phải là cái gen tôi được thừa hưởng từ “ai đó” hay là do tôi mặc cảm không bằng chị, mà cố phấn đấu để đạt được một cái gì đó hơn chị. Ai nhìn vào cũng có ấn tượng tốt với chị, khen chị vừa đẹp vừa ngoan. Ai mà lấy được chị thì có phúc lắm. Còn tôi thì bị bỏ lại một xó như người vô hình vậy. Nhiều khi tôi tủi thân ghê gớm. Soi mình trong gương tôi càng mặc cảm cho cái số phận “chẳng được điểm gì” của mình.
Bố mất sớm, trước cả khi có chị. Mẹ kể vậy. Mẹ một mình gồng gánh nuôi hai chị em. Mẹ rất đẹp và dịu dàng. Có lẽ chị được thừa hưởng những nét đẹp đó từ mẹ. Khi còn nhỏ tôi cũng thấy có mấy người hay lui đến mai mối cho mẹ nhưng mẹ đều từ chối. Mẹ nói “có hai đứa con gái là tài sản lớn nhất rồi. Mẹ không cần gì nữa”. Rồi mẹ ôm chúng tôi vào lòng “Nhân, Hậu ăn nhiều vào cho chóng lớn, ngoan để mẹ đi làm kiếm tiền nuôi hai đứa nghe không”. Cả tôi và chị đều là những đứa trẻ ngoan thật. Không hề quấy khóc hay đòi hỏi gì kể cả lúc đi nhà trẻ. Có lẽ chúng tôi đều ý thức được hoàn cảnh của mình nên biết phận. Ai cũng quở “Trộm vía là chúng nó ngoan, ăn ngủ không quấy quả gì nên mẹ nó đỡ khổ”.
Khi học đến lớp 12 thì tôi nghe người ta xầm xì nhiều về chuyện con nuôi con đẻ của hai chị em tôi. Tôi về hỏi mẹ, mẹ không nói mà chỉ lặng đi một lúc. Rồi mẹ ôm tôi vào lòng “Cả hai đứa đều là con ruột của mẹ. Đều bú chung một bầu sữa mẹ, nằm chung một vòng tay mẹ khi vừa mới lọt lòng”. Đương nhiên là tôi chưa tin hẳn lời nói của mẹ. Nhưng tôi cũng không nỡ làm mẹ buồn nữa. Trong đầu tôi luôn hằn lên một dấu hỏi to tướng “mình là ai? Có phải do mẹ sinh ra không”. Với một đứa thông minh sẵn như tôi thì sớm muộn gì tôi cũng tự tìm ra câu trả lời. Nhưng không phải bây giờ.
Dạo gần đây, mẹ yếu hẳn. Trở trời một cái là lại ho. Có lẽ do lao lực nhiều quá. Ba mẹ con với một mẫu ruộng. Một mình mẹ làm hết. Hai chị em tôi chỉ phụ phần nào vì vẫn còn phải đi học. Có lần mẹ ốm nhưng ruộng vào mùa, mẹ cũng cố đi gặt. Về nhà mẹ ốm một trận thập tử nhất sinh. Từ đó mẹ yếu hẳn. Ruộng làm không hết bỏ không. Nhiều khi phải đi thuê người làm. Tiền thuê không đủ tiền giống, tiền phân. Mẹ bỏ đấy cho người ta làm luôn, không thuê nữa. Mẹ chỉ làm một nửa. Bây giờ mẹ có vẻ yếu đi nhiều lắm. Cứ đêm về là mẹ lại ho. Hai chị em tôi bàn nhau đưa mẹ đi khám. Bác sĩ kết luận mẹ bị lao phổi phải nhập viện điều trị. Họ hàng nội ngoại thì chỉ lên chăm mẹ được mấy ngày vì ai cũng có công việc riêng của mình. Không thể ở mãi trên viện năm, sáu tháng liền được. Chị em tôi phải thay nhau xin phép nghỉ học cách nhật để chăm mẹ. Số tiền viện phí lại ngày càng tăng dần lên. Đồ đạc trong nhà gần bán hết. Tiền học cũng chưa đóng được. Bao nhiêu khoản dồn lên vai hai đứa con gái chưa đầy mười tám tuổi. Chị tôi gầy đi trông thấy. Một hôm chị kêu tôi ra hành lang bệnh viện nói chuyện.
“Chị suy nghĩ kĩ rồi. Chị sẽ nghỉ học. Còn em sẽ học tiếp. Dù sao em cũng học giỏi hơn chị.”
“Không được!”Tôi xua tay phản đối: “Nếu phải nghỉ thì hai chị em mình cùng nghỉ học.”
“Nghe này!” Chị cầm tay tôi: “Chị có học cũng chưa chắc thi đỗ đại học. Mà nhà mình lại không còn tiền. Mẹ ốm rồi, không ai lo. Nhưng em thì khác. Em học giỏi nhất định em sẽ thi đỗ đại học. Nhà mình nhất định phải có người học hành tử tế thì mẹ mới yên lòng.”
Tôi vẫn nhất quyết không đồng ý với ý kiến của chị. Đã bao lâu nay hai chị em tôi đi đâu hay làm việc gì cũng có nhau. Tôi không thể ích kỷ đi học trong khi chị phải bỏ học để lo cho mẹ được.
“Chẳng lẽ em muốn con cái chúng ta sau này cũng nghèo khổ mẹ, như chị em mình sao? Em hãy cố gắng học hành để sau này ra trường có công ăn việc làm ổn định. Lúc đó con chị muốn xin việc hay làm gì cũng có anh em họ hàng làm quan to chớ.”
Chị nói xong cười như chọc tôi. Không hiểu sao chị lại cười vào lúc này được. Tôi không thấy buồn cười một chút nào.
“Nghe chị! Học thay cho cả chị nữa.” Chị nói, giọng lặng đi. Có vẻ như đang cố giấu đi niềm xúc động, luyến tiếc nghèn nghẹn trong lòng nhưng ngoài mặt thì cố tỏ ra bình thản.
Tôi im lặng. Chị nói có lý. Không thể để thế hệ con cháu chúng tôi cứ nghèo khổ như thế này mãi được. Ít nhất gia đình tôi phải có người đỗ đạt làm ông nọ bà kia chứ. Phải để mẹ tự hào về chị em tôi. Phải để người khác không coi thường nhà tôi nữa! Tôi thầm nghĩ. Bắt đầu quyết tâm hơn một tương lai xa tươi sáng hơn cho cả gia đình tôi.
Thấy tôi có vẻ đồng tình. Chị nói nhỏ:
“Chuyện này chỉ chị em mình biết thôi. Cứ để mẹ nghĩ chúng mình còn đi học. Chị chăm một buổi. Em chăm một buổi. Xen kẽ nhau. Còn lại nhờ các cô, các dì. Em đi học còn chị sẽ đi làm thêm.”
Tôi không biết nói sao với chị, lẳng lặng gật đầu. Lòng nằng nặng, nửa muốn nửa không. Nhưng cái ý chí thoát khỏi cảnh nghèo khổ lại trỗi dậy trong tôi mạnh mẽ hơn. Tôi gật đầu đồng ý.
Chị cười. Nụ cười héo hắt và đắng ngắt khóe môi. Tôi cảm nhận được. Chị đã phải suy tính bao nhiêu mới có thể đi đến cái quyết định khó khăn này. Chẳng ai lại muốn từ bỏ những năm tháng học trò để bươn trải. Nhất lại là một cô gái mộng mơ và yểu điệu, dịu dàng như chị trong cái độ tuổi đôi mươi này.
Chị đi theo người ta ra biển lấy mối cá đi bán. Chị góp vốn chung với một chị cùng xóm có kinh nghiệm buôn bán hơn. Thương hoàn cảnh chị em tôi nên họ cũng nhiệt tình giúp đỡ. Chị tuy hơi bé nhưng được cái khéo ăn khéo nói, giọng nhỏ nhẹ ngọt ngào, ngoại hình nhỏ nhắn, dễ thương nên được chị dẫn mối cho ngồi bán hàng để dễ dàng lấy lòng khách hàng.
Chị dậy từ sáng sớm đi ra biển lấy cá tôm rồi theo người ta đi chợ bán đến trưa. Sau đó lại lên viện thay tôi chăm mẹ. Có hôm được dì lên chăm thay thì hai chị em tôi được nghỉ ở nhà. Chị đen đi nhiều, gương mặt đanh lại rắn rỏi, ra dáng dân buôn bán nhưng giọng nói thì vẫn ngọt ngào như mía lùi. Tôi bỏ cả học thêm, chỉ học chính khóa, tranh thủ về nhà dọn dẹp và nấu ăn cho mẹ.
Tối, tôi nấu cơm xong, chờ mãi chị mới về.
“Hôm nay chị về muộn vậy?”
“Ừ! Cố bán cho hết em ạ!”
Chị nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Chị như lớn hẳn ra, khác hẳn với một đứa học trò như tôi, cả về cách nói chuyện và dáng hình. Có lẽ khi ra đời con người ta bắt buộc phải trưởng thành.
“Chị đi tắm đi rồi ăn cơm!”
Tôi hơi nhăn mặt khó chịu giục chị.
Mùi cá tanh ngòm lẫn với mùi mồ hôi trên người chị trộn lẫn vào nhau tạo thành một thứ mùi hôi tanh rất khó ngửi. Chị đi qua tôi một lúc rồi mà nó vẫn còn ám lại trong nhà.
“Cái Hoa cho em chai sữa tắm thơm lắm! Chị lấy mà dùng!”
Tôi nói dối vì tôi biết chị chả bao giờ dùng mấy cái thứ mỹ phẩm đắt tiền đó. Tôi không muốn người ta đi qua chị rồi nói chị hôi hám. Bởi tôi biết cái mùi đó nó ám trên người chị nó kinh lắm! Chính tôi còn không chịu được nữa mà.
Chị tưởng thật nên cũng lấy chai sữa tắm đó để tắm. Nhưng chị vẫn tiếc nên tắm bằng xà phòng trước. Sau đó dội qua nước sạch rồi mới cẩn thận nặn một chút sữa tắm ra bông tắm xoa lên người cho thơm. Chị cố tình để dành lại chai sữa tắm đó cho tôi, chỉ dùng một chút ít. Con gái mà ai mà chẳng thích sạch sẽ thơm tho. Nhưng có những lúc buộc phải trở nên hôi hám.
Tắm xong, chị ngồi đếm đống tiền lẻ trong cái túi nilon đen xì bọc hai lớp cẩn thận. Những tờ bạc nhăn nheo, ẩm ướt còn dính mùi cá tanh tưởi. Chị trải ra vuốt lại cho phẳng phiu rồi xếp thành từng tệp. Mỗi mệnh giá một tệp. Dáng chị trông giống hệt dáng mẹ ngày xưa. Chị vừa đếm vừa cười:
“May quá! Hôm nay lời gấp đôi em ạ.”
Chị cầm lấy đôi tay học trò của tôi vỗ vỗ lên mu bàn tay. Bàn tay chị tuy đã làm nhiều việc nhưng vẫn còn thon đuột, nhỏ nhắn, mềm mại hơn cả bàn tay thô kệch cầm bút của tôi nữa.
“Cố gắng học cho giỏi vào nhé! Vài hôm nữa là chị đủ tiền đóng viện phí cho mẹ rồi.”
Tôi để vậy. Mặc cho chị cứ vuốt ve mu bàn tay mình. Tôi cảm giác như mình ngày càng bé lại còn chị thì ngày càng lớn lên, như mẹ.
Chị đã tắm rửa sạch sẽ với chai sữa tắm thơm phức tôi trộm mua. Nhưng cái mùi tanh tưởi của cá tôm vẫn còn bám trên tóc, trên da thịt chị hôi hám, khó chịu vô cùng.
***
Mẹ đã không còn ho về đêm nữa. Sắc mặt hồng hào hơn. Hôm nay mẹ được xuất viện. Hai chị em tôi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón mẹ về. Bốn tháng rồi ngôi nhà thiếu dáng mẹ thật buồn tẻ và trống vắng! Vườn tược cỏ mọc nhiều hơn dù tôi đã cố gắng nhổ rồi dọn dẹp cẩn thận chúng nhưng cũng không thể gọn gàng, sạch sẽ như mẹ được.
Chị thì vui lắm. Gương mặt rạng rỡ. Công việc buôn bán của chị có vẻ thuận lợi hơn. Tối hôm qua chị còn khoe với tôi “ Chị Nhân thừa sức nuôi Hậu vào đại học rồi nhé”. Rồi chị lôi chiếc hộp màu đỏ quý giá của mình để vào đó một xấp tiền lẻ nữa. Những tờ tiền nhăn nheo, cũ cũ, ẩm ướt.
Bữa cơm đầu tiên của ba mẹ con khi mẹ trở về nhà có bao nhiêu là thức ăn ngon. Do một tay chị đi chợ mua rồi vào bếp nấu nướng. Chị trở thành một người phụ nữ thực thụ, đảm đang và chu đáo.
Mẹ nhìn chị vừa vui vừa có gì đó buồn buồn, đôi mắt thẳm sâu thỉnh thoảng rưng rưng nước.
Tối. Ba mẹ con quây quần trên chiếc phản tre trò chuyện. Chị thì líu lo kể chuyện này chuyện nọ như đứa trẻ lâu ngày gặp mẹ. Tôi ít nói hơn. Ngồi nghe chị kể.
“Nhân! Con nghỉ học rồi phải không?”
Câu hỏi của mẹ làm chị ngừng lại. Nụ cười trên môi cũng bỏ dở:
“Mẹ! Sao…sao… mẹ biết ạ?”
“Mẹ biết chứ! Mẹ là mẹ của các con mà. Các con làm gì, nghĩ gì sao mẹ lại không biết. Nhưng tại sao lại không nói với mẹ?”
“Dạ! Con sợ mẹ lo lắng rồi bệnh nặng thêm.”
Chị nói giọng nghẹn ngào, miệng mếu máo vừa sợ mẹ mắng vừa thương mẹ.
“Mẹ hiểu! Con gái của mẹ!”
Mẹ nhìn chị nước mắt lưng tròng. Có gì đó xót xa lắm mà không nói nên lời.
“Nhưng em Hậu cũng đỗ đại học rồi mẹ ạ. Thủ khoa trường Đại học y luôn đó mẹ.”
Chị mừng rỡ nhìn về phía tôi, đánh rơi hẳn nỗi buồn vừa nãy.
“Trời! Sao con không báo cho mẹ hay hả Hậu?”
Mẹ lại cầm tay tôi và bàn tay chị nắm chặt.
“Mẹ chỉ có hai chị em con thôi. Mẹ hi vọng hai chị em con hãy yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Sau này mẹ có nhắm mắt cũng yên lòng.”
Tôi và chị gục đầu vào lòng mẹ!
“Vâng ạ!”
Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ một giấc ngon lành sau bao nhiêu ngày lo lắng, vất vả vừa học, vừa làm, vừa tìm cách giấu giếm sự thật với mẹ. Chỉ một chút sự thật phải giấu đi thôi mà làm tôi bứt rứt mãi không yên lòng. Giờ thì ổn rồi. Cứ như một sự giải thoát vậy.
Từ ngày mẹ xuất viện, chị không cho mẹ làm đồng hay làm bất cứ việc gì nữa. Mẹ chỉ ở nhà nấu cơm. Buồn tay buồn chân thì ra quét nhà, nhổ cỏ cho khỏe người. Chị nói “con đủ sức nuôi mẹ và em Hậu. Mẹ mà vào viện lần nữa là em Hậu phải nghỉ học chăm mẹ đấy”. Nghe chị nói vậy mẹ không đi làm nữa mà vui vẻ ở nhà nội trợ. Lúc đầu tôi thấy mẹ hay nhìn chị rồi ngẩn người ra. Sau thấy chị ngày càng rắn rỏi, tươi tắn, trưởng thành thì mẹ cũng vui lây. Có lẽ công việc này hợp với chị. Chị vất vả nhưng chưa từng kêu ca một lời với mẹ hay với tôi. Mà mặt mày lúc nào cũng tươi tỉnh. Chẳng bù cho tôi, được ăn học nhưng mặt lúc nào cũng lầm lì như cái tàu điện ngầm, nhìn rất khó ưa.
Chị tôi tháo vát và siêng năng. Đẹp người đẹp nết nên vừa nghỉ học là đã có ba bốn đám đến dạm hỏi. Nhưng chị đều từ chối khéo “cháu còn nhỏ, còn lo cho mẹ và cho em ăn học”. Những đứa bạn cùng lớp chúng tôi cũng có dăm ba đứa thầm thương trộm nhớ chị nhưng chưa dám ngỏ lời. Giờ thì chị đã nghỉ học chúng mới có cơ hội đến chơi. Mấy đứa đi học trên thành phố giống tôi cũng thỉnh thoảng ghé qua nhà tôi, mục đích là được gặp chị. Nhưng hình như cái chuyện tình cảm trai gái đã bị trị gác ở góc nào đó trong trái tim mất rồi. Chị chưa bao giờ mở lòng ra với ai. Với một lý do hết sức giản dị “còn phải lo cho mẹ và cho em ăn học”.
Tôi đỗ thủ khoa nên khi vào trường có nhiều sự ưu tiên hơn hẳn các sinh viên thường. Những khoản thưởng đầu năm của nhà trường và các đơn vị tài trợ tôi đem về đưa hết cho chị. Chị cười đẩy lại những khoản tiền đó về phía tôi “Em giữ lấy mà chi tiêu. Đây là tiền công sức của em”. Tôi không chịu nhưng chị lén đem nhét vào cặp tôi. Tôi hiểu chị muốn tôi sửa soạn một chút vì dù sao tôi cũng là con gái. Mà lại là một đứa con gái không đẹp. Mấy lần chị ý tứ bảo tôi “em đừng tiết kiệm quá! Thích làm gì cứ làm. Chị lo được mà”. Tôi hiểu chị muốn nói gì nhưng tính tôi không thích trưng diện. Với lại tôi ý thức được hoàn cảnh của mình. Tối tôi còn dạy kèm vài đứa con nhà giàu. Tôi có tiếng thơm là thủ khoa nên cũng dễ dàng tìm được những mối gia sư ngon lành với khoản tiền lương hậu hĩnh. Số tiền kiếm được tôi vẫn đưa cho chị. Chị không nhận tôi lại để dành tiết kiệm, không dám tiêu xài hoang phí.
Chiều thứ bảy, tôi đang trên đường về nhà thì nghe tiếng chị khóc trong điện thoại “Mẹ bị tai nạn rồi Hậu ơi!”
Tôi choáng váng rồi định thần lại ngay. Tôi hỏi tên bệnh viện rồi chạy một mạch.
“Hậu ơi! Em ơi! Mẹ… Chị ôm chầm lấy tôi khóc nức nở như một đứa trẻ khi vừa thấy tôi. Có lẽ bây giờ tôi là chỗ bám víu duy nhất của chị.
Tôi đỡ lấy chị an ủi. Tôi không thể yếu đuối vào lúc này. Tôi phải là chỗ dựa cho mẹ và chị!
“Chị bình tĩnh! Mẹ sẽ không sao đâu!”
“Ai là người nhà bệnh nhân Hiền?”
Tiếng cô y tá vang lên.
Hai chị em tôi vội lao đến:
“Nạn nhân bị mất máu nhiều quá mà bệnh viện không còn máu dự trữ. Hai người vào thử máu để truyền gấp.”
Chị đòi vào trước. Tôi vội can:
“Chị đang mệt. Để em vào trước rồi đến lượt chị.”
Cô y tá nói phải gọi thêm người đề phòng chị em tôi không hợp nhóm máu với mẹ. Chị vội vàng mở điện thoại ra gọi cho các dì và mấy đứa em họ.
Tôi đi ra khỏi phòng xét nghiệm. Mặt cắt không còn giọt máu. Bác sĩ kết luận tôi nhóm máu A. Mẹ nhóm máu O không cùng nhóm nên không thể truyền máu được. Là dân học y nên tôi biết không thể dựa vào nhóm máu để khẳng định con đẻ hay con nuôi. Biết đâu cha tôi lại là nhóm máu A? Nhưng kết quả này lại khiến tôi nghĩ đến mối nghi ngờ của tôi từ trước đến giờ. Chị tôi đi ra hớn hở:
“May quá có chị và thằng Hưng cùng nhóm máu O với mẹ”.
Tôi càng châng hẫng. Chị cùng nhóm máu với mẹ. Còn mình? Tôi thơ thẩn cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm ra hành lang bệnh viện. Sự khác biệt về cả ngoại hình lẫn tính cách của tôi với chị và mẹ đã làm tôi nghi ngờ không yên. Nay lại thêm cả nhóm máu nữa. Tôi không thể ngồi yên được nữa. Nhất định tôi sẽ làm sáng tỏ mọi vấn đề.
Mẹ được truyền máu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Chị lại tất bật lên xuống bệnh viện chăm mẹ. Kêu tôi cứ yên tâm mà học cuối tuần về thăm mẹ cũng được. Công việc của chị đã quen rồi, với lại chị cũng nhờ được mấy người bạn giúp đỡ, giữ mối cho. Chị vốn nhiệt tình hay giúp đỡ chị em bạn hàng nên khi chị có việc họ cũng sẵn lòng giúp đỡ.
Tôi ngoan ngoãn nghe theo lời chị nhưng trong lòng thì trăm mối tơ vò.
Tôi lén lấy hai sợi tóc của mẹ và chị khi họ đang ngủ say, âm thầm đem đi xét nghiệm ADN. Dù kết quả có như thế nào thì tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận. Còn hơn cứ phải ôm mối nghi ngờ to như một khối đá nặng đè nén đến hết cuộc đời này.
Khi bác sĩ thông báo tôi vào lấy kết quả. Tôi cố gắng bình tĩnh. Hít thở một hơi dài cho thật bình tâm rồi mới chẩn thận đọc từng dòng chữ. Kết quả mẹ và chị có quan hệ huyết thống. Còn tôi thì không. Không hiểu sao lúc chưa có kết quả tôi hồi hộp bao nhiêu thì bây giờ tôi thản nhiên bấy nhiêu! Có lẽ là tôi đã âm thầm chấp nhận kết quả đó từ lâu. Tôi chỉ cần tờ giấy chứng nhận giám định nữa là đủ. Tôi đứng nhìn một lúc kết quả xét nghiệm của mình như để khẳng định một lần nữa. Tôi không phải là con đẻ của mẹ, không phải là em ruột của chị. Tôi thẫn đi dạo bên bờ hồ cả buổi. Tôi không đi thực hành buổi chiều. Cũng bỏ luôn buổi dạy kèm ban tối. Tôi muốn về nhà. Tôi muốn gặp mẹ, gặp chị.
Chị vừa đi chợ về đang tắm rửa. Mẹ bê nồi cơm ra bắt đầu dọn dẹp thì ngạc nhiên khi thấy tôi đứng dưới bậc cửa thềm nhà.
“Sao con về mà không báo trước để mẹ còn phần cơm?”
“ Dạ…”
Tôi ấp úng nói không nên lời.
“Con ăn rồi mẹ ạ!” Tôi nói dối.
Mẹ chải chiếc chiếu cói hoa ra hè lôi tôi lại rồi cầm chiếc quạt nan phe phẩy.
“Ngồi cho mát tí rồi tắm rửa cho khỏe.”
Chị đi ra, mặt còn lấm tấm những giọt nước chưa kịp lau khô. Chiếc khăn tắm quấn trên mái tóc đen dài xoắn lại. Chị ngồi xuống xoa xoa cho bớt nước.
“Con bé này? Về không báo trước cho chị để chị lấy cho mấy khúc cá thu đem lên trường ăn dần. Hôm nay ghe vào được nhiều cá thu to lắm!”
Tôi không nói nhìn chị. Rõ ràng gương mặt của chị và mẹ giống hệt nhau. Từ giọng nói đến tiếng mắng yêu tôi đều giống nhau. Còn tôi như một giống loài khác trong gia đình này vậy. Tôi không rõ chị có biết tôi không phải là em ruột chị hay không? Còn riêng mẹ thì chắc chắn rồi. Giờ tôi mới hiểu ánh mắt xót xa của mẹ nhìn chị khi nghe tin chị bỏ học để nuôi tôi ăn học. Vòng tay mẹ ôm chúng tôi khóc “hai chị em phải đùm bọc nhau thì mẹ chết mới yên lòng”. Mẹ luôn nói cả hai chị em tôi là do mẹ nhặt được. Mẹ chưa bao giờ nói chỉ nhặt được mình tôi thôi. Có lẽ mẹ hiểu cái cảm giác của tôi khi tôi hỏi “con có phải sinh ra từ bụng mẹ hay không?”. Mẹ trả lời “Con không phải sinh ra từ bụng mẹ, mà là sinh ra từ tim mẹ. Cả hai đứa đều từ tim mẹ mà ra”.
Giờ tôi mới hiểu lời nói đó của mẹ. Tôi nhìn mẹ rồi quay sang nhìn chị. Tôi dụi mặt vào mái tóc dài còn ươn ướt của chị. Cái mùi cá tanh tưởi trộn lẫn với mùi xà phòng gội đầu không còn hôi hám khó chịu như trước nữa. Tôi vòng tay ôm qua eo chị hít hà. Cái mùi cá bám trên da thịt chị giờ bỗng trở nên thơm nồng lạ kỳ. Không! Có lẽ đó không phải là mùi cá tôm. Thứ tôi ngửi thấy là mùi hương tỏa ra từ trái tim của chị, của mẹ, của những người không cùng máu thịt với tôi nhưng lại cưu mang tôi hơn cả máu thịt của mình. Phải rồi! Mẹ nói đúng! Tôi không được sinh ra từ bụng mẹ mà là được sinh ra từ trái tim của mẹ! Một trái tim nhân hậu và ấm áp tình người, như chính cái tên mà mẹ đã đặt cho chị em tôi. Nhân – Hậu!