Mẹ chồng tôi

Tôi lúi húi lôi cái bịch nilon đen ngòm trong túi xách. Bí mật như kẻ ăn trộm:

“Đây là của mẹ. Còn đây là của con.”

Mẹ chồng nhìn bộ váy ồ lên thích thú. Khỏi phải nói tôi vui cỡ nào. May là mẹ chồng thích. Mà tôi chắc chắn là sẽ thích.

“Con chỉ sợ anh Tú không cho mặc thôi. Nó hơi sexy mẹ nhỉ?”. Tôi nói thầm vào tai mẹ.

“Đừng lo, mẹ con mình chỉ mặc khi nào đến phòng tập thôi mà.”

Mẹ chồng vẫn không rời mắt khỏi chiếc váy bởi nó quá quyến rũ.

Tôi cất vội cái bịch nilon bí ẩn đó vào trong tủ áo của mẹ chồng, không dám bỏ vào phòng riêng của hai vợ chồng vì sợ anh bắt gặp. Nhiều khi tôi nghĩ không biết ông trời có se lộn đường tơ hay không nhưng tôi thấy người tôi hợp rơ là mẹ chồng chứ không phải chồng mình. Từ cái ngày đầu tiên ra mắt. Nhìn bà mẹ chồng ăn mặc trẻ trung như con gái tôi đã há hốc miệng ngạc nhiên. Tôi vẫn không thể tin người đứng trước mặt là mẹ anh. Thấy tôi ngẩn người ra, bà kéo tay tôi ngồi xuống cười vồn vã nói: “Không cần ngạc nhiên thế. Ai gặp bác lần đầu cũng tưởng bác là chị Tú” rồi cười vồn vã nhưng lại rất thân thiện. Tôi bị mẹ anh hớp hồn ngay từ cái lần đầu tiên ra mắt ấy.

Ngày về làm con dâu mẹ, tôi đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Cứ như người tôi muốn khám phá và cảm thấy hứng thú là mẹ chứ không phải chồng. Thật ngược đời! Tôi và mẹ đi chơi còn nhiều hơn đi với chồng. Bởi với mẹ, tôi thoải mái nhất, có khi còn hơn cả với mẹ đẻ.

Mẹ kể cho tôi nghe về mẹ giống như tâm sự với một người bạn. Mẹ ly hôn từ khi anh lên một tuổi. Thật ra là bố bỏ rơi anh đi theo người đàn bà khác. Mẹ một mình nuôi anh mà không được một đồng trợ cấp từ bố. Sự kiên cường và tình yêu của mẹ đã nuôi dưỡng nên một người đàn ông thành đạt và bản lĩnh là anh. Anh không hề cảm thấy mình thiệt thòi mà ngược lại, anh luôn tâm sự với tôi rằng “Cuộc đời anh chỉ cần có mẹ là đủ”. Ngày bước chân về làm dâu tôi mới biết lời anh nói không sai tí nào.

   Trái với nhiều bà mẹ chồng khác luôn chằm chặp bênh con trai mình và bắt con dâu phải làm việc nhà. Mẹ chồng tôi thì ngược lại, rất công bằng. Có khi lại có phần thiên vị cho con dâu ấy chứ.

Ăn cơm xong, thấy chồng tôi định đứng dậy cầm cái điều khiển đi lại bàn uống nước, bà đã gọi chặn trước:

“Hôm nay đến phiên con rửa bát rồi. Cấm trốn việc đấy nhé!”

“Vâng con nhớ mà, không biết con là con mẹ hay Thanh là con mẹ nữa!”. Mặt chồng tôi tiu nghỉu, thất vọng nặng nề về bà mẹ đẻ của mình.

“Đứa nào cũng là con hết. Mẹ chẳng phân biệt con dâu con đẻ gì cả. Cứ đúng việc mà làm.”

Mẹ nhìn tôi ra hiệu: “Cứ để đấy cho nó làm!” 

Tôi sướng rơn vào phòng khách gọt hoa quả ăn cùng mẹ. Mấy đứa bạn tôi mà nghe tôi kể chắc chúng nó không tin đâu. “Bà mẹ chồng tâm lý nhất Vịnh Bắc Bộ”. Tôi luôn khoe với chúng như vậy. Trong khi chúng nó chỉ cần nhờ chồng lấy cái chén, cái đĩa là mẹ chồng đã mặt nặng mày nhẹ “đè đầu cưỡi cổ chồng” thì mẹ tôi lại ra mặt sai vặt chồng giúp tôi. Không biết có phải tôi được mẹ chồng chiều quá hay không mà tôi ngày càng trẻ ra, tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái. Cũng có khi là tôi bị lây cái tính cách trẻ trung từ mẹ.

Tối nay tôi và mẹ có giờ học khiêu vũ. Mẹ nói thầm vào tai tôi lên phòng chuẩn bị đồ trước.

“Thanh chở mẹ đi thăm bà Hương nhé. Bà ấy nằm viện mấy ngày nay rồi!”

 Mẹ cố ý nói to cho chồng nghe thấy.

Tôi “dạ” một tiếng rõ ngọt nhưng cũng không kém phần dõng dạc để chồng tôi nghe thật rõ rồi lên phòng thay đồ.

Thật ra mẹ không muốn tôi nói với chồng là hai mẹ con đi học khiêu vũ vì mẹ lo anh không đồng ý. Anh lớn lên chỉ có một mình mẹ bên cạnh nên rất bám mẹ. Từ nhỏ đã như thế rồi. Mẹ kể vậy. Bao nhiêu yêu thương anh dành hết cho mẹ. Nên anh sợ mất mẹ. Anh không muốn bất kì người đàn ông nào san sẻ tình cảm của mẹ dành cho anh. Anh yêu mẹ hơn bất cứ thứ gì trên đời này. Đến nỗi khi yêu tôi anh đã cảnh báo trước “Em không bao giờ được hỗn với mẹ. Mẹ là người anh yêu và tôn trọng nhất trên đời. Nếu phải lựa chọn, anh sẽ chọn mẹ chứ không chọn bất kỳ người phụ nữ nào. Kể cả em”. Tôi vô cùng hụt hẫng và chạnh lòng vì câu nói của anh. Nó làm tôi giận dỗi mất mấy tuần. Anh nhắn tin gọi điện gì tôi chặn hết. “Chưa gì mà đã nói như vậy thì khi cưới về thể nào anh ta cũng bênh mẹ chằm chặp. Mình ra rìa là cái chắc”. Tôi đem chuyện nói với đám bạn thân thì đứa nào cũng lắc đầu kêu tôi bỏ dần đi là vừa. Nhưng yêu nhau bốn năm trời chứ có ít đâu mà nói bỏ là bỏ. Tôi lại đem chuyện kể với mẹ mình. Mẹ gõ tôi mấy cái vào đầu “Đàn ông nếu nó không thể yêu quý người đã sinh thành ra mình thì mình cũng là thứ bỏ đi mà thôi. Con hiểu không? Dù sao con cũng chỉ là người phụ nữ trong số nhiều người phụ nữ mà nó chọn làm vợ. Còn mẹ chỉ có một làm sao mà không đặt lên hàng đầu được. Nếu đứa nào nói yêu con nhất thì nó chỉ nói dối hoặc là nó là một đứa không hề có tình cảm gì hết. Con gái ngốc ạ”. Tôi bị mẹ ca cho một trận vì cái tội nông nổi, không dám hé răng cãi lại vì lời mẹ nói quá thuyết phục. Tôi tự động liên lạc, lại nối lại “tình xưa” “như chưa hề có cuộc chia ly” nào xảy ra.

Thấy mẹ ngồi ngắm bức ảnh xưa cũ, chốc chốc lại cười khúc khích rồi lại rưng rưng nước mắt, có khi hai má lại ửng hồng, hệt như một nàng thiếu nữ mới lần đầu biết yêu. Tôi tò mò lại gần. Một bức ảnh từ thời học sinh. Cô gái trong ảnh hình như là mẹ. Tôi nhận ra bởi chiếc má lúm đồng tiền và nụ cười duyên chết con người ta của mẹ. Người con trai đứng bên cạnh không phải là bố chồng.

“Ai thế hả mẹ?”. Tôi tò mò hỏi.

Mẹ tôi suỵt ra hiệu cho tôi nói nhỏ thôi.

“Mối tình đầu của mẹ.”

Rồi bà bắt đầu say sưa kể cho tôi nghe về một mối tình trong sáng thủa học trò của mình. Cái thời mà yêu thương phải giấu kĩ trong cặp sách, ngăn bàn chứ làm gì có điện thoại, facetime như bây giờ.

Bạn trai của mẹ thời đó là một công tử đẹp trai, con nhà giàu. Còn mẹ chỉ là cô con gái con nhà nghèo, học giỏi. Gương mặt mẹ trầm tư. Đây là những lần hiếm hoi tôi thấy mẹ buồn. “Thế nên kết cục của mối tình đẹp đấy chỉ là những kỉ niệm còn lại giữa hai người.”

Giọng mẹ man mác buồn. Không hiểu sao mẹ lại không giấu tôi bất kỳ chuyện gì. Mẹ tin tưởng và xem tôi như một người bạn tri kỷ chứ không phải là một đứa con dâu “khác máu tanh lòng” như người đời thường quan niệm thế. “Con đừng kể cho Tú nghe những chuyện về bác ấy. Mẹ sợ nó sẽ nghĩ ngợi”. Mẹ lúc nào cũng vậy, chỉ nghĩ cho anh. Mẹ chồng thì tính tình thoải mái, suy nghĩ khá thoáng nhưng chồng tôi lại không giống mẹ. Tính anh hơi cổ hủ và nghiêm túc. Không hề giống con của mẹ một chút nào.

***

Chúng tôi đến buổi khiêu vũ khá muộn vì bị cuốn vào câu chuyện xưa cũ của mẹ.

“Hai mẹ con đến muộn thế?”

Bác Thiện, mối tình thuở học trò trìu mến nhìn mẹ chồng.

“Kẹt xe, đường đông quá!”

Mẹ phân trần. Tôi đưa bộ đồ mới cho mẹ mặc vào. Thật sự mẹ chồng nhìn trẻ ngang ngửa tôi. Hai người nhảy cặp với nhau. Ánh mắt, cử chỉ tình tứ say đắm như một cặp tình nhân. Mà đúng họ là tình nhân của nhau thật. Bác Thiện góa vợ 10 năm rồi. Con cái thì đều định cư ở Mỹ. Một mình bác ở lại Việt Nam. Thỉnh thoảng bác có bay sang thăm con cháu một vài tuần thôi chứ nhất định không ở hẳn. Bác nói “Mình sống vì con đủ rồi. Còn những năm tháng tuổi già bác muốn được sống cho mình”. Tôi hiểu lí do vì sao bác không sang Mỹ. Cũng hiểu lí do vì sao mẹ tôi thích đi khiêu vũ. Chỉ có chồng tôi là không biết và cũng không hiểu gì.

Tôi đi theo mẹ mỗi buổi tối thật ra là đang tháp tùng mẹ tôi đi hẹn hò. Tôi thích nhìn hai người tình tứ ôm nhau nhảy. Có lẽ mối tình đã ấp ủ hơn ba mươi năm trời đã đủ đượm nồng lên men nên khiến tôi say đắm chăng? Tôi nhìn họ hạnh phúc mà quên cả mình. Tôi thậm chí còn cảm giác được mình cũng đang hạnh phúc cùng họ, hơn cả cảm giác được hạnh phúc khi xem một kết thúc có hậu của một bộ phim tình cảm Hàn Quốc lãng mạn.

Lần nào ra về, bác Thiện cũng hôn tay mẹ rồi ôm mẹ một cái mới ra về. Có phải càng già thì tình cảm của con người ta càng mặn nồng nhỉ? Tự dưng tôi ao ước tôi và chồng mình có thể cầm tay nhau đi đến bạc đầu, vẫn xưng anh em ngọt xớt như mẹ và bác. Tôi ngưỡng mộ và say đắm, bị cuốn vào mối tình của họ lúc nào mà không hay.

Bác Thiện lịch sự cảm ơn tôi và dặn dò tôi đi đường cẩn thận mỗi khi ra về. Ánh mắt si tình của bác luôn nhìn mẹ tôi đắm đuối không muốn rời xa. Tôi nghĩ về quãng thời gian trước đây của mẹ và bác, bao nhiêu trở ngại và khổ sở, nhớ nhưng và nuối tiếc, cuối cùng thì họ cũng đã được về bên nhau. Tôi chỉ mong từ đây họ không còn gì cản trở nữa. Cuộc đời suy cho cùng cũng chỉ mong cuối đời mình tìm được niềm vui, và nhất là niềm vui ấy đã từng bị đánh cắp.

Tôi đưa mẹ về trong đêm tối. Ánh mắt mẹ còn lấp lánh hơn cả sao sáng trên bầu trời nữa. Mẹ vui vẻ nói chuyện như cô gái lần đầu biết yêu. Có lẽ mọi phụ nữ đều như vậy. Dù trẻ hay già thì đứng trước tình yêu họ đều trở về thuở mười tám đôi mươi. Tôi mừng và thầm chúc phúc cho mẹ đã tìm được hạnh phúc cuối đời mình.

Vừa về đến nhà thì đã thấy chồng tôi đứng chình ình trước cổng. Có lẽ anh nghe tiếng xe máy từ xa nên đã ra mở cổng chờ mẹ con tôi trước.

“Mẹ đừng đi khiêu vũ nữa! Con biết hết cả rồi.”

Chồng tôi đột ngột tuyên bố rành rọt trước mặt tôi và mẹ chồng, hàng lông mày cau lại khó chịu.

“Con đã nghi nghi vì sao cứ tối thứ 7, chủ nhật là mẹ lại đi thăm bạn ốm. Sao bạn mẹ ốm nhiều thế?”

Chồng tôi đùng đùng nổi giận còn chưa để mẹ và tôi lên tiếng giải thích.

“Còn em nữa, hùa với mẹ lừa cả chồng mình.”

Anh hằn học nhìn tôi trách móc. Tôi im lặng không dám lên tiếng vì sự thật là tôi đã không thành thật với chồng.

“Đừng mắng con bé! Là tại mẹ yêu cầu nó làm thế.”

Mẹ tôi buồn bã. Gương mặt hồn nhiên của mẹ tan biến đâu mất. Ít khi nào tôi thấy mặt mẹ như vậy. Tôi cũng thấy buồn lây.

“Nếu con không muốn mẹ cũng không đi nữa.”

Chồng tôi nghe mẹ nói vậy thì không nói nữa, vùng vằng đi lên lầu.

Tôi vào phòng cãi nhau với chồng một chặp. Nói thế nào anh cũng không chịu hiểu. “Mẹ cần có người chia sẻ những chuyện mà con cái không thể chia sẻ được”. Tôi cố gắng giải thích cho anh hiểu. Anh gắt lên “Có chuyện gì mà mẹ không nói được với anh chứ?” Tôi không muốn to tiếng sợ mẹ nghe thấy lại buồn nữa. “Mẹ già rồi, hãy để mẹ làm theo ý nguyện của mình đi anh. Hãy để mẹ vui vẻ những năm tháng cuối đời”. Tôi quay sang năn nỉ anh nhưng vẫn không ăn thua. Sự bảo thủ trong tình yêu của anh dành cho mẹ đã che mờ lý trí trong anh mất rồi.

Mẹ tôi ít nói hẳn. Tuy vẫn cười đùa khi nói chuyện với chúng tôi. Nhưng tôi biết mẹ đang cố giấu nỗi buồn chất chứa trong lòng. Những buổi tối đi “thăm bệnh nhân” của mẹ không còn nữa. Mẹ cũng ít đi mua sắm cùng tôi. Có hôm tôi rủ mãi mẹ mới chịu đi xem phim. Mẹ nói sợ thằng Tú nó nghĩ rồi lại buồn. Tôi thầm trách chồng mình. Cứ nói là thương mẹ hơn bất cứ thứ gì trên đời nhưng lại không hề hiểu được lòng mẹ. Tôi về kể hết cho chồng nghe. Tôi kể về những đổi thay của mẹ. Sự vui vẻ của mẹ đã dần biến mất vì cái suy nghĩ cổ hủ của anh. Chồng tôi không phản đối cũng không đồng tình. Có lẽ anh cũng thấy rõ những thay đổi của mẹ thời gian qua. Nhưng anh vẫn nhất quyết không cho mẹ chồng đi khiêu vũ mỗi tối nữa. Có đi cũng phải đến một trung tâm khác, nơi không có bác Thiện. Tôi tức điên không thể nói nổi ông chồng này nữa.

“Alo! Số bác Lành phải không ạ? Bác Thiện bị tai nạn rồi.”

Tôi cầm máy của mẹ nghe rõ ràng tiếng cô giáo dạy khiêu vũ thông báo. Tôi chết điếng. Không biết có nên nói thật với mẹ chồng không? Lỡ như bác ấy có mệnh hệ gì, không nhìn được mẹ lần cuối thì ân hận cả đời. Tôi lưỡng lự rồi quyết định gọi mẹ. Khác với tôi tưởng tượng, mẹ khá bình tĩnh:

 “Mẹ muốn nhìn mặt ông ấy lần cuối. Đừng để nỗi buồn của con làm nỗi ân hận cuối đời của mẹ. Được không con?” 

Mẹ nói với chồng tôi với ánh mắt van lơn như thể đang cầu một ân huệ cuối cùng.

Chồng tôi  có vẻ nghi ngờ nhưng không dám phản đối vì thấy mẹ tôi rơi nước mắt. Từ nhỏ anh đã rất sợ khi nhìn thấy mẹ khóc. Vì thế nên mẹ không bao giờ khóc trước mặt anh mà chỉ len lén khóc khi con mình đã ngủ rồi. Nhưng anh vẫn nhìn thấy. Anh đau đớn khi thấy nước mắt mẹ rơi. Anh không nỡ chối từ.

 “Để con lái xe đưa hai người đi!”

Bác Thiện xanh xao nằm trên giường bất động. Đầu quấn khăn trắng toát. Mẹ chạy vào, rưng rưng cầm lấy tay bác. Mới mấy ngày trước thôi, người đàn ông khỏe mạnh, phương phi tràn đầy sức sống giờ đã biến thành một ông lão già nua, bệnh tật. “Đời người thật vô thường”. Tôi thầm nhủ. Mẹ vẫn cầm tay bác lặng đi. Mắt vô hồn. Chắc mẹ đang nghĩ về bác, về những lời hứa năm xưa và những ước hẹn vừa rồi sẽ nắm tay nhau đi đến hết phần đời còn lại. Mẹ hối hận vì đã không thực hiện được “ngày cuối đời mình sẽ sống vì mình, sống cho nhau”. Giá mà mẹ dành cho bác thêm một chút yêu thương nữa thì có lẽ… Vai mẹ rung rung.

Tú xiết chặt lấy tay tôi. Hình như anh cũng đang cố kìm nén điều gì đó. Bàn tay còn lại của tôi đắp lên tay anh giữ chặt. Những ngón tay của bác Thiện cựa quậy. Hai giọt nước mắt rơi xuống gò má nhăn nheo, khô hạn.

“Lành!” Bác Thiện bất ngờ mở mắt, cố nhoẻn miệng cười nhìn mẹ. Nụ cười khó nhọc nhưng nó lại như là một tia nắng mai vừa ló rạng toả sáng khắp căn phòng âm u này.

“Anh!” Mẹ tôi vội nắm lấy tay bác, ghé tai thật gần đôi môi khô đang mấp máy của bác lắng nghe bác nói.

Tôi nắm chặt tay chồng mình kéo dậy, rút chiếc khăn giấy trong túi xách lau mắt cho anh.

“Ổn rồi! Chúng ta đi đi anh!”

Tôi cười, chồng tôi khóc. Lần đầu trong đời tôi thấy chuyện ngược đời như vậy.