Lấy vợ xấu_Chương 14

Chương 14:

Sáng hôm sau, ông Tôn chở vợ lên thăm cháu nội. Ông kêu bà Nhàn nấu cháo chân giò hầm đu đủ cho con dâu rồi bỏ vào hộp ủ nóng mang lên viện. Bà Nhàn chả thiết tha gì đâu nhưng lại nào dám cãi lời chồng, cũng nấu cho có lệ.

Bà Hân thấy vợ chồng sui gia mang đồ ăn lên cho con gái thì lấy làm cảm động lắm: “Ôi! Vất vả cho ông bà quá! Còn phải nấu đồ ăn mang cho con!”

“Vất vả gì chứ! Chị phải ở lại thức đêm chăm mẹ con nó mới vất vả. Để tối nay bà nhà tôi ở lại phụ bà cho.” 

Bà Nhàn nghe thấy thế thì giật nảy mình. Hoài thoáng thấy nét mặt của mẹ chồng liền nói: “Thôi không cần đầu bố. Có mẹ con ở đây với con là được rồi. Cháu cũng ít quấy nên cũng không sao đâu ạ.”

“Phải đấy. Mình tôi ở lại cũng được rồi. Bà ấy còn cơm nước nhà cửa nữa chứ.” Bà Hân cũng đồng tình với con gái.

“Ôi dào! Cơm nước có con Lan lo rồi. Thôi quyết định vậy đi, để tối nay bà nhà tôi ở lại thay để chị về nghỉ ngơi.”

Bà Nhàn nghe thấy vậy liền nhảy nảy lên: “Ơ! Ông tôi…”

Bà Nhàn vừa lên tiếng chưa kịp nói hết câu thì ông Tôn đã quắc mắt nhìn bà ra hiệu không cho nói nữa. Bà Nhàn cũng đành ngậm miệng nhưng ấm ức lắm.

“Bố à! Để mẹ con chăm sẽ tiện hơn ạ.”

Ông Tôn nghe con dâu nói vậy thì cũng xuôi lòng. Bà Nhàn mới thở phào nhẹ nhõm.

“À! Thằng Hiếu đã lên đây chưa? Nó đi từ sớm nói là lên thăm con rồi.”

“À.. Có ạ,” Hoài bật nói một cách gượng gung.

Bà Hân ngạc nhiên nhìn con gái. Rõ ràng Hiếu chưa lên thăm cô sao Hoài lại nói là có. Cô đang giấu bà điều gì chăng? 

“Cái thằng, đúng là từ ngày có vợ có con thay đổi hẳn. Ngày trước nó có bao giờ quan tâm chu đáo đến ai đâu. Đến mẹ nó nằm trên viện mà mãi đến trưa chiều mới tạt qua tí.” Bà Nhàn hồ hởi khoe.

Hoài cúi đầu không nói gì. Bà Hân nhìn thái độ của con thắc mắc lắm nhưng cũng muốn che giấu cho con nên không nói ra.

Đến trưa ông Tôn và bà Nhàn đi về. Bà Hân mới hỏi con gái về việc vừa rồi.

“Hiếu nó không đến đây sao con nói dối bố chồng con là đến rồi? Hai đứa có chuyện gì phải không?”

Nghe mẹ hỏi, Hoài tủi thân bật khóc tu tu. Bà Hân sợ quá túm lấy tay con: “Sao vậy con? Có chuyện gì đừng có giấu mẹ con ơi. Con vừa sinh con xong đừng có giấu giếm chuyện gì trnong lòng rồi mà ấm ức sinh bệnh đấy con.”

Hoài ôm lấy vai mẹ khóc nấc lên.

“Được rồi! Được rồi! Con khóc được là được rồi! Có gì thì từ từ nói với mẹ. Nhất định không được giấu mẹ. Mẹ chỉ có một mình con là con thôi. Cô làm sao thì mẹ sống sao được. Mej chỉ mong con sống vui vẻ bình an. Những chuyện gì không thể chịu được thì buông bỏ đi con.”

Bà Hân ôm lấy vai con vỗ về. Tiếng khóc Hoài nhỏ dần. Cuối cùng thì cô cũng cảm thấy nhẹ lòng một chút rồi.

Sau một tuần, Hoài được xuất viện về nhà. Cô nói với bố mẹ chồng xin được về bên mẹ ở ba tháng cữ. Ông Tôn hơi thất vọng vì đã sẵn sàng mọi thứ để đón cháu đích tôn về nhà. Nhưng thấy Hoài cương quyết quá nên đành nhượng bộ đồng ý. Còn lại ba người thì đều mừng thầm vì không phải “hầu hạ của nợ” đó.

Hoài về nhà mẹ đẻ ở. Ngày đầu tiên Hiếu đến thăm đúng được mười phút. Mà chỉ vào bế con chứ không hỏi thăm vợ có đỡ đau chưa, vết mổ thế nào. Hoài mặc kệ Hiếu bế con cũng không nói chuyện với chồng. Mỗi lần anh ta đến, Hoài để mẹ mình tiếp con rể còn cô giả vờ đắp chăn ngủ. Bản thân cô cũng không muốn nhìn mặt chồng mình. Cứ nhìn thấy anh hoặc nghe thấy giọng nói của anh ta là cô lại nhớ tới cái video ám ảnh ngày hôm đó. Hoài thấy ghê tởm chính người đã từng đầu gối tay ấp với mình.

Thấy Hoài chẳng thèm nhìn mặt mình, mẹ vợ cũng không còn mặn mà như trước nữa, Hiếu dần không muốn lên thăm vợ con nữa. Thỉnh thoảng gọi điện nhắn tin hỏi thăm cho có. Những cuộc gọi của Hiếu, Hoài đều không bắt máy mà là do mẹ cô trả lời. Hôm nay cũng vậy. Tranh thủ lúc trưa Hiếu gọi điện hỏi thăm con. Nhìn thấy tên chồng hiện trên màn hình, Hoài kêu mẹ nghe máy giùm mình.

Thấy Hoài không thèm nghe điện thoại của mình. Hiếu cho rằng vợ đang coi thường mình nên bắt bà Hân phải kêu Hoài nghe máy. 

Nghe thấy tiếng Hiếu quát lên trong điện thoại với mẹ mình, Hân điên tiết lấy máy điện thoại của mình nhờ mẹ trông con hộ rồi xuống bếp nói chuyện với Hiếu.

 “Rốt cục là anh muốn gì?”

“Tại sao cô không nghe điện thoại của tôi? Cô coi thường tôi phải không? Mà cô có tư cách gì để coi thường tôi hả?” 

Sự ức chế dồn nén bao lâu như vỡ òa trong Hoài.

“Phải! Tôi không những coi thường anh mà tôi còn ghê tởm anh. Anh đừng nghĩ tôi không nói là không biết gì. Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc, có lòng tự trọng của mình. Tôi biết anh chẳng coi tôi là vợ. Tôi cũng đã suy nghĩ kĩ rồi. Tôi sẽ viết đơn ly dị. Anh chỉ việc ký vào hoặc ngược lại. Chúng ta việc người nào người ấy làm, không liên quan đến ai. Với bố mẹ hai bên cũng từ từ rồi nói. Chính tôi sẽ nói chuyện với bố mẹ.”

Hiếu sững sờ khi nghe thấy hai từ ly dị thốt ra từ miệng Hoài trong lúc này. Anh ta không thể tin vào tai mình được.

“Cô có tỉnh táo không đấy? Ly dị?” Hiếu cười khinh khỉnh: “Cô dám ly dị với tôi sao?”

“Tôi rất tỉnh táo và hoàn toàn sáng suốt khi đưa ra quyết định này. Tôi muốn từ giây phút này không có bất cứ mối quan hệ nào với anh nữa trừ thằng Thuận.”

Hiếu nghe xong thì tự ái hùng hồn tuyên bố: “Được rồi! Cô không cần viết đơn mà chính tôi mới là người viết đơn bỏ cô. Thứ bảy tuần này tôi sẽ mang đơn đến nhà cô để cô ký. Tôi xem ai mới là người phải hối hận cho biết!” Hiếu tức giận cúp máy một cách đột ngột.

Bên kia điện thoại Hoài chỉ nghe thấy tiếng tút tút khô khốc vang lên. Tự dưng cô thấy lòng mình nhẹ bẫng. Cuối cùng thì cô cũng có thể nói ra được cái quyết định quan trọng nhất của cuộc đời mình. Dù sau này có ra sao thì ra.

Ba tháng ở cữ trên nhà ngoại, Hoài không phải đi đâu chỉ ở trong nhà. Nước da cô trắng hẳn ra. Các vết mụn dần biến mất hoàn toàn. Đến cả Hoài còn bất ngờ khi nhìn thấy mình trong gương. Bầu ngực căng tròn không còn “màn hình phẳng” như thời con gái nữa. Hoài sờ lên mặt mình cũng không còn sạn sạn ram rám như xưa nữa. Cô hiểu có lẽ sau sinh nội tiết tố thay đổi đã khiến làn da của cô cũng thay đổi. Ngày xưa khi đến tuổi dậy thì làn da Hoài bỗng nhiên nổi mụn sần sùi, các mụn bọc li ti trắng nổi lên khắp gương mặt như bánh đa vừng. Lên cấp ba tình trạng này cũng không thay đổi. Mẹ cô đã đưa cô đi khám và chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Người ta nói tình trạng của Hoài là do nội tiết. Khi nào lấy chồng sinh con sẽ hết. Còn bây giờ có chữa trị cũng chỉ khắc phục tạm thời thôi không thể khỏi hẳn được. Không ngờ đến bây giờ nó thành hiện thực. Làn da ám ảnh của cả một thời con gái của cô đã biến mất.

Nam đến thăm mẹ con Hoài. Ngày xưa Nam cũng từng đến nhà Hoài chơi rồi nên vẫn nhớ đường. Không ngờ xóm nhà Hoài vẫn chẳng có gì thay đổi cả. Chỉ có các khác là con đường đất đã được thay bằng đường bê tông to hơn sạch hơn. 

Cái cổng sắt nhà Hoài vẫn còn giữ lại. Cây xoài trước ngõ cũng vẫn còn đứng sừng sững, từng chùm từng chùm xum xuê trĩu quả. Nam đến nhà Hoài một cách tự nhiên như ngày xưa. Thấy Nam khá thoải mái, Hoài mới bắt đầu cởi mở hơn. 

Nam kể ngày xưa Hoài học giỏi ít nói chuyện. Nam không đẹp trai nhưng có nụ cười khẳng khái và rất hòa đồng. Nam rất tinh tế. Có lần cả lớp tặng quà mùng tám tháng ba cho các bạn gái. Vì sĩ số bạn gái đông gấp đôi các bạn nam nên không thể mỗi người nam đều tặng một bạn nữ được. Các bạn nam được quyền lựa chọn tặng quà cho một hoặc vài bạn nữ mà mình thích. Trong khi gần đến bạn nam gần cuối cùng rồi mà chẳng ai tặng hoa cho Hoài, cô bắt đầu cảm thấy lo sợ. Cô sợ ánh mắt cười chê của bạn bè vì xấu quá nên không có ai tặng quà. Tay Hoài run lên, mắt không dám nhìn xuống phía cuối lớp nữa thì bất ngờ một giọng nói giòn tan vang lên: “Chúc bạn mùng tám tháng ba vui vẻ và hạnh phúc nhé!”

Hoài ngẩng mặt lên nhìn. Chàng trai trước mặt Hoài đang cười rất tươi, hay tay trang trọng đưa bó hoa tươi thắm trước mặt Hoài. Đây chính là lần đầu tiên trong đời một cô gái như Hoài được một chàng trai tặng hoa. Cả lớp vỗ tay rần rần. Hoài cảm động rớt nước mắt.

Hết cấp hai, Nam chuyển trường lên thành phố và học cho đến giờ. Nếu nói kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời thì đó là năm lớp 9. Dù lúc đó khái niệm yêu đương trong đầu Hoài chưa rõ ràng. Cô chỉ biết rằng, Nam là người con trai đầu tiên để ý đến cô. Sau này lên cấp ba rồi học đại học, Hoài có thích đơn phương vài người nhưng hình ảnh của cậu học trò với nụ cười tỏa sáng đưa bó hoa trước mắt cô gái xấu xí trong tràng vỗ tay tán dương của mọi người thì cô không thể nào quên được.

Như mọi lần, bà Hân tiếp Nam ngoài ghê đá để ngoài sân vườn. Hoài đã qua ba tháng kiêng cữ nên đã ra ngoài bình thường. Bà Hân hái một rá táo ngọt ngoài vườn vào để mọi người ăn chơi. Nam thích nhất là ăn táo. Ngày xưa mỗi lần đến chơi thì vườn táo nhà bà Hân là địa điểm đầu tiên được bọn bạn Hoài xông đất trước.

Bà Hân vào châm cháu cho Hoài nói chuyện. Nam hỏi thăm bọn bạn hồi trước giờ ra sao rồi. Hoài kể học xong lớp 9 nhiều đứa bỏ học lấy chồng sớm giờ có con sắp học cấp ba rồi. Có khi cũng sắp có con dâu con rể rồi ấy chứ. Họ ôn lại những kỉ niệm xưa cũ rồi cười ồ lên. Ánh mặt Hoài vui tươi lạ thường.