Hẹn ước ngàn năm_3
Chương 3: Không được gọi cho anh
Đầu óc Hoài Niệm bắt đầu rối ren. Cô cố nhớ lại cuộc gặp gỡ ở chợ Âm Phủ rạng sáng ngày hôm qua. Cũng không nhớ rõ mình có xin số điện thoại của anh ấy lúc này không nữa? Những hình ảnh lúc ẩn lúc hiện xen lẫn, gương mặt anh tuấn với mái tóc bồng bềnh, nụ cười tỏa nắng của anh theo ký ức của Hoài Niệm lần lượt trải dài như một cuộn phim trước mắt Hoài Niệm. Đầu óc lại càng mụ mị. Cô càng không thể nhớ rõ những chi tiết của cuộc gặp gỡ hôm ấy.
“Hoài Niệm! Con còn ngồi trong đó sao?”
“Dạ mẹ! Con ra liền.”
Tiếng gọi của mẹ cắt ngang thước phim đang quay chậm trong tâm trí cô trở về trạng thái thực tế. Cô nhanh chóng bước xuống giường đi vào nhà vệ sinh. Cái lạnh run người khiến cô rùng mình tỉnh táo hẳn.
Ăn sáng xong, Hoài Niệm xách một cái làn đi theo sau mẹ ra chợ. Những ngày họp chợ sau tết vẫn còn rất đông. Hôm nay mới mùng Năm nên nhiều người về quê ăn tết vẫn chưa xuất hành. Thường người ta sẽ chọn ngày chẵn để đi. Ngày mai hoặc ngày mùng Tám được coi là đẹp ngày để xuất hành. Thông thường ngày mùng Bảy mới là ngày hạ nêu, chính thức hết tết nên người ta thường cố qua ngày này mới đi nếu như công việc không bắt buộc phải đi sớm. Theo quan niệm dân gian người ta cũng không đi ngày bảy vì kiêng kị, có câu “chớ đi ngày bảy chớ về ngày ba” là vì thế. Nhưng không may năm nay ngày tám lại xấu ngày, chỉ còn ngày sáu là đẹp nên đa số mọi người đều chọn ngày mai để xuất hành.
Chợ đã chín giờ sáng vẫn còn khá đông, mẹ phải cố chen chúc mới có thể lọt được vào một khu bán rau. Thấy một bà cụ bán mấy mớ rau cải bắp, súp lơ, su hào lẻ tẻ. Mỗi loại một ít, trông còn tươi và ngon nên mẹ ngồi ngay xuống chọn.
Trả tiền xong xuôi, mẹ đứng dậy kêu Hoài Niệm bỏ rau vào làn thì không thấy con gái đâu. Nhìn quanh quẩn một vòng cũng không thấy bóng dáng cô.
“Cô đưa rau đây tôi xâu lại giúp cô.” Bà cụ bán rau thấy mẹ đi tay không, không mang theo làn, cũng chẳng có đồ gì để đựng liền lấy một cái lạt xiên qua cuống rau rồi buộc chặt lại thành hai xâu gọn gàng đưa cho mẹ.
“Cô chỉ cần xách thế này là được. Không rơi đâu.”
“Cảm ơn cụ.” Mẹ cúi xuống đỡ lấy hai xâu rau từ bà cụ, mắt vẫn dáo dác nhìn xung quanh tìm kiếm bóng dáng con gái. Nhưng chợ quá đông, kẻ qua người lại lúc nhúc, có đứng gần ba bốn mét chưa chắc đã nhìn thấy. Mẹ lại không mang điện thoại theo nên đành lượn chợ mua thêm mấy món đồ cần thiết rồi đi ra nhà xe đợi.
Hoài Niệm xách làn đi theo mẹ đằng sau nhưng đầu óc thì cứ miên man nghĩ về số điện thoại của anh bỗng dưng sao lại có trong danh bạ của mình. Chợ thì đông mà tâm trí lại không tập trung khiến cô va trúng một người đang chở một xe đầy rau củ.
“Á… Xin lỗi bác.” Hông Hoài niệm va vào một cạnh sắc của chiếc xe đau quá kêu lên.
Bác nông dân nhìn cô có chút bực mình: “Đi chợ mà mắt bỏ lên trán hả?”
“Xin lỗi bác! Cháu không cố ý.” Hoài Niệm nén cơn đau cúi đầu, miệng liên tiếp nói xin lỗi.
Bác nông dân thấy cô gái cũng tỏ ra biết lỗi nên không thèm chấp nữa, quay đầu đẩy xe đi nhưng miệng vẫn còn càm ràm: “Thanh niên bây giờ đứa nào đứa nấy cứ cắm đầu vào điện thoại, chả còn thấy mặt mũi ai nữa.”
Chiếc làn trên tay Hoài Niệm khi nãy bị va vào thành xe đẩy nên văng ra xa. Vì bận xin lỗi bác nông dân nên cô cũng chưa kịp nhặt lên. Cái eo vẫn còn đau ê ẩm. Cô cúi xuống, một tay ôm eo một tay còn lại nhặt chiếc làn thì bất ngờ có một bàn tay trắng trẻo chạm vào tay cô. Hoài Niệm rùng mình ngẩng đầu lên.
“A! Anh cũng đến đây sao?” Hoài Niệm nói như reo lên.
Anh Tuấn nhoẻn miệng cười nhìn cô, ánh mắt vô cùng dịu dàng gật đầu.
“Em định gặp hỏi chuyện này cho rõ mà không biết anh ở đâu. Đang định gọi cho anh thì may quá lại gặp anh ở đây.”
“Hoài Niệm nghe anh dặn kĩ đây. Nếu không có ai gọi cho em thì nhất định em không được gọi cho anh. Có chuyện gì anh sẽ đến tìm em.” Anh Tuấn khẽ nói, giọng điệu vô cùng nghiêm túc.
“Tại sao…”
Hoài Niệm chưa nói dứt lời đã nghe thấy tiếng gọi từ đằng xa của mẹ: “Hoài Niệm!”
“Dạ! Con ở đây.”
Hoài Niệm quay đầu về phía tiếng mẹ trả lời thật lớn. Sau đó quay đầu lại định nói chuyện với anh thì đã không thấy bóng dáng anh đâu nữa. Lúc bấy giờ cô mới thấy có vài người đang nhìn cô chằm chằm như một kẻ không bình thường.
“Con bé này đang nói chuyện một mình sao?”
“Tội nghiệp! Chắc là nó bị tâm thần. Đang trẻ thế mà lại bị mắc bệnh này.”
“Ôi dào, thời đại bây giờ nhiều thanh niên mắc cái bệnh trầm trầm gì ấy lắm. Bà không thấy báo đài người ta đăng tin ầm ầm mãi cái vụ tự tử vì tình đó sao? Thật là không biết ăn cái gì mà dại dột thế.”
“Mà con bé này thấy mặt mũi cũng sáng sủa lắm, đâu giống bị tâm thần lắm nhỉ…”
Đám đông nhìn chằm chằm vào Hoài Niệm chỉ trỏ bàn tán rì rầm. Người thì lắc đầu ngao ngán người thì tỏ vẻ thương hại. Hoài Niệm mãi chú tâm tìm anh nên cũng không biết họ đang chỉ trỏ nhằm vào mình.
“Con đi đâu từ nãy giờ vậy?”
“Dạ! Con… con…” Hoài Niệm ấp úng.
Mẹ thấy bộ dạng của Hoài Niệm như vậy sốt sắng hối cho qua chuyện: “Thôi được rồi, đưa cái làn đây cho mẹ.”
Ánh mắt mẹ lườm Hoài Niệm một cái rõ sắc rồi lấy cái làn bỏ hai xâu rau cùng mớ đồ lặt vặt vừa mới mua được.
Một người trong đám đông liền kéo tay mẹ lại thì thầm: “Con bé này là con gái cô à?”
“Vâng ạ!” Mẹ hơi ngơ ngác trả lời.
“Cô xem làm sao chứ tôi thấy con bé có vấn đề ở chỗ này này.” Người phụ nữ nhiều chuyện vừa nói vừa lấy tay chỉ chỉ lên đầu mình ý nói con gái của mẹ có vấn đề về thần kinh.
“Chị nói gì thế ạ? Tôi vẫn không hiểu ý chị nói gì.”
Thấy mẹ có vẻ như không hiểu ý mình, người phụ nữ tỏ vẻ quan tâm liền kể lại tường tận sự việc.
“Là thế này, tôi thấy con bé cứ đứng đây nói lảm nhảm một mình. Tôi tưởng nó bị làm sao.”
“Ôi không! Con gái tôi hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Nó đang là sinh viên đại học. Chắc chị hiểu nhầm gì đó rồi.”
“Không phải tôi đâu nhé, nhiều người ở đây cũng nhìn thấy nó nói một mình.”
Nói xong liền quay sang phía mấy người hồi nãy vẫn còn đứng tò mò bàn tán.
“Tôi chỉ nói để cô biết mà xem chừng con gái mình. Thời buổi này mấy đứa con gái mới lớn dễ bị dụ dỗ rồi lừa tình các kiểu đến nỗi có thai tự tử, rồi bị trầm trầm cái gì ấy đầy ra…”
“Vâng! Cảm ơn chị đã có ý tốt nhắc nhở…”
“Mẹ…”
Hoài Niệm thấy mẹ bị người ta kéo vào một góc thì thầm to nhỏ điều gì đó vẻ bí mật, lại còn có mấy người xung quanh ném về phía cô những ánh mắt kì lạ. Người thì len lén nhìn cô xong bị cô bắt gặp liền lập tức thu ánh mắt lại như sợ bị bắt mất hồn vía. Điều này này khiến cô thấy là lạ bất an liền lên tiếng gọi mẹ. Mỗi lần có cảm giác này cô lại gọi mẹ mới thấy yên tâm.
Mẹ chào người đàn bà xa lạ rồi kéo Hoài Niệm nhanh chóng rời đi. Mẹ hiểu ở cái xứ này, người ta thường hay quan tâm đến nhau nhưng đôi lúc lại thái quá gây phiền phức cho chính chủ. Dù chỉ là quan hệ hàng xóm láng giềng hay đơn giản chỉ là gặp nhau ở một buổi chợ. Người ta thấy một sự việc gây tò mò là lại hùa vào bàn tán. Có đôi lúc là tọc mạch vào chuyện gia đình người khác. Chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường là hết sức bình thường ở các huyện nhỏ bé này. Với hoàn cảnh của mình, mẹ cũng không muốn Hoài Niệm tiếp xúc nhiều với những người có tính tọc mạch vào chuyện nhà người khác để tránh những điều tiếng không hay.
***
“Ê! Tao đây.”
Ngọc Lan đứng ở cổng bến xe giơ tay lên cao vẫy vẫy giữa đám đông khi vừa thấy bóng Hoài Niệm xuất hiện.
Hoài Niệm khệ nệ một tay kéo va li một tay xách một chiếc túi nặng trĩu, sau lưng còn một cái ba lô to đùng.
“Sao lên trễ vậy? Hại tao chờ từ sáng đến giờ.”
Ngọc Lan ai oán.
“Xin lỗi nha! Ngày tết nên kẹt xe quá.”
Hoài Niệm cười cười vẻ hối lỗi. Cô gọi điện cho Ngọc Lan ra đón mình từ lúc chín giờ sáng mà mãi đến hơn mười một giờ xe mới đến bến. Ngọc Lan chờ cô ở đây hai tiếng đồng hồ chắc chán ngán đến chết mất. Nó không mắng sa sả vào mặt mình là may mắn rồi. Hoài Niệm nghĩ thầm.
“Có quà cho tao không?”
“Đương nhiên là có. Mẹ tao đặc biệt làm cho mình cả mấy ký cốm luôn.”
“Thật hả?” Ánh mắt Ngọc Lan tươi roi rói: “Nào! Đưa đồ cho tao.”
Miệng nói, tay thì nhanh nhảu bê mấy túi đồ nặng trình trịch của Hoài Niệm ràng lên sau yên xe. Chiếc ba lô được đặt trước chân ga của chiếc xe phân khối lớn, trông giống hệt như một chiếc xe thồ hàng của mấy bà bán rau ngoài chợ.
“Xong rồi, leo lên đi.” Ngọc Lan hối Hoài Niệm rồi đưa cho cô chiếc mũ bảo hiểm đã được chuẩn bị sẵn: “Cài chặt vào.”
“Ừm! Nhưng chạy chậm thôi. Tao còn dư âm của cơn say xe đấy.”
“Yên tâm.” Ngọc Lan liếc Hoài Niệm một cái lém lỉnh rồi bất ngờ phóng xe chạy vù vù.
“Ấy ấy! Đã nói chạy chậm thôi rồi mà. Mày muốn hại chết tao hay gì? Tao ói một đống vào vai mày cho xem.” Hoài Niệm vừa ôm chặt eo Ngọc Lan vừa la oai oái nhưng dường như chẳng có tác dụng gì với Ngọc Lan cả. Cô càng thích chí cười sằng sặc và rồ ga mạnh hơn.
Ngọc Lan là bạn cùng lớp đại học với cô. Nhà thành phố, bố làm to, đúng chất con nhà quan. Bố mẹ thấy con gái tính tình ngang ngược, muốn con học Sư Phạm với hi vọng môi trường khuôn khổ sẽ có thể hãm được bớt cái tính ngang ngạnh này của con gái. Nhưng ông bà hoàn toàn sai lầm bởi cái bản chất của Ngọc Lan thì dù có quăng ở môi trường nào cũng không thay đổi được. Lạ ở chỗ cô lại rất thân với Hoài Niệm, cô gái tính cách nhu mì ngoan ngoãn trái ngược hoàn toàn với Ngọc Lan. Đó người ta gọi là quy luật bù trừ.
“Két.”
Tiếng phanh gấp xe của Ngọc Lan chói tai vang lên khiến Hoài Niệm giật bắn mình. Cả người theo quán tính đập mạnh vào lưng Ngọc Lan.
“Có chuyện gì vậy?” Cô hết hồn hỏi khẽ.
“Mày xem ai đến tìm mày kìa.” Ngọc Lan khinh khỉnh nói.
Hoài Niệm mở mũ bảo hiểm nhìn mới thấy xe của Tuấn Hùng đang đứng ngay cổng nhà trọ. Anh ta ăn mặc bảnh bao, đầu xịt keo bóng loáng đứng trước mũi chiếc xe ô tô màu xám sang trọng. Vừa thấy cô, miệng anh ta nhếch lên cười, tâm trạng chuyển đổi nhanh chóng.
“Sao anh lại đến đây?” Hoài Niệm xuống xe lại chỗ Tuấn Hùng hỏi.
“Anh định đến đón em.”
“Sao anh biết hôm nay em lên?”
“Mai nói với anh. Sao không gọi anh ra đón cho đỡ vất vả? Vừa đi xe từ quê lên chắc mệt lắm còn đi xe máy nữa làm gì?”
“Không cần đâu ạ. Em cũng không mệt. Với lại có Ngọc Lan đón em rồi.”
Hoài Niệm vừa nói vừa nhìn về phía người bạn thân của mình. Tuấn Hùng thấy vậy cùng nhìn về phía cô, giơ tay vẫy chào thì nhận ngay được cái lườm khinh khỉnh của cô. Ngọc Lan bất ngờ rồ ga chạy vọt thẳng vào cổng nhà trọ, để lại sau lưng một vệt khói xám ngoét ngay trước nụ cười gian manh vừa tắt ngóm của Tuấn Hùng.