Hẹn ước ngàn năm_14

Chương 14: Bạn trai tôi là một hồn ma

Hoài Niệm kể lại mọi chuyện về cuộc gặp gỡ định mệnh trong phiên chợ đặc biệt cho Ngọc Lan nghe. Chuyện đã đến mức này cũng không thể giấu Ngọc Lan mãi được.

“Ra là vậy. Hóa ra anh ta đã đi theo mày từ dạo ấy. Nhưng tại sao anh ấy lại biết tên mày? Mày có quen anh khi còn sống không?”

“Không! Tao không hề biết anh ấy là ai?”

“Vậy thì lạ thật!”

Ngọc Lan nhìn Hoài Niệm lo lắng: “Tao nghe nói những người chết trẻ chấp niệm lắm. Họ đã đi theo ai rồi là không bao giờ từ bỏ. Ngươi ta gọi đó là duyên âm đó. Nếu mày không cắt đứt được anh ta thì cuộc đời mày sẽ khổ đấy.”

“Cắt đứt? Ý mày là sao?”

“Là cắt duyên âm ấy. Để mai tao hỏi thăm xem chỗ nào có thầy cao tay không, tao sẽ dẫn mày đến.”

Hoài Niệm vừa nghe thấy thế liền hoảng hốt xua tay: “Không! Tao không đi đâu.”

“Mày điên à! Chuyện này không đùa được đâu. Không thể để lâu được!”

“Tao… tao… thật sự không muốn mà. Anh ấy cũng đâu làm hại tao.”

“Nhưng về lâu về dài anh ta sẽ không cho mày yêu ai, sẽ quấy phá những người muốn đến với mày. Cuộc đời này có khi mày sẽ không thể kết hôn được.”

“Tao… Mày… mày cho tao thời gian được không? Tao cần suy nghĩ thật kỹ.”

“Được rồi! Mày cứ suy nghĩ đi! Khi nào muốn đi thì nói với tao một câu.”

Ngọc Lan miễn cưỡng chấp nhận. Dù không muốn bạn mình đắm chìm trong mối nhân duyên oan trái này nhưng cô cũng không muốn ép Hoài Niệm. Cô hiểu Hoài Niệm là đứa sống tình cảm, dễ mềm lòng nên không dễ gì chấp nhận sự thật này.

 

Hoài Niệm muốn đi đâu đó cho thoải mái đầu óc liền bắt xe buýt đến ngoại ô thành phố. Cô xuống xe ở một trạm xe buýt khá xa. Cũng không xác định là sẽ đi đâu, cứ vô thức bước đi trong vô định mà lạc vào một con đường vắng. Cảnh vật hết sức xa lạ nhưng lại có cảm giác rất quen thuộc. Cô cứ đi mãi đi mãi cho đến khi gặp một cánh đồng hoa cải. Hình như cảnh vật này cô đã gặp ở đâu đó rồi. Hoài Niệm thầm nghĩ.

Một con bướm vàng vờn quanh cô, mãi vẫn không đậu cho đến khi Hoài Niệm đưa bàn tay của mình lên. Con bướm liền hạ cánh đậu xuống mu bàn tay cô, đôi cánh khẽ rung rung. Hoài Niệm ngắm nhìn nó thật lâu. Trong lòng cuồn cuộn một cảm xúc khó tả. Tự dưng cô muốn chạm vào nó nên liền bất giác đưa tay hướng về đôi cánh mỏng. Con bướm bất ngờ đập cánh bay thẳng lên không trung. Hoài Niệm ngước nhìn theo, cánh bướm bay mãi tít lên trời cao rồi tan biến mất. Thay vào đó là một tiếng nói vang vọng về khắp tứ bề “Xin đừng rời xa anh.”

Tiếng nói nhắc lại nhiều lần rồi dần xa. Hoài Niệm bàng hoàng đứng trân cho đến khi tiếng nói nhỏ dần, nhỏ dần rồi không nghe thấy gì nữa.

“Không!” Hoài Niệm hét lên rồi bất giác chạy theo hướng có giọng nói vang vọng hồi nãy.

Đôi chân Hoài Niệm cứ như chạy trên không, chẳng có cảm giác, chạy băng băng trên trên con đường mòn rẽ lối giữa cánh đồng hoa cải bạt ngàn một màu vàng rực. Cô vừa chạy vừa gọi tên Anh Tuấn, mắt không nhìn đường. Một cô gái nhỏ bé cứ chạy như bay trên trên cánh đồng hoa cải rộng lớn, giống hệt như chú chim nhỏ đang sải cánh bay tuyệt vọng giữa bầu trời bao la, không phương hướng. Hoài Niệm đang chạy thì bỗng dưng ngã quỵ xuống. Bước chân cô vấp phải một cái hố nhỏ, bị hụt khiến đầu gối cô quỳ xuống một đám đá dăm trên miệng cái hố.

“Đừng mà! Xin anh đừng đi mà Anh Tuấn!”

Hoài Niệm đưa tay cố với theo một bóng dáng hư không trước mặt nhưng chẳng có ai trả lời cô cả. Cô chới với như kẻ chết đuối giữa dòng không một bóng người cứu giúp. Nước mắt như mưa tranh nhau rơi xuống. Cô cũng không biết mình đã khóc từ khi nào.

Một bên đầu gối của Hoài Niệm bị đá dăm đâm thủng qua lớp vải quần dài mỏng manh chảy máu. Vết loang đỏ thẫm khắp đầu gối. Mảnh vải sờn rách ở đầu gối để lộ vết thương rớm máu. Một cơn gió lạnh thổi qua làm Hoài Niệm run lên. Vết thương bị gió lạnh tạt vào làm cho Hoài Niệm có cảm giác xót tới tận xương tủy. Cô nhăn mặt cố nén cơn đau. Vết thương thể xác có đau đớn thế nào cũng không thấm vào đâu so với vết thương đang cào xé trong tim cô, đau đớn và tuyệt vọng.

Chiều, Hoài Niệm mới bơ phờ về đến cổng xóm trọ. Một chiếc ô tô sang trọng đỗ trước cổng. Cô cũng chẳng màng để tâm đến.

“Mày sao thế Hoài Niệm?” Mai hoảng hốt khi nhìn thấy Hoài Niệm trong bộ dạng tập tễnh đi về, đầu gối thì chảy máu, tóc tai rối bời, trên vai vẫn đeo ba lô. Trông rất tả tơi, thê thảm.

Hoài Niệm không trả lời, môi khô khốc, mặt xanh xao, bơ phờ. Mai liền chạy lại gỡ ba lô trên vai của Hoài Niệm xuống rồi đỡ cô đi vào phòng.

Một người đàn bà nghe thấy có tiếng nói bên ngoài liền đi ra. Bà ta chính là  mẹ Tuấn Hùng, bà Nguyệt Nga. Trông thấy bộ dạng tả tơi của Hoài Niệm như vậy cũng có phần kinh sợ. Có lẽ lúc trước cũng từng nghe nói Hoài Niệm có người đi theo nên cũng có chút đề phòng. Bà ta lùi lại cách xa Hoài Niệm vài ba bước.

“Hoài Niệm!” Bà Nguyệt Nga khẽ gọi tên cô.

Lúc này Hoài Niệm mới để ý đến sự có mặt bất ngờ của bà ta. Cô quay sang hỏi Mai: “Bà ấy đến đây làm gì?” Mai lấm lét nhìn bà ta rồi lại quay sang Hoài Niệm nói thầm vào tai cô: “Tìm mày.”

Bà Nguyệt Nga thấy hai người đang thì thầm to nhỏ thì nóng ruột lên tiếng tiếp: “Hoài Niệm! Bác đến đây nhờ cháu về việc của Tuấn Hùng. Lần trước là chúng ta chưa tìm đúng thầy. Lần này bác đã nhờ người tìm được thầy giỏi rồi nên chắc chắn sẽ được việc. Cháu làm ơn làm phước giúp gia đình bác cứu Tuấn Hùng. Cháu chỉ cần…”

“Xin lỗi bác! Cháu không thể giúp bác được việc này đâu ạ.”

Chưa để cho bà ta nói dứt lời, Hoài Niệm đã bất ngờ lên tiếng.

“Khoan đã Hoài Niệm! Bác còn chưa nói hết.”

“Dạ! Cháu xin lỗi đã ngắt lời bác. Nhưng cháu thật sự không muốn nói về chuyện này nữa. Mong bác về cho. Cháu không thể giúp gì cho bác được nữa.”

Hoài Niệm cương quyết một mực chối từ. Giọng nói cương nghị khác hẳn với bản tính mềm mỏng của cô ngày thường. Mai có chút ngạc nhiên nhìn Hoài Niệm một cách lạ lẫm. Bà Nguyệt Nga khẽ nhướn mày khó chịu. Bà ta đã muối mặt đến đây hạ mình cầu xin đến mức này mà cô vẫn còn từ chối thì đúng là là một sự sỉ nhục lớn đối với bà ta. Với thân phận cao quý như bà ta lại bị một cô gái quê mùa khước từ. Càng nghĩ càng thấy tức tối. Nhưng nghĩ đến đứa con trai quý hóa của mình đang sống dở chết dở cần được cứu thì bà ta liền cố gắng dẹp bỏ lòng tự tôn của bản thân, cố gắng hạ giọng thương lượng một lần nữa.

“Thôi được rồi! Có lẽ cháu đang mệt nên không muốn nói chuyện nữa. Cháu nghỉ ngơi trước đi và nhớ suy nghĩ về lời đề nghị của bác. Bác sẽ không bao giờ quên ơn cháu. Nhất định bác sẽ đền đáp cháu xứng đáng, không để cháu phải chịu thiệt.”

Mai nghe thấy những lời hứa hẹn béo bở của bà Nguyệt Nga thì lại nổi lòng tham định khuyên Hoài Niệm cứ nhận lời đại bà ta đi. Nhưng ý nghĩ vừa khơi lên thì ngay lập tức ánh mắt sắc lạnh của Anh Tuấn đêm hôm ấy cũng xuất hiện trước mắt cô. Mai rùng mình không dám hó hé thêm câu nào nữa.

Bà Nguyệt Nga bước ra khỏi nhà với tâm trạng khá tồi tệ. Đã mất công hạ mình đến cái nơi xó xỉnh này lại không được việc. Mặt bà ta trở nên cau có khó chịu quay lại lẩm bẩm: “Rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt.” Một người đàn ông thấy bà Nguyệt Nga bước ra liền cầm theo một chiếc ô lớn chạy lại chỗ bà ta che nắng.

Cánh cửa xe vừa đóng sầm lại, bà Nguyệt Nga liền nói với hai người đàn ông đang ngồi trên xe: “Từ giờ đến ngày mai, hai người đỗ xe ở quãng đường vắng chỗ con bé đó hay qua lại. Bất cứ khi nào thấy nó một mình thì bắt nó mang về.”

“Như vậy là bắt cóc đó ạ.” Một người đàn ông lên tiếng.

“Tôi không cần biết là gì. Hai người làm thế nào thì làm cũng phải bắt được con bé đó về đây. Khó khăn lắm mới có thể tìm được thầy bắt vong làm phép. Không tận dụng được cơ hội này thì con trai tôi mãi mãi sẽ bị hồn ma đó hành hạ. Đến lúc đó ngay cả hai người cũng đừng hòng sống yên ổn.” Bà Nguyệt Nga tức giận đe dọa.

“Dạ! Chúng tôi biết rồi.”

Hai người đàn ông nhìn nhau không ai nói với ai liền đồng thanh trả lời. Hai người này được bà Nguyệt Nga thuê làm việc riêng cho bà ta. Cũng là dân giang hồ có tiếng. Làm cái nghề này chuyện bắt cóc một ai đó cũng không có gì ghê gớm. Nhưng chuyện làm bọn họ lăn tăn chính là về hồn ma mà bà Nguyệt Nga vừa nói tới. Chính họ cũng từng chứng kiến cảnh Tuấn Hùng bị vong đó hành hạ thê thảm như thế nào. Nói không tin là có ma thì cũng không đúng.

Chiều tối, Mai lại viện cớ đến nhà bạn học. Chỉ có một mình Hoài Niệm ở phòng trọ. Trong nhà đã hết đồ ăn, cô đành phải lặn bộ ra chợ bởi chiếc xe đạp mini Nhật duy nhất của hai đứa đã bị Mai mang đi mất rồi. Lượn lờ một lúc, Hoài Niệm chỉ mua được một bó rau cải cúc, mười nghìn đậu phụ, vài quả cà chua làm món đậu phụ sốt cà mà cô thường hay ăn. Hôm nay cũng chỉ muốn ăn đơn giản như vậy cho nhẹ bụng.

Chập tối, Hoài Niệm mới tha thẩn về được nửa đường. Bây giờ đường phố đã bắt đầu thưa thớt. Giờ tan sở đã lâu, mọi người hầu như đã về nhà hết, chỉ còn một vài chiếc xe máy thỉnh thoảng phóng qua rất vội. Quãng đường từ nhà trọ đến chợ sinh viên cũng không xa lắm. Nhưng nếu đi bộ cũng mất khoảng mười lăm đến hai mươi phút. Hoài Niệm lại đi tha thẩn như thế, vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ nên lại càng chậm. Chân đang bước dở thì bất ngờ khựng lại. Hình như là cô vừa giẫm lên một bàn chân khác đang đi về phía cô.