Đứa con của biển
“Ngừ! Ngừ ơi! Dậy mau!” Thằng Sếnh hối hả vừa đập hai cánh cổng sắt ầm ầm vừa kêu lớn.
Nghe tiếng gọi, thằng Ngừ bật tỉnh dậy. Nó rất tỉnh ngủ. Chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng có thể khiến nó thức giấc. Huống hồ tiếng thằng Sếnh cứ oang oang thế này. Trời vẫn còn hơi tối, chưa sáng hẳn. Thằng Ngừ mắt nhắm mắt mở đi ra ngõ mở cửa. Vừa dụi mắt nó vừa hỏi:
“Có chuyện gì mà đến nhà tao kêu cửa sớm vậy hả?”
“Còn chuyện gì nữa? Dậy đi ra biển mà tìm xác bố mày! Bão làm thuyền bố mày bị chìm rồi!”
“Cái gì? Bố…bố… tao…” Thằng Ngừ hoảng hốt tay túm lấy vai áo thằng Sếnh hỏi dồn.
“Nhanh lên! Ra biển mà coi!”
Thằng Sếnh hối. Thằng Ngừ run tay run chân đánh rơi cả chùm chìa khóa xuống đất, không kịp nghĩ ngợi gì nữa, ba chân bốn cẳng chạy một mạch như bị ma đuổi, không thèm khép cổng lại.
“Bố! Bố ơi!” Nó nắm chặt hai tay cố chạy thật nhanh, gió tốc phả cả cát vào miệng.Chỉ ba phút, nó đã ra đến bãi biển. Trời cũng vừa tang tảng sáng. Người dân đã tập trung rất đông ngoài biển rồi. Mấy chiếc bè đang lênh đênh trên biển, oằn mình chống lại từng đợt sóng lớn đang trực nhấn chìm xuống.
“Gió mạnh quá! Tui sợ thuyền bị trôi đi mất rồi. Không tìm được người!” Tiếng người đàn ông cố nói thật to trong đám đông xen lẫn cả tiếng gió, tiếng sóng đang gào thét. Mấy người đàn bà càng nghe càng gào khóc thảm thiết.
Thằng Ngừ nhìn thoáng thấy mẹ nó đang đứng trong một đám người, xung quanh có mấy người phụ nữ đang đỡ mẹ nó liền lao vào gọi: “Mẹ ơi! Bố đâu?”
Cô Ve người lả đi, mái tóc dài buông xõa rũ rượi ướt nhèm dính hết vào cả hai bên thái dương. Nghe thấy tiếng con trai liền cố rướn thân lên đưa tay với lấy cổ nó ôm chầm: “Con ơi! Bố con mất tích rồi con ơi!” Tiếng cô Ve thều thào khan cả giọng. Có lẽ cô ấy đã gào khóc một lúc lâu rồi.
Thằng Ngừ nghe mẹ nói vậy, lại nhìn ra xa thấy từng con sóng đang chồm lên dữ dội. Mấy cái bè cá cứ nhấp nhô lên rồi lại xuống. Nước tràn hết cả khoang bè, không thể ra được khơi. Nó biết bố nó chẳng còn hy vọng gì.
Ba bốn chiếc bè đánh vật một lúc với sóng không được đành phải quay vào bờ. Quần áo mấy người đàn ông chống bè cũng ướt sũng.
“Chịu rồi! Không thể ra khơi bây giờ được! Đành chờ qua cơn gió này nó đẩy thuyền xuống bến dưới. May ra thì tìm được xác!”
Mấy người đàn ông bàn bạc. Vừa nghe xong thì hai ba người đàn bà ngã vật ra ngất xỉu. Những người còn lại xúm đông lại xoa xoa bóp bóp, tiếng khóc than ai của những người đàn bà, tiếng gào thất thanh của những đứa trẻ con trộn lẫn vào nhau nhộn nhạo, ầm ĩ… Trời đã sáng, mưa đã tạnh gió đã ngừng nhưng tiếng khóc than cứ ngày càng thảm thiết vang lên rồi rồi lịm dần cùng với sức người.
Chú Lực và năm người nữa bị mất tích. Hôm qua tivi báo có giông và mưa lớn, biển động. Nhiều gia đình đã quyết định không đi biển vì sợ sóng lớn. Nhưng chú Lực và ba gia đình kia thì bàn với nhau sẽ đi vào sáng sớm, muộn hơn mọi khi. Mưa thế này nhất định sẽ có luồng cá lớn, nếu đánh trúng sẽ ăn đậm. Với kinh nghiệm đi biển ba đời từ thời ông nội, chú Lực tin là mình có thể tránh được. Vậy là ba gia đình thống nhất rủ nhau đi. Chú Lực đi với em vợ. Còn hai gia đình kia thì đi từng cặp vợ chồng. Họ rủ rau nhau đánh cùng một khu để lỡ có gì còn hỗ trợ nhau. Chắc chắn sẽ không vấn đề gì.
Chưa ra đến khơi thì một cơn giông rất lớn ập xuống. Sấm sét liên hồi. Sóng nổi chồm lên bắn nước tung tóe vào khoang thuyền. Chú Lực kêu mọi người nổ máy quay vào bờ. Thật không may cái máy nổ nhà chú không đang đi giữa chừng thì bị chết máy. Người em vợ loay hoay thế nào bị sóng đánh rơi xuống biển. Chú Lực hốt hoảng ném sợi dây thừng xuống để kéo em vợ lên nhưng sóng đánh mạnh quá, em vợ chồm mãi vẫn không nắm được sợi dây. Một gia đình khác quay mũi thuyền chạy lại giúp nhưng bất ngờ bị một con sóng khác chồm lên lật úp chiếc thuyền nan nhỏ bé xuống biển. Giữa cơn giận dữ sục sôi của biển cả, con người thật nhỏ bé và yếu ớt, không thể chống cự. Chú Lực cùng hai người nữa cũng bị sóng cuốn đi mất tích chỉ còn lại hai chiếc thuyền trôi lênh đênh theo con sóng. Chiếc thuyền còn lại may mắn tránh được con sóng kia chạy thoát vào bờ kể lại.
Mãi đến tối muộn hôm ấy người ta mới tìm thấy xác chú Lực cùng ba người kia trôi dạt vào bến dưới. Làng chài hôm ấy có cùng một cái đám ma đưa tiễn bốn con người về với đất mẹ, vô cùng đau thương. Cả làng nhuốm một màu tang tóc u uất. Tuy rằng cứ vài ba năm vào mùa mưa bão như thế này sẽ có một vài vụ mất tích vì biển nhưng chưa năm nào lại mất đến bốn mạng người như vậy.
Chú Lực mất. Gia đình cô Ve mất đi trụ cột duy nhất trong nhà. Thuyền lưới cũng không tìm lại được. Người mất, của mất chẳng còn lại gì. Cô Ve đành phải dậy sớm ngày ngày đi ra ra biển đón thuyền mua cá sỉ rồi mang lên chợ bán để kiếm lãi. Có hôm ế quá phải đi rao khắp xóm đến đầu giờ chiều mới về. Chồng vừa mất có 6 tháng, tóc cô đã bạc đi dăm bảy phần. Thằng Ngừ và con Thu lại đang tuổi ăn tuổi học. Nội ngoại hai bên cũng chẳng khấm khá gì. Cũng đều là dân chài với nông dân cả. Giúp được bữa cơm bữa cá chứ nào ai giúp được tiền bạc mãi. Thằng Ngừ đang học lớp 10 giờ đành phải nghỉ học giữa chừng để nhường cho con Thu học. Nó đang nhỏ quá, mới học lớp 6. Ít nhất cũng phải học cho xong lớp 9 thì sau này có xin làm công nhân may ra người ta còn chấp nhận. Cô Ve khóc cạn nước mắt vì thương con nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Mình cô không thể nuôi được hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Được cái thằng Ngừ hiểu chuyện, thương mẹ và thương em, việc gì cũng làm được. Tuy còn nhỏ nhưng nó nhanh nhẹn lắm. Sức nó làm việc bằng hai, bằng ba người khác nên đi làm cho ai họ cũng thương, họ cho thêm ít đồng.
Có mấy người đi lưới thấy nó đã lớn cũng khỏe mạnh, lanh lợi nên đến kiếm nó đi lưới cùng. Nhưng nó nhất quyết không đi. Nó còn tuyên bố nó không bao giờ đi biển, không bao giờ nhìn mặt biển. Mẹ nó gặng hỏi lý do mãi nó mới nói: “Con hận biển!” Cô Ve chết đứng trong lòng. Cô hiểu nó vẫn không thể quên được cái chết của bố nó. Cô đau đớn khuyên con nhưng nó nhất định tuyên bố sẽ không bao giờ làm việc gì liên quan đến biển nữa.
Ở nhà chỉ làm những việc lặt vặt, thu nhập chẳng ăn thua. Thằng Lực nghe theo lời anh Hào cùng xóm đi cùng đám thanh niên làng ra Hà Nội làm công nhân. Nó chưa được 18 tuổi nên phải mượn hồ sơ của người khác rồi dán ảnh vào làm hồ sơ của mình. Cái mặt nó già chát nên người ta nhận ngay, chả nghi ngờ gì. Nó học việc nhanh lắm, chỉ có vài ngày đã bắt đầu thông thạo hết công đoạn. Nó tăng ca, tiền lương nó tháng thứ 3 đã gấp rưỡi các anh chị đi trước. Nó vui vì công việc cũng không quá nặng nhọc lại còn kiếm được nhiều tiền. Và điều quan trọng là nó không cần nhờ vào biển cũng có thể tự kiếm được tiền giúp mẹ nuôi em ăn học.
Mấy tháng nay dịch covid lây lan mạnh quá. Công ty nó cũng có người mắc nên bị phong tỏa rồi, công nhân phải cách ly rồi xét nghiệm âm tính mới được trả về. Nhiều người đã khăn gói về quê nhưng cũng có một số cố nán lại chờ cơ hội hoặc kiếm một công việc gì đó làm cho qua ngày. Hai tháng rồi nó không đi làm, ra đường xin việc cũng không ai nhận. Bây giờ dịch dã ai cũng khó khăn dù khu nó ở không phải là ổ dịch, chưa có người mắc. Tiền lương tháng nào nó đều gửi về cho mẹ nó. Tháng đầu còn vay tạm anh em ăn cơm mắm muối với vài lát đậu phụ, rau muống luộc. Giờ ai cũng cạn tiền, chỉ còn đủ mua thùng mì tôm ăn dè.
“Hay mình về quê thôi, chứ dịch dã thế này còn lâu mới dứt được. Ở đây mãi chắc chết đói quá!” Anh Hào bàn với nó.
“Nhưng về quê bây giờ mình làm gì mà sống?” Nó thở dài.
“Thì đi lưới. Nhà tao vẫn còn mấy treo lưới để nhà. Bố tao già rồi nên thuê người đi. Tao với mày về thì lấy đi, khỏi thuê người ta. Ít nhất còn có cái mà ăn. May hơn thì dư ít để bán. Chứ ở ngoài này đã không làm ăn được gì lại còn tốn tiền điện, tiền thuê nhà, tiền mạng mẽo… Chắc chết quá mày!”
“Em không về đâu!” Nó im một phút rồi khẳng định chắc nịch.
“Mày xem, xóm này có còn mấy đứa đâu. Mai mốt nó cũng về hết chỉ còn tao với mày.”
“Anh muốn về thì về, em không bao giờ về.”
Nó bỗng nhiên nổi giận đùng đùng với anh Hào, mặt mày cau có đứng lên đi ra ngoài còn đóng cửa cửa cái “rầm”.
“Ơ, cái thằng này! Mày làm sao thế hả?” Hào ngơ ngác nói với theo, nó cũng chẳng để ý mà cứ đi một mạch như người vô tri.
Nó bất giác đi ra chợ để mua cái gì đó. Lâu lắm rồi nó không được ăn chất tươi vào bụng chứ đừng nói là thịt cá. Là trong tiềm thức nó chỉ đường dẫn lối nó đi chứ thực ra nó chẳng còn xu nào trong người. Cả tháng nay húp mì tôm nó xót ruột lắm. Người thì xanh xao, mông teo tóp lại. Cái thân hình vạm vỡ ở tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu cùng với nước da bánh mật khỏe mạnh của con trai làng biển đã bay biến đâu hết rồi. Nó bây giờ chỉ còn là một cậu trai mặt bủng đít beo vác bình nước 20 lít chưa chắc đã nổi.
Hôm nay mẹ nó lại vừa gọi điện lên hỏi nó còn tiền tiêu không để mẹ gửi ra. Nó nói vẫn còn tiền để dành được một ít. Là nói vậy cho mẹ nó đỡ lo thôi chứ bây giờ nó đang ăn nhờ mấy gói mì tôm của anh Hào. Mà anh Hào cũng sắp cạn tiền rồi. Từ sáng anh ấy nói vậy chắc mai mốt anh ấy cũng về thôi. Rồi không biết nó sẽ vay mượn ai mà sống tiếp nữa. Nó đau đầu nghĩ ngợi vòng vo, chẳng có lối thoát nào cho nó bây giờ cả.
Chập tối, nó mới mò về đến phòng trọ.
“Này! Mày đi đâu từ chiều đến giờ tao gọi mà không bắt máy vậy?” Anh Hào vừa trông thấy nó liền hỏi. Lúc sáng thấy nó giận dữ bỏ đi anh còn tức. Mặc xác nó đi đâu thì đi, mình đang bàn bạc với nó có làm gì nó đâu mà nó giận. Nhưng đến trưa không thấy nó về, gọi thì không liên lạc được thì anh đâm lo. “Không lẽ thằng này túng quá nên nó nghĩ quẩn?” Rồi lại tự trấn an mình “Chắc nó không đến nỗi ngu như vậy đâu.” May mà cuối cùng nó cũng vác cái mặt khó ưa đó về. Anh Hào thương nó như em nên mới cưu mang nó như vậy. Anh em cùng quê, hoàn cảnh nó cũng khổ, với lại nó cũng là đứa chịu khó, biết nghe lời nên quý nó. Chứ mà như đứa khác, anh đã bỏ nó lại một mình mà tìm đường về quê rồi.
Thằng Ngừ nhìn anh Hào một lúc thì bỗng dưng mặt mũi tối sầm lại, trời đất quay cuồng đảo lộn. Hai chân nó khuỵu xuống rồi từ từ đổ rạp người. Anh Hào hoảng quá vội ra đỡ lấy nó rồi la ầm lên.
“Thằng Ngừ! Thằng Ngừ nó xỉu rồi mọi người ơi!”
May sao buổi tối nhiều người ở nhà. Bà chủ nhà trọ nghe anh Hào la lớn cũng chạy xuống coi có chuyện gì. Thằng Ngừ được anh Hào bế vào phòng đặt lên giường. Tay chân nó mềm nhũn chẳng có chút sức lực nào, mắt lờ đờ, bụng lép kẹp.
“Từ sáng đến giờ chắc mày chưa ăn gì đúng không?” Anh Hào vừa xoa người cho nó vừa mắng.
Bà chủ nhà trọ nghe vậy thì hối mấy đứa con gái cùng xóm trọ đang xúm lại chạy lên nhà bà pha ít nước đường. Còn bà thì vào bếp lấy chút đồ ăn còn dư trong bữa chiều xuống cho thằng Ngừ. Uống xong nước đường thì nó tỉnh táo lại. Ngồi ăn bát cơm của nhà bà chủ, nó rớt nước mắt.
“Thôi, chúng mày về quê kiếm cái gì mà làm tạm đi. Cứ dịch thế này có bám ở đây cũng chẳng có việc mà làm. Tiền nhà tháng này tao giảm hết cho chúng mày. Khi nào hết dịch thì ra ở với bà.”
Anh Hào nghe xong nhìn thằng Ngừ dò ý. Nó chần chừ một lúc rồi gật đầu. Mắt nó đỏ hoe.
Sáng hôm sau, anh Hào và thằng Ngừ thu dọn đồ đạc rồi ra về. Bà chủ nhà dúi vào tay nó ít tiền để đi đường ăn cái gì cho đỡ đói, nếu không tiết kiệm quá lại ngất xỉu ra đó thì lại khổ nữa. Tiền xe thì anh Hào vẫn còn tiết kiệm còn đủ. Thằng Ngừ nhìn bà chủ lại khóc. Bà lại mắng nó “con trai mà hơi tí là rơi nước mắt là khổ cả đời đấy nha cháu!” Nói xong cũng quay mặt giấu đi giọt nước mắt đang chực rơi xuống. Bà thương mấy đứa thanh niên ở quê này lắm! Chúng nó vừa ngoan vừa chịu khó làm vậy mà ông trời sao nỡ triệt đường làm ăn của chúng nó.
Ở quê giờ thanh niên về rất đông. Bọn sinh viên cũng được nghỉ. Mấy người đi làm ở mấy tỉnh gần cũng được nghỉ nên về tránh dịch hết. Chỉ có ai đi làm xa ở tận trong Nam thì đành chịu không về được. Nhưng số đó là số ít.
Cô Ve nghe tin con trai về thì mừng lắm. Nhưng vừa nhìn thấy con gầy đét như thanh củi. Cái quần jean mặc hồi năm ngoái giờ teo tóp lại không thấy mông má đâu thì ôm lấy con òa khóc, tay đấm thùm thụp vào lưng nó:
“Làm gì mà xơ xác xanh xao vậy con ơi! Không có tiền thì về mẹ nuôi. Mẹ còn đủ sức để nuôi chúng mày ngày ba bữa mà. Mẹ nuôi mày từng ấy năm cao to vạm vỡ mà bây giờ mày xem, người còn như thanh củi khô thế này!”
Con Thu lên lớp 8 rồi, cơ thể phổng phao như thiếu nữ mười sáu, mười bảy. Nước ra nâu bóng mặn mà, khỏe mạnh đúng chất con gái miền biển, chân tay nhanh nhẹn biết giúp mẹ nhiều công việc. Có hôm chủ nhật không đi học, nó còn giúp mẹ mang cá lên chợ bán thay để mẹ nó nghỉ ngơi. Nó thành thạo công việc giống như anh nó. Nhưng việc học vẫn không lơ là. Năm nào nó cũng được học sinh giỏi. Đó là niềm an ủi lớn nhất của thằng Ngừ và cô Ve.
“Mẹ, mẹ để anh ấy rửa mặt mũi còn vào ăn cơm cho nóng!” Con Thu giục mẹ nó. Biết tin anh về, hai mẹ con đã đi chợ mua đủ thứ món ngon về tẩm bổ cho anh. Mẹ nó biết thằng Ngừ tính tiết kiệm, có bao nhiêu tiền gửi về cho mẹ hết chẳng dám ăn ngon đâu nên mới sai con Thu đi mua đồ ăn ngon cho con trai. Cũng may ở cái làng quê này vẫn con virus đáng ghét kia vẫn chưa mò đến. Chợ vẫn họp bình thường. Thỉnh thoảng xã có loa thông báo của xã nhắc nhở người dân đeo khẩu trang tự bảo vệ mình.
Lâu lắm chưa được ăn một bữa tươi ngon lại có thịt như vậy, thằng Ngừ ăn ngấu nghiến. Mẹ nó với con Thu nhìn thấy thì ứa nước mắt. Cả bữa cơm không ăn được miếng nào mà âm thầm lấy gấu áo chấm nước mắt. Con Thu ngồi đầu nồi, chực anh nó khi nào hết bát cơm thì giành lấy xới vun thật đầy bắt anh nó ăn cho bằng hết. Thằng Ngừ đang sức lớn vậy mà ăn uống thiếu thốn như vậy, chắc ngoài đó nó sống khổ sở lắm. Cô Ve xót xa trong lòng.
Thằng Ngừ ở nhà ăn uống tẩm bổ được một tuần thì người khác hẳn. Cơ thể béo tốt khỏe mạnh ra bảy tám phần. Được cái nó ăn ngủ ngon nên nhanh lấy lại sức.
Tối, thằng Ngừ đang ngồi chỉ con Thu làm toán thì anh Hào đến.
“Gớm! Có mấy bữa mà mày khác hẳn thế? Không bù cho mấy bữa trước, trông mày như cái xác ve. Tao nhìn còn khiếp bỏ mẹ ra. Giờ nhìn thấy ngon nghẻ hẳn. Về nhà với mẹ có khác!”
Cô Ve nghe tiếng Hào nói thì cười: “Mấy đứa con trai chúng bay đi ra ngoài thì chỉ còn da với xương thôi. Nấu ăn thì không chịu nấu, cả ngày ăn quán với mì tôm thì lấy sức đâu.”
“Hì hì! Cô nói phải.”
Hào nói xong thì quay sang Ngừ đập vai: “Ê, khỏe rồi thì mai đi lưới với tao kiểm cá ăn chứ nhể?”
Vừa nghe đến hai từ đi lưới. Cô Ve và con Thu nhìn nhau lo lắng. Họ biết thằng Ngừ không thích nhắc đến biển. Càng không thích đi biển. Cô biết nó còn hận biển, hận lắm vì đã cướp mất đi cha nó.
“Mai mấy giờ đi để em đặt báo thức?” Thằng Ngừ bất ngờ nói luôn mà không suy nghĩ.
Cô Ve và con Thu trố mắt nhìn nó xong lại nhìn nhau, không ai nói với ai lời nào. Hào không hề biết về việc thằng Ngừ ghét biển nên cũng không ngạc nhiên lắm, cười hề hề hẹn 4 giờ sáng rồi ra về.
10 giờ đêm, con Thu đã lên giường đi ngủ. Thằng Ngừ nằm trằn trọc mãi cũng không ngủ được. Nó bèn đứng dậy đi ra ngoài hiên hóng mát. Trời mùa hè, gió biển thổi vào mát lồng lộng. Từ nhà nó cũng có thể nghe rõ tiếng sóng biển đang vỗ vào ban đêm vì không gian tĩnh lặng. Nó ngồi im lặng như vậy được một lúc. Ngây ngốc ngắm nhìn ánh trăng đang chiếu rọi xuống sân rõ như ban ngày.
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt xuống vai nó.
“Ngừ! Sao con còn chưa ngủ?”
Cô Ve bước lại bên cạnh rồi ngồi xuống. Từ tối đến giờ cô cũng không ngủ được. Thằng Ngừ có động tĩnh gì cô cũng biết hết. Thấy nó ngồi một lúc rồi vẫn chưa vào đi ngủ, cô muốn ra ngồi cùng nó. Ít nhất để cho nó biết, dù nó có lựa chọn gì cô cũng luôn ở bên cạnh con trai mình.
“Mẹ! Con xin lỗi! Con biết con đã sai rồi. Từ khi bố mất con ghét biển. Chỉ cần nghe thấy tiếng sóng hay tiếng gió biển là con phát điên lên. Con đã từng nghĩ biển là kẻ thù của mình. Con không bao giờ muốn nhìn thấy biển, thậm chí muốn bỏ đi thật xa để không còn gặp biển. Nhưng con sai rồi phải không mẹ?”
“Mẹ hiểu! Nhưng con ơi, biển đã nuôi sống bao nhiêu thế hệ cái làng này. Con được sinh ra từ biển. Con từ chối biển là đang từ chối nguồn gốc của mình, là bội bạc với nơi đã sinh ra mình, nuôi dưỡng mình. Cái chết của cha con chỉ là tai nạn, không thể tránh được. Mẹ tin cha con dưới đó cũng không muốn con sống khổ sở thù hận như thế này đâu. Hôm nay mẹ thấy con nhận lời đi lưới với thằng Hào mẹ vui lắm. Mẹ biết bố con cũng vui lắm.”
Cô Ve vừa nói vừa nắm chặt lấy tay con rưng rưng xúc động. Bàn tay gầy sạm của cô lọt thỏm trong bàn tay to bè, rắn chắc của nó. Thằng Ngừ nó lớn thật rồi!
Thằng Ngừ nhắm mắt hít một hơi dài. Luồng khí mát rượi tràn vào buồng phổi căng phồng, thông thoáng. Đã bao lâu rồi nó chật hẹp trong cái ý nghĩ hận thù bí bách. Nó thả rơi tâm trí mình bay theo những làn gió, từng đợt. Ngoài kia biển vẫn thổi rì rầm, êm ái như những lời mẹ nó đang thủ thỉ. Thật ra, biển cũng có lúc dịu dàng biết bao!
Ảnh minh họa: Biển làng Xuân Vi