Đi tìm lời hứa cũ

 

Cô giáo chủ nhiệm thông báo:

“Cô Hạnh Văn nghỉ sinh. Lớp mình sẽ có thầy giáo mới về thay thế cô Hạnh Văn.”

Cả lớp vỗ tay lên sung sướng át cả tiếng cô. Bởi chúng tôi biết mình sắp phải thoát cái án tuần nào cũng phải soạn bài, học thuộc những bài thơ dài lê thê mà cô Hạnh được mệnh danh là “bà la sát” nhất trường giao cho. Cô chẳng bao giờ thông cảm cho lớp tự nhiên của chúng tôi gì cả. Thậm chí cô còn khe khắt hơn những lớp thường làm chúng tôi phát nghẹt thở mỗi lần đến tiết cô. Đặc biệt những giờ kiểm tra bài cũ thì ôi thôi, như tra tấn tù nhân vậy. Lũ chúng tôi hồi hộp căng tai lên nghe cô dò tên từng đứa trong danh sách. Miệng thầm khấn vái cầu xin trời Phật thương xót cho cô đừng gọi đến tên mình. Mặc dù biết rằng trước sau gì cũng đến lượt mình bị “xử”. Giờ thì thoát rồi. Chúng tôi thì thầm. “Thầy giáo sẽ dễ dãi hơn”. Mặt đứa nào đứa nấy sướng rơn khi nghĩ đến cảnh tượng ngồi mơ màng qua khung cửa sổ mà không bị ai chiếu tướng lôi lên bảng đứng chép bài.

“Ồ…ồ…!”

Đám con gái mắt chữ “o” mồm chữ “a” khi thầy giáo dạy văn bước vào. “Trông cứ như diễn viên Hàn Quốc ý nhỉ”. Cái Lan bàn tôi trầm trồ. Tôi cũng tò mò nhìn thầy. Công nhận thầy đẹp trai thật nhưng tôi chẳng thấy ấn tượng gì. “Con trai học văn nghe chả mạnh mẽ tí nào”. Tôi lầm rầm. “Kệ chứ! Miễn đẹp trai là được”. Nó tiếp tục mơ màng nghĩ về điều gì đó …

“Thầy giới thiệu đi ạ!”

Cả lớp hét to. Rõ nhất vẫn là giọng của mấy đứa con gái mặc dù trong cái lớp chuyên toán này bọn nó chiếm chưa đến một phần tư của lớp.

Thầy cười tủm tỉm. Một bên má lúm đồng tiền lộ ra giữa hai hàm răng trắng đều. Chưa hết, lại còn chiếc răng khểnh đang thập thò khoe ra nữa. Bọn con gái ngất ngây nhìn thầy. “Nụ cười của thầy làm những trái tim tan chảy”. Vài đứa rỉ tai nhau. Chắc chúng nó xem phim Hàn Quốc nhiều quá, nó nhiễm vào máu mất rồi. Màn giới thiệu chưa dứt đã có tiếng con gái cuối lớp:

“Thầy có người yêu chưa ạ?”

“Thầy có vợ chưa chớ?’. Một đứa nhanh nhảu chen chân vào.

Bọn chúng tranh nhau hỏi nhốn nhao làm cả lớp loạn cả lên.

“Mình chỉ làm quen trong vòng 5 phút thôi. Còn lại tìm hiểu sau. Bây giờ lấy sách ra học bài nào!”

Cả lớp tạm lắng xuống nhưng cái dư âm nhốn nháo vẫn truyền trong miệng từng đứa lầm rầm suốt buổi.

Tôi được thầy bàn giao nhiệm vụ thu lí lịch trích ngang từng đứa trong lớp học vì tôi là lớp phó học tập. Tôi hơi thắc mắc “thầy có làm chủ nhiệm đâu mà cần những thứ đó ạ?”. Thầy cười “Thầy mới về trường nên phải nắm rõ hoàn cảnh từng đứa học sinh của mình chứ”. Tôi không thích lắm vì lại phải mất công kêu chúng nó ghi ghi chép chép rồi nộp lại cho mình. Mất cả mấy buổi chứ ít gì. Nhưng trái lại với tôi, chúng nó thì hồ hởi khoe nguyên một trang giấy A4 dài đằng đẵng mà chẳng cần ai phải thúc giục soạn bài như cô Hạnh Văn. Chúng cũng say mê chép đầy đủ. Ngoài những thông tin cá nhân như: Họ tên, quê quán, bố mẹ, địa chỉ còn có dòng ghi sở thích và ước mơ do chính thầy đánh máy và phô tô ra từng bản. Tôi cứ thắc mắc mãi không biết thầy kỳ công như thế để làm gì.

“Em chỉ có vầy thôi à? Không có ước mơ gì sao?”. Thầy tò mò khi đọc đến bản lý lịch vỏn vẹn có nửa trang của tôi. Không có gì ngoài những thông tin cần thiết. Trống trơn dòng sở thích và ước mơ.

“Dạ!”

Tôi trả lời đại một tiếng để thầy không phải tìm hiểu hoàn cảnh của tôi làm gì. Tôi không thích ai biết hay nói đúng hơn là tôi sợ bạn bè, thầy cô biết tôi không có cha. Ông ấy đã bỏ mẹ con tôi từ khi tôi mới tròn 6 tháng tuổi. Tôi chỉ nhìn thấy ông ấy qua tấm hình cưới mà mẹ tôi giấu kỹ dưới đáy hòm quần áo sơ sinh của tôi. Từ nhỏ mỗi lần tôi hỏi ba, mẹ tôi đều lôi nó ra chỉ “ba con đấy” rồi cất đi. Mẹ không muốn tôi hỏi nhiều về ba. “Khi nào con lớn mẹ sẽ kể con nghe. Con sẽ hiểu”. Và bây giờ thì tôi đã hiểu tất cả. Tôi chỉ có mẹ vừa là cha vừa là mẹ mà thôi. Còn anh tôi thì khác. Tôi hỏi anh có nhớ bố không. “Biết mặt nhưng không có ấn tượng gì”. Anh lạnh lùng trả lời tôi như thế. Có lẽ anh là con trai nên có những suy nghĩ mà tôi không biết được. Sau này mẹ kể, mẹ thương anh nhất vì anh thiệt thòi hơn tôi. Anh là con trai mà không có bố bên cạnh chỉ bảo. Mẹ dù sao chỉ là phụ nữ, có những cái mà chỉ đàn ông con trai với nhau mới hiểu được. Thỉnh thoảng tôi thấy mẹ thở dài nhìn anh. Tôi biết mẹ thương anh nhiều lắm. Tôi dù sao cũng luôn có mẹ bên cạnh chỉ bảo những cái không biết của con gái. Còn anh, có khi nào anh nhớ tới và tha thiết có bố không? Tôi luôn muốn hỏi anh như thế nhưng chưa lần nào dám hỏi, sợ anh buồn. Riêng tôi thì tôi chả cần. Với tôi chỉ cần có mẹ là đủ.

“Nhưng em học rất khá. Lẽ nào em không muốn vào đại học?’. Thầy vẫn cố gặng hỏi.

Tôi hơi buồn nhưng không muốn tỏ ra cho mọi người thương hại mình. Tính tôi vốn thế. Có lẽ cuộc sống đã buộc tôi phải thế. Tôi phải mạnh mẽ, không được yếu đuối để sau này còn làm chỗ dựa cho mẹ nữa. Cả hai anh em tôi, đứa nào cũng tự nhủ phải mạnh mẽ hơn gấp mười bọn bạn để mẹ không phải lo nghĩ gì cả. Có lẽ vì trông chúng tôi lớn hơn tuổi thật nên cô giáo toàn chọn anh em tôi làm cán bộ lớp. Không phải chỉ vì điểm của chúng tôi cao, mà còn vì chúng tôi ra dáng “anh chị” của lớp hơn. Nói chúng nó sẽ nghe lời hơn những đứa khác.

“Em chỉ muốn học nhanh ra trường để kiếm thật nhiều tiền. Chứ đi học thì lâu lắm thầy ạ.”

Thầy hơi sửng sốt trước câu trả lời có vẻ “người lớn” của tôi. Một cô nhóc đang còn là học sinh phổ thông mà đòi kiếm thật nhiều tiền chứ không phải là mơ ước bước chân vào cổng trường đại học như những đứa bạn cùng trang lứa khác. Có lẽ câu trả lời đó làm thầy khá tò mò về tôi.

***

Tôi lẩm bẩm tính toán số tiền bánh mì vừa bán được sáng nay. Lãi 60 ngàn. Tôi nhíu mày. “Có nhầm không? Sao ít vậy nhỉ?” Tôi nghĩ mãi không ra. “Rõ ràng mình bán được 26 cái cho cả mấy lớp bên cạnh. Đáng lẽ phải nhiều hơn chứ”. Tôi vùi đầu vào ngăn cặp lục lọi. “Phù, hú vía. Tờ 50 ngàn bị kẹt dưới đáy cặp, nằm chắn giữa hai ngăn”.  Tôi thở phào nhẹ nhõm nhìn lên bảng thì bắt gặp ánh mắt thầy đang nhìn tôi. “Sao thầy không gọi mình đứng dậy phạt?”. Tôi lo lắng rồi yên tâm khi thấy thầy nhìn sang hướng khác tiếp tục giảng bài.

“Bạn Thảo Hiền cuối giờ ở lại gặp thầy một lát!’

Thầy nói với tôi khi tiếng trống báo hết tiết vang lên.

Tôi thấp thỏm suốt mấy tiết học sau. Không phải vì sợ thầy phạt mà tôi sợ thầy sẽ nói với mẹ tôi đang “kinh doanh” trong lớp học để kiếm tiền. Bởi thầy nắm rõ địa chỉ, số liên lạc của từng đứa trong bản lý lịch tôi nộp cho thầy hồi đầu năm. Tôi sợ thầy nói với mẹ, sợ mẹ buồn. Mẹ lại bắt tôi bỏ bán mà tập trung vào học như hồi tôi học cấp 2. Mẹ nói dù vất vả, cực khổ bao nhiêu mẹ cũng cố lo cho anh em tôi học nên người. Cuộc đời mẹ đã khổ, mẹ không muốn chúng tôi cũng khổ vì bỏ dở học hành. May là cả hai anh em tôi đều học giỏi. Anh trai tôi đang học Đại học y dược năm hai trên thành phố. Năm nay là năm cuối cấp của tôi. Mẹ cũng muốn tôi nối bước anh tôi thi vào Đại học y. Nhưng tôi không muốn thế. Một mình anh tôi học mẹ tôi đã phải vất vả lắm rồi. Tôi không muốn làm gánh nặng thêm cho mẹ. Tôi không muốn mẹ thức đêm thêm nữa. Tôi muốn học xong đi làm sớm kiếm tiền phụ mẹ nuôi anh ăn học. Nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý. Mẹ tôi dịu dàng nhưng rất nghiêm khắc. Chưa bao giờ mẹ dùng roi vọt dạy anh em tôi trừ một lần duy nhất. Đó là năm tôi học lớp 7, còn anh học lớp 9. Hai anh em học chung cùng trường cấp hai. Giờ học hôm ấy vì không bán hết số đồ ăn sáng nên cả hai anh em trốn học bỏ đi ra ngoài bán dạo, cố cho hết số bánh để bù lỗ. Cô giáo không thấy chúng tôi nên gọi điện về cho mẹ. Mẹ tức tốc đến trường tìm chúng tôi. Rồi lang thang ngoài đường cả buổi vẫn không tìm được. Mẹ vừa sợ vừa lo lắng khóc lóc đi tìm. Mãi đến gần trưa thì chúng tôi mò về nhà như mọi hôm tan học. Vừa thấy chúng tôi mẹ la lên rồi bắt hai anh em nằm xuống đánh cho một trận nên thân. “Trốn học này! Trốn học này!”. Mẹ đánh vào mông chúng tôi mà cứ như quất vào tim mẹ. Tôi không thấy đau mà chỉ thấy thương mẹ nhiều hơn. Anh tôi đứng dậy cầm lấy chiếc roi trong tay mẹ. “Mẹ ơi mẹ đừng đánh em nữa! Là tại con không ngoan đã rủ em đi bán bánh cùng”. Mẹ tôi bỏ chiếc roi xuống, ôm chầm lấy cả hai anh em tôi vào lòng. “Mẹ có để các con thiếu thốn thứ gì chưa? Sao các con dám trốn học đi bán bánh hả?”. “Chúng con không dám nữa mẹ ơi”. Tôi khóc rồi ôm lấy chân mẹ. Từ đó cả hai anh em tôi không dám bén mảng gì đến buôn bán nữa. Nhưng khi anh tôi đi học đại học. Các khoản chi của gia đình tăng lên. Tôi lên lớp 12 cũng có nhiều khoản phải đóng. Tôi đánh liều lén bán đồ ăn sáng kiếm thêm tiền để lo học phí, các khoản đóng góp của nhà trường để không phải xin tiền mẹ. Mẹ không biết. Nếu biết mẹ sẽ nọc tôi ra mà đánh đòn như dạo trước. Tôi lo lắm!

“Em đến nhà thầy được chứ?”

“Dạ!”

Tôi lẽo đẽo theo thầy về khu ký túc tập thể giáo viên. Căn phòng nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Sách vở được xếp gọn ghẽ chứ không vương vãi như người ta thường nói “đàn ông bừa bãi”. Thầy có nét gì đó hao hao anh trai tôi trong cách sắp xếp đồ đạc. Thậm chí còn gọn gàng hơn tôi. 

Tôi ngồi lên chiếc ghế cạnh bàn làm việc của thầy.

“Thầy học văn sao giá sách toàn là sách kinh tế thế ạ?”

“Thầy vốn là cử nhân kinh tế mà.”

“Thầy học kinh thế?”

Tôi ngạc nhiên nhìn thầy. Thầy vẫn cười như cái nụ cười ban đầu khi vào lớp tôi.

Thầy học kinh tế cho bố mẹ thầy. Còn học sư phạm văn là học cho thầy. Thầy đã từng đi làm đến chức phó giám đốc cho một công ty. Nhưng sau đó đã nhường lại cho em trai thầy và thực hiện tiếp ước mơ dang dở của thầy.

Tôi không biết tại sao thầy lại kể chuyện của thầy cho tôi nghe. Nhưng lần này không như những lần trước. Tôi không thể thờ ơ trước câu chuyện của thầy. Mà tôi vô cùng tò mò về nó. Thậm chí tôi còn muốn hỏi thầy nhiều điều nữa. Những câu hỏi vì sao cứ lần lượt hiện lên trong đầu tôi.

Tôi rút một tờ báo hoa học trò đã cũ đặt trang trọng trên một tập báo hoa học trò khác. Một trang báo gấp lại. Tôi mở ra. Là một bài thơ có ghi tên thầy được đăng trên báo.

“Bài thơ này do thầy làm ạ?”

Thầy cười không nói gì. Tôi ngầm hiểu đó là bài thơ của thầy làm. 

Trong chồng sách báo kia có lẽ còn nhiều bài thơ nữa. Tôi biết niềm đam mê của thầy đã nhen nhóm từ lâu lắm.

“Hiền! Em có thích học y không?’

“Tất nhiên là có ạ?’

Tôi buột miệng trả lời thầy mà quên mất mình đã nói với thầy là muốn đi làm kiếm tiền hơn đi học.

“Thầy biết. Đó là ước mơ của tất cả các bạn học sinh. Ước mơ của em là được đi học. Còn kiếm tiền chỉ là ước muốn trước mắt của em để được phụ giúp mẹ mà thôi. Hãy cố gắng thực hiện ước mơ khi còn trong khả năng của mình em ạ. Nếu cần giúp đỡ, thầy sẽ giúp em.”

Tôi không nói gì. Có lẽ thầy nói đúng. Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi luôn mơ ước được trở thành một sinh viên Đại học như anh trai tôi. Được khoác trên mình bộ blu trắng. Để mẹ tôi hãnh diện và tự hào về chúng tôi.

“Nếu mẹ em biết em lơ là học tập để kiếm tiền. Em trốn thi đại học để chỉ kiếm thật nhiều tiền thì mẹ em sẽ buồn lắm. Bao nhiều hy vọng của bà sẽ như bọt biển tan biến.”

“Có lẽ thầy nói đúng. Em sẽ suy nghĩ lại thật nghiêm túc.”

Thầy đặt tay lên vai tôi trìu mến.

“Mạnh mẽ lên em! Thầy tin ở em!”

Thầy đưa cho tôi một quyển sách. Đó là những câu chuyện về thầy, về bạn bè của thầy. Thầy bảo tôi hãy về đọc và sẽ nhận thấy mình cần phải làm gì. Những câu chuyện thầy viết trong đó có tôi. Những suy nghĩ của thầy khi đó có cả tôi nữa. Tôi hiểu thầy muốn nói gì với tôi. Vì chính thầy cũng đã từng bước qua những tháng ngày chông chênh như thế.

Những tháng cuối cùng của năm học. Tôi không đi bán bánh mì ăn sáng nữa mà tập trung vào học. Những khoản đóng góp phát sinh trong nhà trường thầy thay tôi đóng hết. Tôi biết. Thầy bảo “khi nào ra trường làm ra được tiền trả thầy cũng chưa muộn. Lúc đó thầy tính cả lãi”. 

Gương mặt thầy lại cười trìu mến. Tôi chưa từng thấy ai có nụ cười đẹp đến thế, kể cả những anh chàng diễn viên điện ảnh trên phim Hàn mà bọn bạn tôi thần tượng. Nó như vầng hào quang chói rọi vào trái tim tôi. Nó làm thổn thức và nhen nhóm những đốm lửa hi vọng. Tôi thầm ước mơ về những hạnh phúc nhỏ nhoi và xa xôi như những ngôi sao trên bầu trời. Tôi tin là tôi sẽ làm được vì bên tôi luôn có thầy.

Những đêm ôn thi gấp rút. Có lúc khiến tôi mệt lả. Ánh mắt trìu mến của thầy lại hiện lên. Miệng cười hấp háy nhắc nhở tôi “mạnh mẽ lên nào cô gái nhỏ”.  Có điều gì đó làm tôi lay động. Sự quyết tâm trong tôi được tăng cao gấp bội. Không phải chỉ vì sự tự hào của mẹ mà còn vì lời hứa với thầy.  Niềm tin của thầy dành cho tôi quá lớn. Tôi vực dậy đấu tranh với cơn buồn ngủ, cơn đói đang cồn cào trong dạ. Những đêm tôi lục cơm nguội ra để ăn chống đói lúc 4 giờ sáng làm mẹ tôi loạng choạng tỉnh dậy tưởng chuột ăn vụng. Cuốn sách thầy cho mượn, tôi để ngay ngắn trên bàn, sát ngay chiếc đồng hồ báo thức. Nó như một điều nhắc nhở tôi phải cố gắng hết mình khi còn khả năng. Nó chính hiện thân của thầy luôn bên cạnh tôi.

Kì thi đại học năm ấy. Tôi trúng tuyển với một kết quả hết sức mỹ mãn. Thủ khoa của lớp và cũng là thủ khoa của trường Đại học y. Tôi đạt điểm tuyệt đối ở cả 3 môn. Hơn cả thành tích của anh trai tôi hai năm trước. Các thầy cô đã từng dạy tôi ai cũng ngạc nhiên. Mặc dù biết khả năng tôi đỗ đại học là khá cao nhưng đạt điểm tuyệt tối thì lịch sử của trường chưa ai đạt được. Mẹ tôi, anh tôi đều hết sức vui mừng. Đặc biệt là mẹ. Ánh mắt bà tươi vui rạng rỡ, ngập tràn hạnh phúc. Ngày tôi nhận được giấy báo điểm,cả lớp tôi rủ nhau đến chúc mừng tôi. Rồi cả làng, cả xã rình rang thông báo thành tích của con em mình. Tôi nhận được bao nhiêu giấy khen, bằng khen, tiền thưởng của trường, của xã, của tỉnh. Những lời tán tụng, những lời ca ngợi. Cái nhìn thán phục nhưng vẫn thiếu thiếu một cái gì đó. Tôi lục tung tìm nụ cười đó của thầy nhưng không thấy. Tôi gọi điện cho thầy cũng không liên lạc được. Tôi mạnh dạn tìm đền khu kí túc của thầy. Cánh cửa phòng đóng im ỉm. Có lẽ đã nhiều tháng nay rồi. Tôi ngập ngừng nhìn qua khe cửa sổ. Một màu đen im lìm. Tôi lững thững ra về. Có chút gì đó thất vọng trong tôi.

Niềm vui đỗ đại học của tôi dần lắng xuống. Tôi đi nhập học trong một tâm trạng không hề hân hoan như tôi tưởng. Những ngày đầu xa nhà, sự trống vắng làm tôi nhớ đến thầy da diết. Tôi lại gọi cho thầy. Số máy vẫn vang lên những tiếng nói lạnh lùng, khô khốc. Tôi quyết định về lại trường hỏi cho rõ. Thầy hiệu trưởng nói “thầy đã chuyển trường”. Còn trường nào ư? Tôi cũng muốn biết nhưng không thể. 

Thầy đã đến bên tôi như một phép màu. Khi tôi cần một bàn tay chỉ lối. Và cũng đi khỏi cuộc đời tôi như một cơn gió lạ. Tôi không hiểu thầy nghĩ gì. Thầy có chút tình cảm gì dành cho tôi không? Hay trong tim thầy đã có bóng hình người con gái khác? Thầy sợ điều gì hay lo lắng điều gì? Tại sao thầy để lại cho tôi một cuốn sách quý của cuộc đời thầy rồi đi mất? Phải chăng thầy có điều gì đó chưa nói cho tôi biết? Thầy giấu tôi? Nhưng  một điều tôi biết rõ. Trong tim thầy, chắc chắn có hình ảnh của tôi. Dù chỉ là lấp ló thoảng qua như sương khói. Những câu hỏi vẫn còn luẩn quẩn trong đầu tôi không nguôi.

Tôi quyết định đến gặp thầy hiệu trưởng để hỏi lại tin tức thầy lần nữa. Lần này thầy hiệu trưởng mới đưa cho tôi một bức thư của thầy. Thầy dặn nếu tôi trở lại tìm thầy lần hai thì hãy đưa bức thư này cho tôi. Và thầy Hiệu trưởng đã thực hiện lời hứa đó.

Tôi bật khóc khi nhận được bức thư của thầy. Tôi không nhịn được mà mở ra đọc ngay sau đó. Những giọt nước mắt hạnh phúc ướt nhoè trang thư xanh màu mực bút bi đều tăm tắp của thầy. Thầy đã đến một vùng núi xa xôi để thực hiện uớc mơ dạy học. Bức thư ghi rõ địa chỉ của thầy ở đó. Tôi khóc lên thành tiếng! Vậy là cuối cùng tôi đã có thể tìm được thầy. Thầy không quên tôi! Trong trái tim thầy có tôi. Tôi sẽ tìm gặp thầy để thực hiện lời hứa cũ. Thầy ơi! Em sẽ đến bên thầy dù có đi cùng trời cuối đất đi nữa!Tôi áp bức thư vào ngực mình khẽ gọi!