Chương 6
Chương 6
Lài đứng dậy bước đi thì Hoa kéo vai áo lại:
“Chị đứng lại đó nói chuyện cho xong cái đã!”
“Sao? cô định làm gì tôi? Cô nói đây là nhà của bố mẹ cô nên tôi giao cho anh em cô tự xử lý. Thế còn đòi hỏi cái gì nữa?”
Lài ngoa nguýt quay đầu lại nói.
“Thôi chị!”
Hoa định xắn tay áo cãi tay đôi với chị dâu thì Xuân đã ngăn lại.
Lài liếc Xuân cười khì một cái tỏ vẻ coi thường rồi quay đít bỏ đi.
Hạ thấy vợ và em gái cãi nhau nhưng không nói được một tiếng nào. Cứ đứng cũng khúm núm một xó nhìn.
“Anh đúng là cái đồ sợ vợ! Cái nhà này anh là chủ mà không dám lên tiếng hở?”
Hoa tức tối mắng thẳng vào mặt anh trai.
“Thì chị dâu mày nói đúng chứ có nói sai đâu mà tao phải nói giúp cho chúng mày.”
Lúc này Hạ mới vênh mặt lên tiếng.
“Anh nói cái gì vậy hả? Vợ thì sai lè lè ra đấy rồi còn bênh được?”
Hoa cũng cãi lại chẳng vừa.
“Chứ chẳng phải nhà này đã nói là giao lại cho anh chị để hương khói cho bố mẹ còn gì? Dù gì anh cũng là con cả phải hương khói cho bố mẹ chứ!”
“Thì có ai nói là anh không phải hương khói cho bố mẹ đâu. Nhà này là nhà của anh!”
“Thế tại sao lại mang thằng Hạnh về đây? Chẳng phải muốn đòi chia tài sản hay sao?”
“Trời ơi! Anh có còn là con người không vậy anh Hạ? Chẳng lẽ sống với vợ lâu quá rồi bị nhiễm tính của cô ta hay sao? Thằng Hạnh nó là em ruột của anh. Giờ nó mới li thân không có nơi ở nên phải về đây ở nhờ. Nó có cướp nhà cướp cửa của anh đâu mà vợ chồng anh sấn sổ nên vậy hả?”
“Nhà cô nhà con Xuân đó sao nó không ở lại phải ở nhà tôi?”
Cả Hoa, Hạnh và Xuân đều sững sờ trước câu nói quá bạc tình của anh trai. Gương mặt Hạnh tái đi. Tim đau buốt. Trong lúc anh hoạn nạn thế này, vợ thì bỏ, anh trai thì rũ trách nhiệm đuổi thẳng thẳng em trai của mình ra khỏi nhà. Đúng là chẳng còn gì đau đớn hơn thế!
Xuân nhìn thái độ đau khổ và tuyệt vọng của Hạnh, cô cũng thấy tim mình buốt nhói làm sao! Giá như lời nói đó thốt ra từ miệng chị dâu cô thì nó đỡ đau đớn hơn biết bao. Bây giờ nó lại thốt ra từ chính miệng của người anh trai ruột. Đến tim cô mà còn đau huống hồ gì Hạnh.
“Đủ rồi, anh không phải nói nữa!”
Xuân lau nước mắt nói lớn.
Hoa thấy như vậy liền đẩy anh trai một cái.
“Nếu anh đã tuyệt tình như vậy rồi thì từ nay đừng bao giờ gọi chúng tôi là em nữa. Chúng tôi cũng không cần cái thứ anh trai như anh. Ai đời em trai mình bị nạn đã không thương thì thôi lại còn ruồng rẫy nó. Có thứ ruột thịt nào như vậy không hả? Có mà ruột thừa thì có!”
Hoa nhìn thẳng vào anh trai mắng xối xả rồi túm lấy chiếc xe lăn của Hạnh kéo đi.
“Chúng ta đi! Từ nay không còn tình nghĩa anh em gì sất! Cái thứ anh em ruột thừa đó bỏ đi cho đỡ đau lòng!”
Vừa nói vừa hùng hổ đẩy chiếc xe lăn của Hạnh đi rồi kéo tay Xuân.
“Đi thôi em! Tiếc gì cái ngữ đó!”
Xuân nhìn anh trai lần cuối rồi kéo hai chiếc vali của Hạnh theo sau. May là thằng Tài taxi vẫn còn đứng chờ.
Sắp xếp đồ đạc xong xuôi mọi người leo lên xe. Lúc này cả ba mới bình tĩnh lại một chút.
“Giờ đi đâu ạ?”
Thằng Tài taxi lên tiếng hỏi.
Cả Hoa và Xuân đều nhìn nhau ngớ người ra.
Đúng là họ chưa nghĩ đến tình huống này. Bây giờ phải đưa Hạnh đi đâu về đâu đây? Hoa hơi lúng túng khó xử. Lúc nãy cô hùng hùng hổ đẩy xe lăn của em trai đi không cần nhà của anh trai mà không nghĩ phải đưa nó đi đâu. Bây giờ phải làm thế nào? Sợ Hạnh suy nghĩ cô liền nói trước với Xuân:
“Xuân à! hoàn cảnh của chị em cũng biết rồi đó. Nhà không phải của riêng vợ chồng chị. Mà còn có hai đứa con riêng của chồng. Một mình chị ở cũng thấy khó xử rồi. Giờ mà dắt díu thêm thằng Hạnh nhà mình về thì chắc chắn là bên đằng ấy họ nói cho. Hay là em đưa thằng Hạnh về nhà em. Dù sao thì em cũng chỉ có một mình. Sẽ tiện hơn so với chị.”
Xuân nghe Hoa nói như vậy không những không ngạc nhiên mà còn rất bình tĩnh tiếp lời:
“Chị yên tâm, em sẽ không để thằng Hạnh về nhà chị đâu. Em hiểu hoàn cảnh của chị mà. Em sẽ đưa Hạnh về nhà em. Trước mắt chịu khó một chút rồi em sắp xếp. Có lẽ em sẽ làm một cái xưởng riêng để Hạnh có không gian nghĩ ngơi.”
Nói rồi cô quay sang Hạnh vỗ vai em trai:
“Hạnh! em đừng nghĩ gì nhá! Chị biết em chứng kiến cảnh vừa rồi chắc là đau lòng lắm. Nhưng con người mà có lúc nọ lúc kia, người này người nọ không thể tránh được. Em cũng đừng trách anh Hạ. Có lẽ là anh ấy sợ chị Lài. Trước mắt về nhà chị. Tuy có hơi chật chội và ồn ào một tí nhưng chị sẽ nhanh chóng sắp xếp để em có không gian riêng. Chị em mình cùng cố gắng em nhé! Điều quan trọng nhất là trong thời gian này em không được nghỉ tiêu cực. Nếu em có làm sao thì chị với chị Hoa không có mặt mũi nào nhìn bố mẹ được đâu. Nghe chị nhé em!”
“Vâng! Tùy hai chị sắp xếp! Em xin nghe theo hai chị!”
Hạnh nói mà ánh mắt cứ nhìn đâu đâu. Chính Xuân cũng không hiểu được trong đầu em trai mình đang nghĩ gì.
Ba người trở về nhà của Xuân. Ngôi nhà cấp 4 rộng rãi nhưng nguyên cái phòng khách và cái sân đã được đặt khung thêu và làm chỗ ngồi cho mấy chị em phụ nữ thêu thùa. Cái nghề thêu này chính Xuân đã lập lên từ năm 20 tuổi. Cô yêu thích nghề thêu và thiết kế thời trang nhưng không có điều kiện học hành bài bản vì phải nuôi em ăn học. Ban ngày thì đi bán cá, bán tôm ban đêm về thêu thùa bỏ mối cho mấy tiệm may. Khi Hạnh đã học hành thành tài rồi cô tự mày mò trên mạng tìm những mẫu thêu bằng đồ họa rồi in ra thêu. Những mẫu thêu của cô rất được khách hàng ưa chuộng. Nhất là những người mặc áo dài. Các tiệm may tranh nhau đặt hàng cô đến nỗi cô thêu không kịp nên đã thuê mấy chị em nhàn rỗi trong xóm. Cô dạy thêu cho họ rồi thuê lại. Dần dà cô kiếm được nhiều mối hơn và bắt đầu mở một xưởng thêu tại nhà chỉ dạy cho những chị em phụ nữ có nhiều thời gian ở nhà, không công việc làm. Các mối làm ăn của cô dần dần phát triển lên cả thành phố. Xuân trở thành một bà chủ của xưởng thêu nổi tiếng trong làng.
Ngôi nhà cấp 4 này ngày xưa chỉ là một khu đất trống cô mua được của một gia đình bỏ làng vào Nam sinh sống nên để lại rẻ cho. Sau khi Hạ lấy vợ, Xuân và Hoa không tiện ở chung với vợ chồng anh chị nữa nên đã xây tạm một ngôi nhà nhỏ để ra riêng. Rồi đến lượt Hoa được người ta mai mối cho một người góa vợ lấy chồng bỏ lại Xuân một mình. Cũng chính trong thời gian này cô đã nhen nhóm mở được một xưởng thêu phát triển như ngày hôm nay. Ngôi nhà đã được cơi nới ra rộng rãi nhưng chủ yếu là để các chị em có chỗ ngồi thêu thùa. Giờ Hạnh về có hơi bất tiện thật vì đông người lại toàn đàn bà con gái nói chuyện ồn ào e là ảnh hưởng đến Hạnh. Nhưng bây giờ cũng không còn cách nào khác nữa rồi. Xuân sắp xếp cho Hạnh ở phòng của mình. Còn cô thì ra ngoài phòng khách nằm ở chiếc giường một ngủ tạm.
Mấy ngày đầu Hạnh nằm ở trong phòng nghe tiếng nói chuyện rì rầm cũng hơi khó ngủ thật. Xuân biết em trai bệnh tật không tiện tiếp xúc với nhiều người nên Xuân đã cấp tốc thuê người xây thêm mấy gian nhà kho bên ngoài vườn để chị em có chỗ thêu thùa mà không ảnh hưởng đến Hạnh.
May là chỉ trong vài tuần thì cái xưởng thêu đơn giản chỉ lát một nền gạch và lợp pro xi măng đã hoàn thành một cách nhanh chóng. Xuân cho người chuyển hết ra vườn làm. Ngôi nhà còn lại cô dành riêng cho Hạnh. Còn mình thì vẫn ngủ ở phòng khách.
Vậy là chỗ ăn ở của Hạnh đã tạm ổn. Xuân lại bắt tay vào tập trung cho công việc nhưng cũng không quên chăm sóc và động viên em trai mình. Hoa thỉnh thoảng vẫn đến thăm qua lại hai em. Lúc thì mang bịch trái cây nhà trồng lúc thì mang mấy con cá lên bồi bổ cho Hạnh. Cuộc sống của ba chị em lại trở về như xưa. Không còn phải chịu cảnh mặt sưng mày xỉa, không còn phải nghe những lời dè bỉu, mỉa mai của người này người kia. sức khỏe Hạnh tốt lên trông thấy. Có lẽ vì được hai chị chăm sóc. Anh nhớ lại những ngày ấu thơ tuy vất vả nhưng được hai chị gái yêu thương, hết mực cưu mang. Có lúc anh đã ước rằng giá như mình đừng lập gia đình, giá như mình cứ ở vậy cùng hai chị thì có lẻ cuộc sống sẽ càng tốt đẹp biết bao!
Mỗi tháng Xuân vẫn đưa Hạnh đi tái khám trên bệnh viện đều đặn. Tuy bác sĩ nói Hạnh khó mà bình phục đi lại được nhưng Xuân luôn hi vọng tình trạng của em trai ngày càng tốt. Cô luôn tâm niệm có ngày em trai mình sẽ đi lại được bằng chính đôi chân của nó giống như cách đó vươn lên trong khó khăn để trở thành một anh tiến sĩ nông nghiệp vậy.
Lần này bác sĩ nói tình trạng của Hạnh tốt lên thật. Xuân nhìn Hạnh vui lắm. Ánh mắt Hạnh cũng lấp lánh hạnh phúc nhìn chị. Hai chị em dìu nhau đi đến cổng bệnh viện thì bất ngờ gặp Lưu, anh ta đi bằng nạng, chân khập khiễng. Thấy Xuân gương mặt Lưu vui hẳn lên.
“Em đưa Hạnh khám hả?”
“Vâng!”
Xuân có chút ái ngại. Nhưng nhìn thấy Lưu bị thương ở chân cũng muốn hỏi thăm đôi câu:
“Anh bị làm sao vậy?”
“Anh bị t ai n ạn ấy mà. Cũng không nặng lắm. Chỉ gãy chân thôi. Bó bột tháng nay rồi. Giờ lên tháo bột.” Lưu nói giọng thản nhiên như thể mình chưa từng bị đau chân.
Xuân nhìn bộ dạng của Lưu lúc này cũng có chút thương cảm:
“Người nhà anh đâu hết rồi sao không ai đi cùng anh vậy?”
Lưu nhìn Xuân thở dài.
“Chuyện…dài lắm em ạ! Lúc nào có thời gian anh kể cho em nghe!”
“Vâng! vậy anh cố giữ gìn sức khỏe. Em đi về trước đây!”
Xuân cúi chào Lưu rồi nhanh chóng đẩy chiếc xe lăn của Hạnh đi trước. Lưu giơ tay muốn níu Xuân lại nhưng cô đã quay mặt đi rồi.
“Xuân!Khoan đã!”
Lưu khẽ gọi nhưng Xuân vờ như không nghe thấy. Cô vẫn đẩy chiếc xe lăn của Hạnh đi đều đều.
Ra đến cổng Hạnh mới hỏi Xuân:
“Rõ ràng là chị có nghe tiếng anh Lưu gọi, sao chị không quay lại?”
“Quay lại làm gì hả em? Dù sao chuyện của chị và anh ấy đã qua lâu rồi. Với lại người ta cũng đã có gia đình yên ấm. Lỡ ai trông thấy lại lắm chuyện.”
Xuân khẽ thở dài. Hạnh nghe rõ nỗi buồn của chị qua tiếng thở nhưng không dám nói thêm nữa. Bởi anh hiểu Xuân là người biết lý lẽ và trải đời nhiều hơn anh. Cô làm chuyện gì cũng đều suy nghĩ cẩn thận và thấu đáo. Anh tin vào sự lựa chọn của chị gái mình trong tất cả mọi việc.