Chương 41

Chương 41:

 

Bà Thái chiều nào cũng bơ phờ đi rồi về. Đầu óc cứ như mơ mơ hồ hồ về đứa cháu nội. Cơm nước bỏ bê, bữa nấu bữa không. Đến cả bữa ăn bà cũng không nhớ mà ăn nữa là. 

 

Ông Bách thấy vợ cứ bần thần nhớ nhớ quên quên lại sinh nghi rồi phàn nàn với con trai. Bảo cũng không quan tâm đến mẹ lắm. Anh ta từ ngày xảy ra vụ việc của Trúc đến giờ cũng chán nản, ngập ngụa trong bia rượu, đi sớm về khuya chẳng khác gì mẹ mình. Nhà thành ra chỉ còn mỗi ông Bách là còn tỉnh táo bình thường. Cơm nước nghiễm nhiên là một tay ông lo liệu.

 

Bảo ngày càng trượt ngã trên con đường ăn chơi sa đoạ. Anh ta không còn sức gái gú bia rượu được nữa nên sa vào cờ bạc. Cả ngày, cứ về đến nhà là anh ta lăn vào phòng cầm điện thoại cả đêm. Cứ liên tục cả mấy tháng trời như vậy. Bỗng một ngày chủ nợ ở đâu kéo đến nhà bà Thái đứng như một đàn réo tên Bảo.

 

“Thằng Bảo đâu! Ra đây trả nợ cho chúng tao! Mày đừng hòng trốn chui trốn lủi ở đâu!”

 

Họ vừa hô to vừa đập cửa ầm ầm khi mới sáng sớm. Bà Thái giật mình kêu chồng chạy ra cổng xem có chuyện gì. Ông Bách vừa mở cửa nhìn ra thấy một nhóm người cả nam lẫn nữ đang hùng hổ miệng mồm gào thét chửi rủa ầm ầm.

 

“Ông già kia, kêu thằng Bảo ra đây trả nợ cho chúng tao!”

 

Ông Bách hoảng hồn vào gọi vợ:

 

“Người ta kéo đến đông lắm, tìm thằng Bảo nhà mình!”

 

“Tìm nó làm gì?”

 

“Đòi nợ.”

 

Bà Thái tỉnh cả ngủ chạy ra ngoài ngõ coi thử.

 

“Hai ông bà già các người còn che giấu cho con trai đến bao giờ nữa? Gọi nó ra đây cho chúng tao gặp!”

 

“Các người kêu nó làm gì?”

 

“Thì trả nợ chứ làm gì? Nó chết mất xác ở đâu rồi mà gọi nó không bắt máy hử? Cả tuần nay rồi. Tính giật nợ hả? Còn lâu nhá!” Một người đàn ông mặt mày dữ tợ đập ầm ầm vào cánh cổng như sắp lung lay nhà bà Thái.

 

Bà Thái nghe xong mới hoảng hồn nhớ lại. Hình như mấy ngày rồi Bảo không về nhà. Bà cũng mải chuyện của thằng Bi mà quên đi mất. 

 

“Nó không có nhà, các người đi chỗ khác mà tìm.”

 

“Ông bà đừng có mà bao che nó. Nó vay nợ có giấy tờ hẳn hoi.”

 

“Các người đừng có tưởng chúng tôi già cả mà lừa lọc. Tôi thừa biết các người cho vay lãi cắt cổ. Coi chừng tôi kiện các người tội cho vay trái phép.”

 

Bà Thái vẫn gân cổ cãi.

 

“Con mụ già này. Con là cán bộ công an đã làm trái pháp  luật mà còn già mồm. Đã thế, bọn này đ.éo thèm dùng luật nhà nước xử con mày nhé. Để chúng tao coi thằng Bảo nó trốn được mấy ngày. Đợi đấy mà nhận tin xấu của nó nhá. Nó không chỉ nợ một người mà nợ hàng chục người ở đây đấy. Tao không tin cả bấy nhiêu người chúng tao mà không làm gì được nó.”

 

Nói xong thì bọn họ hè nhau tản ra. Họ quăng vào cổng nhà bà Thái một mớ giấy tờ lộn xộn được phô tô đen trắng, cả hình ảnh của Bảo rồi ghi trên đó những khoản nợ như kẻ bị truy nã.

 

Bà Thái sai chồng lấy vào đọc mới kinh hoàng biết được, Bảo nợ người ta cả bảy tám tỉ đồng. Một số tiền quá lớn đối với gia đình ông bà. Đúng là bọn tín dụng đen. Chúng ăn cướp giữa ban ngày mà. Đã thế bà Thái không thèm trả xem chúng làm gì được bà.

 

Người làng bắt đầu xôn xao vụ việc đi đâu cũng bắt gặp tờ rơi của Bảo được dán lên tường đòi nợ như kẻ bị truy nã. Người ta bàn tán khắp nơi. Có người đồn gia đình bà Thái đã đưa con đi xa trốn nợ. Bảo cũng đã bỏ việc ở xã không đi làm. Nhưng thực chất bà Thái ông Bách không biết gì cả. Gọi điện cho con trai cũng không liên lạc được. Bấy giờ bà Thái mới cuống lên đi tìm con. Gọi điện hết cho nhà anh em họ hàng vẫn không thấy tung tích Bảo đâu cả. Bảo như thể giọt nước bị bốc hơi mất tăm mất tích. Ông Bách nói gọi cho Bích về giúp nhưng bà Thái không cho gọi sợ Bích sẽ đánh chửi em trai mình. 

 

Người ta đồn có người c.hết m.ất x.ác ở sông nào đó. Bà Thái lật đật thuê xe ôm đến nhận dạng rồi thở phào khi nhận ra đó không phải là Bảo. Rồi người ta cũng đồn có kẻ t.reo c.ổ dưới gầm cầu, người bị đánh cho bầm tím mặt mày nghi là kẻ thù đánh rồi tạo hiện trường giả. Bà Thái và ông Bách cũng lật đật đi xem. Công an khám nghiệm mới biết giấy tờ không phải con trai mình. 

 

Ngày nào bà Thái cũng gặp ác mộng. Khi thì thấy Bảo trôi sông, khi thì thấy Bảo đang nằm co ro ngoài đường. Bà bật dậy ngồi khóc trong đêm như người điên dại.

 

Bích về. Không cần bố mẹ gọi. Cô nghe người ta đồn em trai mình chơi tài xỉu gì đó trên mạng nợ tiền tỷ bỏ trốn rồi. Bà Thái thấy con về thì như chết đuối gặp được phao cứu sinh, ôm lấy Bích khóc nức nở cầu xin cô cứu lấy Bảo.

 

Bích nghe bố mẹ kể lại tình hình mới bình tĩnh nói:

 

“Bây giờ, vẫn chưa có tung tích gì của thằng Bảo thì nó tạm thời vẫn còn an toàn. Nhưng càng kéo dài thời gian thì lại càng nguy hiểm. Nó không ch.ết vì bị người ta đánh thì cũng ch.ết vì đói. Giờ bố mẹ phải bĩnh tĩnh nghe con nói. Mình giải quyết từng việc một.”

 

“Con cứ làm cái gì con cho nó đúng để cứu em con. Bố mẹ đồng ý hết.” Bà Thái nói như van lơn con gái.

 

“Vâng! Giờ cũng không còn cách nào khác. Số tiền thằng Bảo nợ quá lớn. Nhà mình và cả con cũng không thể dành dụm đủ số tiền đó. Có vay cũng chỉ được mấy trăm là cùng. Càng để lâu thì lãi càng cao. Thằng Bảo cũng không thể trốn mãi được. Nhà mình còn mấy miếng đất mẹ kêu người ta ra giá coi được bao nhiêu. Còn nhiêu thì vay mượn tiếp trả cho nó xong. Tiền của thiên hạ mình nuốt không trôi đâu.”

 

“Nhưng đất đó là để dành cho cha con thằng Bảo sau này. Bán đi rồi nó lấy gì mà sống?” Bà Thái nghe Bích bàn như vậy liền phản đối.

 

“Cũng bởi chính vì mẹ lo cho nó từng cái một nên nó mới lười biếng, hư hỏng, không biết lo cho tương lai mình như vậy. Nó có mẹ lo cho rồi, còn gì phải lo nữa nên sinh thói ỉ lại, cậy nhờ. Con cũng sai khi đã không cản mẹ mà còn nhờ người chạy chọt vào biên chế cho nó trên xã. Chúng ta sai rồi mẹ ạ. Chúng ta không quyền quyết định thay cuộc đời của một ai cả. Kể cả đó là con của mình sinh ra.”

 

Bích nói với thái độ rất cảm thông mẹ mình. Gia đình đến nông nỗi này, trách ai cũng không thể thay đổi được. Giờ phải tìm cách giải quyết hậu quả và thay đổi lại cách sống thôi.

 

Bà Thái nghe con gái phân tích một hồi thì cũng thấy xuôi xuôi. Bảo càng ngày càng sa vào con đường hư hỏng, cũng phần lớn là do bà mà ra. 

 

“Được rồi. Vậy mọi việc con cứ lo giúp mẹ. Mẹ bây giờ cũng chẳng còn đầu óc đâu mà tính với toán nữa.”

 

Bà Thái nói, mắt rười rượi nhìn ra sân. Không biết con trai bà giờ đang ở nơi nào? Nó sống chết ra làm sao? Có ăn uống được gì không? Ngủ ở chỗ nào? Nước mắt bà ứa ra. Giờ bà chẳng cần gì nữa. Chỉ cần con trai bà trở về an toàn là đủ.

 

***

“Bớ người ta! Quân ăn cắp! Ăn cắp!” Người đàn ông trung tuổi đuổi theo một gã ăn mày rách rưới ra ngoài đường cái. Gã vừa cầm chiếc bánh mì vừa gặm vừa chạy, chốc chốc ngoái về phía sau coi chừng.

 

“Ăn cắp! bắt nó giúp tôi với!”

 

 Gã ăn mày không may vấp phải ổ gà ở đường ngã ập xuống. Người đàn ông đuổi theo đến kịp. Vừa hay người đàn bà vợ ông ta cũng đến luôn.

 

“Ăn cướp này! Cướp này!” Người đàn ông giằng chiếc bánh mì trên tay gã ăn mày rồi giẫm lên bụng anh ta đạp hai ba cái liền.

 

Người phụ nữ gương mặt dữ dằn cũng phụ chồng đá bồi thêm mấy cái nữa. Gã ăn mày đau quá ôm bụng lăn mấy vòng. Mấy người đi đường thấy vậy tò mò dừng lại. Người đi bộ, người đi xe máy, xe đạp cũng dừng lại nghe ngóng.

 

“Các người coi! Cái thằng này đang thanh niên sức dài vai rộng không biết đi làm mà ăn còn đi ăn cắp của nhà người ta này! Đấy! Xem mọi người xem mà chừa cái mặt nó ra!”

 

Người phụ nữ vừa đá lên người gã ăn mày vừa phân trần với mọi người.

 

“Loại này thà vứt thức ăn cho chó ăn còn hơn là cho nó.”

 

Người đàn ông cầm chiếc bánh mì gã ăn mày vừa gặm dở vứt ra xa. Gã ăn mày nhìn theo miếng bánh tiếc nuối dù đang bị đánh rất đau mà có bao nhiêu người đang nhìn chằm chằm vào gã. Kệ. Bản năng con người là sống sót. Khi họ gần kề với cái chết thì họ chỉ quan tâm đến con đường mang đến sự sống cho họ chứ không cần gì cả.

 

“Người đàn ông này, đã làm gì vậy?” Giọng một chàng trai vang lên. Anh ta vừa bước từ trên chiếc xe ô tô sang trọng xuống, ăn mặc sạch sẽ, vẻ thanh lịch. Đó chính là Phương.

 

“Nó ăn cắp bánh mì của tôi đấy! Thể loại này phải đánh bỏ mẹ nó ra nó mới chừa được.”

 

Người đàn ông nói.

 

“Cái bánh giá bao nhiêu?”

 

“6 nghìn.”

 

“Được. Tôi trả anh 100 nghìn. Anh đừng đánh anh ta nữa?”

 

“Cậu quen nó hả?” Người đàn ông ngạc nhiên hỏi.

 

“Vâng!”

 

Phương đỡ người gã ăn mày đứng dậy. Hắn xấu hổ không dám nhìn vào mặt anh.

 

“Rồi, bây giờ mọi người giải tán được rồi. Xin nhường đường giùm.”

 

Phương một tay đỡ gã dậy một tay ra hiệu cho đám đông.

 

Người đàn ông cầm tờ 100 nghìn của Phương đút túi rồi cũng dẹp đường hộ anh.

 

“Thôi mọi người giải tán đi, không kẹt xe công an người ta đến bây giờ.”

 

Người ta cũng tránh đường cho Phương dìu người đàn ông tập tễnh đi theo anh. Phương mở cánh cửa xe:

 

“Anh vào đi!”

 

“Không!” Gã đàn ông bất ngờ gạt tay Phương ra.

 

“Bây giờ anh không có chỗ nào để đi nữa đâu.” Phương không khó để nhận ra, gã ăn mày rách rưới, bẩn thỉu kia chính là Bảo.

 

“Có cần tôi chở anh về nhà không?”

 

“Không cần!”

 

Gã vẫn nhất quyết cự tuyệt.

 

“Anh không cần ngại với tôi. Cứ coi như tôi không quen biết anh đi. Mà thực ra tôi cũng chẳng quen biết anh đâu.” Phương nói.

 

“Cám ơn!”  Gã vùng vằng nói cụt lủn rồi bỏ đi.

 

Bảo đứng lại nhìn gã đi xa một đoạn. Anh biết kiểu gì gã cũng sẽ không lên xe mình đâu. Dù gì thì cái tự trọng của gã đàn ông cũng không cho phép gã làm điều đó. Anh cũng không cản nữa.

 

Phương có nghe chuyện về Bảo. Anh ta nợ nần rồi mất tích mấy tháng nay chưa tìm được. Hoá ra là lại gặp anh ta ở nơi này. Đúng là trái đất tròn. Phương lắc đầu ái ngại. Có lẽ cũng nên báo cho Vân biết để cô liên lạc với bên đó tìm anh ta. Phương thầm nghĩ rồi cố tình đi lên xe chạy thật chậm theo dõi Bảo coi anh ta đi về hướng nào.

 

Bảo đi được một lúc thì đầu óc choáng váng. Mắt tối sầm lại. Chân tay run rẩy lảo đảo rồi quay vòng ngã lăn ra đường. Anh ta lả đi vì quá đói. Ba bốn ngày này chui rúc ở hầm cầu không có cái gì trong bụng cả. Cái điện thoại duy nhất cũng đi đi cầm. Trên người chả còn thứ gì. Đói quá nên đánh liều chạy ra đường ăn cắp cái bánh mì ăn tạm. Ai ngờ bị tóm luôn tại chỗ.