Chương 4
Chương 4:
Vân dậy rất sớm, cô mang con ra phòng khách để con nằm ngủ một lát nữa rồi làm nấu cơm, mang quần áo ra phơi. 6 giờ sáng cô đã làm xong xuôi mọi việc, cô chở con đi trong khi cả nhà mọi người vẫn chưa dậy.
Hai mẹ con đi ra khỏi nhà cứ như vừa thoát khỏi cái địa ngục mà cô đang phải buộc mình ở đó. Cô đi chầm chậm, thật chậm. Cô không muốn đối mặt với Bảo lúc này. Cô thấy vừa kinh sợ vừa ghê tởm gã đàn ông mà mình gọi là chồng kia. Nằm bên cạnh gã cả đêm đã là cực hình với cô rồi. Cô muốn hít thở một bầu không khí trong lành hơn. Cô muốn trốn tránh khỏi nó. Cô không đủ can đảm để đối mặt.
Vân không chở con đến trường vì cô biết giờ này cô giáo chưa đến. Người ta cũng làm vợ, làm mẹ, cũng tất bật giống như cô vậy. Cô chở con đi quanh quanh cánh đồng làng, qua khu chợ ngắm nhìn mọi người đang nhộn nhịp qua lại. Cánh đồng đang mùa gặt nên người ta đã ra đồng từ rất sớm. Gió buổi sáng mát rười rượi và trong lành. Thằng bé cũng cảm thấy sảng khoái trong người cứ chỉ chỏ mấy con trâu, con bò đang ăn cỏ dưới cánh đồng cười thích thú.
Hai mẹ con lượn lờ một lúc đến 7 giờ mới Vân đưa con đến trường.
Bảo tỉnh dậy thì vợ con đã đi làm. Hôm nào cũng vậy. Hai vợ chồng chỉ chạm mặt nhau lúc đi ngủ. Mà lúc đó, vợ anh cũng ngủ rồi. Mang tiếng là ở nhà nhưng Bảo chưa bao giờ đến trường đón con mà phó mặc cho mẹ.
Thấy con uể oải thức dậy, sắc mặt mệt mỏi, bà Thái gọi Bảo vào ăn sáng rồi nói luôn:
“Mày làm cái trò gì đêm qua thế hả?”
Bảo nghe mẹ nói xong có vẻ khó chịu vì bị mẹ soi mói cuộc sống riêng tư của mình. Anh ta không thích như vậy:
“Chuyện riêng của vợ chồng con, mẹ hỏi làm gì!”
“Mày đừng có mà láo với tao! Tao che chống cho mày nên mày quen thói phải không? Muốn làm gì thì làm nhưng mày đang làm trưởng công an xã. Bao nhiêu kẻ đang nhắm vào cái ghế của mày đấy. Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Chuyện vợ chồng mày tao chả thèm quan tâm. Còn nếu nó không chiều mày được nữa thì công khai bỏ vợ đi mà rước đứa khác về. Đừng có mà cặp kè lang chạ mãi rồi có ngày rước họa vào thân.”
Bảo nghe mẹ nói thì lại càng khó chịu. Anh ta hục hặc đứng dậy bỏ dở đôi đũa xuống bàn rồi khoác áo đi làm:
“Không ăn hết đi còn bỏ mứa ra đấy làm gì?”
“Mẹ giảng đạo lý thâm sâu quá, con nuốt không trôi.”
Nói rồi lên xe máy chạy một mạch ra ngõ.
Bà Thái thở dài. Chồng con đi hết cả rồi. Thằng cháu cũng đi học. Nhà chỉ còn một mình bà. Chờ mãi thằng con bà mới dậy. Bà chờ để ăn sáng cùng. Thế mà được vài miếng nó đã bỏ dở. Bà cũng chả thiết ăn uống gì nữa, đổ bát miến vào chiều mang cho đàn gà ngoài vườn.
Vân tăng ca mãi 8 giờ tối mới về nên cơm nước bà Thái phải lo. Thằng Bi đã ba tuổi, nó cũng tự biết xúc ăn cơm nhưng thỉnh thoảng nó khó chịu trong người cũng chán ăn cũng bỏ bữa.
Bà Thái nấu cơm xong xới cho cháu một bát tô cơm rồi chan canh, trộn thức ăn thành một mớ hổ lốn. Thằng bé hơi khó chịu trong người, đắng miệng nên không muốn ăn. Nhưng nó sợ bà nội nên cố xúc một thìa bỏ vào miệng. Nó ngậm trong miệng mãi cho đến khi nước chảy ra vẫn không chịu nuốt. Bà Thái đi ra thấy bát cơm vẫn còn đầy, cơm bị nước canh ngấm vào trương lên đầy vu cả bát cơm thì giận quá quát lên:
“Có ăn nhanh không thì bảo!”
Thằng bé nhớn nhác, mắt nhìn bà, tay xúc vội thìa cơm đổ vào miệng. Vì cơm đã đầy trong miệng mà không nuốt nổi nên nó oẹ hết ra sân. Bà Thái lại điên máu phát vào lưng nó hai cái liền.
Thằng bé nước mắt nước mũi tùm lum văng cả cơm ra ngoài, ho sặc sụa đỏ cả mặt.
Bà Thái lại càng điên vì bát cơm của bà đã bị thằng bé ói ra hết, lại còn làm bẩn cả sân. Cơn giận bốc lên cao, bà chẳng nghĩ đến cháu bà đang khóc thảm thế nào:
“Cái loại mày rồi cũng như con mẹ mày thôi. Cái thứ ăn cháo đá bát.”
Vân vừa về đến sân nhà, sững người khi nghe mẹ chồng nói với con trai mình như vậy trong khi mặt mày nó đang đỏ gay vì ói.
“Bi ơi! Con làm sao vậy?”
Vân chạy ôm lấy con sờ soạng kiểm tra.
Thằng bé thấy mẹ về thì tủi thân quá mới dám khóc lớn lên, hai tay ôm chặt lấy mẹ.
“Được rồi! Có mẹ đây rồi! Ngoan nào!”
Vân vừa vỗ vỗ lưng con vừa nói. Thằng bé thấy mẹ về thì như thấy có người đã chống đỡ cả bầu trời vừa sụp xuống người nó. Nó nín ngay sau đó chỉ còn lại những tiếng nấc.
Vân giận mẹ chồng lắm. Trước đây bà có nói gì, mắng mỏ gì cô, cô cũng cố cắn răng chịu đựng không nói lại. Cô tự nhủ chọn lọc ý mà nghe. Những điều xấu cô coi như không nghe thấy gì để khỏi bận lòng. Nhưng con cô thì khác, nó còn quá bé để nhận biết những điều tốt xấu. Mà mẹ chồng cô thì độc mồm độc miệng không kiêng nể một ai. Thứ gì bà cũng tuôn được ra từ miệng đủ thứ loại từ tục tĩu. Cô không muốn con trai cô phải nghe những điều không sạch sẽ đó. Cô phải bảo vệ con mình, bảo vệ tâm hồn của nó.
Dỗ con xong, Vân mới quay ra nói với mẹ chồng:
“Mẹ! Từ nay mẹ đừng mắng cháu như vậy nữa. Có không vừa lòng con ở điểm nào thì mẹ cứ mắng cứ chửi con, đừng đổ lên đầu thằng bé tội lắm. Nó là con nít, tâm hồn như tờ giấy trắng, mẹ gieo giắt vào đầu nó những điều xấu về con sau này lớn lên nó sẽ nghĩ xấu về con đấy mẹ ạ.”
Bà Thái nghe con dâu nói thì càng không thấy lọt tai chút nào.
“Ra là cô đang dạy đời bà già này phải không?”
“Ý con không phải thế.”
“Không phải thế thì là thế nào? Cô tưởng tôi ngu hay sao mà không hiểu ý đồ nham hiểm của cô. Cái mặt cô suốt ngày lầm lầm lì lì, ai cũng nói hiền. Vậy mà trong bụng thì cả một bồ dao găm. Tôi vất vả chăm con cho cô cả ngày, hầu hạ tắm rửa cho con trai cô để rồi cô chửi tôi là thứ bà già không mất dạy không biết dạy cháu hả? Tôi không biết dạy con dạy cháu mà nuôi được con học đại học, nuôi con trở thành công an. Còn gia đình cô giỏi lắm đấy. Giỏi lắm nên để cô đi làm công nhân. Cả lò nhà cô là cái thứ qua cầu rút ván, phủi ơn người khác. Ngay cả cái thằng nghiệt chủng này, nó là máu mủ nhà cô nên cũng giống như bồ ổ nhà cô.”
Bà Thái gào lên chửi một lô xích xông. Mặt đỏ tía tai, nói không ngưng nghĩ, nước miếng văng cả ra.
Vân ấm ức quá khóc oà lên:
“Mẹ! Mẹ nói như vậy mà nghe được sao mẹ? Dù sao con cũng là con dâu của mẹ. Thằng Bi cũng là cháu trai của mẹ. Khác máu tanh lòng, mẹ không thương con thì thôi. Nhưng máu mủ nhà mẹ sao mẹ lại nỡ nguyền rủa nó như vậy hả mẹ?”
“Con cháu nhà tôi ư? Bây giờ thì tôi chả dám nhận. Có khi cô ăn nằm ở đâu rồi về đẻ ra nó cũng nên.”
“Mẹ! Mẹ cũng một vừa hai phải thôi. Con người cũng có sức chịu đựng giới hạn. Mẹ mắng con thế nào cũng được nhưng mẹ đừng có gieo dắt vào đầu con trai con những điều xấu xa như vậy. Con không phải là loại đàn bà như mẹ nói. Mẹ mất công mang trầu rượu đi hỏi con về làm dâu mà nỡ nói con cháu mình như vậy, mẹ không thấy ngượng miệng hay sao hả mẹ?”
“À á… con này mày dám cãi tay đôi với mẹ chồng. Mày giỏi rồi. Để tao gọi thằng Bảo về coi có dậy mày được không. Cả con mẹ mày nữa. Tao phải gọi bà ta sang mà rước mày về. Tao không có cái thứ con dâu mất dạy như mày.”
“Mẹ không cần phải lôi mẹ con vào đây làm gì. Con sẽ tự đi ra khỏi cái nhà này.”
Vân gạt nước mắt nói một cách cương quyết.
Cô bế con vào nhà lấy quần áo thì bà Thái giằng lấy thằng bé: “Mày muốn đi đâu thì đi, nhưng phải bỏ cháu tao ở lại đây.”
“Nó là con trai con, con phải mang nó đi!”
“Mày dám!”
Hai mẹ con đang giằng co nhau thì Bảo về đến nhà.
Bà Thái thấy con trai về thì được thể lu loa lên:
“Bảo! Mày về mày dạy lại con vợ mày đi. Nó chửi lại mẹ chồng còn dám bế con bỏ nhà đi đấy.”
“Cô ta muốn đi mẹ cứ để cô ta đi đi!”
Câu nói của Bảo khiến bà Thái sững sờ.
Vân nhìn chồng. Nước mắt không rơi nổi. Anh ta chẳng cần vợ và cũng chẳng cần đứa con này nữa rồi. Vậy thì cô còn ở lại cái nhà này làm gì nữa! Cô lầm lũi bế con chạy vào phòng vơ vội mấy bộ quần áo và đồ dùng của con rồi chằng lên xe máy chạy thẳng về nhà mẹ đẻ.
Cả nhà bà Thao đang ăn cơm. Thấy con gái ôm con về cùng với cái vali to đùng, dường như đoán trước được sự việc, bà liền hỏi:
“Lại có chuyện gì nữa rồi? Sao lại bồng bế thằng bé về nhà giờ này?”
Ông Thanh thấy con gái mặt mũi xanh xao, ánh mắt buồn ươn ướt liền hỏi:
“Con ăn cơm chưa? Ngồi vào đây ăn luôn với bố mẹ.”
Vân vẫn mặc nguyên bộ đồ quần áo công nhân nên ông Thanh đoán là cô chưa ăn cơm.
“Nào cu Bi đến đây với ông để mẹ ăn cơm nào.”
Thằng bé với tay theo ông ngồi xuống cạnh ông ngoại.
Vân lấm lép không nói gì nhìn mặt mẹ dò ý.
Bà Thao cau mặt nói tiếp:
“Làm gì mà giờ này chưa ăn cơm? Vợ chồng mày lại có chuyện gì rồi phải không?”
“Kìa bà! Trời đánh tránh bữa ăn. Bà để con mình ăn cơm xong rồi nói chuyện sau cũng được mà.”
“Ông im để tôi dạy con. Con gái đi lấy chồng là hết. Sống là người nhà chồng, chết cũng là ma nhà người ta. Mày mà bỏ chồng về cái nhà này là tao đuổi ra khỏi nhà đấy. Tao nói trước.”
“Bà!” Ông Thanh thấy vợ đối xử quá khắc nghiệt với con gái mình cũng bất bình quát vợ.
“Đã nói để con nó ăn xong bát cơm đi đã rồi muốn nói gì thì nói.”
Ông Thanh tự mình xới cho Vân một bát cơm, gắp thêm miếng cá to đưa cho con:
“Đừng chấp mẹ, ăn đi con!”
Vân đỡ bát cơm từ tay bố, nước mắt rơi xuống cả bát cơm mặn đắng. Cô cố và đũa cơm vào họng, cắn thêm miếng cá để khỏi phụ lòng bố.
Ăn cơm xong, Vân thay mẹ rửa bát. Dung, em gái cô đang làm kế toán thuế trên thành phố, cuối tuần mới về nên ở nhà chỉ có bố mẹ. Nhà chồng cách nhà đẻ có hai cây số thôi mà cả tuần cô cũng không có thời gian mà sang thăm nom bố mẹ được một lần. Cô luôn thấy mình có lỗi với bố mẹ nhiều lắm.
Đọc tiếp chương 5 tại đây: Chương 5