Chương 38 (kết)

Chương 38:

 

Mạnh Kiên cũng nói thêm vào với vợ:

 

“Vợ con nói phải đấy bà ạ. Bà nhiều tuổi rồi, dì Nhung lại không còn ý thức, cứ như đứa trẻ con ấy quấy quả suốt, cháu cũng không yên tâm để bà chăm sóc dì ấy đâu ạ.”

 

Bà ngoại nhìn hai vợ chồng cháu trai cười nói:

 

“Được rồi, hai đứa không cần lo quá đâu. Dì Nhung là con gái của bà, bà hiểu tính nết nó, bà chăm được. Với lại còn cái Tuyết nữa mà.”

 

“Không được đâu bà. Lỡ dì nhưng làm bà bị thương thì sao? Với lại tính dì ấy khó chiều thế bà làm sao chiều nổi ý muốn của dì? Còn cái Tuyết, con gọi cho nó từ hôm mẹ nó xảy ra tai nạn rồi có thấy mặt mũi nó đâu. Mãi hôm sau nó mới mò mặt tới ngáp ngắn ngáp dài rồi đêm đòi về ngủ. Hoài An phải thuê người trông chừng dì Nhung suốt đêm đấy ạ”

 

Mạnh Kiên dứt khoát không đồng ý cho bà chăm dì. Anh thực sự lo cho bà. Bao nhiêu năm tuổi trẻ chăm sóc con cái rồi lại phải lo lắng cho đứa cháu mồ côi cha mẹ là anh. Đến bây giờ ở cái tuổi gần đất xa trời rồi lại đi chăm sóc một đứa con gái thần kinh không được ổn định hỏi ai mà không lo chứ! Bà ngoại chính là người mẹ thứ hai của anh. Nếu để so với dì Nhung thì anh thương bà hơn rất nhiều. Anh không muốn bà phải vất vả thêm nữa.

 

Hoài An hiểu ý chồng và cũng hiểu tâm tư của bà ngoại. Cô đã là một người mẹ rồi, cô hiểu tấm lòng của mẹ. Dù con cái có bao nhiêu tuổi đi nữa thì trong mắt mẹ nó cũng mãi là một đứa trẻ. Huống hồ bây giờ, bà Nhung thực sự không khác gì một đứa trẻ. Làm sao bà ngoại có thể yên tâm mà sống xa con mình được chứ!

 

“Anh! Mình cứ theo ý bà đi.” Hoài An vỗ vai chồng động viên rồi quay sang nói với bà ngoại.

 

“Bà cứ ở với dì cho yên tâm hơn cũng được ạ. Để chúng cháu tìm thêm người giúp việc để đỡ đần bà lúc cần và làm việc nhà. Cô Tình quen chăm sóc bé Son để cô ấy chuyên tâm vào việc này. Như vậy có được không bà?”

 

“Ừm! Vậy cũng được cháu ạ.”

 

Bà ngoại nói mắt liếc Mạnh Kiên thấy anh vẫn còn căng thẳng nên trấn an cháu:

 

“Được rồi mà! Bà không sao đâu. Với lại có ông nữa rồi. Hai đứa cứ yên tâm mà làm việc. Còn trông cu Cường nữa.”

 

“Anh!” Hoài An xoa lưng chồng: “Anh đừng lo quá! Thỉnh thoảng em cũng sẽ ghé qua để phụ ông bà. Chắc ổn thôi anh.”

 

Mạnh Kiên không nói gì nhưng lòng vẫn đầy lo lắng.

 

Bà Nhung được xuất viện trở về. Ông bà ngoại dọn đến ở cùng con gái luôn. Vợ chồng Hoài An ngày nào cũng ghé qua một lát rồi về cho yên tâm. Tuyết cũng ở nhà nhiều hơn để trông chừng mẹ. Nhưng tính tình không được kiên nhẫn nên mỗi lần chơi với mẹ cô đều cáu gắt. Bà Nhung thì cứ như trẻ con hết đòi cái này đến đòi cái khác. Tuyết đang chân đi chân chạy quen rồi tự dưng phải ở nhà nhiều thì ngày càng sinh cáu bẳn, xấu tính.

 

“Mệt quá đi mất! Mẹ đi mà lấy đi! Con không lấy được đâu!” Tuyết gắt lên khi bà Nhung lại đá quả bóng nhựa lăn ra đường rồi chỉ trỏ kêu Tuyết ra lấy. Tuyết đang lướt điện thoại bị làm phiền đứt đoạn nên cáu lên mắng.

 

Bà ngoại thấy cháu gái quát mẹ liền nói:

 

“Tuyết! Mẹ cháu đang bệnh, cháu không được quát tháo mẹ như vậy. Cháu xem, nó đang sợ kia kìa!”

 

Tuyết nghe bà ngoại mắng mình thì nói luôn:

 

“Cháu mệt quá rồi! Ngày nào cũng nghe tiếng hò hét của mẹ inh tai nhức óc lắm. Bà đi mà trông bà ấy đi!”

 

Tuyết đứng phắt dậy bỏ vào phòng mình không quên lườm bà Nhung một cái.

 

Bà Nhung thấy ánh mắt của Tuyết như vậy thì co rúm người lại sợ sệt.

 

Bà ngoại nhìn thái độ của cháu gái buồn bã lắc đầu. Thứ con này chắc chẳng thể trông chờ vào nó lúc đau yếu hay về già nữa rồi! Âu cũng là cái giá phải trả. Bà Nhung đã giáo dục nên một đứa con gái quen sống hưởng thụ, vô ơn đối với cha mẹ thì phải chịu thôi. 

 

Hôm nay người giúp việc cho nhà bà xin nghỉ vì nhà họ có việc. Thành ra bà nói Tuyết ở nhà trông chừng mẹ để bà dọn dẹp nhà cửa. Cô Tình đang cho con bé Son ngủ xong rồi đi nấu cơm. Nhà cửa bị bà Nhung bày biện ra suốt nên phải dọn cho gọn. Nhà chỉ có một đứa trẻ con mà giờ thành hai đứa. Mà bà Nhung thì lại hay vứt đồ đạc lung tung khắp nhà, cứ chơi xong không thích nữa là vứt đi rồi chơi thứ khác, mà lại không được quát mắng đe doạ bà nữa chứ. Kể cũng mệt mỏi thật.

 

Bà ngoại cúi xuống nhặt mấy món đồ vào giỏ đựng cho gọn thì vợ chồng Hoài An đến. 

 

Bà Nhung thấy Hoài An liền lao ra cổng ôm chầm lấy cô thích thú. Bà rất thích chơi với Hoài An. Bà dắt tay cô vào nhà, nhét con búp bê vào tay cô rồi chơi đồ hàng. Hoài An cũng cười rồi chơi cùng bà.

 

“Dì vẫy như vậy hả bà?” Mạnh Kiên ái ngại hỏi.

 

“Ừm! Nó như một đứa trẻ vậy, không nhớ được gì cả.”

 

“Mai Gia Bảo về bà ạ. Cậu ấy vừa gọi điện cho cháu.”

 

“Vậy sao? Mấy giờ nó về?”

 

“Tầm chiều tối ạ.”

 

Bà ngoại vừa mừng vừa lo. Không biết Gia Bảo nhìn thấy mẹ nó như thế này nó sẽ như thế nào nữa. Lại còn chuyện của bố nó… Bà ngoại thở dài.

 

“Bà, bà đang lo lắng điều gì à?”

 

“Ừm! Bà đang lo cho Gia Bảo!”

 

“Bà đừng lo nghĩ quá ạ. Gia Bảo đã trưởng thành rồi. Cậu ấy sẽ lo ổn thoả việc gia đình mình thôi.”

 

“Ừm! Mong là như thế!”

 

Tuyết uể oải đi ra ngoài. Bà Nhung vừa thấy bóng Tuyết liền co người lại nấp đằng sau Hoài An sợ sệt.

 

“Dì sao vậy?” Hoài An khó hiểu hỏi.

 

“Sợ! Sợ! Đừng đến đây!” Bà Nhung rụt rè chỉ về phía Tuyết.

 

Tuyết vừa giận vừa bị mất mặt liền nói:

 

“Mẹ làm cái gì vậy hả? Ai làm gì mẹ mà mẹ sợ?” Tuyết gắt lên quát bà Nhung.

 

Bà Nhung nghe vậy thì im bặt nép hẳn sau lưng Hoài An.

 

“Tuyết! Sao em ăn nói với mẹ mình hay vậy hả? Bà ấy đang bị bệnh, em không đỡ đần được thì thôi đi, còn nạt nộ bà ấy nữa!”

 

Tuyết nghe Mạnh Kiên mắng mình thì nói:

 

“Anh chị thì hay rồi. Cái gia đình này ra nông nổi này một phần cũng là do bàn tay của vợ anh đấy.”

 

“Tuyết!” Bà ngoại quát lên.

 

“Cháu nói không đúng sao?”

 

“Không đúng! Đương nhiên là không đúng.” Tiếng một người đàn ông từ ngoài sân. Cả nhà quay ra thì bất ngờ thấy Bảo đang xách vali đi vào.

 

“Anh Gia Bảo!” Tuyết mừng rỡ thốt lên rồi chạy ra ngoài sân. Gia Bảo dừng lại nói với em gái:

 

“Anh cứ nghĩ là sau tất cả mọi chuyện đã xảy ra với gia đình chúng ta, em đã trưởng thành nên rồi cơ. Nhưng không ngờ em vẫn ấu trĩ và trẻ con như vậy. Em cũng như mẹ, luôn tìm cách đổ hết tội lỗi lên đầu người khác mà không biết mình sai ở chỗ nào. Nếu em còn như vậy, không chịu lớn thì cuộc em sẽ mãi lông bông như thế này. Hoài An, chị ấy không có lỗi gì với gia đình chúng ta cả. Tất cả mọi việc xảy ra đối với chúng ta ngày hôm nay thực ra nó đã được nhen nhóm từ khi em và anh còn chưa ra đời. Tuyết à! Em đã từng vấp ngã, anh mong em hãy chín chắn lên, suy nghĩ thật kỹ trước khi nói và biết chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm. Gia đình này chỉ còn anh với em thôi. Chúng ta phải cứu lấy nó, cứu lấy mẹ mình em ạ!”

 

Tuyết cúi đầu không nói gì. 

 

Mạnh Kiên cũng đi tới hỏi Gia Bảo:

 

“Gia Bảo! Sao cậu nói mai mới bay về mà?”

 

 

“Em cũng tính là mai mới bay. Nhưng em sốt ruột quá. Với lại công việc cũng sắp xếp ổn rồi nên bay về luôn.”

 

Gia Bảo nói. Anh gầy hơn, đen hơn nhưng trông rắn rỏi đĩnh đạc và điềm đạm hơn.

 

“Gia Bảo! Cháu về là tốt rồi.” Bà ngoại nắm tay Gia Bảo mắt rưng rưng.

 

“Bà ngoại! Vất vả cho bà rồi. Cháu đã nghe anh Mạnh Kiên kể chuyện về gia đình cháu. Những ngày qua cháu rất cảm ơn ông bà đã luôn bên cạnh mẹ cháu và nhất là cảm ơn vợ chồng anh Mạnh Kiên đã trợ giúp gia đình cháu.”

 

“Không cần phải cảm ơn! Người trong một nhà cả mà.”

 

Mạnh Kiên nói.

 

Gia Bảo đi đến gần bà Nhung vẫn còn nấp đằng sau lưng Hoài An.

 

“Chị!” Gia Bảo khẽ nói rồi cúi đầu chào Hoài An.

 

“Cậu mới về!” Hoài An cũng lịch sự đáp lại.

 

Gia Bảo cười cười. Thái độ chỉ có một chút thiếu tự nhiên.

 

Gia Bảo lại gần mẹ hơn rồi khẽ gọi:

 

“Mẹ! Mẹ có nhận ra con là ai không?” 

 

Bà Nhung lùi lại, hay tay bám chặt vào hông Hoài An không dám ló mặt ra nhìn Gia Bảo.

 

Hoài An quay lại, khẽ gỡ tay bà ra khỏi người mình, mắt nhìn thằng vào mắt bà rồi dỗ dành:

 

“Dì! Dì quay lại nhìn đi! Đây là Gia Bảo! Con trai của dì đấy!”

 

Hoài An nhẹ nhàng xoay vai bà Nhung về phía Gia Bảo.

 

“Mẹ! Con là Gia Bảo đây! Gia Bảo của mẹ đây!”

 

Gia Bảo vừa nói, mắt cũng nhoè đi khi nhìn gương mặt mẹ mình ngơ ngác như một đứa trẻ. Bà nhìn Gia Bảo chằm chằm rồi nghiêng đầu nghĩ ngợi.

 

“Mẹ! Gia Bảo! Gia Bảo con trai của mẹ đã về rồi đây!”

 

Gia Bảo đưa tay muốn ôm mẹ vào lòng mình. 

 

Bà Nhung vẫn ngồi ngơ ngác ra vẻ nghĩ ngợi, miệng lảm nhảm:

 

“Gia Bảo? Gia Bảo?”

 

Rồi bất ngờ bà thốt lên:

 

“Sữa! Sữa đâu rồi? Gia Bảo đói rồi, mau lấy sữa cho Gia Bảo uống! Nhanh lên!”

 

Bà Nhung nói rồi vỗ vỗ vai Hoài An giục đi lấy sữa.

 

Bà xoa tay xoa chân Gia Bảo luôn miệng nói:

 

“Đói rồi! Đói rồi phải không con? Để mẹ cho con uống sữa nhé!”

 

Vừa nói vừa nhìn Hoài An:

 

“Nhanh lên! Còn ngồi đó, lấy sữa cho Gia Bảo uống, định để con trai tôi chê.t đói hả?”

 

Câu nói này giống hệt như ngày xưa bà Nhung thường hay nói với cô Tình mỗi khi Gia bảo khát sữa.

 

Cô Tình bế con bé Son từ xa nghe thấy cũng rơm rớm nước mắt chạy vào phòng lấy bình sữa của con bé chạy ra đưa cho bà Nhung.

 

“Bà chủ! Sữa đây ạ!”

 

Bà Nhung mừng rỡ cầm lấy chai sữa rồi đút vào miệng Gia Bảo nói:

 

“Có rồi! Có rồi! Uống sữa đi con!”

 

Gia Bảo ngoan ngoãn ngậm lấy cái núm bình sữa giả vờ bú mà nước mắt chảy dài trên má.

 

Tuyết nhìn thấy vậy cũng khóc. Cô chạy lại kéo tay mẹ nói:

 

“Mẹ! Con là Tuyết đây, con gái của mẹ đây! Mẹ còn nhớ con không hả mẹ?”

 

Bà Nhung lườm Tuyết rồi gạt tay ra:

 

“Ra ngoài chơi đi!”

 

“Mẹ!” Tuyết nắm tay mẹ khóc lóc.

 

“Được rồi! Cháu ra ngoài đi! Mẹ cháu đã nhớ được Gia Bảo, là một tín hiệu tốt rồi.”

 

Bà ngoại kéo tay Tuyết ra ngoài. 

 

Tuyết tủi thân quá liền gục mặt vào Hoài An khóc lớn mà không chút ngại ngùng vì vừa hồi nãy thôi cô còn lớn tiếng chửi mắng Hoài An. Có lẽ người cô cũng giống như bà Nhung mẹ mình, cảm thấy Hoài An bây giờ là người đáng tin và an toàn nhất. Giống như kiểu bản năng của con người họ cảm nhận được nhưng lại không dám thừa nhận.

 

Hoài An cũng để mặc cho cô khóc như vậy trên vai mình.

 

“Mẹ không hề thương em, mẹ chỉ thương anh Gia Bảo thôi. Mẹ không cần đứa con gái này. Mẹ chỉ thương con trai mẹ, chỉ nhớ con trai của bà ấy thôi. Hức hức!”

 

Tuyết vừa nói vừa khóc trong tiếng nấc nghẹn ngào.

 

“Mẹ nào cũng thương con cả em ạ. Con trai hay con gái đều vậy. Khi làm mẹ rồi em sẽ hiểu. Dì Nhung không nhận ra em bởi vì ý thức của dì ấy như một đứa trẻ. Mà một đứa trẻ thì lúc nào cũng thích dỗ ngọt. Có lẽ vì em hay cáu gắt với dì khiến dì sợ nên lánh xa em chứ không phải dì không thương em. Cũng là núm ruột mình sinh ra mang trong dạ 9 tháng mười ngày sao lại không thương cho được chứ!”

 

Tuyết nghe Hoài An nói mới nhớ ra. Đúng là từ hôm mẹ mình bị bệnh đến giờ, cô lúc nào cũng cáu gắt bà. Bà muốn cô chơi cùng cô kêu bận, bà hay mè nheo như con nít cô kêu phiền phức khó chịu… Có lẽ như Hoài An nói, bà Nhung không có thiện cảm với cô rồi quên luôn đứa con gái như cô.

 

“Mẹ! Mẹ ơi!” Tuyết bất ngờ chạy lại ôm lấy chân mẹ khóc nấc lên: “Con xin lỗi mẹ! Con sai rồi! Mẹ ơi!”

 

Bà Nhung ngơ ngác nhìn Tuyết khó hiểu. 

 

Gia Bảo kéo em mình đứng dậy rồi dang tay ôm lấy cả cô và mẹ mình.

 

“Tốt rồi! Em hiểu ra mọi chuyện là tốt rồi! chúng ta sẽ làm lại từ đầu!”

 

Bà Nhung nghe con trai nói vậy thì gật gù: “Làm lại từ đầu! Làm lại từ đầu!”

 

Bà ngoại lau nước mắt vì vui mừng. Hoài An cũng khóc. Mạnh Kiên quàng tay qua vai vợ, mắt cũng rưng rưng.

 

“Ơ! Cả nhà làm sao thế kia? Sao lại khóc cả một lượt vậy?” Ông ngoại ngơ ngác xách bịch bỉm cho người lớn mới mua ở cửa hàng tạp hoá ngoài đầu ngõ về cho con gái.

 

Mọi người lau nước mắt rồi lại nhìn nhau cười.

 

Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau một biến cố của cuộc đời, con người ta mới ngộ ra đâu nhiều thứ. Cho nên một việc gì xảy ra dù đều có lý do của nó. Tất cả là để dạy cho chúng ta biết sống như thế nào cho đáng sống.

 

………………..Hết………….