Chương 38
Chương 38:
Bà Ngọc sau khi được con trai xác nhận lời con dâu nói là sự thật thì nằm trong phòng khóc mãi đến tối không chịu ra ngoài.
Ông Ngà đi làm về không thấy vợ đâu. Vào phòng mình mới tá hỏa khi thấy vợ khóc sưng cả mắt lên.
“Lại chuyện gì nữa đây? Bà làm sao vậy?”
Ông Ngà chán nản hỏi.
Bà Ngọc thấy chồng thì mếu máo khóc to lên:
“Ông ơi, nhà mình tuyệt tự tuyệt tôn rồi ông ơi!”
“Cái gì mà tuyệt tự tuyệt tôn hả?”
Ông Ngà ngạc nhiên hỏi lại vợ.
“Thì thằng Tùng con trai mình đó. Nó bị vô sinh rồi. Hèn gì mà mấy năm nay chúng nó không chịu sinh con đẻ cái gì sất. Hu hu! Ông trời ơi! Tôi ăn ở có ác chi mà ông trời lại hành gia đình tôi như vậy chứ? Trời ơi là trời! Tôi không muốn sống nữa ông ơi!”
“Sao lại có chuyện đó được? Bà có nghe nhầm không đấy?”
“Nhầm thế nào được mà nhầm. Chính miệng thằng Tùng đã thú nhận với tôi tất cả rồi! Hu hu! Tôi không thiết sống nữa ông ơi!”
Ông Ngà nghe vợ khẳng định lại như vậy thì ngồi phịch xuống giường thất vọng. Ông im lặng một hồi lâu. Đúng là sự thật này khó chấp nhận thật. Đứa con trai duy nhất của ông lại không thể có con.
“Ông ơi phải làm sao bây giờ hả ông?”
Bà Ngọc túm vai chồng lay gọi rồi lại khóc thống thiết không ngừng.
“Bà hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai bây giờ?”
Ông Ngà cũng như bà Ngọc đang rất tuyệt vọng vì cái tin như sét đánh ngang tai này.
Ông dứt tay vợ ra rồi bỏ lên tầng 3 ngồi hút thuốc cho đến tận khuya.
Sáng sớm, ông Ngà vẫn đi làm bình thường. Hương không chịu dậy ăn sáng như mọi lần. Bà Ngọc hôm nay cũng không dậy luôn. Cô giúp việc có gõ cửa phòng bà Ngọc kêu nhưng bà nói không muốn ăn.
Đến trưa bà giúp việc lại nấu cơm. Ông Ngà bảo là không về nhà. Cô giúp việc lại gõ cửa phòng Hương và bà Ngọc gọi ra ăn cơm. Nhưng cả hai người đều kêu cô đi đi. Họ không muốn ăn. Thế là mâm cơm đã dọn ra chỉ có cô giúp việc là ngồi ngắm mâm cơm của mình mà thôi.
Hương nằm một lúc đến chiều không thấy mẹ vào hỏi han như mọi lần thì cũng cảm thấy là lạ. Những hôm trước tuy cô nói không ăn nhưng bà Ngọc vẫn cố mang cơm đến tận giường cho cô. Nhưng Hôm nay thì lại không thấy bóng dáng mẹ đâu cả. Bụng đói cồn cào cô ta bèn ngồi dậy đi xuống bếp kiếm cái gì đó bỏ vào bụng.
Cô giúp việc thấy Hương bốc thức ăn dưới bếp liền chạy lại nói:
“Có cần tôi dọn cơm ra bàn cho cô không?”
“Khỏi đi.”Hương vừa bốc thức ăn vừa nói.
“Mẹ tôi đâu? Sáng giờ không thấy bà ấy.”
“Bà chủ nằm trong phòng từ tối hôm qua đến giờ không chịu ra. Cũng không chịu ăn uống gì cả.”
Hương nghe thấy người giúp việc nói như vậy ngạc nhiên lắm. Từ trước đến giờ mẹ cô chưa bao giờ tỏ ra như vậy cả.
“Có chuyện gì sao?”
“Tôi cũng không biết nữa. Từ hôm qua sau khi vợ chồng cậu Tùng đến nói chuyện gì đó khiến bà chủ sốc rồi khóc um lên. Sau đó thì cứ nằm miết trong phòng vậy đó.”
“Vợ chồng thằng Tùng nói gì sao?”
Hương suy đoán rồi vội vàng vào phòng mẹ gõ cửa.
“Tôi không ăn đâu chị mang ra đi.”
Bà Ngọc tưởng người giúp việc liền nói.
“Là con đây mẹ.”
Hương tự mở chốt cửa đẩy vào.
“Vợ chồng thằng Tùng nói gì với mẹ vậy?”
Hương ngồi lên giường mẹ hỏi thẳng thừng.
Bà Ngọc nghe con gái hỏi đến chuyện này thì lại càng tủi phận khóc sụt sùi.
“Con Thuyết nó hỗn hào với mẹ hả? Được để đấy con xử nó cho! Được đằng chân lân đằng đầu. Nhà này không có cái thứ con dâu hỗn hào đó.”
Hương tự mình suy đoán rồi chửi em dâu.
“Mày thôi gây chuyện rắc rối cho cái nhà này đi được không?”
Bà Ngọc thấy Hương định tìm em dâu tính sổ thì quát:
“Sao mẹ lại lớn tiếng mắng con?”
“Cái nhà này đã rối tung rối mù lên rồi. Tao cũng mệt mỏi quá rồi chả thiết sống nữa đây.”
Bà Ngọc vừa nói vừa đập đầu vào gối khóc. Hương cảm thấy việc lần này có vẻ hệ trọng đây nên mẹ mình mới làm mình làm mẩy như vậy. Cô ta dịu giọng xuống dỗ mẹ:
“Thì có chuyện gì mẹ nói đi con mới biết được chứ!”
Bà Ngọc quay mặt sang con gái khóc tu tu:
“Thằng Tùng nhà mình nó nó vô sinh rồi. Hu hu nhà mình tuyệt tự tuyệt tôn rồi con ơi!”
“Hả? thằng Tùng vô sinh?”
Hương há hốc miệng ngạc nhiên.
“Hèn chi mà mấy năm nay bọn nó không chịu đẻ.”
“Hu hu. Bây giờ phải làm sao? Giàu có mà không con không cháu thì giàu để làm gì chứ?”
Bà Ngọc lại khóc lóc kể lể.
Hương nhìn thấy mẹ vật vã như vậy cũng không nỡ nói gì mẹ nữa. Cô ta dỗ dành bà một lúc rồi cũng đi về phòng mình.
***
Chiều ông Ngà về nghe người ở kể lại bà Ngọc hôm nay không ăn gì mà nằm lì trong phòng liền chạy vào hỏi han vợ. Thấy vợ phờ phạc cả người, mắt sưng húp, người rã rời nằm một xó trên giường ông cũng xót lắm. Bao nhiêu năm qua làm vợ chồng ông chưa từng nhìn thấy bà Ngọc lâm vào cảnh t, uyệt vọng như thế này. Đúng là khi nghe tin đứa con trai duy nhất của mình vô sinh ông cũng cảm thấy đau đớn lắm! Nhưng ông cũng hiểu sự đau đớn của mình không thấm vào đâu so với bà Ngọc. Bởi bà là một người mẹ. Ông còn có công việc để khuây khỏa nhưng bà Ngọc chỉ có hai đứa con mình là báu vật. Từ nhỏ đã hết sức chiều chuộng cung phụng chúng nó rồi. Bây giờ một đứa thì ly hôn một đứa thì vô sinh. Hỏi làm sao mà không xót xa, không đau đớn, không tuyệt vọng được chứ!
Ông Ngà khẽ ngồi xuống giường đưa tay đặt lên hông vợ kéo về phía mình:
“Mình, mình phải ăn uống vào! Chứ thế này làm sao mà chịu nổi!”
“Tôi cũng đang muốn c, hết đây. Ông mặc tôi. Sống mà không con không cháu.ông bảo tôi phải sống làm gì nữa?”
Bà Ngọc giật tay chồng ra khỏi người mình rồi quay ngoắt vào bờ tường khóc thút thít.
“Kìa bà, mình vẫn còn hai đứa cháu ngoại mà.”
“Nó có nhìn mình đâu? Với lại họ cũng không cho mình gặp nó nữa đâu.”
“Ai nói vậy?”
“Thì chả vậy. Lôi nhau ra tòa còn nhìn mặt nhau được nữa à?”
Ông Ngà vẫn cố an ủi vợ:
“Bên ấy người ta đàng hoàng. Thằng Hạnh cũng là đứa biết điều. Nó không tuyệt tình với mình đâu. Để mai tôi đưa bà đến nói chuyện với nó xem thế nào.”
Bà Ngọc nghe chồng nói thế liền xoay người lại. Trong đầu bà bỗng lóe lên một ý tưởng:
“Ông nghe tôi tính như thế này ông xem có được không?”
Ông Ngà thấy vợ tươi tỉnh một chút thì mừng rỡ liền nói:
“Bà nói đi.Tôi nghe đây.”
“Tôi thấy thằng Hạnh bây giờ nó cũng khỏe mạnh lại rồi. Với lại nghe nói chị em nó ăn lên làm ra lắm. Hay là mình vun vén cho vợ chồng nó tái hợp?”
Ông Ngà nghe vậy thì chần chừ:
“Nhưng liệu bên đó họ có chấp nhận con Hương nhà mình nữa không?”
“Sao lại không? Dù sao chúng nó cũng có với nhau hai mặt con rồi. Ngày mai ông cứ đưa tôi đến đó nói chuyện với bên ấy.”
“Ờ …thì tùy bà. Nhưng bây giờ bà phải ăn uống cho khỏe lại được.”
“Tôi biết rồi.”
Bà Ngọc nghe chồng đồng ý thì tươi tỉnh cả người ta. Bà đứng dậy xuống bếp gọi người ở xới cơm dọn thức ăn cho mình và chồng.
***
Từ ngày có hai đứa trẻ về sống cùng cả nhà cứ nhộn hẳn lên. Đúng là như người ta nói nhà có tiếng cười trẻ nít mới vui nhà vui cửa được. Đặc biệt là với Nhân. Cô nhìn hai đứa trẻ hồn nhiên ngây thơ mà yêu mến vô cùng. Khát khao có một đứa con trong lòng cô bỗng trỗi dậy. Nhưng cô biết mình không thể. Số phận đã như vậy rồi. Ngày ngày nhìn hai đứa vui chơi cô cũng thấy vui lây. Có những lúc cô ngây người nhìn chúng nó cười đùa trong sân vườn rồi bất giác cười theo. Những cảnh tượng này đương nhiên cũng không qua được mắt Xuân.
Hạnh chuyển hẳn trường cho hai đứa về thị trấn để tiện đưa đón. Thỉnh thoảng bận việc anh nhờ Xuân đón con mình. Có lúc Xuân đón có lúc thì Xuân cố tình mắc việc nhờ Nhân đón giùm để tạo điều kiện cho cô cháu gần gũi nhau.
Nhân chở hai đứa trẻ trên xe gắn máy qua cánh đồng mới đến làng mình. Cô chạy chậm lại rồi chỉ cho chúng thấy con bò đang thong thả gặm cỏ trên cánh đồng. Cô cũng ân cần phân biệt cho chúng đâu là con bò, đâu là con trâu, đâu là con bê, đâu là con nghé…những đứa trẻ thành phố lớn lên không biết con trâu con bò thực tế như thế nào mà chỉ biết qua sách vở. Bây giờ được nhìn tận mắt chúng thích thú lắm. Có hôm trời mát mẻ Nhân thả chúng xuống cánh đồng rồi ngồi ngắm mấy cánh diều đang vi vút bay. Dần dần chúng bám Nhân không chịu rời cô nửa bước. Hôm nào được nghỉ học chúng còn đòi Nhân dẫn đi chợ. Rồi lại được cô Nhân dẫn vào hàng bánh cuốn, bánh lá, bánh bột lọc, bánh xèo…. Bánh nào chúng cũng háo hức muốn ăn thử. Có hôm ăn nhiều đến nỗi đến trưa còn no căng bụng bỏ cả cơm nữa.
Nhân lấy làm hạnh phúc khi được chăm sóc những đứa trẻ không phải do mình sinh ra. Bao nhiêu khát khao làm mẹ cô trao hết cho chúng. Cô cố tình đến sớm hơn dạo trước để buộc tóc, chải đầu cho hai đứa. Dần già chúng còn thích cô Nhân đến đón hơn là bố nó. Bởi vì chỉ có cô Nhân mới kể chuyện cho chúng nghe rồi còn dắt chúng đi chân trần trên bãi cỏ nữa.
Tối sau khi ăn uống dọn dẹp xong Nhâm xin phép mọi người ra về thì con bé Tuệ Anh nhất định không chịu cho Nhân về.
“Cô Nhân! cô Nhân!”
Nó níu tay Nhân đong đưa không chịu cho Nhân đi.
“Cô Nhân ngủ lại đây với chúng cháu đi! Hôm qua cô còn chưa kể xong chuyện “công chúa tóc vàng” mà.
Con bé chị cũng hùa vào đòi Nhân ở lại.
Nhân ngượng ngùng nhìn Xuân rồi lại nhìn Hạnh.
Hạnh thấy hai đứa cứ nhất quyết đòi Nhân ở lại thì liền nói:
“Hay là hôm nay Nhân ở lại ngủ với chúng nó một đêm đi.”
“Em …em…” Nhân ngượng ngùng. Thực ra trong lòng cô cũng muốn ở lại lắm, cũng muốn ôm chúng nó vào lòng rồi đi ngủ. Muốn ru chúng nó như cách mà cô từng tưởng tượng bao đêm.
Xuân dường như cũng đọc được ý nghĩ của Nhân liền đứng dậy nói:
“Em cứ ở lại đi. Ngủ với chúng nó một đêm. Chứ nhìn chúng nó năn nỉ đến tội!”
Có lời này của Xuân, Nhân mới mạnh dạn hơn.
“Vâng! Vậy để em gọi điện thoại về báo cho dì một tiếng.”
“Yeah….”
Hai đứa vừa nghe Nhân đồng ý ở lại thì reo lên rồi ôm chầm lấy cánh tay Nhân. Chúng còn chẳng kịp cho Nhân gọi điện thoại mà lôi cô vào phòng mình để Nhân kể tiếp câu chuyện dở mà trưa nay chúng mới chỉ nghe được một nửa thì ngủ mất.