Chương 38

Chương 38:

 

Bảo đi bộ một đoạn thì đến một quán sửa xe máy quen thuộc. Chủ quán thấy Bảo quần áo rách te tua, mặt mày xước xát, đầu gối rớm máu thì lăng xăng chạy ra hỏi:

 

“Ôi! Chú Bảo, chú bị tai nạn xe à?”

 

“Ừm. Mẹ kiếp! Số đen như chó ý. Mới sáng sớm mà hãm. Nhờ bác lại chỗ ngã ba đấy dắt con xe về sửa hộ em. Em đau chân không dắt được.”

 

Chủ quán nhìn điệu bộ của Bảo, anh ta cũng chẳng ưa gì anh nhưng vì là trưởng công an xã nên cũng phải lấy lòng cho yên.

 

“Chú yên tâm! Để anh kêu mấy thằng đệ lại dắt về sửa cho chú. Mà mặt mày chú vậy không lên trạm xá người ta rửa vết thương cho?”

 

“Thôi, rách việc ra. Em về thay bộ quần áo nghỉ ngơi là được. Mà bác có thuốc không cho em điếu!”|

 

“Vâng! Đây thuốc đây!” Chủ quán vội chạy vào nhà lấy một bao thuốc lá ba số kính cẩn đưa cho Bảo.

 

Bảo bị thương nhưng không đau bằng việc nhìn thấy vợ mình đi cùng một gã đàn ông khác, trong khi mình thì thê thảm thế này. Chắc cô ta khinh mình lắm, đáng đời mình lắm! Bảo cay quá đập tay xuống bàn cái côp.

 

“Chuyện gì vậy chú?”

 

Chủ quán nghe thấy tiếng đập bàn quá lớn liền giật mình hỏi.

 

“À không! Không có chuyện gì cả. Em lỡ tay. Mà anh rãnh không chở em về nhà cái. Cái chân đau quá không đi được.”

 

Bảo chỉ xuống cái chân đang rớm máu của mình nói.

 

Anh chủ quán vốn không ưa Bảo, giờ lại bị làm phiền bắt đưa về thì tức lắm. Nhưng biết làm thế nào. Đây là địa bàn của Bảo. Anh ta mà ghét thì kiểu gì cũng kiếm cớ dây dưa công việc làm ăn của anh. Nên thôi đành bằng mặt mà không bằng lòng vậy.

 

“Rảnh! Rảnh chớ! Đối với chú thì anh lúc nào cũng rảnh.”

 

Chủ quán hăm hở lấy cái xe cup 81 xấu nhất ra để chở Bảo. Anh ta cố tình như vậy.

 

Vừa về đến cổng thì gặp ngay ông Bách đi đâu về.

 

“Có chuyện gì thế này? Con bị ngã xe hả?”

 

Ông Bách thấy tình trạng của Bảo như vậy liền lo lắng hỏi.

 

“Vâng!” Bách đáp cụt lủn. Anh ta không hề nể mặt bố mình trong cái nhà này.

 

“Bà nó ơi!”

 

Ông Bách gọi.

 

“Làm cái gì mà ông la lối om sòm vậy hả?”

 

Bà Thái vừa đi vừa càm ràm chồng. Ra đên ngõ thì thấy Bảo tả tơi như vậy liền quát lên:

 

“Trời ơi! Mày làm sao vậy hả Bảo? Đứa nào đánh mày ra nông nổi này hả con?”

 

“Mẹ yên lặng đi tí được không? Con bị ngã xe chứ chả ai đánh con cả.”

 

Bảo gằn lên với mẹ rồi nói:

 

“Thôi anh về đi. Sửa giùm em cái xe, xong thì gọi cho em.”

 

“Ừm! Chú yên tâm. Sửa xong anh cho người mang đến tận nhà chú liền khỏi mất công chú.”

 

“Trời ơi là trời! Đi đứng cái kiểu gì thế không biết! Hôm qua mày say xỉn ở đâu chứ gì?” Bà Thái xót con sờ soạng khắp người Bảo vừa khóc vừa la:

 

“Còn ông nữa. Thấy con như vậy còn không mang nó vào. Đứng ngây ra đó làm gì. Đúng là được cả bố lẫn con, vô tích sự.”

 

“Thôi anh về đi!” Bảo ngượng với chủ quán vì những lời lẽ thiếu văn hoá của một gia đình được gọi là văn hoá, toàn cán bộ.

 

“Ừm. Anh về nhé!” Chủ quán liếc Bảo nhủ thầm: “Đúng là họ hàng nhà tôm.”

 

Ông Bách nghe lời vợ dìu con vào nhưng Bảo tự ái vằng tay ông ra nói:

 

“Con có chết đến nơi đâu mà bố mẹ làm toáng lên.”

 

Nói rồi vùng vằng tự mình đi vào nhà.

 

Bảo đi thay quần áo. Bà Thái sai chồng đi mua nước muối, cồn, thuốc đỏ, bông băng về rửa vết thương cho con. Tay chân bà luống cuống run run dù vết thương của Bảo không nghiêm trọng mấy.

 

Đang rửa vết thương dở thì Trúc đi ăn sáng về. Con mới hai tuổi, Trúc đã tống nó đi mẫu giáo cho đỡ cực. Dù bà Thái có nói để ở nhà bà trông cho. Nhưng Trúc nhất quyết không để bà trông. Cô gửi con nhà trẻ rồi đi làm. 

 

Sinh xong, vóc dáng không còn được thon gọn như xưa nên cô không là nghề PG được nữa. Cô theo bạn học cắt tóc rồi mở một tiệm cắt tóc gội đầu ở cạnh đường cái, chỗ đông người qua lại. Bình thường tầm gần trưa cô mới mở quán vì lúc đó người ta mới hay đi cắt tóc gội đầu. Với lại, Trúc có cái tật ngủ nướng quen từ thời con gái rồi, không bỏ được. Phải 8 giờ mới dậy rồi đi ăn sáng nửa, đủng đỉnh khoảng chín mười giờ mới ra quán. 

 

Thấy Bảo quần áo tả tơi, đầu rối bù, người ngợm thì hôi rình như ăn mày đang ngồi cho bà Thái rửa vết thương thì trề môi nói:

 

“Lại mèo mả gà đồng với con nào bị chồng nó đánh cho chứ gì? Cái thân của anh thì có làm được gì đâu mà đi cho thiệt thân!”

 

Bà Thái nhịn con dâu từ ngày lỡ tay xô ngã nó cho yên nhà yên cửa. Nhưng hôm nay thấy chồng bị ngã đau như vậy, phận làm vợ đã không giúp chồng xoay sở còn quay sang mỉa mai thì bà Thái không thể chịu được tính khí ngang ngược của đứa con dâu này nữa.

 

“Cô một vừa hai phải thôi. Đừng có để tôi điên lên. Con người ta cũng có sức chịu đựng nhất định. Cô không thấy chồng cô nó bị tai nạn mà còn giương mắt lên chửi chồng hả?”

 

“Hừm! Tôi nói không đúng sao? Loại đấy có chết cũng chó nó thương!”

 

“Bụp!”

 

Bà Thái quăng lọ cồn đang bôi dở cho con trai quay sang tát con dâu một cái như trời giáng: “Mất dạy!”

 

“Bà dám đánh tôi?”

 

Trúc ôm má trợn mắt lên nói rồi lao vào túm tóc bà Thái xô ta bà ta một cái. May mà Bảo ngồi gần nên đỡ được. Anh đứng dậy ôm lấy vợ lôi ra.

 

Bà Thái điên tiết đứng dậy xông vào Trúc, tát liên tiếp hai ba cái vào mặt cô ta:

 

“Mày dám trù ẻo con bà! Rủa con bà chết này!”

 

Trúc bị kiềm tay bởi Bảo nên không đánh trả được. Lại bị bà Thái tát liên tục đau rát quá, cô ta liền đu lên người Bảo, ra sức lấy đà đạp bà Thái một cú.

 

“Á…”

 

Bà Thái bị ngã chúi dụi xuống đất.

 

“Mày dám đánh mẹ tao à!” Bảo điên tiết tát Trúc một cái. Sức đàn ông giận dữ mạnh khủng khiếp khiến Trúc quay lơ chóng hết cả mặt mày ngã bổ nhào xuống cạnh góc bàn.

 

“Á…!” Trúc chỉ kịp kêu lên một tiếng. Khi mọi người nhìn lại thì thấy cô ta đang nằm trên một vũng m.áu. 

 

“Mày, mày… thằng khốn!” Trúc giơ một cánh tay vấy m.áu lên chỉ về phía Bảo kêu lên. 

 

Bảo tái mét mặt. Người run như cầy sấy, miệng lắp bắp nói:

 

“không… Không… không phải tôi… Tôi… tôi không g.iết cô ta. Là tại cô ta… Không…!”

 

“Có chuyện gì vậy?” Một người họ hàng nhà bà Thái đến chơi thì vô tình gặp cảnh này.

 

“Ngã… Con trúc nó bị ngã…” Bà Thái loạng choạng đứng dậy nhưng vẫn nhanh trí cố giữ bình tĩnh để bao biện cho con.

 

“Nhanh! Nhanh đưa nó lên viện cấp cứu đi còn đứng ngây ra đó làm gì nữa!”

 

Người họ hàng giục Bảo.

 

“À… Vâng”

 

Bảo ngớ người rồi chợt bừng tỉnh vội mặc vội quần áo vào dắt xe máy của ông Bách ra.

 

“Mà chân tay mày sao thế kia? Có đi được xe không?”

 

Người họ hàng nhìn bộ dạng của Bảo ái ngại nói.

 

“Nó cũng mới bị ngã xe.”

 

Bà Thái nói hộ con trai rồi quát ông chồng:

 

“Ông chở nó đi, còn đứng ra đấy!”

 

“À… ừ!” Ông Bách vội chạy lại dắt xe thay Bảo.

 

Người họ hàng đỡ Trúc dậy. Cô ta cũng xanh mét mặt mày vì mất máu:

 

“Cứu… cứu cháu với!”

 

 

“Yên tâm! Yên tâm! Không sao đâu!” Người họ hàng vừa trấn an Trúc vừa nói lớn:

 

“Lấy cho tôi cái khăn!”

 

Bà Thái lật đật chạy lại giàn phơi giật đại một chiếc khăn tay đưa cho người họ hàng. Anh ta liền chụp lên đầu Trúc băng bó tạm thời rồi bế cô lên xe, đồng thời cũng tự ngồi lên luôn.

 

“Bác nhanh lên đi! Đến trạm xá trước cho người ta cầm máu đã!”

 

Ông Bách răm rắp nghe theo người anh em nhà mình, rồ ga chạy một mạch lên trạm xá.

 

Trúc lên đến nơi thì bất tỉnh. Nhân viên y tế cầm máu cho cô xong thì chuyển ngay lên tuyến trên lập tức.

 

 

Trúc bị chấn động não, mất trí nhớ tạm thời không nhớ gì. Ngay cả bố mẹ ruột đứng bên cạnh cô cũng không nhớ là ai. Thỉnh thoảng nói vài câu vô nghĩa về khoảng thời gian ấu thơ. Gia đình Trúc vô cùng tức giận đánh đấm Bảo. Họ yêu cầu công an vào cuộc điều tra hành vi đánh đập Trúc gây thương tích.

 

Vụ việc ngày càng ầm ĩ. Gia đình Trúc quyết không buông tha dù có ai can ngăn đi nữa. Cán bộ điều tra tập trung tại nhà bà Thái. Họ mời cả gia đình bà Thái và một người họ hàng lấy lời khai.

 

Bảo run quá không nói được gì. Hai tay hai chân run bần bật. Răng miệng va vào nhau dù bây giờ đang là mùa hè, trời rất nóng. Bà Thái xót con nên khai:

 

“Con dâu tôi vốn tính hỗn láo chửi lại mẹ chồng như cơm bữa.  Tôi đã nhịn nó nhiều lần vì dù sao cũng không muốn hạnh phúc con mình xào xáo lần nữa. Nhưng nó càng ngày càng quá. Chồng nó bị tai nạn mà nó trù ẻo cho chồng mình chết đi. Tôi tức quá tát nó một bạt tai. Ai ngờ nó ngã va vào cạnh bàn. Là nó tự ngã vào chứ tôi không cố ý.”

 

Ông Bách biết vợ mình nói dối nhưng cũng không dám can. Còn Bách thì vẫn còn run càng không dám hé răng. Anh ta bị mẹ bao che từ nhỏ, con đường công danh thì được mẹ và chị chạy chọt lo cho nên chỉ to xác chứ bản lĩnh thì không hề có. Thấy mẹ nhận tội thay mình anh ta cũng không dám lên tiếng.

 

Công an điều tra nhìn thái độ của Bảo họ cũng nghi ngờ. Nhưng họ hỏi nhân chứng một lần nữa thì cả hai đều khẳng định là do bà Thái vô tình xô ngã Trúc. Vậy là nghiễm nhiên, bà Thái trở thành tội phạm.

 

Bảo sợ hãi gọi cho chị gái là Bích cầu cứu. Bích nghe xong chuyện cũng chạy về nhà xem xét tình hình. Cô nhìn thái độ của em trai mình và cách nói chuyện của mẹ thì đoán ngay ra bà đang nói dối:

 

“Là mẹ đang bao che cho thằng Bảo đúng không? Con đã nói bao nhiêu lần rồi. Chính vì mẹ quá bao che nó, hơi tí là bênh cho nên nó hết lần này đến lần khách gây nên chuyện đấy. Giờ mẹ thấy hậu quả rồi chứ?”

 

Bích tức giận mắng mẹ. Bà Thái biết tình hình nhà mình bây giờ trông cậy cả vào Bích nên không dám mắng con gái nữa.

 

“Mẹ biết, mẹ có lỗi vì đã quá nuông chiều em con. Nhưng cũng thấy rồi đấy. Mọi chuyện đã xảy ra rồi. Có nói lại cũng không giải quyết được gì. Thằng Bảo nó là trưởng công an xã, có tiền án tiền sự nữa thì còn gì công danh sự nghiệp nữa. Nhà mình có mỗi nó là con trai. Mẹ thì già rồi, dù có ngồi tù cũng không sao. Nhưng nó còn trẻ, còn cả tương lai phía trước, làm sao mà để nó đi tù được chứ!”

 

Bà Thái vừa giải bày với con gái vừa thút thít khóc.

 

“Mẹ bao che cho nó mãi. Nó mới không biết đúng sai mà làm bậy. Mẹ có sống mà đi tù thay cho nó được mãi không?”

 

Bích nghe mẹ nói vậy cũng vừa khóc vừa mắng. Dù gì thì bà Thái cũng là mẹ đẻ cô. Bà già rồi làm sao cô nỡ nhìn mẹ mình sống những ngày tháng cuối đời trong tù được.

 

“Bích! Mẹ xin con! Mẹ biết con là đứa con gái hiếu thảo. Con quen biết rộng. Con làm ơn làm phước nghĩ cách cứu mẹ, cứu em con. Cái nhà này trông cả vào con.”

 

Bích lau nước mắt rồi nói: “Ai làm người đó chịu. Con cũng không có cách nào.”

 

Cô nói xong thì xách xe máy đi ra khỏi nhà.