Chương 36

Chương 36:

 

Bà Nhung mệt quá ngủ một mạch đến gần trưa mới dậy. Nhìn đồng hồ bà giật mình khi 8 giờ sáng rồi vẫn không thấy chồng về. Bà bật tỉnh dậy ra khỏi giường chẳng thèm trang điểm ăn mặc chải chuốt, xịt nước hoa thơm phức như mọi khi mỗi lần bước ra đường. Bà vớ vội cái túi xách rồi gọi điện thoại cho chú Thành, tài xế taxi của chồng. Nhưng bà quên là chú Thành đã đi lái xe chở ông Quang đi công tác  như lời ông nói rồi.

 

Bà tự lấy xe máy của mình lái xe đến tận Uỷ ban huyện tìm chồng. 

 

Bà không hỏi không rằng mà chạy xộc vào cơ quan chồng. Cán bộ nhân viên ở đây đều biết bà là vợ của chủ tịch huyện nên không dám cản trở. Họ chỉ nói là chủ tịch chưa đến. Bà Nhung không tin, bà lu loa lên chửi thẳng vào mặt anh cán bộ cấp dưới của ông Quang:

 

“Các người đang bao che cho nhau! Các người đừng hòng mà che mắt tôi.” Nói rồi bà hồng hộc đi vào mở cửa phòng chủ tịch. Nhưng chìa khoá là ông Quang cầm, ông ấy chưa đến thật nên cửa bị khoá.

 

“Mở cửa! Mở cửa ra cho tôi ngay!” Bà Nhung đập cửa ầm ầm. Có lẽ bà ghen quá hoá điên mất rồi. Bà không nghĩ đến mặt mũi của chồng nữa rồi. Thứ sĩ diện mà bà luôn coi trọng từ xưa đến này.

 

“Bà đang làm cái gì ở đây vậy?” Tiếng ông Quang nói lớn từ đằng xa. Bà Nhung bàng hoàng quay mặt lại. Ông Quang đúng là bây giờ mới đến thật. Mấy người cấp dưới thấy sếp lớn đến thì khúm núm lùi lại nhìn nhau.

 

Bà Nhung không thèm nể mặt chồng chạy ào tới túm áo chồng:

 

“Ông đi đâu từ đêm qua mới về hả? Ông nói cho tôi nghe! Ông đi đâu? Ông đi với con nào?” 

 

Ông Quang liền túm lấy vai vợ nói khẽ:

 

“Chuyện cá nhân mình về nhà rồi nói!”

 

“Không cá nhân với cá nhõe gì hết! Ông nói đi! Ông đi đâu?”

 

“Được rồi! Bà đi theo tôi!” Ông Quang kéo vợ đi ra ngoài không quên dặn nhân viên hôm nay mình nghỉ không đi làm.

 

Cả đám người nhìn theo vợ chồng ông Quang đang kéo tay kéo chân nhau. Vài kẻ cười thầm, phen này ông Quang về lùa gà là cái chắc. Cái clip hôm qua đã phát tán khắp cả nước này rồi. Trên mạng facebook đang rần rần cái vụ ông chủ tịch huyện ngoại tình với osin để con gái ruột bắt được lan tỏa với tốc độ chóng mặt.  Không biết vợ con ăn cái giống gì mà ngu thế. Tự dưng lại lật đổ chén cơm của bố mình. Ông Quang còn trẻ lại có năng lực, có mối quan hệ rộng thì đường công danh còn thênh thang lắm. Thế mà… Có người thì lắc đầu tiếc nuối, kẻ cơ hội thì mừng thầm. Có thế thì người khác mới có cơ hội để lên chứ.

 

Ông Quang vất vả lắm mới có thể đem được vợ về nhà. Bà Nhung lên xe cào cấu chồng một trận nữa. Ông Quang để mặc cho vợ cào xé cơ thể mình lặng im chịu trận để bà ta hạ cơn thịnh nộ.

 

“Ông nói đi! Ông đến với cô ta đúng không? Trời ơi là trời! Sao cái số tôi nó khổ vầy là trời! Hết con lại đến chồng!”

 

Bà Nhung gào khóc la hét một mình, tay chân vẫn không thôi cào cấu chồng mình. Ông Quang vẫn lặng im để vợ hành xác mình. Ông biết mình phản bội vợ là có tội với bà, ông không một lời biện minh cho việc làm sai trái đó của mình.

 

Bà Nhung la hét, chửi mắng, đánh đấm đến đâu ông Quang vẫn không nói gì thì lại càng điên tiết. Sau một hồi lâu hành xác thì cả người đều mệt rũ, bà ngồi sụp xuống đất khóc than:

 

“Ông nói đi! Tại sao ông lại ngoại tình với cô ta? Bao nhiêu con gái đẹp đẽ ngoài kia ông không đả động đến. Đằng này ông lại đi ngoại tình với một người đàn bà vừa già vừa xấu hơn vợ mình, lại còn là osin nữa. Ông đang hạ nhục tôi đấy ông biết không hả? Hức hức!”

 

Bà Nhung vừa nói vừa đấm vào ngực mình thùm thụp.

 

“Ông câm rồi sao? Ông khinh thường tôi đến mức không thèm nói với tôi! Ông cút đi cho khuất mắt tôi!”

 

Ông Quang thấy vợ tự đánh mình như vậy liền cúi xuống dìu vợ lên nói:

 

“Tôi biết tôi đã làm một việc vô cùng sai trái. Tôi không có lời nào để biện minh cho hành động của mình cả. Nhưng tôi xin bà đừng làm tổn thương mình nữa.”

 

“Ông đừng có giở cái thói đạo đức giả ra với tôi! Nếu ông thương tôi thì ông đã không làm cái việc bại hoại gia phong kia!” Bà Nhung nghiến răng nói. Bất chợt mắt bà trợn lên như phát hiện ra điều gì đó:

 

“Tất cả là tại con đàn bà đó. Chính nó đã giở trò chèo kéo ông. Chính nó. Nếu không ông không đời nào bỏ tôi, bỏ cái nhà này mà theo nó. Tôi sẽ khiến nó sống không bằng chết. Dám cướp chồng bà hả con đ.ĩ già! Mày chán sống rồi! Bà sẽ cho mày biết tay!”

 

Bà Nhung ngồi dậy như lên đồng định lăm lăm đi đâu đó.

 

“Bà muốn đi đâu?”

 

“Đi tìm con đàn bà đó.”

 

“Bà thôi đi!”

 

“Ông còn bênh nó?”

 

Ông Quang không nói gì. Bà Nhung lại càng tức.

 

“Ông im lặng có lẽ là điều tôi nói là đúng phải không? Phải không?” Bà Nhung túm cổ áo chồng gào lên.

 

“Phải!”

 

“Bộp!” Bà Nhung dang tay tát chồng hét lên: “Khốn nạn!”

 

Ông Quang vẫn không đánh trả. Ông lãnh trọn cú tát của vợ, ôm một bên má đứng nhìn vợ.

 

Bà Nhung khuỵu ngã xuống đất khóc la một hồi. Ông Quang biết vợ đang nổi cơn tam bành có nói gì vào lúc này cũng bằng không. Ông lẳng lặng đi vào phòng mình để bà Nhung không nhìn thấy mình nữa. 

 

Clip của ông Quang được bàn tán xôn xao mấy ngày nay. Đương nhiên nó cũng đến tai mấy cán bộ cấp cao của huyện ủy và cả tỉnh nữa. Ông đi đến đâu cũng có người xì xào bàn tán. Nhưng ông Quang tỏ ra khá bình thản. Dường như ông đã chuẩn bị rất kỹ cho ngày này. Ông tự nộp đơn xin từ chức và đứng ra nhận mọi khuyết điểm, hình thức kỷ luật. 

 

Ông Quang đi ra ngoài ở, không mang theo bất kỳ một thứ gì ngoài bộ quần áo ông mặc trên người. Bà Nhung không biết chồng bỏ nhà đi, bà cứ ngỡ ông tạm thời đi đâu đó rồi về. Nhưng ông không về nhà nữa. Bà bắt đầu rốt ráo đi tìm. Bà gọi hết cho người quen, đến nhà từng người để tìm nhưng đều không có ông. Bà biết ông đã đi với người đàn bà đó. Nhưng cô Lụa ở đâu thì bà không biết. Bà chỉ nhớ mang máng cô nói xã cô ở. Thế là bà thuê người đi tìm. Tuyết cũng vào cuộc giúp mẹ. Cuối cùng hai mẹ con cũng tìm ra địa chỉ nhà cô Lụa. Họ thuê taxi đến tận nhà cô Lụa để tìm nhưng người ta nói cô Lụa đã bán nhà và chuyển đi đâu sống rất lâu rồi, không ai biết tung tích của cô ở đâu cả.

 

Nhà bà Nhung rối như tung rối mù lên. Bà chẳng thiết tha gì nữa. Cháu gái cũng bỏ mặc cho cô Tình. Cả ngày nằm ủ rũ trong phòng. 

 

“Bà chủ! Bà chủ ơi!” Cô Tình gõ cửa phòng.

 

“Mang đi, tôi không ăn.” Bà Nhung tưởng cô Tình mang cơm vào liền đuổi đi.

 

“Ông chủ về ạ!” Cô Tình khẽ nói.

 

Bà Nhung nghe tiếng “ông chủ về” liền ngồi bật dậy mở cửa chạy ra ngoài. Ông Quang đang ngồi ngoài phòng khách, ăn mặc đơn giản không còn chải chuốt như xưa, người gầy hơn nhưng phong thái thì rất tươi tỉnh.

 

“Ông về đây làm gì? Sao không đi luôn đi!”Bà Nhung làm cao mắng chồng.

 

“Tôi… Tôi chỉ về đây một lát. Tôi muốn nói với bà chuyện này, xong rồi sẽ đi ngay.”

 

Ông Quang ngập ngừng rồi mở cái tệp trong cặp xách rút ra một tờ giấy đưa cho bà Nhung:

 

“Đây là đơn ly hôn tôi đã soạn sẵn và ký rồi. Tài sản tôi để hết cho bà không mang theo bất cứ thứ gì cả. Tôi chỉ mong bà ký vào lá đơn này và giải thoát cho tôi.”

 

“Soạt! soạt!” Bà Nhung xé tan nát tờ giấy trong tay nhiều mảnh vụn rồi ném vào mặt chồng.

 

“Giải thoát! Giải thoát! Ông đừng mong tôi giải thoát cho ông! Cả đời này ông cũng đừng mong thoát khỏi tôi!”

 

Bà Nhung trợn mắt tiến lại gần ông Quang thách thức.

 

Ông Quang dường như cũng lường trước tình huống này nên khá bình tĩnh. Hơn ba mươi năm sống cùng bà Nhung, ông quá hiểu rõ con người vợ mình. Bên ngoài thì xinh đẹp, sang trọng nhưng đụng chuyện là nhảy sổ lên, ăn nói bỗ bã không suy nghĩ không khác gì mấy những bà thím buôn bán ở chợ.

 

“Bà đừng làm những việc này vô ích. Tôi đã quyết định rồi. Bà không ký tôi cũng nhờ luật sư giải quyết. Chúng ta sẽ không còn là vợ chồng trên pháp luật nữa.”

 

Cách hành xử của ông Quang giống hệt Gia Bảo. Có lẽ họ ngoài có huyết mạch chung ra còn có chung sự quản thúc đến ngột ngạt của bà Nhung nữa.

“Ông nhất quyết đòi ly dị với tôi để đến với con đàn bà đó. Chính vì nó ông mới đòi sống ch.ết ly hôn với tôi chứ gì? Tôi không đời nào để các người nhởn nhơ vui vẻ trên nỗi đau của tôi vậy đâu. Tôi sẽ kiện ông, kiện con bà đó vào tù vì đã phá nát cái gia đình này.”

 

“Được! Bà cứ làm những việc mà bà muốn. Tôi không thể cản và cũng không muốn cản bà nếu bà cảm thấy như vậy sẽ khiến bà thoải mái hơn. Ai cũng phải trả giá cho những sai lầm của mình. Cả bà và cả tôi nữa. Tôi đã phải trả giá 2 phần 3 cuộc đời mình vì sai lầm của tuổi trẻ. Tôi đã phụ người con gái tôi yêu để lấy bà chỉ vì muốn thăng quan tiến chức. Tôi đã phụ cô ấy để lấy bà. Những năm qua tôi luôn nhường nhịn bà, bà làm gì dù sai trái, tôi đều không có ý kiến, coi như đã đền đáp bà rồi. Cô ấy có thể không xinh đẹp bằng bà, không giàu có như bà, không học thức như bà nhưng cô ấy là người khiến tôi có cảm giác được tôn trọng, được yêu thương và có cảm giác gia đình. Tôi chấp nhận chịu sự trừng phạt của bà nếu bà muốn để đổi lấy tự do cho mình. Tôi chỉ muốn những ngày tháng cuối đời được sống cho bản thân mình.”

 

Ông Quang tiếp tục rút ra một tờ giấy nữa đặt lên bàn rồi đi thẳng không một chút lưu luyến gì.

 

“Ông đứng lại đấy! Đứng lại đấy cho tôi!”

 

Bà Nhung hét lên nhưng ông Quang vẫn không mảy may đoái hoài.

 

“Ông Quang! Đứng lại cho tôi!” Bà Nhung cầm lọ hoa ngay trên bàn ném theo chồng nhưng ông đã đi ra gần đến cổng. 

 

Thấy chồng không có ý định quay lại, bà Nhung cuống cuồng chạy theo thì bị ngã xuống đất, tay chống vào mảnh thủy tinh do chính bà làm vỡ lúc này khi ném bình hoa.

 

“Bà chủ! Bà chủ ơi! Bà có sao không?” Cô Tình chạy lại chỗ bà Nhung đỡ bà ta dậy. Má.u từ cổ tay bà Nhung ứa ra thành từng giọt chảy xuống đất thành một vũng nhỏ nhưng bà không cảm thấy đau bằng trái tim mình lúc này. Nó cũng đang chảy m.áu, đau đớn và tuyệt vọng.