Chương 36

Chương 36:
Vân không nghi ngờ gì, nghe lời bà Ba lấy xe máy đi luôn.
Chờ cho Vân đi khỏi, bà Ba mới hỏi dò:
“Chẳng biết trời xui khiến thế nào mà chiều tối rồi, hai mẹ con nó tìm trúng nhà tôi để hỏi thăm. Cũng may tôi có căn nhà nhỏ bỏ không mấy chục năm rồi. Tuy không ở nhưng vẫn sạch sẽ gọn gàng vì ngày nào tôi cũng sang quét dọn.”
“Chúng tôi rất biết ơn chị. Cảm ơn chị đã giúp đỡ cháu Vân nhà tôi.”
Ông Thanh nói có vẻ ngượng nghịu vì bản thân ông là cha mà lại không giúp được gì cho con gái, để một người xa lạ phải cưu mang nó.
Bà Ba nhìn thái độ nói chuyện của hai vợ chồng ông Thanh, bà cũng đoán biết được phần nào hoàn cảnh của Vân khi sống trong ngôi nhà này. Bà chậm rãi hỏi tiếp:
“Tôi hỏi một việc không liên quan lắm. Cháu Vân nhà mình sinh năm mấy ạ?”
Ông Thanh bị hỏi bất ngờ thì lúng túng trả lời:
“Hình như là tuổi Sửu thì phải. Đúng không bà nhỉ?” Ông Thanh quay lại hỏi vợ.
“Ờ…Chắc là vậy.” Bà Thao cũng trả lời chồng cho có.
Đến tuổi con gái mình mà bố mẹ còn không nhớ rõ. Bà Ba gần như chắc chắn suy đoán của mình là đúng. Vân không phải là con ruột của ông bà.
Lúc này bà mới an tâm đưa ra một tấm hình đã cũ sờn. Tấm hình một đứa bé gái tóc thắt thành hai bím hai bên mang tai, đang đứng cạnh chậu hoa đào ngày tết.
“Ông bà xem, đứa bé này có quen không ạ?”
Cả ông Thanh và bà Thao đều điếng người. Đứa bé trong ảnh chính là đứa bé mà ông bà nhặt được ở chợ. Cũng chính bộ quần áo này nó mặc lúc đứng khóc ở chợ.
“Bà… Sao bà lại có bức hình này?”
Bà Ba chú ý quan sát thái độ của hai người rồi bình tĩnh nói tiếp:
“Có vẻ như ông bà nhận ra đứa bé gái này.”
Bà Thao im bặt không nói gì. Ông Thanh có vẻ hơi run, vẻ mặt đau khổ, cũng lặng im.
“Không giấu gì ông bà, đứa bé gái trong ảnh này chính là con gái tôi. Cháu bị thất lạc từ lúc cháu mới hơn hai tuổi trong một lần tôi đi chợ mùng 4 tết. Hơn ba mươi năm rồi, tôi vẫn đi tìm con gái mình mà vẫn chưa được gặp.”
Bà Ba run run, mắt rưng rưng như sắp khóc.
“Bà… Đứa bé này là con gái bà sao?” Ông Thanh thấy bà Ba sắp khóc thì liền hỏi.
“Vâng! Thưa ông.”
“Con Vân nó là con gái do chính tôi sinh ra.” Bà Thao bất ngờ lên tiếng khẳng định một cách chắc nịch.
“Bà!” Ông Thao khuyên can vợ.
“Ông im đi để tôi nói. Tôi không biết bà đến đây với mục đích là gì. Nhưng con Vân là con gái ruột của tôi. Nếu không có chuyện gì nữa thì mong bà về cho. Nhà tôi rất bận.”
“Bà thôi ngay đi được không? Sống với bà gần bốn mươi năm rồi, đến giờ này tôi còn không hiểu con người bà được làm bằng xương bằng thịt hay bằng đá bằng thép nữa. Con Vân đã chịu thiệt thòi từ nhỏ. Bà biết thừa rồi còn gì. Bây giờ nó tìm được nguồn cội, sao bà lại nhẫn tâm phũ bỏ hả? Bà, từ trước đến giờ bà có thương yêu gì nó đâu!” Ông Thanh quá bức xúc vì thái độ của vợ nên đành nói ra sự thật, không cho bà che giấu nữa. Từ trước đến nay, cũng bởi vì ông quá nhu nhược nhường nhịn bà cho yên cửa yên nhà nên Vân dù bị chịu thiệt, chịu khổ ông cũng không dám lên tiếng. Bây giờ, cuộc đời Vân đã có cơ hội bước sang trang mới, ông không thể để cô chịu khổ mãi được.
“Phải! Tôi ích kỷ, tôi xấu xa, tôi là người mẹ độc ác hơn cả dì ghẻ. Ông hài lòng chưa?”
Bà Thao bất ngờ ôm mặt khóc nức nở:
“Tôi nuôi hai đứa con gái hơn ba mươi năm trời. Cả con Vân và con Dung. Tôi chăm bẵm con Dung từng ly từng tí, dốc hết tiền của, công sức, thời gian đầu tư cho nó ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định, lấy chồng giàu có. Tôi nhịn nhục để con gái chửi mẹ như hát hay nhưng vẫn không hé răng chịu đựng. Những tưởng được nhờ vả. Ai ngờ đâu lúc hoạn nạn mới hay. Nó chẳng thèm ngó ngàng đến bà già này. Tôi bệnh, tôi nằm viện nó chớ hề hỏi thăm tôi một câu. Tôi chết nó cũng chẳng hay. Tôi đói nó cũng chẳng biết. Chỉ có con Vân là không quản lên chăm sóc tôi ngày đêm. Nó không ngại bẩn, ngại nhục, không thù hằn tôi, vẫn bưng bô, rửa ráy cho tôi… Tôi ân hận lắm. Đứa con gái này mới coi tôi là mẹ nó. Tôi không muốn mất nó. Tôi thật sự không muốn. Ông hiểu không hả?”
Bà Thao khóc hu hu như một đứa trẻ. Ông Thanh bất ngờ lắm trước những lời thốt ra từ miệng vợ mình. Hoá ra bấy lâu nay, bà ấy đã thừa nhận Vân là đứa con gái thương bà ấy nhất. Ông vừa mừng vừa giận vợ.
Bà Ba đáng lẽ sẽ mắng cho bà Thao một trận nhưng thấy bà Thao khóc vật vã như vậy cũng không nỡ nào.
“Bà chị! Tôi xin lỗi bà chị. Tôi biết một lời xin lỗi cũng không thể nói hết được nỗi lòng của mình. Tôi cũng mong bà thông cảm cho nhà tôi. Bà ấy…” Ông Thanh nói với bà Ba.
“Ông! Ông không cần phải xin lỗi tôi. Tôi biết ông rất thương con Vân. Chỉ là…” Bà Ba liếc nhìn bà Thao định hỏi nguyên nhân vì sao bà đã nhặt được Vân về nuôi, đã nhận nó là con gái mà sao lại đối xử ghẻ lạnh với nó như vậy. Nhưng thấy bà Thao vẫn còn đau đớn vật vã nên bà ngập ngừng không hỏi nữa.
ông Thanh biết, bà Ba đang muốn hỏi rất nhiều điều về Vân. Không để cho bà Ba phải chủ động hỏi, ông chậm dãi kể lại sự thật khi ông nhặt được Vân ở chợ.
Ngày đó, mới mùng 4 tết, hai ông bà đã chở rau lên chợ bán. Chợ tết người ta đi sớm mua sớm, rau cỏ là thứ đắt đỏ sau những ngày thịt mỡ, giò chả chán ngấy. Họ không cần mặc cả mà hỏi giá bao nhiêu cũng lấy. Ông bà vừa bán vừa đổ mối xong sớm nên ra về sớm. Đến cuối cổng chợ thì thấy một đứa bé gái tầm hai ba tuổi cầm một quả bóng bay đang đứng khóc. Nhìn quanh quẩn không thấy ai. Hỏi nó thì nó cũng không biết nói gì. Nó quá bé. Nó chỉ nhớ tên mẹ chứ không biết nhà cửa ở đâu cả. Ngày đó chưa có loa phóng thanh ở chợ, cũng chẳng có điện thoại di động gì cả. Nhìn quanh quẩn không thấy ai, bàThao bàn với chồng:
“Hay mình mang con bé này về nuôi đi. Vợ chồng mình muộn con ba bốn năm nay rồi. Đẻ hai đứa đầu đều chết yểu. Thầy bói nói mình phải nhận con nuôi may ra đẻ đứa sau mới nuôi được. Tôi tính mấy nữa lên trạm xá xin tạm đứa nào bị chửa hoang để con lại mang về nuôi mà chưa lên được. May quá, lại nhặt được con bé này. Mặt mũi cũng sáng sủa, cũng bụ bấm dễ coi chắc là dễ nuôi đây.”
“Nhỡ bố mẹ nó đi tìm không thấy thì sao? Tội người ta.” Ông Thanh chần chừ.
“Ông khéo lo. Người ta mà chủ ý đi tìm chắc là tìm được rồi. Không khéo lại của con nào chửa hoang không nuôi được con cố tình bỏ nó giữa đường giữa chợ không chừng. Mình mang nó về là làm phúc cho nó ấy.”
Ông Thanh vẫn còn áy náy nên cố nàn nỉ vợ:
“Thì hãy đứng đây chờ một lúc nữa xem người ta có tìm không đã.”
“Ông thật…”
Bà Thao tức lắm nhưng cũng đứng chờ cùng chồng một lúc nữa.
Con bé khóc nãy giờ cũng mỏi miệng mỏi mắt. Nó được ông Thanh bế lên thì im ru. Được một lúc nó dường như đói lại khóc.
Bà Thao sốt ruột quát chồng:
“Đấy! Tôi nói rồi ông không nghe! Rồi có ma nào đến không? Về nhanh không trưa rồi kia kìa!”
Ông Thanh thấy vợ quát cộng với việc con bé đói nên quấy quả liền bế nó lên xe rồi hai vợ chồng thồ về nhà.
Vài tháng đầu tiên đúng là Vân được vợ chồng Thanh đối xử như con ruột vậy. Nhưng năm thứ hai thì bà Thao có chửa và sinh Dung. Từ đây có thêm con ruột, bà Thao bắt đầu đối xử ghẻ lạnh với Vân. Nhất là khi đẻ xong Dung thì bà Thao cũng bị vô sinh luôn không đẻ được đứa nào nữa.
Dung xinh đẹp, mồm miệng nhanh nhẹn y như bà nên bà càng cưng chiều hơn. Còn Vân thì suốt ngày bám lấy ông Thanh, tính tình cũng ít nói, ánh mắt lúc nào cũng sợ sệt mỗi khi mẹ mắng. Bà Thao ghét lắm. Tính ích kỷ trong người bà Thao trỗi dậy mạnh mẽ, bà chỉ thương máu mủ của bà. Vân là người dưng, đương nhiên không thể so sánh với con gái mình đẻ ra rồi. Nuôi ăn nuôi ở là tốt số lắm rồi ấy.
Bà Ba nghe xong câu chuyện của cuộc đời con gái mình thì lặng đi. Nước mắt lã chã rơi xuống. Nghĩ đến cái cảnh Vân bị hắt hủi không phải vì sống trong gia cảnh nghèo nàn mà vì bị phân biệt đối xử, con ta con người, bà đau đớn đứt ruột đứt gan. Đứa con gái bảo bối của bà, bà thương yêu nâng niu nó từng ly từng tí, chưa một lần đánh nó một cái vào mông. Vậy mà cả tuổi thơ nó bị người ta đánh không thương tiếc. Chỉ vì một phút bất cẩn, bà đã khiến con mình phải chịu thiệt thòi, chịu khổ sổ suốt gần nửa đời người. Bà biết trách ai bây giờ? Tiên trách kỷ, hậu trách nhân thôi.
“Nhưng sao bà chị lại biết con Vân là con gái mình?”
Ông Thanh bất ngờ hỏi.
Bà Ba lấy miếng khăn giấy lau nước mắt mình rồi nói:
“Tôi cũng tình cờ nhìn thấy tấm ảnh ngày nhỏ của con Vân. Nó chụp cùng ông bà và treo trong phòng nó.”
“Vậy là con Vân nó đã…”
“Chưa! Nó chưa biết gì hết. Hôm nay tôi đến đây là để tìm hiểu sự thật trước rồi mới cho nó biết. Tôi muốn chắc chắn nó là con gái của tôi trước.”
Bà Thao nghe thấy bà Ba nói Vân chưa biết sự thật liền túm lấy tay bà Ba cầu xin:
“Xin bà! Tôi cầu xin bà đừng cho nó biết. Bà cứ đối xử tốt với nó như con mình. Cứ sống ở bên cạnh nó. Nhưng xin bà hãy giấu kín sự thật này. Nó mà biết tôi không phải là mẹ ruột nó thì…”
“Mẹ! Mẹ nói cái gì vậy ạ? Con không phải là con ruột của mẹ sao mẹ?”
Vân sững người đánh rơi túi thuốc xuống đất. Cô mới về đến nơi thì đúng lúc nghe bà Thao nói câu này. Cả ba người họ vì quá chú tâm đến câu chuyện xưa cũ của mình mà không để ý đến sự có mặt của Vân.
“Vân! Con về từ lúc nào vậy?” Bà Ba nghe tiếng con gái thì ngước lên nhìn.
“Con mới vừa về đến thôi. Con nghe mẹ nói, con không phải do mẹ sinh ra. Vậy con là con của ai hả mẹ?”
Mắt Vân rưng rưng, cô nhìn chằm chằm vào bà Thao chờ đợi câu trả lời.
Bà Thao không dám nhìn thẳng vào mắt Vân mà cúi gằm xuống khóc.
“Vân! Con bình tĩnh lại đi!” Ông Thanh khuyên can con.
“Không! Bố ơi, con muốn biết sự thật. Con có quyền được biết bố mẹ con là ai. Chim có tổ, người có tông. Con muốn tìm về người đã sinh ra con. Muốn biết tại sao họ lại bỏ rơi con. Bố! Xin bố hãy nói cho con biết đi bố.”
Vân khóc nhìn bố mình như van lơn.
“Vân! Mẹ xin lỗi con! Mẹ xin lỗi con! Mẹ… chính là mẹ ruột của con. Là mẹ! Đứa con gái mà mẹ để lạc hơn ba mươi năm trước ở chợ chính là con. Mai ơi! Mẹ đã tìm con hơn ba mươi năm rồi. Mẹ! Mẹ là mẹ ruột của con đây con ơi!”
Bà Ba vừa khóc vừa nghẹn ngào nói.
“Mẹ! Mẹ…là…” Vân ngơ ngác quay sang phía bà Ba.
“Phải! Là mẹ đây! Mẹ là mẹ ruột của con. Con chính là con bé Mai của mẹ!”
Mắt bà Ba nhoè đi vì nước, hai tay dang ra vẫy vẫy đứa con gái tội nghiệp.
“Mẹ! Mẹ ơi!” Vân sà vào lòng bà Ba khóc oà như một đứa trẻ lên ba. Tiếng khóc nấc tủi phận của đứa trẻ hơn ba mươi năm gặp lại ruột thịt của mình, được sà vào lòng mẹ, được mẹ ôm ấp, vỗ về, chở che mà bao nhiêu năm qua cô thầm ao ước.
“Mẹ ơi! Hu hu!” Vân cứ khóc mãi không dứt được. Tiếng khóc ngày càng lớn như trời đổ mưa rào.
Bà Ba nước mắt giàn giụa gục mặt lên lưng con vỗ về. Đôi bàn tay nhăn nheo xoa xoa khắp người đứa con gái bé bỏng tội nghiệp. Đứa con gái mà bà đã mong ngóng hơn ba mươi năm.
Bà Thao với ông Thanh cũng khóc theo. Không ai nói được một tiếng nào trong giây phút này.