Chương 33
Chương 33:
“Cháu… là cháu đây ạ!” Phương vội ôm lấy Vân, hai tay và lưng quây lấy Vân che cho cô rồi quay mặt lại nói với bà Ba.
“Hả? Đứa nào?” Bà Ba nghe giọng quen quen nhưng không rõ liền hỏi lại.
“Cháu, Phương ạ.”
Bà Ba nghe tên Phương xong mới vứt viên gạch xuống đi lại phía hai người. Cả cô Vượng cũng đi theo.
“Đêm hôm hai đứa ra đây đứng làm gì vậy hả?” Cô Vượng ngạc nhiên hỏi.
“Dạ… Cháu… Cháu…” Vân đỏ mặt ấp úng.
“Thế sao không đến từ sớm đi, để giờ mới đến hả? lén la lén lút làm hai bà già này cứ tưởng kẻ trộm.” Bà Ba nhìn Phương chọc cười. Bà đoán chắc lúc nãy hai người nhắn tin cho nhau về cuộc nói chuyện giữa bà với Vân cho nên Phương mới sốt sắng không chờ được sáng mai mà phải đến vào giờ này.
Cả Phương và Vân đều ngượng ngùng vì bị bắt quả tang. Thường ngày, Phương nhanh mồm nhanh miệng, hoạt ngôn lắm nhưng đứng trước tình huống này, mặt anh cứ đỏ ửng lên như con gái mới về nhà chồng vậy.
“Thôi được rồi. Hai đứa đứng đây tí rồi về đi. Không đêm hôm đứng dưới tán cây si này muỗi cả đấy.” Thấy cả hai người đều ngượng chín mặt, không nói được điều gì. Lại còn có cô Vượng ở đây nữa nên bà Ba cố tình chữa cháy cho họ.
“Vâng ạ!” Phương nhảu nói.
“Thôi mình vào nhà đi cô! Kệ tụi nó.” bà Ba kéo tay cô Vượng đi vào nhà. Mặt cô Vượng vẫn tái nhơ chưa hiểu gì. Bà Ba không quên liếc qua Vân một cái cười tủm tỉm.
“Sợ hết hồn!” Vân ôm ngực mình vỗ vồ thở phào.
“Tí nữa ăn nửa viên gặp của mẹ chứ chẳng đùa nhỉ?” Phương bật cười hú vía.
“Tại anh đấy. Ai kêu anh đến vào lúc đêm hôm thế này làm chi?”
“Ôi! Ăn nửa thử gạch mà được ôm em thế này thì anh tình nguyện.” Phương kéo Vân vào lòng ôm chặt lấy cô hít hà.
Vân nằm yên trong ngực anh một hồi, lòng mơn man hạnh phúc. Một cơn gió nhẹ thổi qua. Vân hơi co người lại vì lạnh. Mùa hè nhưng khuya thế này nên gió cũng lạnh lắm chử chả đùa.
“Em lạnh hả?”
“Vâng!”
“Để anh đưa em vào nhà!”
Vân không nói gì chỉ khẽ gật đầu. Phương dìu cô đi vào nhà.
Vân nhìn vào giường. Thằng Bi vẫn ngủ ngon lành.
“Thôi được rồi. Anh về đi kẻo muộn!”
“Cho anh ôm em thêm chút nữa đi!”
Phương năn nỉ.
Vân nằm im trong ngực Phương.
“Giá được nằm ngủ mà ôm em thì sướng biết mấy!”
“Thôi đi!”
“Thật mà! Người ta mơ ước cái gì xa xôi ở tận đẩu tận đâu. Anh thì chỉ ước được nằm ôm em mà ngủ.”
Phương vừa ôm Vân vừa nói. Ánh mắt xa xăm.
Vân yên lặng nhìn Phương. Lúc tối cô có nghe bà Ba nói chuyện về Phương. Anh và mẹ sống một mình bên nhau. Mẹ anh đã mất 4 năm rồi. Phương vẫn sống như vậy một mình. Chắc là anh nhớ mẹ, cô độc lắm. Vân cũng từng như vậy. Từ nhỏ đến lớn cô sống trong một gia đình trọn vẹn mà cứ thui thủi một mình, cô độc chẳng ai ngó ngàng tới. Đi lấy chồng lại càng tệ hại hơn. Chồng chẳng thèm hỏi han cô lấy một lời kể cả khi ốm đau. May có cu Bi cô mới thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn. Vất vả, khổ cực nhưng luôn có một người bên cạnh mình, đồng hành với mình thì khổ hạnh mấy cũng có thể vượt qua. Tự dưng Vân thấy thương anh quá.
“Anh Phương!” Vân ngước đầu lên nhìn Phương hỏi.
“Anh đang nhớ mẹ phải không?”
Phương không trả lời mà nhìn Vân gật đầu.
“Có lẽ trên trời mẹ đang nhìn chúng mình đấy. Mẹ thương anh nên đã sắp đặt cho em gặp anh trong hoàn cảnh này. Chắc mẹ vui lắm em ạ.”
“Vâng! Chắc là như vậy.”
Vân quàng tay qua lưng Phương ôm chặt lấy anh. Cô nghe thấy tiếng sụt sùi của Phương.
“Em sẽ bù đắp cho anh những thiếu thốn tình cảm bao năm qua! Anh đừng khóc nữa!”
Vân với tay lau giọt nước mắt vừa vướng trên mi Phương. Phương khóc thật. Lần đầu tiên Vân thấy Phương khóc hay đúng hơn là một người đàn ông khóc.
Phương cầm lấy tay Vân áp vào má mình.
“Anh biết! cảm ơn em!”
Vân ngước nhìn gương mặt của Phương cười. Hai tay cô nựng hai má anh nhìn thật kĩ. Phương đẹp quá! Dưới ánh trăng, nụ cười Phương thật hiền. Lần đầu tiên cô mới có đủ can đảm ngắm kĩ gương mặt một người đàn ông gần đến như vậy.
***
Ông bà Thi từ dạo biết tin thằng cháu nội bị xe máy tông trúng thì đến tận nơi giành lấy cháu không cho Dung mang về nhà nữa. Thằng bé nhìn mẹ sợ như sợ cọp vì nó còn ám ảnh cái vụ mẹ nó túm lấy nó đánh hôm trước khi xảy ra tai nạn. Nó cứ đòi đi theo bà nội nó bằng cho được. Dung đương nhiên không thể giao con dễ dàng cho bà Thi được. Cô la làng la nước lên kêu mẹ chồng muốn đến bắt cóc con mình. Hàng xóm láng giềng tưởng có chuyện gì cũng chạy ra xem. Bà Thi thấy nhiều người sợ mất thể diện nên lui về.
Bà Thi bàn với Hồng Đăng ly dị rồi giành quyền nuôi con. Dung đang bị mất việc, sẽ bất lợi. Với lại, bà hứa sẽ nhờ người lo lót để Đăng giành được quyền nuôi con nếu hai người ly hôn. Như vậy bà mới đường đường chính chính rước cháu nội về mà không mang tiếng gì. Nhưng khổ nổi, Hồng Đăng lại là kẻ ham chơi, chỉ nghĩ đến thú vui của bản thân mà không nghĩ đến bố mẹ con cái gì. Anh ta muốn vợ nuôi còn để dễ bề bồ bịch cho thoải mái. Với lại, có lấy vợ mới cũng dễ nữa. Nhìn vào người chồng mà vướng bận đứa con thì mấy cô gái thời nay cũng ngại ngần lắm.
“Thì mẹ cứ để cô ấy nuôi con đi! Gì cứ phải bắt thằng bé về.” Hồng Đăng cãi mẹ.
“Con không thấy nó để thằng bé bị tông xe suýt chết đấy à?”
“Mẹ cứ nói quá lên thôi. Nó xây xước tí có việc gì đâu.”
“Mày ấy. Có mỗi đứa con mà không biết xót.”
“Ôi dào! Con lấy vợ mới lại chả đẻ cho mẹ một bầy cháu nội ấy.” Hồng Đăng dửng dưng.
“Thế nhé! Con với Dung sẽ ly hôn. Đằng nào cũng hết tình cảm rồi. Kéo dài vậy vướng bận cho cả hai ra. Con nghe lời chị Nga ly hôn cho xong. Nhưng con thì mẹ để cô ấy nuôi. Dù sao thì cô ấy cũng mất công sinh ra nó. Mình mà giành lấy thì thiên hạ người ta nói cho cậy quyền chức bắt con bắt cháu.”
Hồng Đăng nói xong thì nháy mắt với mẹ cười cười. Anh ta vô tâm đến mức ly hôn với vợ, cũng chẳng nghĩ đến một chút gì đến con cái. Có khi lại còn thấy vui nữa.
Bà Thi lắc đầu thở dài. Đúng là bố mẹ sinh con, trời sinh tính. Hai đứa con gái giỏi giang là vậy mà đứa con trai thì chả được tích sự gì. Không biết về già có cậy nhờ được tí gì không đây! Ai nói người giàu thì sướng chứ! Nhà giàu cũng nhiều nỗi lòng lắm chứ! Chỉ có điều họ không phơi bày cho thiên hạ thấy mà thôi.
Thủ tục ly hôn của Dung diễn ra rất nhanh gọn. Hồng Đăng không trực tiếp viết đơn mà uỷ quyền hết cho luật sư. Luật sự tự đến gặp Dung để nói chuyện. Dung không đồng ý ly hôn. Cô muốn gia đình chồng phải chia cổ phần cho cô, cô mới ký. Nhưng luật sư đã phân tích cho cô rõ. Hồng Đăng không có cổ phần nào trong công ty gia đình anh ta cả. Tất cả là tên của bố mẹ anh và hai chị gái. Hồng Đăng có 10 phần trăm nhưng đã được bà Thi thuyết phục chuyển lại cho mình nhằm mục đích không không cho Dung chia chác một chút gì. Bà Thi cho Dung một số tiền và căn nhà 3 tầng ở thành phố. Ghi rõ là cho cháu trai và tạm thời Dung là người được giữ. Tất cả chỉ có vậy.
Dung không chịu liền xé ngay tờ đơn ly hôn trước mặt luật sư và đuổi anh ta về.
Dung tìm đến luật sư để được tư vấn. Cô muốn lấy lại quyền lợi của mình. Nhưng sau khi nghe cô trình bày hoàn cảnh thì luật sư nào cũng lắc đầu. Về lý thì nhà bà Thi thắng chắc rồi. Không có ai có thể cãi thắng để giành quyền lợi cho Dung được.
Dung về được mấy hôm thì có đơn từ tòa án thành phố. Là Hồng Đăng gửi đơn ly hôn đơn phương. Trong đơn cô không được chia bất kỳ tài sản nào vì hai vợ chồng hoàn toàn không có tài sản chung. Nhà ở thì ở nhờ bố mẹ. Xe ô tô của Hồng Đăng cũng đều được mua trước khi kết hôn. Chỉ có tiền chu cấp cho con, Hồng Đăng ghi rõ mỗi tháng cấp cho con 20 triệu đồng. Ngoài ra không có gì tranh chấp cả.
Dung không thuê được luật sư, ra tòa cũng chẳng có lý lẽ nào để thuyết phục thẩm phán đành ngậm ngùi ly hôn tay trắng chỉ nhận được số tiền chu cấp ít ỏi nuôi con từ bố nó mà thôi.
Dung không xin được việc ở bất kỳ công ty nào ở thành phố. Đến nơi nào, người ta cũng từ chối vì có bàn tay của bà Thi nhúng vào. Dung biết thừa. Dung nhớ đến lời khuyên của nữ đồng nghiệp. Họ có bè có phái, mà bè phái rất lớn. Mình chỉ là một con thuyền nhỏ đơn độc lênh đênh giữa biển khơi bao la thì chỉ cần một cơn gió nhỏ đã chìm nghỉm rồi. Huống chi là…
Vân thấm thía câu nói của đồng nghiệp. Ngậm ngùi nghĩ về phận mình. Lang thang mấy tháng trời trên thành phố vẫn không xin được việc. Cô không cam lòng bị chết đói ở nơi này. Cô có tài, có năng lực tại sao lại phải khổ sở như vậy chứ! Suy nghĩ nát óc cô quyết định chuyển về thị trấn mình, nộp đơn xin vào các công ty nhỏ lẻ. Người ta xem hồ sơ xin việc, bằng cấp và thành tích của cô thì rất nể. Cuối cùng Dung cũng xin vào làm cho một công ty ở thị trấn.
Lương thấp, không đủ thuê nhà và người giúp việc, cô đành phải gửi thằng Bi về nhà mẹ mình ở. Thằng Bo đi học mẫu giáo trường làng. Ông Thanh nhận nhiệm vụ đưa đón cháu. Bà Thao biết việc ly hôn của Dung thì buồn lắm. Còn buồn hơn cả khi Vân ly hôn Bảo. Người làng cứ xì xầm nhà bà ăn ở thế nào mà có hai đứa con gái bị chồng bỏ cả hai. Bà Thao xấu hổ còn không dám vác mặt ra ngoài. Cả ngày ở luẩn quẩn ở nhà dọn dẹp các công việc lặt vặt, nấu nướng. Còn việc đi mua thức ăn, đón đưa cháu, nói chung là việc phải ra ngoài đường thì toàn là ông Thanh phải đi cả.
Chuyện Dung ly dị, bà Thao không nói cho Vân biết. Mà Dung cũng không nói cho chị hay. Chị em họ cứ như thể người dưng ở cùng một nhà vậy. Từ nhỏ đến giờ, Dung chưa bao giờ mở miệng hỏi han tâm sự với chị mình. Vân thì muốn hỏi em nhưng sợ Dung gắt gỏng vì cô luôn bận công bận việc, bận học bận hành không có thời gian nói chuyện. Dung hay gắt lên mỗi lần Vân hỏi chuyện gì đó “Có thế mà cũng hỏi”. Thế nên Vân ngại rồi chị em dần xa cách nhau.
Vân đưa con về nhà mẹ chơi. Thấy thằng Bo cũng ở nhà ngoại thường xuyên mới ngạc nhiên hỏi bố mới biết vợ chồng Dung ly hôn. Ông phàn nàn với con gái, bà Thao càng ngày càng gầy xọp đi từ ngày Dung ly hôn. Bà ít nói hẳn, tuyệt đối không đi ra ngoài. Anh em họ hàng có đám hiếu đám hỉ gì cũng đẩy hết cho chồng chứ chả hề bước chân tới. Nhìn bà bây giờ thấy thảm lắm.
Bà Thao kê cái giường dưới nhà dưới, không ngủ cùng chồng nữa. Bà bịa lý do là già rồi hay cựa mình sợ ông mất ngủ. Thật ra là bà không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là mơ thấy cái cảnh người làng xúm lại chỉ chỏ vào mặt mình cười chê. Bà bị ám ảnh đến mất ngủ, rồi người từ đó mà gầy xọp đi.