Chương 3
Chương 3:
Bà Nhung quyết không để con trai mình có mối liên quan nào đến Hoài An. Không khuyên can được con thì bà sẽ đến gặp Hoài An nói thẳng quan điểm cho cô biết. Bà không chấp nhận mối quan hệ này.
Bà Nhung không khó để có được địa chỉ và điện thoại liên lạc của Hoài An.
Hoài An dạy ở một trung tâm ngoại ngữ trên thành phố vào buổi tối. Cô là giảng viên khoa ngoại ngữ của trường đại học tỉnh. Buổi chiều tối hoặc cuối tuần thì dạy thêm ở các trung tâm ngoại ngữ và một làng SOS nuôi dạy trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Bà Nhung biết được lịch của Hoài An tối nay có tiết ở trung tâm nên đã cho người lái xe đến chờ sẵn ở một quán nước ven đường.
8 giờ tối tan làm, Hoài An vừa bước ra khỏi cổng trường thì có một người đàn ông đã đứng chờ sẵn ở đó hỏi:
“Chào cô Hoài An! Có người muốn gặp cô.”
Hoài An có chút bất ngờ nhưng sau đó cô bình tĩnh hỏi:
“Ai vậy?”
“Cô cứ đi ra quán nước bên đường kia sẽ rõ.”
“Không! Ít nhất tôi muốn biết tên tuổi của người muốn gặp mình. Nếu không tôi sẽ không đi.”
Hoài An cương quyết. Giữa cái thành phố lộn xộn này, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Không ai lại đi tin một người không quen biết mà đi theo anh ta cả.
Người đàn ông có vẻ khó xử liền lấy điện thoại ra gọi hỏi ý kiến ai đó. Vài phút sau thì có một người phụ nữ đeo kính râm, ăn mặc lịch sự từ từ bước đến chỗ Hoài An đang đứng.
“Chào cô! Chắc cô chưa quên tôi chứ nhỉ?”
Người phụ nữ bỏ kính râm xuống cười nhạt. Hoài An không khó nhận ra đó là mẹ của người yêu mình. Cô cười rồi chào hỏi:
“Dạ vâng! Cháu chào bác!Đương nhiên là cháu nhớ!”
“Vậy cô có thể an tâm mà đi với tôi lại kia nói chuyện một lúc được chứ?”
“Dạ tất nhiên là được ạ.” Hoài An tỏ ra khá thoải mái cười nói như chưa từng có chuyện xích mích gì giữa hai người trước đó.
Bà Nhung đi trước, Hoài An đi ngay sau đó. Cuối cùng là người đàn ông lái xe cho bà Nhung.
Hoài An và bà Nhung cùng ngồi xuống bàn, không một chút khách sáo hay tỏ ra e dè gì. Hoài An cố tình để bà Nhung ngồi trước vài giây rồi mình cũng ngồi ngay mà không cần mời mọc.
“Dạ, bác muốn nói gì với cháu ạ?” Hoài An tự mở lời trước. Điều này khiến bà Nhung càng thêm không ưa cô. Đứa con gái này luôn tỏ ra đi trước một bước so với bà. Có thói ở đâu ra vậy chứ!
Bà Nhung cau mày nhìn Hoài An chằm chằm một lúc không nói gì.
“Sao ạ? Trên mặt cháu có gì hay sao bác?”
Bà Nhung thở hắt ra một cái rõ dài rồi nói:
“Tôi không muốn vòng vo làm gì cho mệt. Tôi đến đây là muốn nói cho cô biết, tôi không chấp nhận cho cô với thằng Gia Bảo nhà tôi yêu nhau. Mong cô tránh xa nó ra giùm!”
Hoài An nghe xong thì khựng lại giây lát nhưng rất nhanh, chỉ vài giây sau cô đã bình thản hỏi:
“Bác có thể cho cháu biết lý do vì sao được không ạ? Nếu cháu đó là lý do chính đáng cháu sẽ tự động từ bỏ anh ấy.”
Bà Nhung nhìn Hoài An: “Cô và con trai tôi không hợp nhau. Đó là lý do chính đáng nhất.”
“Không hợp ạ? Có ai mà ban đầu đã hợp nhau đâu bác. Cái gì cũng phải qua cái trình mài dũa rồi mới vừa vặn với nhau được. Cháu cảm thấy cháu và con trai bác tính cách khá hoà hợp. Chỉ cần chúng cháu cố gắng vui đắp thì sẽ ổn.”
“Tôi đã nói không hợp là không hợp. Tôi không đồng ý mối quan hệ này thì cô đừng có mơ mà bước vào nhà tôi.” Bà Nhung quát lên khi nghe Hoài An nói. Mà mấy cái triết lý sâu xa này bà chúa ghét. Bà chẳng cần biết và hiểu cái gì cả. Cái gì không thích thì bà không cần. Thế thôi.
Hoài An vẫn một mực giữ bình tĩnh nói tiếp:
“Thưa bác! Cháu với con trai bác cũng quen nhau hai năm rồi. Chúng cháu cũng đã biết gia cảnh của nhau. Cháu yêu anh Gia Bảo và anh ấy cũng vậy. Chúng cháu đều đã trưởng thành, đều có quyền quyết định hạnh phúc của mình. Tuy nhiên, nó không thể nào thiếu sự chấp thuận của cha mẹ. Cháu theo anh Bảo về nhà bác là để bác biết mặt cháu và tìm hiểu hoàn cảnh nhà cháu. Cháu cũng không ngại nói về hoàn cảnh của cháu. Bác có gì muốn biết về cháy, xin bác cứ hỏi, cháu sẽ trả lời thành thật. Cháu nghĩ mình hoàn toàn tương xứng với con trai bác. Cháu không hiểu tại sao bác lại nói chúng cháu không phù hợp. Và nó không phù hợp ở chỗ nào ạ? Bác có thể cho cháu biết để chúng cháu khắc phục. Không có chuyện gì là không thể. Thưa bác!”
Bà Nhung nghe những lời nói sặc mùi học thức của Hoài An thì cười sằng sặc nói:
“Tôi biết cô học cao hiểu rộng. Cô còn rất giỏi nữa. Một lúc nào ba bốn việc. Tôi cũng biết chuyện gì cô cũng có thể khắc phục được. Nhưng có một chuyện cô không thể khắc phục được. Đó là xuất thân của cô. Tôi không muốn con trai tôi lại đi lấy một đứa con gái là con rơi con rớt của ai đó. Một đứa con không cha như nhà không nóc. Mà nhà đã không có nóc thì dột lắm, ở sao nổi! Mẹ cô chắc cũng vất vả lắm mới nuôi cô được từng này. Mà chắc gì một mình bà ấy nuôi nổi cô, hay là…”
Bà Nhung tự nói rồi tự bịt miệng cười mai mỉa.
Hoài An chú ý lắng tai nghe những lời của bà Nhung không sót một từ nào. Cô không những không tỏ ra tức giận mà còn rất tự tin nói rằng:
“Thưa bác! Đúng là mẹ cháu chỉ nuôi con một mình. Hai lăm năm nay cháu được mẹ nuôi nấng, ăn học, dạy dỗ đầy đủ mọi thứ. Cháu chưa từng thua thiệt hay kém các bạn thứ gì. Thậm chí cháu còn vượt xa các bạn đó về nhiều mặt. Thứ duy nhất cháu thiếu là cái tên trong giấy khai sinh của cha. Nhưng cháu nghĩ, cuộc đời ai cũng có một điểm khuyết thiếu gì đó. Mẹ cháu cũng là một người phụ nữ đầy khuyết điểm. Nhưng điều quan trọng là bà đã nhìn thấy và biết cách lấp đầy nó trở nên tròn đầy hơn. Cháu chỉ e là một số người tự cho mình là đã hoàn hảo mà không biết trong tâm mình lại khuyết một lỗ hổng quá lớn. Giờ cháu nghĩ là mình không cần phải nghe những gì từ bác nữa. Cháu xin phép về trước.”
Hoài An đứng dậy mỉm cười chào bà Nhung một cách đầy ngạo mạn. Cô không hề tức giận khi nghe bà Nhung cố tình hạ nhục mẹ mình. Ngược lại cô khiến bà phải bẽ mặt trước người đàn ông đang đứng đằng sau mình kia. Ông ta không ngồi chung bàn, không nói chuyện một câu nào nhưng tai ông ta thì không điếc, mắt ông ta cũng không mù, ông ta lại ngày ngày tiếp xúc với bà Nhung như vậy, lại nghe những lời này từ đứa con người yêu của con trai mình mà cứng họng không trả lời được, chắc là cũng không lấy gì làm hãnh diện lắm.
Hoài An ngẩng cao đầu đứng dậy. Bà Nhung nắm chặt tay tức giận không làm gì được.
“Thưa bà!”
Người đàn ông hỏi.
“Thưa thưa cái gì! Đi về!” Bà Nhung vừa giận vừa cảm thấy nhục nên cáu gắt với chính cả những người chẳng làm gì nên tội.
***
Hoài An lái xe vòng vòng quanh bờ hồ một lúc mới về nhà trọ. Cô cảm thấy không thoải mái chút nào khi nghe những lời nói của bà Nhung. người đàn bà đó đúng là mồm miệng không hề tỉ lệ thuận với nhan sắc của mình. Cô nhớ về mẹ. Người phụ nữ của cuộc đời mình. Cô chưa bao giờ cho phép ai đụng chạm đến bà, kể cả những người có thể thét ra lửa như bà Nhung.
Hai lăm năm trước, một người phụ nữ vì mang thai trước khi cưới nên đã bị nhà người yêu coi thường rẻ rúng, chỉ mang mâm trầu và bao thuốc lá đến hỏi cưới. Cô gái cảm thấy bố mẹ bị coi thường, 20 năm nuôi con gái khôn lớn mà đi lấy chồng không được một lời xin hỏi tử tế, cô đã quyết khước từ chấp nhận làm mẹ đơn thân. Thời đó, không chồng mà chửa thì tai tiếng ghê lắm. Cô gái nào trót mang bầu rồi thì chỉ cả nhà có đeo mo vào mặt cũng chưa hết điều tiếng. Thế mà có một gia đình đã chấp nhận cưu mang một cô con gái như vậy. Họ thà để con gái lỡ làng một lần chứ nhất quyết không để con gái lấy nhầm chồng.
Bà Hậu sinh ra Hoài An trong hoàn cảnh như thế. Nhà tuy nghèo nhưng được cái ông bà ngoại yêu thương, không hắt hủi trách mắng gì mẹ con cô cả. Hoài An lớn lên trong tình thương và sự đón nhận của ông bà ngoại, có cậu và có mẹ. Cô chưa từng thấy mình thấy mình thiếu thứ gì ngoài phần tên cha trống trong giấy khai sinh.
Lúc Hoài An sinh thì bố ruột cô cũng lấy vợ và chuyển vào Nam sinh sống rồi không biết tin tức gì nữa. Có người nói ông không chịu được tính gia trưởng của ông bà nội nên bất mãn bỏ đi biệt tích. Là cô nghe người
làng đồn như vậy chứ cũng không biết thế nào. Từ nhỏ đến lớn cô cũng chưa gặp bố mình lần nào cả.
Mẹ cô sinh con xong thì ở vậy đến giờ không đi bước nữa. Người ta nói gái một con trông mòn con mắt. Nhất là khi bà sinh Hoài An ở cái độ tuổi hai mươi đẹp nhất. Cái tuổi mặn mà của người phụ nữ một con. Đêm đêm bao nhiêu trai tráng chưa vợ, có cả những gã đã vợ con rồi vẫn thèm khát đứng ngõ nhà mẹ cô réo gọi rủ rê. Ông ngoại cô và cậu út phải vác gạch ném đuổi đi họ mới không dám mon men tới nữa. Nhưng những lời ong bướm, chim chuột thì vẫn không thiếu mỗi khi mẹ cô đi chợ qua một đám đông nào đó. Họ tiếc rẻ cái nhan sắc này “phí của giời quá”.
Ấy thế mà đã gần ba mươi năm rồi. Người phụ nữ ấy đã gần 50 tuổi rồi vẫn một mình như vậy. Bây giờ không còn nghèo khổ như trước, bà làm bạn với góc vườn cây rau, con gà và phụng dưỡng cha mẹ già thay cậu Hùng. Có lúc Hoài An cũng từng ôm mẹ thủ thỉ: “Hay là mẹ cũng lấy chồng đi cho con còn an tâm lấy chồng nữa chứ!”
Bà chỉ ôm cô cười nói: “Lấy chồng hay không lấy chồng rốt cuộc cũng là do quan điểm sống của từng người. Với mẹ, được sống ung dung tự tại bên ông bà ngoại, bên con gái, được làm điều mình thích thế là thoả mãn rồi. Sống ở đời cốt ở vui vẻ. Lựa chọn sao cũng được, miễn là mình vui vẻ con ạ!”
Có lẽ mẹ nói đúng. Hoài An thầm nghĩ. Cuộc đời mẹ trải qua bao thăng trầm như vậy nhưng gương mặt mẹ lúc nào cũng tươi tắn, rạng ngời. Mẹ nói mẹ không hoàn hảo, mẹ cũng có những sai lầm nhưng biết nhìn lại sai lầm và đứng lên sửa chữa nó mà sống tốt hơn thì đó mới là bản lĩnh. Mthường dạy Hoài An như vậy. Con người ta vốn không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng lại được lựa chọn cho mình một cách sống. Vậy tại sao mình lại phải lựa chọn sống một cuộc sống tự ti, buồn khổ và không vui vẻ chứ! Người phụ nữ đó, người mẹ đã tự nói mình mắc nhiều sai lầm chính là người thầy đầu tiên dạy cho cô bài học về cuộc sống này như vậy.