Chương 17
Chương 17:
Cả đêm Vân không ngủ được vì những gì bà Ba nói. Trằn trọc mãi đến gần sáng cô mới chợp mắt được một tí. Những hình ảnh ngày xưa lại hiện về. Cô thấy mình mặc một chiếc ao blu trắng đi giữa bạt ngàn những cây lá thuốc xanh tốt. Ước mơ ngày nào bỗng trỗi dậy mãnh liệt. Cô chưa bao giờ dám làm điều gì mà mình muốn. Cô chỉ biết sống phục vụ theo ý của người khác, chưa một lần dám mạnh mẽ đứng dậy để làm những gì mình thích. Cuộc đời của cô hình như chỉ sống cho ý thích của người khác. Vui buồn cũng nhìn vào mặt người khác để sống. Chưa một lần cô dám sống vì bản thân mình.
Vân tỉnh dậy, trời mới tang tảng sáng. Trước đây khi còn sống ở nhà cô đã phải lên dậy để nấu ăn sáng, quét dọn giặt giũ cho cả nhà. Nhưng từ ngày chuyển lên đây sống, cô không có thói quen phải dậy thật sớm như vậy nữa. Cô dậy muộn hơn, cuộc sống không tất tả như trước. Nhưng công việc của cô cũng phải đi suốt ngày từ sáng đến tối mới được gặp con. Dù có thêm vài tiếng để được ôm con ngủ nhưng cô lại không có nhiều thời gian bên con để dạy dỗ nó, thương yêu nó. Tính ra thời gian nó gặp cô giáo trên lớp còn nhiều hơn thời gian hai mẹ con gặp nhau. Thằng bé biết vậy nên mỗi buổi sáng chào mẹ đi học là nó lại cố ôm mẹ thêm một chút nữa.
Vân nhìn con vẫn đang cuộn tròn ngủ say. Hơi thở đều đều. Cô nhớ lại tuổi thơ của mình không có vòng tay mẹ yêu thương lại tủi phận rơi nước mắt. Cuộc đời cô đã thiệt thòi quá nhiều. Cô không muốn đời con mình lại thiệt thòi thêm nữa. Con trai cô nhất định phải được sống trọn vẹn trong vòng tay yêu thương của mẹ nó.
Vân nghĩ đến lời khuyên của bà Ba, trong đầu cô nhen nhóm lên một kế hoạch mà cô chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Vân xin nghỉ việc. Cô thu mua rau của mấy nhà cùng xóm rồi lên chợ bỏ sỉ cho người ta kiếm lấy lời. Nhà cô vốn có nghề buôn bán rau nên cô rất có kinh nghiệm về việc này. Tiền lãi tuy không thể bằng tiền đi làm công nhân nhưng bù lại cô có nhiều thời gian hơn. Cô chỉ mất một buổi sáng đến trưa thì xong.
Vân xin phép bà Ba dọn dẹp mảnh vườn nhà bà trồng thêm cây những cây dược liệu mà cô thu xin được hoặc tình cờ hái lượm được ven đường. Vân đến nhiều nhà để thu hái rau, thấy nhà nào có cây thuốc cô cũng xin một ít về trồng. Cô chỉ người ta về tác dụng của từng cây thuốc để nếu có trường hợp khẩn cấp có thể dùng chữa các bệnh vặt như ốm sốt hay côn trùng cắn, tiêu chảy, táo bón…
Mấy người có con nhỏ được Vân chỉ cách hạ sốt, trị tiêu chảy khỏi thì rất lấy làm tin tưởng cô. Người này truyền tin người kia, hễ con cháu có bệnh vặt là đến nhà cô Vân xin thuốc chữa bệnh thế nào cũng khỏi.
Vân chỉ học lỏm được ông Hồng những bài thuốc đơn giản, có những bệnh khó quá thì không dám chỉ. Cô khuyên người ta lên trạm xá, bệnh viện.
Vân được người ta yêu quý nên việc buôn bán rau cỏ cũng thuận lợi hơn. Có khi người ta còn mách cho nhà nào có rau để cô đến thu mua nữa. Thậm chí người ta còn chở rau cho đến tận nhà không phải đi nữa.
Vân chữa bệnh không lấy tiền nên nhiều người mang ơn đến biếu cái này cái nọ. Vân thấy cuộc sống mình thật có ý nghĩa. Tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ, chẳng còn dấu vết của buồn phiền, âu lo.
Tối nào Vân cũng mang con sang bà Ba chơi. Lúc thì mang cho bà con gà người ta biếu, lúc thì mang cho quả mít, cân cam… Tất cả là do người ta biếu cả.
Có thêm thời gian, Vân thường hay nấu nướng những món hai mẹ con thích rồi mang sang cho bà Ba. Lạ cái là món nào Vân thích thì bà Ba cũng thích. Nhất là món phở gà. Hôm nay người ta cho Vân một đôi gà tre, nói là thịt dai và chắc. Vân nấu một nồi phở to rồi bê sang nhà bà Ba cả nhà ăn chung. Cô vẫn thường hay làm thế. Có món gì ngon cũng đều mang sang cho bà rồi cả nhà ăn cho vui.
Thấy Vân vui vẻ có da có thịt, hồng hào hẳn lên. Bà Ba nói:
“Có vẻ như cháu hợp với nghề thầy thuốc đấy? Mọi người ai cũng khen cháu mát tay.”
“Cháu cũng không biết nhiều đâu ạ. Ngày xưa, ở cạnh nhà cháu có một thầy thuốc rất giỏi. Tiếc là ông ấy mất rồi bác ạ. Mấy bài thuốc này là do ông ấy dậy cháu đấy.” Vân thật thà nói.
“Bác thấy cháu cũng hợp với nghề này đấy. Không phải ai thích cũng làm được nghề đâu mà phải có cái duyên mới được.”
“Cháu cũng không biết nữa. Nhưng thú thật từ nhỏ cháu từng có ước mơ trở thành một thầy thuốc giống như ông ấy. Chỉ tiếc là… cháu không có cơ hội để học.”
Giọng Vân ngập ngừng, có chút tủi thân, nhớ lại quãng đời trước kia của mình phải bỏ học để nhường cho em.
“Bố mẹ cháu không cho cháu đi học à?” Bà Ba chợt hỏi.
“Dạ không phải ạ. Bố mẹ cháu vẫn nuôi cháu ăn học đến hết lớp 12. Như vậy cũng là cố gắng lắm rồi ạ.”
Giọng nói Vân có chút tiếc nuối: “Nhà cháu nghèo nên chỉ có thể nuôi em cháu đi học. Cháu là chị nên…”
“Ừm! Bác hiểu rồi!”
Bà Ba thấy Vân ngập ngừng không nói được nên không hỏi nữa. Linh cảm của một người phụ nữ cho bà biết, Vân có nỗi khổ tâm trong lòng không thể nói. Từ ngày cô chuyển lên đây sinh sống chưa một lần thấy bố mẹ đến thăm cô. Có thể mối quan hệ giữa họ có điều gì đó mà mỗi lần Vân nhắc đến đều có chút buồn bã.
“Vân à! Giờ cháu có cuộc sống riêng rồi, cháu nên suy nghĩ cho mình. Nếu cháu muốn làm điều gì thì hãy làm đi. Cuộc đời mình phải do mình quyết định cháu ạ. Dù có vào hoàn cảnh nào thì mình vẫn phải tự quyết định con đường của mình. Không ai có thể sống thay cuộc đời mình cả. Nếu cháu cần gì cứ nói ra, bác sẽ giúp cháu.”
Thấy Vân có vẻ chần chừ, bà Vân cầm tay cô nói:
“Vân! Cháu không cần ngại gì cả. Cháu cũng biết bác ở đây có một mình. Con cháu thì bên nước ngoài hết. Có mẹ con cháu về ở cùng bác và cô Vượng cũng thêm phần vui vẻ. Cháu… Bác coi cháu cũng như con gái bác. Nếu nó may mắn còn sống chắc là cũng tầm tuổi như cháu.”
Bà Ba vừa nói đến đây thì hai giọt nước mắt bỗng rơi xuống. Đây là lần đầu tiên bà nhắc đến đứa con gái của bà.
Vân thấy bà Ba xúc động quá thì hơi hốt hoảng nhìn cô Vượng dò ý.
Cô Vượng cũng biết rõ hoàn cảnh của bà Ba. Chính vì vậy mà cô tình nguyện ở đây với bà luôn. Tuy không phải chị em gì nhưng hai người thân nhau như chị em ruột. Cô Vượng không chồng không con nên cũng không vướng bận gì.
“Bác! Bác có một người con gái ạ?” Vân mạo muội hỏi thẳng.
Bà Ba gật đầu, mắt vẫn ướt nhoè.
“Chị ấy… mất rồi hả bác?”
“Cũng không biết nữa. Nó bị thất lạc từ nhỏ, đến giờ vẫn chẳng thấy tin tức.”
Bà Ba lấy tay lau nước mắt rồi kể lại câu chuyện của con gái bà cho Vân nghe. Cô bé đã bị thất lạc trong một lần bà đưa con gái đi chợ rồi không tìm được nữa.
Vân nghe xong với vỡ lẽ, thì ra bà Ba cố chấp ở lại đây là để chờ đợi con gái bà. Dù bà không biết cô ấy còn sống hay chết. Vân nghĩ đến hoàn cảnh của mình cũng lặng lẽ rơi nước mắt vì tủi thân. Có những bà mẹ dành cả cuộc đời mình chờ đợi một đứa con không biết bao giờ trở về nhưng cũng có những người mẹ luôn xua đuổi ghẻ lạnh đứa con do chính mình đẻ ra. Trên đời này, không phải tất cả các bà mẹ đều thương con mình.
Ba người rơi vào một khoảng lặng vô hình. Chỉ có mình thằng Bi là vô tư chơi ngoài sân cùng mấy đứa trẻ hàng xóm. Mỗi người đều nghĩ về cuộc đời của mình. Họ là những mảnh đời đơn độc vô tình gặp nhau ở đây. Ai cũng có những nỗi niềm riêng. Có lẽ họ được ông trời thương tình nên ghép lại cho lành lặn, vẹn toàn.
***
Bà Ba nhờ người dò hỏi và giới thiệu cho Vân học một lớp cơ bản về Đông y vừa học vừa làm. Vân lấy số tiền dành dụm được cộng với số tiền bảo hiểm thất nghiệp nộp hồ sơ đi học. Sáng đi bán rau, chiều lên lớp học.
Đúng là có học có hay. Trước đây cô chỉ chữa bệnh theo cách học thuộc lòng, bệnh nào thì thuốc nấy chứ không hiểu nguyên nhân vì sao. Giờ được đi học, hiểu về cơ thể, tại sao lại phải dùng vị thuốc này mà không dùng thuốc kia dù có cùng công dụng, Vân càng thấy thật bổ ích. Cô thấy thật tiếc vì đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian. Cô say sưa nghiên cứu và thực hành luôn tại chỗ. Vừa học vừa tự bốc thuốc chữa bệnh cho bản thân rồi những người xung quanh. Những bệnh khi đã hiểu rõ được căn nguyên của nó thì sẽ chữa được tận gốc.
Cuộc sống của Vân dần dần cũng ổn định hơn. Cô đi thu mua những dược liệu quý phơi lên hoặc sao vàng tuỳ từng loại. Ở nông thôn cây dược liệu quý còn rất nhiều, có khi ở bờ bụi hoang mà không biết. Học nhiều, biết nhiều cô càng thấy giá trị của những cây cỏ quanh nhà mà người ta thường nhổ bỏ. Cái tư tưởng sính ngoại đã ăn sâu vào người dân tự bao giờ. Hễ hắt hơi sổ mũi cái là đi lấy thuốc uống mà không cần biết uống vào nó sẽ lợi hại ra sao. Đáng buồn nhất là tình trạng dùng kháng sinh vô tội vạ của các bà các mẹ cho con cháu mình. Những hiệu thuốc Tây thì mọc lên như nấm sau mưa. Có nhiều người bán thuốc còn tự chẩn đoán bệnh rồi bán thuốc cho bệnh nhân như một bác sĩ chuyên nghiệp dù chả có chuyên môn gì.
Có thêm kiến thức, Vân tự tin hơn và bắt đầu bốc thuốc cho những bệnh khó hơn. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến cô và đã khỏi bệnh không cần nhờ đến thuốc Tây nhiều tác dụng phụ. Cái danh cô “Vân thận” dần dần lan ra cả các làng xã bên cạnh. Vân dần có thu nhập ổn định nhờ nghề bốc thuốc Nam. Nhất là những bệnh về thận.
Tốt nghiệp lớp học Đông y, Vân chính thức trở thành thầy Thuốc. Cuộc sống không phải vất vả thức khuya dậy sớm nữa. Biết cách chăm sóc bản thân, Vân dần nhuận sắc hơn, nước da hồng hào, mặt mày tươi tỉnh khác hẳn một trời một vực với Vân gầy gò, yếu đuối, nước da bợt nhạt, ánh mắt lúc nào cũng rúm ró, sợ hãi trước đây.
Vân ít về thăm bố mẹ hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn gửi tiền về thăm ông bà. Bà Thao lại lấy đó là điềm mừng vì không phải gặp cái mặt khó ưa của hai mẹ con Vân mà vẫn được cô gửi tiền đều đều.
Dung sinh con xong thì đòi về mẹ đẻ ở. Nói là để bà tiện chăm sóc nhưng thực ra là để tránh gặp mặt mẹ chồng. Bà Thi đương nhiên không chịu nên hai mẹ con cãi nhau một trận lớn. Cuối cùng bà Thi phải nhượng bộ vì Dung đòi ra ở riêng.
Dung được thể ở đến tháng thứ 5 vẫn không chịu về. Hồng Đăng không nói được vợ nên đành phải đi đi về về giữa nhà mình và nhà mẹ vợ để thăm nom vợ con.
Tính Hồng Đăng quen ăn chơi được người hầu kẻ hạ nên khi vợ đẻ cũng chả giúp được gì. Dung ngày càng chán nản cũng cãi nhau với chồng.
Đang nhàn hạ bỗng phải phục vụ bà đẻ, bà Thao mệt mỏi cáu gắt suốt. Không dám chửi Dung bà lại trút giận lên đầu ông Thanh. Muốn gọi Vân về giúp nhưng lại tự ái, bà ta chưa từng chủ động gọi điện thoại cho Vân trước bao giờ. Nhất là từ khi cô đã ra riêng. Bà không muốn Vân biết nếu không có cô trong cái nhà này thì nó sẽ trở thành một bãi rác.
Chương 18: