Chương 13

Chương 13

 

Tối, ăn cơm xong hai chị em Xuân và Hạnh ngồi xem tivi. Xuân vẫn còn thêu dở bức tranh nên chưa đi nghỉ sớm dù cả ngày hôm nay cô rất bận. Hạnh cũng thường thức cùng chị mỗi lần Xuân còn bận việc. Anh không muốn để chị lại một mình nhất là những lúc đêm tối thế này. Tuy là xem tivi đấy nhưng mỗi người đang nghĩ về một hướng. Câu chuyện Cường nói với Xuân từ trưa đến giờ cô vẫn còn để trong lòng. Thật sự là có quá nhiều vấn đề để nghĩ. Dù sao trong chuyện này Hạnh vẫn là người có vai trò lớn. Với Xuân hạnh phúc của cô luôn luôn có sự góp mặt của người em trai này. Cô muốn biết ý kiến của cậu ấy.

 

Nghĩ vậy Xuân bỏ bức thêu xuống ghế sofa rồi nhìn Hạnh khẽ hỏi:

 

“Hạnh! Em thấy anh Cường là người như thế nào?”

 

Hạnh nghe câu hỏi này của chị thì ngưng mắt nhìn sang Xuân. Anh có chút bất ngờ nhưng lại thấy vui vì cuối cùng chị mình cũng đã lên tiếng trước.

 

“Anh Cường là một người đàn ông tử tế và đáng tin cậy.”

 

“Sao em dám khẳng định là anh ta đáng tin cậy?”

 

Hạnh quay đi không nhìn Xuân mà nhìn vào khoảng không xa xăm nói:

 

“Sau cuộc thất bại trong hôn nhân em nhận ra rằng, mối quan hệ vợ chồng không chỉ có tình yêu mà cần phải có sự tử tế và trách nhiệm. Tình yêu thì sẽ phai mờ theo năm tháng. Nhưng chính sự tử tế và trách nhiệm sẽ gắn kết họ lại để tìm cách giữ gìn ngọn lửa tình yêu trong hôn nhân. Anh Cường đối với chị đều có cả ba thứ ấy. Điều này thật hiếm có ở một người đàn ông. Đặc biệt là một người đàn ông thành đạt như anh ấy. Thật không dễ dàng tìm được một người đàn ông thứ hai đâu chị. Nhìn vào cách anh ấy trân trọng người vợ cũ có thể hiểu được một phần tính cách con người của anh ấy là quá tử tế rồi. Em nghĩ anh ấy là món quà của ông trời đã sắp đặt mang đến cho chị. Em mong chị hãy đón nhận nó. Đừng vì em mà bỏ lỡ bất cứ điều gì nữa. Em bây giờ đã rất ổn. Trong lòng em chị áy náy một điều đó là vì em mà chị đã hy sinh nhiều quá. Em mong chị hạnh phúc thì tâm em mới nhẹ nhàng hơn được.”

 

Xuân nghe Hạnh nói như vậy thì tự dưng rớt nước mắt. Đúng là Xuân có chần chừ bước đi trong hôn nhân một phần là vì Hạnh. Nhưng cô chưa từng nghĩ đó là sự hi sinh. Cô thương đứa em này. Thương như khúc ruột của mình vậy, thương thay cả phần cha phần mẹ.

 

Cô đứng dậy ngồi dịch lại bên em rồi vòng tay ôm ngang lưng Hạnh khóc:

 

“Ngốc ạ! Em đừng tự trách mình. Không phải vì em mà chị hy sinh hạnh phúc của mình đâu. Mà là duyên nợ chưa tới đấy thôi. Người ta nói đủ nắng hoa sẽ nở. Nên em không cần áy náy bất cứ điều gì với chị. Chị sẽ hạnh phúc dù có ở một mình hay kết duyên cùng ai đi nữa. Em đừng lo cho chị nữa nhé! Em là em trai của chị. Chị phải có trách nhiệm thay cha mẹ chăm sóc em.”

 

Hạnh cũng vươn tay ôm lấy tấm lưng nhỏ bé của chị ứa nước mắt. Giọt nước mắt của niềm vui và hy vọng vào những điều tốt đẹp đang đến với người chị yêu quý của mình. Xuân nói ra điều này có nghĩa là cô đã bắt đầu nghĩ đến hạnh phúc của mình rồi. Hạnh thấy mừng cho chị và mừng cho cả bản thân mình nữa.

 

***

 

Ba ngày rồi không thấy chú Cường đến nhà mình, Hương đâm ra sốt ruột. Cứ buổi chiều sau khi đi làm về là cô lại ghé qua nhà bố mẹ trước chứ không về nhà. Không thấy chú Cường ở nhà mình cô vờ hỏi vu vơ mẹ:

 

“Mấy ngày hôm nay không thấy chú Cường mẹ nhỉ? Hay chú ý về Mỹ rồi?”

 

“Ông ấy chưa về đâu. Nghe bố mày nói ông ấy đang mê mẩn dưới cái làng nghề nào đó. Chắc còn lâu mới về.”

 

Bà Ngọc nêm nếm nồi canh cua vừa nói. Tuy nhà có giúp việc nhưng ông Ngà lại chỉ thích ăn những món do chính vợ nấu nên bà Ngọc hay đích thân nấu ăn cho chồng.

 

Nghe mẹ nói thế Hương hỏi tiếp:

 

“Làng nghề ư? Nghề gì hả mẹ? Mà chú ấy đi xuống chỗ nào?”

 

“Ai mà biết được. Mẹ chỉ nghe bố mày nói vậy thôi chứ không hỏi rõ.”

 

“Hay mẹ thử hỏi bố xem chú ấy ở khách sạn nào giùm con với!”

 

Bà Ngà nghe thấy con có vẻ tha thiết được biết chú Cường ở chỗ nào thì ngạc nhiên dừng lại nhìn con gái.

 

“Tại sao con lại muốn biết chỗ của ông ấy làm gì? Con có ý gì hả?”

 

Hương thấy cuống quá liền chống chế vội:

 

“Đâu có đâu. Con có việc muốn nhờ chú ấy giúp. Mà mấy ngày nay về nhà mình không gặp nên mới hỏi mẹ thôi.”

 

“Giúp việc gì?”

 

“Thì việc làm ăn ấy mà.”

 

“Việc làm ăn của nhà mình đâu có liên quan đến nghề nghiệp của chú ấy đâu.”

 

Bà Ngọc tỏ ra nghi ngờ.

 

“Thế mẹ không biết chú ấy là thiên tài trong kinh doanh à? Con muốn chú ấy tư vấn mấy chỗ. Mà mẹ không muốn thì thôi. Con không nhờ nữa.”

 

Hương tỏ ra giận dỗi mẹ.

 

“Được rồi. Để tí tối bố mày về mẹ hỏi cho.”

 

Bà Ngọc nghi ngờ con gái nhưng vẫn cái tính chiều chuộng con quen rồi nên hễ con đòi gì cái là bà đáp ứng liền.

 

“Cảm ơn mẹ yêu!”

 

Hương ôm cổ mẹ reo lên vui mừng.

 

“Thôi buông ra cho mẹ làm nào! Mày đừng có làm vớ vẩn nữa nhá!”

 

Bà Ngọc cảnh cáo con gái. là một người mẹ bà quá hiểu con gái mình. Bà biết Hương tìm chú Cường không chỉ vì công việc mà còn có vấn đề gì đó. Từ cái ngày đầu tiên hương gặp lại chú Cường đã thấy con bé có cái gì đó lạ lạ rồi. Với linh cảm của một người mẹ bà có thể cảm nhận được. Nhưng bà lại cố chối bỏ cái nghi ngờ trong lòng bà để thỏa hiệp với con gái.

 

Tối hôm đó bà Ngọc cũng rủ rỉ với chồng xin được địa chỉ khách sạn Cường ở đưa cho con gái.

 

Hương có được địa chỉ của chú Cường thì liền lập tức đánh xe ô tô đến tận khách sạn tìm anh. Nhưng cô lễ tân nói Cường đã đi từ sáng sớm rồi. Hương tìm không thấy người lại không có số điện thoại của chú Cường nên bực bội ra về. Chiều hôm ấy cô lại trở về nhà mẹ đẻ.

 

Vừa trông thấy mẹ cô đã vứt chiếc túi xách xuống ghế sofa rồi mệt mỏi ngồi xuống:

 

“Chú ấy đi đâu ấy con không gặp được.”

 

“Sao cơ? Ông ấy không có ở khách sạn à?”

 

“Không có. Nghe lễ tân nói chú ấy đi suốt đến tối mới về. Có hôm đi qua đêm mới về cơ. Không biết đi đâu mà kỹ thế!”

 

Giọng Hương nói vừa bực bội vừa có chút thất vọng.

 

Bà Ngọc thấy vậy liền an ủi con gái:

 

“Thôi để mẹ biểu bố mày gọi cho chú ấy xem thế nào. Chứ người ta về đây vì công việc nên đi suốt cũng phải.”

 

“Đi đâu cũng phải về khách sạn mà ngủ chứ! Không lẽ ngủ ở đâu rồi?”

 

Giọng điệu của Hường có chút ghen tuông dù cô ta chả là gì của chú Cường cả.

 

“Đàn ông mà. Tiện đâu thì ngủ đó. Không trách được.”

 

“Thế bố có bạ đâu ngủ đó đâu. Bố mà như vậy mẹ có bực không?”

 

Tự dưng Hương cáu gắt với mẹ.

 

“Ơ cái con bé này sao lại tự dưng to tiếng với mẹ vậy hả? Bố mày lại khác. Bố mày còn có mẹ có gia đình mà về. Chứ ông ấy ở một mình thì ngủ đâu mà chả được. Con đang nghĩ cái gì thế hả?”

 

Hương chột dạ sợ mẹ nghi ngờ liền dịu lại.

 

“Thì con… dù sao chú ấy cũng là bạn của bố. Lỡ chú ấy ngủ ở đâu có việc gì thì sao?”

 

Bà Ngọc lại nhìn con với ánh mắt nghi ngờ.

 

Nhưng Hương bây giờ cũng không để ý đến ánh mắt của mẹ nữa mà đang nghĩ về chú Cường của cô ta. Không biết chú ấy đi đâu và ngủ ở đâu? Đàn ông mà ngủ lang thì dễ hư đốn lắm!

 

“Mẹ! hay là mẹ hỏi bố số điện thoại của chú Cường dùm con với!”

 

Hương bất ngờ đề nghị mẹ mà không một chút suy nghĩ gì.

 

“Ơ cái con này? Tự dưng kêu mẹ xin số điện thoại của ông ấy. Chẳng phải bố mày lại nghĩ tao này nọ hay sao? Tao với ông ấy thì có chuyện gì mà xin số điện thoại của nhau?”

 

Hương nghe mẹ nói vậy thì suy nghĩ chốc lát.

 

“Mẹ nói thế cũng phải!”

 

“Hay mày tự mà xin bố đi!”

 

“Không được. Bố nhất định sẽ không cho con đâu. Con cũng đâu có lý do gì để xin số điện thoại của chú ấy chứ?”

 

“Chẳng phải mày nói có việc nhờ chú ấy còn gì?”

 

“Ờm thì…”

 

Hương ngập ngừng. Thực ra cô nói dối như vậy với bà Ngọc thì được vì bà chẳng biết gì đến công việc kinh doanh của gia đình. Nhưng nói như thế với ông Ngà thì hoàn toàn không. Bởi ông thừa biết công việc của hai người hoàn toàn khác nhau chả liên quan gì cả. Hương mà hỏi thì chắc chắn lộ ngay sơ hở nên cô không dám.

 

“Hay là mẹ nhân cơ hội nào bố không để ý mẹ lấy điện thoại của bố rồi tìm số của chú ấy cho con?”

 

Bà Ngà nghe con gái càng nói càng thấy nghi ngờ của mình là đúng.

 

“Này mẹ hỏi thật? Có phải mày có ý đồ gì với ông ấy phải không? Chứ không sao lại phải cứ lén lén lút lút thế hả?”

 

“Làm gì có mẹ!”

 

Hương cãi bay cãi biến.

 

“Mày đừng có giấu mẹ. Mẹ là mẹ sinh ra mày đấy!”

 

“Nếu mẹ thấy phiền quá thì thôi vậy!”

 

Hương lại giở trò giận dỗi. Bà Ngọc khẳng định đến 90% là Hương có vấn đề với ông Cường rồi. Nhưng trong thâm tâm bà cũng không quá khắt khe nên đành hứa với con.

 

“Được rồi. Có gì tối mẹ gọi lại cho.”

 

“Ôi! Con cảm ơn mẹ! Chỉ có mẹ là thương con nhất thôi!”

 

Hương nhảy chồm lên ôm cổ mẹ nũng nịu.

 

“Làm gì thì làm cũng phải nghĩ trước nghĩ sau đấy. Đừng có làm bậy làm bạ rồi mang tiếng ra. Bố mày á là trọng danh dự lắm đấy!”

 

Bà Ngọc nhắc nhở con gái.

 

“Con biết rồi mà mẹ. Mẹ thấy đấy từ trước đến giờ con có làm gì làm mất mặt gia đình mình đâu!”

 

Hương vâng dạ tỏ ra là một đứa con ngoan.

 

Bà Ngọc lườm con gái thở dài. Tuy là không đồng ý với những việc làm của con gái nhưng bà lại luôn luôn làm theo ý nó.

 

Tối hôm đó nhân lúc chồng ngủ say bà Ngọc mò dậy cầm điện thoại của chồng lục tìm danh bạ. Ông Ngà được cái là không có đặt mật khẩu điện thoại bởi ông cho rằng bà Ngọc đã lớn tuổi với lại cũng không rành về công nghệ thông tin nên chưa bao giờ đề phòng vợ. Hơn nữa ông cũng không phải là người đàn ông trăng hoa chỉ biết công việc mà thôi.

 

Đúng là bà Ngọc không rành điện thoại nên mò mãi vẫn không ra được số điện thoại của chú Cường. Bà không biết ông Ngà đặt tên cho chú Cường trong danh bạ là gì nên rất khó tìm. Thế là bà đành lén lút gọi điện cho con gái hỏi cách tìm.

 

Hương bày cho mẹ vào nhật ký cuộc gọi xem có người nào tên là bạn Cường hay gì đó cụ thể là có tên Cường là được. Bà Ngọc nghe theo lời con gái bấm vào cuộc gọi để tìm các số có tên Cường thì tìm được ba số. Một số ghi là Cường. Một số ghi là chú Cường. Còn một số thì ghi là bạn thân. Bà Ngọc ghi lại hai số điện thoại tên Cường rồi loay hoay thế nào lại bấm vào số điện thoại ghi là bạn thân. Bà hú hồn tắt ngay sau đó. May là không có ai nhấc máy. Bà đọc lại ba số điện thoại đã ghi cho con gái rồi bỏ lại chiếc điện

thoại của chồng về chỗ cũ leo lên giường. Tim vẫn còn đập thình thịch như kẻ kẻ trộm suýt nữa bị chủ nhà bắt gặp dù bà đang ở chính trong ngôi nhà của mình.