Chương 13
Chương 13:
Vân nhìn đồng hồ mới 8 giờ sáng. Chắc nhà người ta còn lâu mới về. Cô hỏi thằng Bi thích đi đâu, nó nói thích đi siêu thị mua đồ chơi. Vân mới sực nhớ ra, hình như cô chưa bao giờ đưa nó đi siêu thị thì phải. Tự dưng cô thấy mình là một người mẹ không có trách nhiệm với con. Thằng bé đã 5 tuổi đầu mà chưa một lần được mẹ dẫn đi siêu thị chơi. Có lẽ nó đã thèm muốn điều này từ lâu lắm mà không có dịp nói với mẹ. Cũng phải thôi, từ trước đến giờ cô nào có thời gian mà hỏi nó thích đi đâu hay làm gì.
Vân quyết định chở nó lên thị trấn, vào một siêu thị nhỏ mới mở. Chưa bao giờ nó được đi vào một nơi có nhiều thứ như thế này. Nó ồ lên sung sướng, chạy thẳng vào khu vui chơi của trẻ em. Vân mua vé cho nó, hai mẹ con đi vào khu nhà bóng. Thằng bé thích thú hò reo cùng đám trẻ. Nó như con cá bao lâu ngày bị mắc cạn được thả về nước vậy, vùng vẫy trong vui sướng.
Chơi được một tiếng đã thấm mệt, Vân dẫn con vào khu ăn uống ăn cho thoả thích. Xong vào khu mua đồ. Vân chọn cho con mấy bộ quần áo mới, rồi chọn luôn cả cho mẹ và bố. Vui quá nên mua hơi quá tay. Nhưng cô không tiếc tiền vì nhìn thấy ánh mắt tươi vui của con luôn hấp háy nhìn mẹ chỉ trỏ cái này đẹp, cái kia thích quá!
Mười một giờ trưa, Vân mới chở con về nhà.
Cô bảo con đứng ở cổng để mình nhìn vào trong nhà coi có ai không. Thấy trong nhà im im, cô mới dám dắt xe máy đi vào.
Bà Thoa đang bê mâm bát xuống bếp, thấy hai mẹ con Vân về liền lên tiếng nói lớn:
“Gớm! Đi đâu mà đi cả ngày vậy hả? Định để bà già này dọn hầu cho đúng không?”
“Con tưởng họ chưa về ạ.”
“Tưởng cái gì mà tưởng! Người ta đến chơi thì dăm ba mươi phút là về. Mày đi đâu mà dắt con đi một mạch vậy hả?”
Bà Thao đặt mâm bát phịch xuống sàn.
“Kệ bà ấy đi!” Ông Thanh vừa xỉa răng vừa nói: “Mẹ con con ăn chưa? Lấy bát mà ăn. Đang còn cơm canh đấy.”
“Mẹ con con ăn rồi bố ạ.”
Vân khẽ nói.
“Sướng nhỉ! Giờ còn biết đi ăn hàng ăn quán nữa đấy!”
Bà Thoa mỉa mai.
Vân biết tính mẹ nên không dám nói thêm câu nào. Cô lấy cái bọc đồ trên xe rồi đưa cho mẹ.
“Mẹ! Đây là bộ quần áo con mới mua ở siêu thị, mẹ thử coi có vừa không!”
Bà Thoa liếc qua bộ đồ đựng trong cái túi nilon màu trắng nguýt dài:
“Đã không có tiền còn bày vẽ ra. Tiền đó đưa tao mua đồ ăn thức uống tiêu pha có hơn không!”
“Bà! Con có lòng mua thì bà cứ nhận đi!” Ông Thanh can vợ.
“Tôi chả ham mấy cái của rẻ của ôi này! Cứ nghĩ đến nó là tôi lại không biết giấu mặt vào đâu cho đỡ nhục. Ai đời lấy chồng mới được ba bốn năm trời đã bị người ta tống cổ ra đường rồi dắt cả mẹ cả con về nhà mẹ đẻ ăn bám. May mà bên ấy họ chưa biết, chứ họ mà biết thì không biết sẽ khinh thường nhà mình đến mức nào! Cùng là con gái đấy! Nhưng ông xem, con Dung làm được những gì. Nó xinh đẹp giỏi giang, giờ lại lấy được chồng giàu sang, càng nghĩ càng thấy mát lòng mát dạ. Còn nó, cứ nhìn thấy bản mặt nó là tôi lại nẫu cả ruột gan ra. Thà không có còn hơn.”
“Mẹ!” Vân rớt nước mắt.
“Mẹ! Mẹ cái gì? Tao nói không đúng hay sao còn trân mắt ra mà nhìn!”
“Bà quá đáng nó vừa vừa chứ! Mỗi đứa một cảnh! Bà so sánh chị em nó làm gì?”
Ông Thanh quát vợ.
“Ông không biết dạy con thì im cái mồm đi để tôi dạy nó. Tôi phải nói để nó nhìn vào em nó mà biết phấn đấu. Chứ cứ để nó cứ ì ạch như vậy biết đến khi nào cho bằng người ta! Rồi có khi nó làm liên luỵ cả em gái nó ra. Bên kia người ta mà biết được con Dung có chị thế này có phải là nó mất đi tiếng nói trong nhà người ta không! Đã chả giúp được gì cho em cho út lại còn làm nó mang tiếng. Thà mày đi đâu cho khuất mặt khuất mày lại còn đỡ tức. Đằng này, cái mặt cứ chình ình như thế ai mà chả phải hỏi. Giấu được ngày một ngày hai chứ có giấu được cả đời đâu.”
Bà Thoa nói nhưng không nhìn thẳng vào mặt Vân. Ở bà có sự phân biệt rõ ràng giữa hai đứa con gái. Càng nghĩ về Dung bà lại càng khinh miệt đứa con gái trước mặt mình đây.
Vân không nói, nước mắt trào ra. Bà Thoa thấy thế lại càng ngứa con mắt:
“Mày chả làm được tích sự gì. Hơi tí là khóc! Mày trông con Dung đấy! Nó có bao giờ như mày không? Công việc ngập đầu, ngày nghỉ còn làm việc đến tận hai ba giờ đêm mới ngủ mà nó có bao giờ than thở khóc lóc không hả? Đúng là… Cái nòi giống nhà ai thế không biết?”
“Bà có thôi đi không?” Ông Thanh quát lớn.
Bà Thoa thấy chồng quát mình thì câng cái mặt lên thách thức:
“Ông động lòng hả? Hứ! Đúng là cha nào con nấy!”
“Bà… bà quá đáng lắm rồi!”
“Tôi quá đáng đấy thì ông làm gì tôi?”
“Bà đừng tưởng tôi không dám làm gì bà!”
Ông Thanh giơ cánh tay lên định đánh vợ thì bà Thoa đã kịp giơ sát cái mặt mình vào tay chồng:
“Muốn đánh tôi hả? Đây! Ông đánh đi! Giỏi thì đánh tôi đây này!”
“Bố! Con xin bố!” Vân thấy vậy liền kéo tay bố cầu xin.
“Mày tránh ra! Để tao coi ông ta dám làm gì tao!”
Bà Thoa cầm cánh tay còn lại của Vân hất ra khiến cô lảo đảo.
Thằng Bi thấy mẹ suýt ngã thì chạy lại kéo tay bà nó:
“Bà ngoại! Bà ngoại đừng đánh mẹ cháu!”
Bà Thoa nhìn thằng bé cháu lại càng thêm tức:
“Còn được mày nữa! tránh ra cho tao nhờ!”
Bà Thoa hất tay thằng Bi khiến nó ngã vào cái bình hoa trên bàn. Lọ hoa đổ lăn xuống bàn rồi vỡ tan.
Thằng Bi xanh mặt sợ hãi chạy ra chỗ khác thì vô tình giẫm vào một mảnh vỡ.
“Á… đau…”
Vân vội đứng dậy ôm lấy con. Nó co chân đưa lên cho mẹ nó coi.
Lòng bàn chân thằng Bi bị một cái mảnh sành cắm vào chảy máu. Hai tay Vân run run rút cái mảnh sành ra. Trái tim đau đớn như cả trăm ngàn vạn mảnh sành vừa đâm vào tim cô.
Ông Thanh vội vàng lấy ít thuốc lào trên bàn rịt vào chỗ vết thương cho cháu. Thằng bé xót nên khóc ré lên to hơn.
“Không sao đâu con! Tí nữa sẽ hết đau!”
Vân vừa nói, nước mắt vừa rơi, biết trách ai bây giờ.
Bà Thoa thấy cháu bị chảy máu thì có chút hối hận, đứng trân trân nhìn.
“Bà… Bà vừa lòng rồi chứ?”
Ông Thanh nhìn vợ trách.
“Ông đừng có mà đổ thừa cho tôi! Là do nó đi đứng không cẩn thận nên va vào! Các người vào phe bắt nạt tôi phải không?”
“Bố mẹ! Con xin hai người đừng cãi nhau nữa! Con chịu đựng hết nổi rồi!”
Vân bất ngờ nói lớn.
“Ai làm mày gì mà mày phải chịu đựng? Ngắm ở nhà này mà khổ quá thì dọn ra ngoài mà sống!”
Bà Thoa tự ái nói lớn.
“Vâng! Con sẽ dọn đi! Con sẽ không để mẹ phải nhục nhã vì đứa con gái này nữa!”
Vân vừa khóc vừa nói:
“Ngay trong ngày hôm nay! Mẹ con con sẽ đi! Mẹ sẽ không phải nhìn thấy cái mặt đáng ghét này của con nữa!”
Câu nói của Vân khiến cả bà Thoa và ông Thanh vô cùng kinh ngạc. Từ bé đến lớn, bà Thoa quen chửi mắng Vân rồi. Cũng không ít lần bà lên tiếng chửi rủa đuổi cô ra khỏi nhà nhưng cô chỉ biết khóc rồi lủi thủi trong xó nhà làm việc cho đến khi mẹ hết giận. Chưa bao giờ họ nghĩ Vân lại có ý định bỏ nhà đi.
“Vân! Con đang nói cái gì vậy? Con biết tính nết mẹ con rồi còn gì. Bà ấy ăn nói hổ mồm hổ miệng chứ không có ý gì đâu. Đừng có chấp bả?”
Ông Thanh vội khuyên can con gái.
“Gớm! Ông cứ để nó đi coi có dám đi không nào! Bố mẹ nói một câu thì tự ái. Cái loại đấy mà ra xã hội có mà bốc c. ăn vả!”
Bà Thoa thấy chồng can con gái thì càng được nước chửi con.
Vân nghe từng lời nói của mẹ dù đã quen rồi nhưng lần nào nghe cũng như hàng nghìn lằn roi quật lên những vết thương cũ.
Vân quá nhu nhược. Từ bé đến lớn cô chỉ biết chịu đựng những lời mắng nhiếc của mẹ. Thậm chí cả những trận đòn oan. Cô không dám nói vì có nói mẹ cô lại càng đánh tợn vì cho rằng cô hỗn, dám cãi lại mẹ. Thế là cô đành cắn răn cam chịu những trận đòn oan vô cớ của mẹ dù cô chẳng có lỗi gì. Dần dần nó như một thói quen. Bà Thoa nghiễm nhiên xem việc mắng chửi cô là bình thường, càng ngày càng ngoa ngoắt, thậm tệ.
Vân chịu đựng hết. Cho dù có lúc rất tủi thân, muốn mình biến mất khỏi thế giới này sau một đêm ngủ dậy. Nhưng cô không đủ can đảm. Cô không hiểu vì sao mình lại đối xử như vậy bởi chính mẹ ruột của mình. Nếu như đó là mẹ kế thì cô còn có lý do để căm thù. Nhưng đó lại là mẹ cô, là người đã mang nặng đẻ đau ra cô, cô không thể ghét mẹ, càng không thể căm thù mẹ mình.
Vân chịu đựng thành thói quen rồi trở thành tính cách. Cô trở thành một người phụ nữ cam chịu, nhu nhược từ lúc nào cũng không rõ nữa. Có lẽ cô sẽ còn chịu đựng như thế này mãi nếu như hôm nay thằng Bi không bị bà nó quài tay làm chảy máu chân. Nhìn con quằn quại đau đớn và sợ hãi, cô thấy mình là một người mẹ tồi, rất tồi! Bản thân mình còn không bảo vệ được thì còn mong bảo vệ ai nữa! Đứa con trai này của cô không thể như mẹ nó được! Nó không đáng bị như thế. Bao nhiêu lần, Vân nhìn thấy ánh mặt sợ hãi của nó khi gặp bà ngoại. Vân cứ tưởng thoát khỏi cảnh địa ngục ở nhà chồng, đem con về nhà mẹ đẻ sẽ được nương nhờ phần nào. Nhưng không! Hoàn toàn không! Vân không hề cảm thấy được hơi ấm nào từ nơi này, cái nơi mà cô đã được sinh ra và lớn lên. Hoá ra, nhà không phải lúc nào cũng là nơi để trở về.
Cú ngã và vết thương của con trai khiến Vân chợt tỉnh ngộ. Cô nhận ra nếu như cô cứ cam chịu, cố chấp ở cái nhà này thì không những mối quan hệ của cô và mẹ ngày càng xấu đi mà ngay cả tình cảm vợ chồng bố mẹ mình cũng sẽ bị liên lụy vì cô và hơn hết là những ám ảnh của thằng Bi về bà ngoại nó sẽ càng thêm tồi tệ.
“Mẹ! Con cảm ơn bố mẹ đã cưu mang mẹ con con thời gian qua! Con nghĩ kĩ rồi. Hai mẹ con con sẽ dọn ra ngoài sống. Bố mẹ cho con gửi nhờ cháu đến bây giờ là con đã biết ơn bố mẹ lắm rồi. Con đi lấy chồng đã không cho bố mẹ nhờ vả được gì rồi lại còn về làm phiền bố mẹ nữa. Bây giờ, thằng Bi đã lớn, con cũng có thể tự lập được. Con xin bố hãy chấp nhận! Mẹ! Con xin mẹ hãy chấp nhận cho con đi!”
“Mày muốn làm gì thì làm!”
Bà Thoa thảy tay, chửi con xong thì nguýt ngoả đứng dậy đi một mạch vào phòng mình, dửng dưng như thể mình chưa từng gây ra chuyện gì.