Chương 11

Chương 11:

 

Thằng Bi thấy xe ô tô đậu ở đầu ngõ thì thích thú chạy ra. Có mấy đứa trẻ ở nhà hàng xóm cũng đang xúm lại tò mò chỉ trỏ.

 

Bà Thoa sai Vân đun nước rồi lấy hoa quả các thứ ra đón tiếp Hồng Đăng. Gương mặt bà rạng rỡ nói cười tiếp chuyện chàng rể quý. Ông Thanh thì khá bình thản, không ghét cũng không thân mật.

 

Hồng Đăng thưa chuyện luôn với ông bà là Dung có thai rồi, nếu ông bà đồng ý thì chọn ngày để nhà anh sẽ đến dạm ngõ.

 

Chuyện này bà Thoa đã nghe Dung nói trước rồi. Nếu là Vân mà để có bầu trước thế này thì chắc chắn không yên với bà đâu. Nhưng đây lại là Dung, con gái yêu gái quý của bà. Cái gì Dung làm cũng có lý hết nên bà đương nhiên không phản đối.

 

Hồng Đăng thuận lợi được nhà Dung chấp nhận. Bà Thoa hẹn anh sẽ đi xem thầy để định ngày sẽ báo lại sau. Lúc ra về, bà Thoa đi ra trước để mở cổng cho con rể tương lai. Dung và Hồng Đăng theo sau.

 

Thấy thằng Bi và mấy đứa trẻ đang xúm vào chiếc ô tô ngoài ngõ, đứa thì sờ vào cốp, đứa sờ vào nắp capo, đứa thì tò mò nhìn qua cửa vào buồng lái… Bà Thoa quát lớn:

 

“Đi ra hết ngay! Chúng bay bu vào đó làm gì? Hỏng hết xe người ta thì sao? Mấy đứa trẻ ranh này!”

 

Vừa nói bà vừa kéo tay thằng bé cháu ngoại mình giật mạnh té ra xa chiếc xe ô tô.

 

Thằng bé mất thăng bằng chúi ngã về phía trước. Nó lồm cồm bò dậy ngay lập tức vì sợ bà nó chửi tiếp.

 

Dung và Hồng Đăng vừa ra đến nơi, bà Thoa đổi thái độ liền. Miệng cười tươi roi rói nói:

 

“Con về nhé! Nói với bố mẹ giúp bác. Hôm nào coi được ngày bác sẽ báo nhé!”

 

“Dạ vâng! Con biết rồi!” Hồng Đăng vui vẻ trả lời rồi ghé vào má Dung hôn chụt một cái, chẳng chút ngượng ngùng.

 

Dung hơi khó chịu né tránh nhưng không kịp.

 

“Thôi anh về nhanh kẻo tối!” Giọng Dung không mấy thoải mái.

 

“Vậy anh về nhé!” Nói rồi quay sang bà Thoa: “Con về nhé bác!”

 

“Ừm! Con về nhé!”

 

Bà Thoa vui vẻ nói. 

 

Hồng Đăng định hôn Dung một cái nữa thì Dung đã kịp né và nói:

 

“Thôi anh về đi!”

 

“Vậy cho em nợ đấy nhé! Hi hi!”

 

Hồng Đăng lên xe đi rồi, bà Thoa vẫn còn vui mừng vì thấy chàng rể này có vẻ như rất yêu con gái mình. Nếu như thấy con trai con gái làng mà đứng giữa đường giữa chợ hôn nhau như thế, thể nào bà cũng chửi đổng là con gái hư thân, mất nết rồi. Nhưng đây là là con gái vàng và chàng rể quý của mình nên đó sẽ trở thành tình yêu, một tình yêu đáng để người ta nhìn vào mà phát thèm.

 

***

Hồng Đăng nói chuyện với bố mẹ mình về chuyện cưới Dung. Ông bà chỉ có Hồng Đăng là con trai duy nhất nên rất mực cưng chiều. Chuyện gì anh ta muốn cũng nghe theo. Gần ba mươi tuổi, Hồng Đăng đã yêu cả chục cô rồi nhưng chưa lần nào nói về chuyện cưới xin cả. Vì vậy ông bà Thi cũng mong gặp mặt cô gái này lắm.

 

Hồng Đăng dẫn Dung về nhà. Căn nhà ba tầng to tướng nằm chẫm chệ giữa mặt đường lớn trung tâm thành phố. Đúng là nhà giàu có khác. Dung choáng ngợp khi nhìn thấy nó. Cả đời này Dung có gom góp cũng không thể có được cơ ngơi này.

 

Hồng Đăng cầm điều khiển mở cổng rồi tự lái xe vào. Hai người giúp việc chạy vào báo với ông bà Thi rồi chuẩn bị cơm nước.

 

Bà Thi nhìn Dung cũng khá hài lòng. Nghe nói Dung là con gái nông thôn mà mặt mày cũng sáng sủa, xinh đẹp lại có sự nghiệp vững vàng trên thành phố thì cũng ít có cô gái nào làm được lắm.

 

Sau khi hỏi qua mấy câu chào hỏi. Thấy Dung cũng khá cởi mở, Bà Thi muốn biết rõ hơn về gia cảnh nhà con dâu tương lai nên hỏi:

 

“Nhà cháu có mấy anh chị em?”

 

“Dạ! Bố mẹ cháu chỉ sinh được hai chị em gái ạ.”

 

“Thế à? Bố mẹ cháu kể cũng là người tân tiến đấy. Sinh hai đứa con gái là không sinh nữa. Bác thấy ở nông thôn suy nghĩ còn lạc hậu, chưa có con trai là họ sinh cho kỳ được, thành ra nhà nghèo mà lại đông con nên  cứ nghèo mãi là vậy đấy. Lấy tiền đâu mà cho con cái ăn học. Như thế hỏi làm sao mà đất nước mãi không giàu lên được.”

 

Bà Thi khá là hài lòng về cô con dâu này rồi. 

 

“Thế cháu có chị gái hay em gái?”

 

“Chị gái ạ.”

 

“Chắc chị gái cháu lấy chồng rồi nhỉ? Con gái nông thôn thường lấy chồng sớm!”

 

“Dạ… Vâng!” Dung nói khe khẽ.

 

“Thế chị gái cháu làm nghề gì?”

 

“À… Chị ấy làm việc ở Uỷ ban xã ạ.”

 

Dung nói giọng không mấy tự nhiên.

 

“Chắc là chồng cô ấy cũng là cán bộ luôn hả?”

 

“Dạ… À vâng! Chồng chị cháu làm công an xã.”

 

Dung hơi nóng mặt, người bắt đầu toát mồ hôi vì những câu hỏi quá sâu của gia đình người yêu và cũng vì phải tìm những câu trả lời cho hợp lý dù nó không phải là sự thật.

 

Bà Thi nhấp ngụm nước mát rồi nhìn Dung khen ngợi:

 

“Gia đình cháu kể ra cũng là gia đình tiến bộ ở nông thôn rồi đấy. Sinh được có hai cô con gái đã không sinh nữa, lại còn lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định thế này là rất giỏi đấy. Chứ bác thấy con gái nông thôn mười bảy mười tám đã bỏ học lấy chồng rồi. Chả có mấy người được như nhà cháu đâu.”

 

Dung hơi ngượng, mặt cô đo đỏ nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh. Tự dưng nói dối câu đầu thành ra phải nghĩ tiếp những câu sau cho hợp lý. 

 

Mới đầu cô cũng không nghĩ là mình sẽ nói dối gia cảnh nhà mình với nhà người yêu đâu. Nhưng khi bước chân vào nhà Hồng Đăng thấy quá choáng ngợp với cái gia thế này, nó quá chênh lệch với gia cảnh nhà cô nên cô đành phải phóng đại nó lên một chút. Hơn nữa, thấy bà Thi có vẻ coi thường người nhà quê, hở ra là lại nói con gái nông thôn này, con gái nông thôn nọ nên cô cũng muốn bà coi trọng gia cảnh nhà mình. Nếu như biết được chị gái cô chỉ là một cô công nhân quèn và bị chồng bỏ thì chắc chắn bà ta sẽ khinh thường nhà cô ra mặt. Thậm chí có thể không cho con trai bà cưới cô. Với gia thế này của Hồng Đăng thì không ít nhưng cô gái tình nguyện bước vào. Huống hồ, bây giờ cô lại đang mang trong mình cái thai của anh ta.

 

Cuộc ra mắt hai bên của cả Hồng Đăng và Dung đều thuận lợi. Họ đã hẹn được ngày dạm ngõ. Trước khi đến dạm ngõ, bà Thi ngỏ ý muốn đến thăm nhà Dung trước. Dung không có lý do để từ chối nên đành phải nhận lời.

 

Tối thứ 7, Dung nói với mẹ:

 

“Ngày mai họ sẽ đến thăm nhà mình trước. Chị Vân tạm thời mang thằng Bi tránh mặt đi.”

 

“Sao vậy?” Bà Thoa ngạc nhiên hỏi.

 

“Con đã lỡ nói dối chị Vân làm việc ở xã và có chồng làm công an. Con không nói chị ấy đã ly hôn. Mẹ nghĩ coi, nếu bên đó biết được con có chị gái đã ly hôn thì sẽ nghĩ về con như thế nào?”

 

“Ừ nhỉ! Thế mà mẹ không nghĩ ra. Dù sao nhà người ta cũng là người thành phố, lại có ăn có học đàng hoàng, toàn là người làm to không. Nếu nó biết nhà này có người bị chồng bỏ chắc chắn sẽ coi thường nhà mình cho coi.”

 

Bà Thoa nghĩ ngợi giây lát rồi nói với Vân:

 

“Sáng ngày mai hai mẹ con mày dẫn nhau đi đâu sớm sớm đi!”

 

“Mẹ!” Vân hoảng hốt kêu lên. Mắt cô đỏ hoe. Nhưng bà Thoa dường như chẳng để ý đến tâm trạng của con gái mình.

 

“Mà mấy giờ thì nhà ấy đến hả con?”

 

“Tầm tám chín giờ gì đó!” Dung thủng thẳng nói.

 

“Vậy thì mẹ con con Vân 7 giờ thì đi đi. Khỏi phải ăn sáng. Ra chợ mà ăn.”

 

Vân thấy mẹ mình chả thèm để tâm đến mình một chút nào. Có nói ra điều gì bây giờ bà lại chửi cho cái tội bị chồng bỏ rồi còn không biết điều nên khẽ cúi đầu nói trong tiếng nấc nghẹn:

 

“Vâng!”

 

Nói xong việc của mình, Dung vào phòng riêng làm việc. Bà Thao cũng đứng dậy đi luôn. Chỉ còn Vân ngồi ở bàn. Thằng Bi đi chơi với ông ngoài ngõ. Cô cố nén giọt nước mắt tủi hổ vào trong ngực mình, gìm chặt để nó không tuôn ra ngoài.

 

Sáng chủ nhật, 7 giờ, Vân đã nấu ăn sáng xong cho cả nhà. Nhưng thằng Bi vẫn chưa dậy. Vân thương con nên cố nới thêm chút thời gian để cho con không gọi dậy. Cô căn đến 6 giờ rưỡi mới gọi. Bình thường nó ngủ đến bảy tám giờ cơ. Hôm nay phải dậy sớm nên nó uể oải không muốn đứng dậy. Vân phải dỗ mãi, lấy khăn rửa mặt nó mới chịu ngồi dậy.

 

Cô lấy vội bát phở chan nước dùng dỗ con ăn. Thằng bé sau mươi phút ngái ngủ thì cũng tỉnh. Nó ăn được nửa bát thì bà Thoa dậy. Thấy con gái và cháu ngoại vẫn còn ở nhà thì hốt hoảng nói:

 

“Sao đến giờ còn chưa đi?”

 

“Dạ! Để con cho thằng Bi ăn nốt bát phở đã mẹ.”

 

“Ăn uống gì giờ này. Ra chợ kiếm đại cái gì mà ăn. Họ đến giờ này bây giờ!”

 

Bà cầm bát phở đang ăn dở của thằng Bi bỏ xuống bà rồi đẩy Vân ra khỏi ghế.

 

“Nhanh! Nhanh đi đi! Đi tí mà về!”

 

Thằng Bi đang ăn dở bị bà lấy mất bát phở thì khóc um lên.

 

“Không sao đâu con! Mình đi ra chợ rồi mẹ mua cho con bát khác!”

 

“Không! Con muốn ăn phở mẹ nấu cơ!” Thằng bé vừa nói vừa khócăn vạ.

 

“Lắm chuyện! Phở gì chả là phở!”

 

Vừa nói bà vừa ẩy vào lưng mẹ con Vân hối đi.

 

Thằng bé vì thấy mẹ kề bên nên khóc vòi vĩnh.

 

Ông Thanh thấy cháu khóc dưới nhà thì đi xuống hỏi:

 

“Có chuyện gì vậy?”

 

“Ông ơi! Bà đuổi cháu đi, không cho cháu ăn phở mẹ nấu.”

 

Thằng bé mếu máo mách ông nó.

 

“Cái thằng đểu cáng này! Mày còn bé tí mà ăn không nói có hả cái thằng kia? Tao đuổi mày hồi nào?”

 

Bà Thoa điên máu chửi cháu.

 

Vân thấy vậy vội bế con dỗ dành:

 

“Không! Bà không đuổi mẹ con mình đâu. Mẹ con mình đi chơi một lát thôi sẽ về mà con.”

 

“Mẹ con bà đang nói cái gì vậy?”

 

Ông Thanh càng nghe càng không hiểu vợ con mình đang nói gì. Chuyện tối hôm qua mấy mẹ con họ bàn nhau ông cũng không hề hay biết.

 

“Không phải chuyện của ông.” Bà Thoa gắt lên rồi hối hả quay sang Vân:

 

“Mẹ con mày đi đâu thì đi nhanh lên!”

 

“Đi đâu?”

 

“Con… Con mang cháu ra ngoài có việc tí bố ạ.”

 

Vân không muốn bố phải suy nghĩ với lại chạm miệng với mẹ mình nên đành phải nói dối bố. Họng cô nghẹn đắng mà đôi mắt vẫn cố ngăn giọt nước mắt đang trực trào ra.

Đọc tiếp chương 12 tại đây:  Chương 12